Sám hối muộn màng của “bầu” Kiên và các cựu lãnh đạo Ngân hàng ACB

Thứ Ba, 23/12/2014, 14:30
Khi vị Chủ tọa phiên tòa tuyên bố kết thúc phiên xử, bị cáo Kiên ngồi lặng ít giây như để tìm lại cảm giác thư thái sau 10 ngày mải “đấu lý” với Hội đồng xét xử nhưng không có kết quả. Trước khi chia tay vợ và người thân trong gia đình để về nơi thi hành án, bị cáo Kiên giơ cả hai tay chào tạm biệt với cảm giác khá thoải mái. Hành động của Kiên như lời gửi gắm tình cảm với người thân để hẹn ngày gặp lại.

Giọt nước mắt từ những người thân

Chiều 15/12, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã kết thúc phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm. Trước giờ tuyên án  khoảng nửa tiếng, lực lượng Cảnh sát Trại tạm giam T16 Bộ Công an đã đưa các bị cáo đến ngồi trước vành móng ngựa, thời điểm này bị cáo Kiên chưa xuất hiện. Trong phòng xử án lúc này có khá nhiều người thân trong gia đình của các bị cáo.

Dù đã 10 ngày các bị cáo và những người vợ, người thân giáp mặt nhau ở chốn công đường, nhưng lúc này, cái cảm giác gần để chia xa lại thể hiện rõ trong ánh mắt của các bị cáo và người bạn đời của họ. Bên cạnh vẻ mặt lo lắng của những người vợ là sự bồn chồn không kém từ những người con của các bị cáo. Không lo sao được khi mà tội trạng của họ đã rõ ràng đến vậy. Chứng kiến sự gặp gỡ ngắn ngủi của những người thân trong gia đình các bị cáo ở nơi sắp diễn ra phán quyết của công lý về tội trạng dành cho những người không may lầm đường lạc lối, chúng tôi có cảm giác như bao nỗi niềm sâu lắng trong họ phải cất giấu bấy lâu nay trực trào ra. Họ nhìn nhau bằng ánh mắt chứa chan yêu thương, họ trao gửi cho nhau bao điều cần nói chỉ bằng đôi mắt.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm nghe Tòa tuyên án.

Trong chính phút giây gần gũi này, những người đàn bà yếu đuối cứ ngồi nhìn chồng mà không kìm nén được cảm xúc, để mặc những giọt nước mắt nối nhau chảy trên khuôn mặt chất chứa vẻ lo âu. Nhìn người bạn đời của mình thể hiện cảm xúc mềm yếu trước chỗ đông người, các bị cáo lặng lẽ quay mặt đi hướng khác để tránh phải chứng kiến sự bi lụy của những người vợ mà họ rất mực yêu thương. Đúng 14 giờ, bị cáo Kiên mới được đưa vào phòng xử án. Với những bước đi chậm, bị cáo Kiên nhìn quanh trong phòng và ánh mắt dừng lại nơi người vợ Đặng Ngọc Lan cùng em gái là Nguyễn Thúy Hương ngồi lặng ở một góc phòng. Kiên khẽ mỉm cười như một cách trấn an vợ và em gái không nên lo lắng quá rồi bước nhanh đến vành móng ngựa ngồi cùng các đồng phạm.   

So với những phiên xử trước đó thì chiều 15/12, phiên tòa này đã vắng rất nhiều người. Ngoài bị án Huỳnh Thị Huyền Như đã được đưa vào TP HCM để phục vụ phiên tòa phúc thẩm xét xử Như và đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, phiên tòa còn vắng mặt đại diện nhiều cơ quan Nhà nước cũng như những người có quyền và nghĩa vụ liên quan từng có mặt trong những ngày trước đó. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến phần tuyên án. 14 giờ 15 phút, thay mặt Hội đồng xét xử, Thẩm phán Đặng Bảo Vĩnh, Chủ tọa phiên tòa đã công bố bản án phúc thẩm vụ án này.

Trong suốt thời gian gần hai tiếng rưỡi kể từ khi Tòa bắt đầu tuyên án cho đến lúc kết thúc phiên tòa, chúng tôi nhận thấy các bị cáo đều giữ được thái độ bình tĩnh và chăm chú nghe từng lời phán quyết của Hội đồng xét xử. Một điều mà hầu hết những người dự khán đều nhận thấy rõ là sắc mặt các bị cáo không thể hiện biểu cảm, đôi mắt tập trung hướng về phía Hội đồng xét xử như để cố gắng ghi nhớ từng lời trong bản án phúc thẩm này. Điều này dễ hiểu bởi trong cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bị cáo Kiên đều không thừa nhận cả bốn tội danh đã bị quy kết.

