Phòng, chống lừa đảo mùa dịch bệnh

Thứ Bảy, 29/02/2020, 07:31
Thời gian qua, lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân trong dịch Covid-19, một số đối tượng đã lên mạng Internet và giăng bẫy chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của bị hại. Cùng lúc, các hacker cũng liên tục tạo ra virus máy tính, gửi email lừa đảo... nhằm chiếm đoạt tài khoản trực tuyến, phục vụ mục đích xấu.

Công an TP Hà Nội cảnh báo người dân ngoài việc bảo vệ sức khỏe, cần nâng cao cảnh giác trong mùa dịch...

Cả tỷ đồng “bay” theo khẩu trang “vịt trời”

Chưa bao giờ các loại khẩu trang y tế lại trở thành món hàng "hót hòn họt" như thời gian khoảng một tháng trở lại đây. Tại các cửa hàng thuốc, thiết bị y tế lẫn các trang thương mại điện tử, mặt hàng này luôn trong tình trạng "cháy hàng". Nắm được nhu cầu lớn của người dân, nhiều đối tượng đã lên mạng Internet tung thông tin bán khẩu trang y tế rồi dùng thủ đoạn chiếm đoạt tài sản của bị hại. Đã có đối tượng lừa được hơn nửa tỷ đồng.

Mới đây, cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy bắt giữ một "siêu lừa" bán khẩu trang. Đó là Nguyễn Văn Bắc (SN 1989, trú tại thị trấn Mậu A, Văn Yên, Yên Bái). Trước đó, ngày 9-2, Công an quận Cầu Giấy nhận được tin trình báo của chị Ngô Thị H.T (trú tại Nghĩa Tân, Cầu Giấy) về việc bị một đối tượng lừa đảo mua bán khẩu trang qua mạng xã hội Facebook.

Theo chị T., khoảng một tuần trước chị đã liên lạc với một đối tượng qua mạng Internet để hỏi mua khẩu trang. Lần đầu tiên chị nhận được một thùng như đúng cam kết. Cảm thấy giao dịch uy tín, chị T. đã đặt mua thêm 30 thùng khẩu trang từ đối tượng này. Bên bán yêu cầu chị T. phải chuyển trước 350 triệu đồng.

Lê Thị Liên tại cơ quan Công an.

Sau khi chị T. chuyển khoản, đối tượng lập tức rút toàn bộ số tiền và bỏ trốn. Chờ lâu không nhận được hàng, cũng không liên lạc được với đối tượng, chị T. đã đến Cơ quan công an trình báo.

Qua các biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan điều tra đã xác định đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền của chị T. là Nguyễn Văn Bắc. Ngày 11-2, trinh sát phát hiện và bắt giữ Nguyễn Văn Bắc khi người này đang lẩn trốn tại khu vực đường Hoàng Tăng Bí (phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Tại cơ quan Công an, Bắc khai nhận đã dùng tài khoản Facebook nhắn tin và gọi điện mời chào chị T. mua khẩu trang y tế với số lượng lớn. Toàn bộ số tiền lừa đảo đã bị Bắc nướng vào các sới bạc. Hiện, Cơ quan công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Bắc về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Một vụ lừa đảo bán khẩu trang gây xôn xao cư dân mạng khác là vụ do đối tượng Lê Thị Liên (SN 1992, trú tại xã Thọ Tân, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) gây ra. Lợi dụng khẩu trang là mặt hàng đang “hot”, Liên đã lên mạng xã hội rao với giá rẻ “giật mình” khiến nhiều người inbox hỏi mua. Ngoài ra, Liên còn sử dụng phần mềm chỉnh sửa ảnh đại diện thêm phần “long lanh” để dễ bán hàng.

Thấy Liên đăng có hàng bán giá cạnh tranh, chị L.T.M. (trú tại phường Ngọc Trạo, thành phố Thanh Hóa) liên lạc với Liên hỏi mua khẩu trang. Sau khi thống nhất giá cả, chị M. đã nhiều lần chuyển cho Liên tổng cộng gần 570 triệu đồng để mua 600 thùng khẩu trang y tế. Sau khi chuyển tiền, chị M. liên hệ rất nhiều lần nhưng Liên không chuyển khẩu trang như đã hứa.

Nhận được tin báo của bị hại, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa khẩn trương tiến hành điều tra và bắt giữ Lê Thị Liên. Tại cơ quan Công an, Liên khai do cần tiền tiêu xài cá nhân nên đã lập tài khoản Facebook mang tên "Vy Lê" có địa chỉ ở TP Đà Nẵng và đưa nội dung thông tin hiện đang có một số lượng lớn khẩu trang y tế cần bán của một nhà máy, ai cần mua bao nhiêu cũng có thể đáp ứng được.

