Sớm làm rõ những sai phạm của Alibaba

Thứ Ba, 09/07/2019, 16:44
Ngày 3-7, Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã gửi giấy triệu tập ông Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty địa ốc Alibaba đến trụ sở để làm việc liên quan đến những phát ngôn xúc phạm Công an xã và Chủ tịch xã trên mạng xã hội hôm 17-6.

Hành vi này diễn ra sau vụ UBND xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, tổ chức cưỡng chế trả lại nguyên trạng dự án đất phân lô bán nền, chưa được cấp phép do Công ty địa ốc Alibaba là "nhà phân phối" vào ngày 13-6.

Xúc phạm cá nhân, tổ chức

Ngày 4-7, ông Nguyễn Thái Luyện đã đến làm việc với cơ quan Công an Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT). Tại buổi làm việc ông Luyện không xin lỗi Công an xã Tóc Tiên mà ngay sau đó còn đăng đàn giải thích về những phát ngôn của ông trên mạng xã hội. 

Ông Luyện cho rằng, video mà ông đã nói những câu xúc phạm bị tung lên mạng đã bị cắt cúp. "Bản thân tôi xem cũng không có thiện cảm với đoạn clip đó, nên tôi xin lỗi lực lượng chức năng. Còn những người có hành vi côn đồ phải chịu trách nhiệm về việc họ làm sai", ông Luyện nói.

Nguyễn Huỳnh Tú Trinh hô hào nhân viên cản trở cưỡng chế.

Trước đó, ngày 26-6 ông Thân Đăng Phong, Chủ tịch UBND xã Tóc Tiên đã có đơn kiến nghị lên Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh BR-VT, Công an tỉnh cùng các đơn vị liên quan liên quan đến những phát ngôn của ông Luyện. 

Ông trình bày: "Những phát ngôn của ông Luyện, liên quan đến những vấn đề xử lý vi phạm hành chính của địa phương và những phát ngôn miệt thị công an xã, chủ tịch xã nêu trên đã vi phạm pháp luật, làm mất uy tín, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự cá nhân tôi nói riêng cũng như của cơ quan nhà nước nói chung".

Lòng tham tiếp tay sai phạm

Ngày 28-6, Bộ Công an đã làm việc với Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT), Công an TX Phú Mỹ để nắm rõ vụ án "gây rối trật tự công cộng" và "cố ý làm hư hỏng tài sản", xảy ra tại "dự án ma" ở xã Tóc Tiên do Công ty CP địa ốc Alibaba phân phối nền. Trước đó, Bộ Công an cũng làm việc với các cơ quan chức năng Đồng Nai để nắm tình hình các "dự án" liên quan đến Công ty CP địa ốc Alibaba.

Một lãnh đạo của Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh BR-VT, cho biết qua làm việc với bà Nguyễn Huỳnh Tú Trinh, người được Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (có trụ sở tại đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP HCM) ủy quyền và đối chiếu hồ sơ địa chính, cơ quan công an xác định Alibaba đã triển khai 7/8 "dự án" tại thị xã Phú Mỹ. 

Bà Trinh cũng cho biết, Alibaba có "hợp tác" với một số doanh nghiệp để "phân phối", "chuyển quyền sử dụng đất" tại 7 "dự án". Qua đó, Alibaba đã nhận "góp vốn đầu tư" của hàng ngàn khách hàng với hơn 3.000 nền đất, thu về số tiền hơn 700 tỉ đồng.

Nhưng vì sao biết Alibaba có nhiều "điều tiếng" với nhiều dự án ở một số tỉnh thành mà các khách hàng vẫn bỏ tiền đầu tư vào những dự án chưa được cấp phép như vậy? Tại sao họ lại thu hút được một lực lượng lên đến gần 3.000 người và "trung thành" với nhau đến vậy?