Trong khi đó, đồng phạm của Kiên là Lý Xuân Hải thì vừa nhận sai, vừa đề nghị Tòa phúc thẩm xem xét lại hành vi phạm tội của mình. Bốn đồng phạm khác của Nguyễn Đức Kiên là: Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang và Huỳnh Quang Tuấn, nguyên là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và Thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB lại giữ nguyên được sự bình thản khi nghe Tòa tuyên án. Lý do để 4 bị cáo này giữ được sự bình thản đến vậy vì họ đều ý thức được hành vi phạm tội của họ đã gây ra trong vụ án này. Vậy nên ngay từ đơn kháng cáo, cả 4 bị cáo này đều thừa nhận đã phạm tội như án sơ thẩm quy kết, họ chỉ xin Tòa phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt, hoặc cho hưởng án treo để sớm có cơ hội hòa nhập cộng đồng và sửa chữa tội lỗi.

Không có cơ sở để xem xét kháng cáo, giảm nhẹ hình phạt với “bầu” Kiên

Sau khi phân tích, đánh giá quá trình phạm tội của bị cáo Kiên và đồng phạm, Hội đồng xét xử xác định: "Bị cáo Kiên giữ vai trò chủ mưu, chủ đạo thực hiện các hành vi phạm tội trong vụ án này. Bởi Kiên tuy không tham gia Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB nhưng lại giữ vai trò rất quan trọng trong việc điều hành mọi hoạt động của ngân hàng này. Vì thế, bản án sơ thẩm quy kết bị cáo Kiên và đồng phạm phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Trong phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Kiên cũng không có tài liệu và lời khai gì mới, quá trình xét xử lại không thành khẩn nên không có cơ sở giảm nhẹ hình phạt".

Giây phút tình cảm giữa bị cáo Kiên và vợ khi phiên tòa kết thúc.

Ngoài việc xác định bị cáo Kiên giữ vai trò chính khi cùng đồng phạm thực hiện hành vi cố ý làm trái, Hội đồng xét xử cũng xác định, việc Tòa sơ thẩm quy kết bị cáo Kiên phạm 3 tội: kinh doanh trái phép, trốn thuế và lừa đảo chiếm đoạt tài sản là không oan nên không có cơ sở để xem xét kháng cáo, giảm nhẹ hình phạt.

Với phán quyết trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Kiên 20 tháng tù về tội kinh doanh trái phép; 6 năm tù về tội trốn thuế; 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 18 năm tù về cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Hình phạt chung cho cả 4 tội là 30 năm tù giam. Ngoài hình phạt tù, Hội đồng xét xử còn buộc bị cáo Kiên phải thi hành hình phạt bổ sung nộp 75 tỉ đồng về hành vi trốn thuế và 100 triệu đồng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đối với các bị cáo phạm tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Lê Vũ Kỳ 4 năm tù (án sơ thẩm 5 năm tù); Phạm Trung Cang 3 năm tù; Trịnh Kim Quang 4 năm tù; Lý Xuân Hải 8 năm tù và Huỳnh Quang Tuấn 2 năm tù. Ngoài hình phạt tù, Hội đồng xét xử còn phạt các bị cáo cấm đảm nhiệm chức vụ về quản lý trong lĩnh vực ngân hàng 5 năm sau khi mãn hạn tù.

So với phiên tòa sơ thẩm thì Nguyễn Đức Kiên đã không còn thể hiện thái độ "ngông" vốn có. Kiên vẫn bảo mình là người học luật, hiểu biết nhiều về thương trường, vậy thì có lẽ hơn ai hết, ông ta hiểu rõ nhất mình đã phạm những tội gì để chuẩn bị tâm lý đón nhận hình phạt cho mình. Pháp luật dù nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân đạo, trong đó bản thân Kiên và người vợ của Kiên cũng đã được hưởng sự nhân đạo ấy. Với Kiên là cả 4 tội danh đều được Tòa xử dưới khung hình phạt.

Còn với vợ Kiên là bà Đặng Ngọc Lan đã không bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm với chồng về tội trốn thuế. Mong rằng, trong thời gian thi hành án, bị án Nguyễn Đức Kiên nhận thức rõ sai lầm để tập trung cải tạo tốt mới hy vọng được giảm án phạt tù trước thời hạn, về đoàn tụ với người thân. Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra với những người lầm lỗi biết sửa chữa lỗi lầm.

Nguyễn Hưng
.
.