Với thủ đoạn trên, Liên còn lừa đảo chiếm đoạt 38,8 triệu đồng của một số người ở TP Đà Nẵng và tỉnh Cao Bằng. Hiện, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố bị can đối với Liên.

Trước đó, Công an huyện Nghi Lộc (Nghệ An)nhận được đơn trình báo của chị Nguyễn Thị H. (trú tại TP Hà Nội) về việc bị mội đối tượng lừa mất nhiều triệu đồng khi mua bán khẩu trang.

Theo chị H., ngày 31-1, khi lên mạng xã hội, chị thấy một phụ nữ đăng tin bán khẩu trang y tế với giá rẻ hơn giá thị trường nên đặt mua 5 thùng để mang về gia đình sử dụng và làm từ thiện. Người bán yêu cầu chị H. đặt cọc 4,6 triệu đồng và chuyển vào tài khoản theo yêu cầu. Chị H. đồng ý. Tuy nhiên, nhận được tiền xong, người này tắt máy, khóa Facebook, không chuyển số khẩu trang theo yêu cầu.

Khẩn trương điều tra, Công an huyện Nghi Lộc phát hiện, bắt giữ đối tượng lừa đảo là Lê Thị Lan Na (SN 2001, trú tại xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) và thu giữ 2 thẻ ATM, 2 điện thoại di động, hơn 10 triệu đồng tiền mặt.

Đối tượng Lê Thị Lan Na (trái); Rao bán khẩu trang giá rẻ, đối tượng Nguyễn Văn Bắc đã lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Tại Cơ quan công an, Lê Thị Lan Na khai nhận, cô ta sử dụng 3 tài khoản Facebook giả mạo để bán hàng online gồm giày dép, quần áo, túi xách và gần đây là khẩu trang y tế giá rẻ vì mặt hàng này “sốt” do dịch Covid-19. Mỗi lần bán, Na yêu cầu đặt cọc, khách ít nhất 300 nghìn đồng, nhiều nhất 7 triệu đồng. Nhận được tiền, Na xóa tin nhắn và chặn tài khoản bị hại.

Từ tháng 2-2019 đến nay, Na cùng các đồng phạm thực hiện trót lọt trên 150 vụ lừa đảo với tổng số tiền chiếm đoạt hơn 200 triệu đồng. Hiện, Công an huyện Nghi Lộc tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

Theo Công an TP Hà Nội, hiện nay nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế ngày càng tăng, Cơ quan công an khuyến cáo người dân nên lựa chọn các cơ sở, cửa hàng được cấp phép, có uy tín để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ... Nếu mua hàng online, cần cảnh giác, tỉnh táo trước các thông tin trên mạng để tránh bị mắc lừa. Khi mua hàng, cần kiểm tra kỹ thông tin các tài khoản, lựa chọn địa chỉ uy tín, có công khai thông tin danh tính người bán rõ ràng, hình thức thanh toán minh bạch.

Nếu thấy thông tin không rõ ràng, mập mờ thì không thực hiện giao dịch. Hạn chế việc chuyển tiền trước để đặt cọc mua hàng mà không rõ thông tin về người bán. Đối với hàng hóa có giá trị cao, nên trực tiếp kiểm tra hàng trước khi đồng ý mua. Nếu không may là nạn nhân của các vụ lừa đảo, người dân nên đến Cơ quan công an để trình báo sự việc.

Mã độc, email lừa đảo núp dưới thông tin ngừa virus

Theo đại diện Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao công an TP Hà Nội, thời gian gần đây, xu hướng tin tặc sử dụng để tấn công thường bám theo những chủ đề truyền thông lớn, thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân. Trong tình hình thông tin dịch bệnh đang "nóng" như hiện nay, hoạt động cài mã độc trong các tài liệu về virus Corona có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Cũng theo Cơ quan công an, thời gian vừa qua, các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP đã phát hiện thông tin việc phát tán mã độc ẩn dưới các tập tài liệu liên quan đến virus Corona. Các mã độc này cho phép hacker làm hư hại, chỉnh sửa hoặc sao chép dữ liệu, thậm chí can thiệp vào hoạt động của máy tính hoặc mạng máy tính của người dùng.