Thực ra, phương thức kinh doanh của Alibaba là một hình thức huy động vốn. Đây là hình thức "góp vốn đầu tư" dựa trên mô hình Ponzi (được đặt theo tên Charles Ponzi, người đã nổi tiếng với việc áp dụng mô hình này trong những năm đầu thế kỷ 20) - vay tiền của người này để trả nợ người khác. Kẻ đi vay đưa ra cam kết trả lợi tức cao để hấp dẫn người cho vay. 

Người cho vay bị hấp dẫn bởi lợi tức cao nên đã giới thiệu những người cho vay mới hơn. Khởi nghiệp kinh doanh hợp pháp, nhưng nếu không đạt được lợi nhuận kỳ vọng, nó sẽ dễ trở thành hành vi gian lận.

Alibaba đã kêu gọi khách hàng góp vốn, mua đất nền, ngay cả trên những dự án chưa được cấp phép, đất nông nghiệp. Họ tự làm đường, phân lô rồi rao mời "góp vốn đi, bây giờ chưa có giấy tờ nên rẻ, vài bữa xong giấy tờ giá sẽ tăng gấp 10 lần". 

Thấy "chiếc bánh vẽ" lớn như vậy khách hàng không đắn đo, đóng tiền mua nền đất. Họ còn "hứa" nếu không hoàn thành việc bàn giao sổ đỏ hoặc khách hàng muốn bán lại thì Alibaba sẽ chi trả tiền gốc và lãi suất khoảng 12-15% cho 6 tháng hoặc 28-35%/năm. "Chi tiền thu mua dự án" quá ngon ăn vì không có đất thì vẫn được lợi nhuận gấp 4-5 lần so với lãi suất ngân hàng. Thế là dự án ảo được bán nhanh chóng và mô hình đa cấp ra đời.

Để có tiền trả cho khách, Alibaba dùng chiêu trò "dùng mỡ nó rán nó". Do đó, dù phần lớn dự án của Alibaba là không có thật, và công ty này cũng không sở hữu những dự án đó nhưng vẫn có hàng nghìn khách hàng "xuống tiền" ký hợp đồng. Khi "quả bóng" bất động sản nổ tung, hoặc khi chính quyền vào cuộc, lúc đó khách hàng sẽ đổ xô đến đòi lại tiền, và cái kết thấy trước là sự sụp đổ. Hậu quả là những nhà đầu tư cuối phải gánh và xã hội bất an.

Cần xử lý nghiêm

Trên website của mình, Alibaba công bố đang mở bán rất nhiều dự án. Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, một loạt dự án khu đô thị Alibaba Tân Thành (BR-VT), Alibaba Long Phước 1 và Alibaba Long Phước 14 (Đồng Nai) đều không phải do Alibaba làm chủ đầu tư. Đây đều là những dự án chưa được phê duyệt, đất dự án này vẫn là đất nông nghiệp và chủ sở hữu thực sự của những mảnh đất này là những cá nhân. Như vậy, việc những dự án Alibaba công bố bán thực tế là không có thật.

Những hợp đồng mà công ty này ký kết với khách hàng không phải là hợp đồng mua bán đất đai thông thường mà là hợp đồng "hợp tác đầu tư".  

Trước đây, UBND tỉnh Đồng Nai từng kiến nghị điều tra Công ty Alibaba, nhưng chính một lãnh đạo tỉnh này thừa nhận việc mua bán đất của Alibaba với khách hàng thực hiện theo hình thức ký hợp đồng vi bằng, hợp đồng góp vốn nên các cơ quan quản lý gặp khó khăn trong việc ngăn chặn và xử lý vi phạm. Khi người mua nền đất của Alibaba gửi đơn tố cáo đến cơ quan điều tra, Alibaba trả ngay tiền vốn và tiền lời theo hợp đồng cho khách hàng, người tố cáo rút đơn.

Trước những hoạt động nhiều phần khuất tất của Alibaba, cơ quan Công an cần sớm làm rõ hành vi vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể có liên quan.

PV
.
.