Tên trộm thế kỷ sa lưới vì... viết sách

Thứ Sáu, 16/03/2018, 08:14
Chuyện tưởng chỉ có trong điện ảnh Hollywood thế nhưng lại là một câu chuyện vừa diễn ra ở Pháp. Mới đây, Tòa án thành phố Marseille đã mở phiên xét xử một “bố già” 74 tuổi, quản lý một tiểu đế chế bất động sản, nhà hàng, vũ trường tại Marseille.

Vụ việc sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như người bị đưa ra xét xử, Jacques Cassandri, không ra quyển sách “Sự thật về vụ trộm tại Nice”, một vụ trộm tiền nổi tiếng tại chi nhánh ngân hàng Société Générale ở Nice xảy ra cách nay hơn 40 năm.

Ngân hàng Société Générale ở Nice, nơi xảy ra vụ trộm thế kỷ năm 1976. Ảnh: AFP.

Vụ trộm thế kỷ

Ngày 17-7-1976, cả nước Pháp tá hỏa khi hàng trăm hòm tiền trong ngân hàng Société Générale nằm ở Đại lộ Jean-Médecin, thành phố Nice đã “không cánh mà bay”. Tổng số tiền bị trộm khi đó lên tới gần 50 triệu francs, tương đương với 29 triệu euro hiện nay. Quá trình điều tra ban đầu xác định được bọn tội phạm đã sử dụng đường cống ngầm để đột nhập vào ngân hàng, một cách làm tinh vi thời bấy giờ.

Thẩm phán Richard Bouaziz, người thụ lý vụ án ngày đó, kể lại, để thực hiện vụ trộm, nhóm tội phạm đã chui xuống cống ngầm trong thành phố, cách ngân hàng Société Générale khoảng 3km. Sau khi tiếp cận gần tới vị trí ngân hàng, bọn chúng tiến hành đào một đường hầm riêng dài 8m, rộng 1,8m tới tận bức tường bê tông sát với kho tiền trong ngân hàng. Bọn chúng đào hầm liên tục trong gần 3 tháng, sáng đào, đêm mang đất đi đổ.

Ngày 16-7-1976 là thời điểm “gặt lúa” của bọn tội phạm. Chỉ trong 2 ngày, những tên trộm siêu đẳng đã vác ra khỏi ngân hàng hơn 300 hòm tiền bằng chính con đường độc đạo dưới lòng đất. Trước khi bỏ đi, bọn chúng còn để lại dòng chữ “Không vũ khí, không bạo lực và không thù hằn”, bằng phấn trắng trên tường.

Vụ trộm đã gây chấn động cả nước Pháp không chỉ bởi số tiền bị đánh cắp quá lớn mà còn bởi cách làm táo tợn của bọn tội phạm. Cảnh sát Pháp lập tức được huy động tối đa để tìm kiếm thủ phạm. Mặc dù xác định thủ phạm phải là một nhóm người, song trên thực tế chỉ có duy nhất một tên Jean Megozzi bị kết án tù.

Theo hồ sơ của cảnh sát, sau khi tiến hành điều tra, thẩm vấn một số người liên quan, cơ quan chức năng đã bắt giữ Jean Megozzi. Từ lời khai của tên này, cảnh sát xác định, Albert Spaggiari là kẻ chủ mưu vụ trộm.  Tháng 10-1976, cảnh sát đã bắt giữ Albert Spaggiari tại sân bay Nice khi vừa từ Nhật Bản trở về. Khám xét nhà của y, cảnh sát thu được 6 triệu lire (tiền Italy) và vũ khí. Thế nhưng, ngồi tù chưa được 5 tháng thì Albert đã đào thoát.

Albert Spaggiari (giữa).

Theo AFP, ngày 10-3-1977, Albert Spaggiari được dẫn giải tới tòa ở Nice. Trong khi các thẩm phán đang tiến hành tố tụng thì bất ngờ Albert Spaggiari nhảy qua cửa sổ và trốn thoát với sự hỗ trợ của một người đi xe máy bên ngoài.

Albert Spaggiari không phải là một tên trộm bình thường. Quá khứ của người này khá oai hùng. Albert Spaggiari từng là một phi công nhảy dù ở Đông Dương, thành viên tổ chức mật vụ (OAS) có quan hệ với cả tướng De Gaulle. Điều đáng nói là, sau khi xảy ra vụ trộm, Albert Spaggiari đã tới Miami (Mỹ) và gặp một số nhân vật của CIA.  Tự giới thiệu mình là chủ mưu vụ trộm ở Nice, Albert Spaggiari cho biết, ông ta có thể tiến hành các vụ đột nhập tương tự vào trụ sở đảng Cộng sản Pháp ở Paris.

Trong suốt 12 năm lẩn trốn, Albert Spaggiari đã từng sống ở Brazil, Tây Ban Nha, Italy. Trong ngày đó, Albert Spaggiari luôn trách móc đồng bọn không trả tiền cho anh ta. Năm 1979, Tòa án Marseille tuyên án tù chung thân vắng mặt đối với Albert Spaggiari. Năm 1986, Albert bị ốm nặng, muốn công bố vụ trộm với báo chí hòng kiếm chút tiền, song dường như chẳng mấy ai quan tâm. Đến ngày 8-6-1989, Albert Spaggiari chết vì ung thư vòm họng trong trang trại Belluno ở Italy, mang theo bí mật về vụ trộm thế kỷ.