Các chuyên gia thuộc công ty bảo mật Kaspersky dự báo số lượng mã độc được phát tán dựa trên thông tin về virus Corona sẽ ngày càng tăng cao do thông tin về virus này đang là chủ đề nóng hiện nay. Các tệp mã độc được ngụy trang dưới dạng tệp dữ liệu định dạng “pdf”, “mp4”, hoặc “docx” có chứa thông tin về virus Corona. Tên của tệp thường thể hiện nội dung liên quan đến hướng dẫn cách bảo vệ mọi người khỏi virus, cập nhật về các mối nguy hại và thậm chí là quy trình phát hiện virus Corona chủng mới.

Mã độc được ngụy trang dưới dạng tài liệu về virus Corona.

Trên thực tế, các tệp này chứa một loạt mã độc khả năng tự nhân bản, phá hủy, chặn, sửa đổi, sao chép dữ liệu, thậm chí can thiệp vào hoạt động của máy tính hoặc mạng máy tính của người dùng. Các đối tượng sẽ sử dụng thông tin này như mồi nhử để thực hiện hành vi phạm tội, phát tán mã độc dưới dạng tên: Worm.VBS.Dinihou.r; Trojan.WinLNK.Agent.gg; HEUR:Trojan.WinLNK.Agent.gen...

Để tránh trở thành nạn nhân của hacker, Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân tránh truy cập các liên kết nghi vấn liên quan tới virus Corona, trừ những thông tin được đăng tải bởi các cơ quan chính thống và từ những nguồn đáng tin cậy. Khi nhận được tập tin đính kèm, cần chú ý phần mở rộng của tập tin tải xuống, cẩn thận với những tài liệu và tệp video có định dạng “.exe” hoặc “.lnk”. Ngoài ra, người dùng nên chủ động trang bị những giải pháp bảo mật, cài đặt phần mềm diệt virus để tránh những mối đe dọa từ mã độc, nâng cao khả năng bảo vệ hệ thống thông tin trên mạng.

Trong một diễn biến khác, mới đây Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) đã gửi thông báo lưu ý khách hàng về thủ đoạn mới của kẻ gian giả mạo ngân hàng để chiếm đoạn thông tin tài khoản. Hiện, các thông tin cập nhật về dịch bệnh và cách phòng tránh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra thường xuyên được gửi tới khách hàng thông qua email, tin nhắn hoặc các ứng dụng mạng xã hội. Một số đối tượng đã lợi dụng hoạt động này để gửi email phát tán mã độc hoặc lừa người dùng cung cấp thông tin bằng email.

Các email, tin nhắn lừa đảo có tiêu đề và nội dung liên quan đến dịch Covid-19 và sau đó yêu cầu người dùng truy cập vào đường dẫn đính kèm trong email. Khi truy cập hoặc đơn giản chỉ mở email, tin nhắn, thiết bị của người dùng có khả năng cao bị mã độc xâm nhập và đánh cắp thông tin.

Một vài trường hợp khác, đối tượng yêu cầu người dùng cung cấp thông tin đăng nhập internet banking để chiếm đoạt tiền từ tài khoản.

Phía MSB lưu ý, các ngân hàng và tổ chức tín dụng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp mật khẩu trong bất kỳ trường hợp nào. Doanh nghiệp này cũng khuyến cáo khách hàng không mở email gửi đi từ những địa chỉ email lạ cũng như không truy cập, cung cấp thông tin ngân hàng điện tử bao gồm tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP hoặc truy cập vào đường dẫn lạ đính kèm trong email.

Bên cạnh đó, khách hàng cần xem kỹ mục đích sử dụng của mã OTP được đề cập trong tin nhắn trước khi nhập thông tin.

Chính phủ, doanh nghiệp Singapore cảnh báo lừa đảo trong mùa dịch

Chính phủ Singapore mới đây đã cảnh báo về một hình thức lừa đảo tài chính, lợi dụng sự sợ hãi của người dân khi dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh mẽ. Các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo dưới danh nghĩa phục vụ cho cuộc điều tra nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh - gần giống với biện pháp được chính phủ thực hiện. Những kẻ lừa đảo đã liên hệ với người dân để khai thác các thông tin tài chính, tín dụng của họ với lý do “truy tìm dấu vết” đối với những người có mối liên quan với các bệnh nhân bị nhiễm virus Corona.

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng tại Singapore cũng liên tục đưa ra lời cảnh báo khách hàng cảnh giác với hành vi lừa đảo trên. United Overseas Bank, một trong những ngân hàng lớn ở Singapore, đã gửi thông báo tới khách hàng của mình, đồng thời khuyến cáo người dùng không nên tiết lộ thông tin cá nhân đối với các cuộc gọi lạ.

Yên Chi
.
.