Kể từ sau vụ trộm thế kỷ năm 1976, nước Pháp sau đó cũng phải hứng chịu một loạt vụ trộm khác, tinh vi hơn và thiệt hại cũng nặng nề hơn. Điển hình là vụ một băng chuyên nghiệp đã đào một đường hầm vào nơi cất giữ đồ quý của Ngân hàng Credit Lyonnais và khoắng sạch mọi thứ.

Vụ trộm, được mệnh danh là "vụ án thế kỷ", diễn ra vào tối 27-3-2010. Bọn trộm bắt đầu đào từ một cái hầm ở bên cạnh ngân hàng trước khi dùng cuốc chim và thiết bị xây dựng để chọc thủng bức tường dày và đột nhập vào hầm để đồ của chi nhánh ngân hàng Credit Lyonnais, gần Nhà hát Lớn tại trung tâm Paris. Ngay khi vào được bên trong tòa nhà của Credit Lyonnais, vốn đang được đóng cửa để tu sửa, bọn trộm đã trói người bảo vệ và dọa bắn chết người này nếu không ngồi yên.

Hai ngày sau vụ trộm, cảnh sát phát hiện bình khí ô xy dưới một cống ngầm gần ngân hàng. Ảnh: AFP.

Bọn trộm đã mất khoảng 9 tiếng, từ 10 giờ tối 27-3 tới 7 giờ sáng 28-3, để trộm đồ và phóng hỏa hiện trường khi rút đi. Tổng số tiền mà bọn chúng lấy đi khoảng 24 triệu euro.

Cuốn sách hé lộ những khoảng tối

Nhẽ ra, vụ trộm thế kỷ năm 1976 có thể được khép lại sau cái chết của Albert Spaggiari. Thế nhưng, có người lại muốn đào xới nó lên bằng chính cuốn sách “Le vérité sur le casse de Nice” (Sự thật về vụ trộm ở Nice) do Nhà xuất bản Les Petits matins phát hành năm 2010. Tác giả cuốn sách là Amigo, một cái tên khá xa lạ với độc giả.

Trong cuốn sách, dưới bút danh là Amigo, tác giả đã miêu tả tường tận làm cách nào ông ta và đồng bọn đào được đoạn đường hầm dài 8 mét để tiếp cận với phòng để két tiền của Ngân hàng Société Générale qua ngả các đường ống cống của thành phố. Tác giả còn khẳng định, chủ mưu vụ trộm chính là ông ta và “Le Gros”, bạn của ông.

Chính Amigo còn tự nhận chính ông là người để lại tin nhắn nổi tiếng lúc bấy giờ: “Không vũ khí, không bạo lực và không thù hằn”. Với những tình tiết mới này, Albert Spaggiari, lúc bấy giờ được ví như là tay trộm siêu đẳng xuống hàng thứ yếu, chỉ là người cung cấp thiết bị vật tư.

Bìa cuốn sách “La vérité sur le casse de Nice”.

Ngay lập tức, cuốn sách đã rơi vào tầm ngắm của cảnh sát. “Thật khó có thể tưởng tượng được một cuốn sách lại như nói chi tiết về một vụ trộm”, cảnh sát trưởng thành phố Nice thốt lên. Một chiến dịch truy tìm tác giả Amigo lập tức được mở ra. Không khó khăn với cảnh sát khi họ làm việc với nhà xuất bản để xác định ai là người gửi bản thảo cũng như tính xác thực của cuốn sách. Đó chính là Jacques Cassandri, một “bố già” ở Nice.

Sa lưới vì phút nổi hứng kiêu ngạo

Jacques Cassandri, năm nay 74 tuổi, là một “bố già” khét tiếng ở Nice. Tên này đã từng tham gia vào các vụ buôn bán ma túy xuyên quốc gia những năm 1970 của thế kỷ trước. Jacques Cassandri từng là thành viên của nhóm French Connection, chuyên vận chuyển ma túy từ Nam Mỹ vào châu Âu. Năm 1994, ông ta bị kết án tù 4 năm với tội danh tàng trữ và buôn bán ma túy. Sau khi ra tù, Jacques Cassandri cho đàn em hoành hành ở các khu phố của Nice.

Từ một người “tay trắng”, ông trùm Jacques Cassandri hiện sở hữu hàng chục mảnh đất, căn hộ, hộp đêm, trang sức... Cuộc sống xa hoa không lý giải được của bố già “bố già” Jacques Cassandri đã rơi vào tầm ngắm của cảnh sát song họ không tìm ra được bằng chứng để kết tội y.

Ông trùm Jacques Cassandri, một trong ba thủ phạm gây ra vụ trộm. Ảnh: AFP.


Trong khi còn đang bối rối chưa biết ứng phó thế nào trước các hành động ngang tàng của “bố già” Jacques Cassandri, việc “bố già” cho xuất bản cuốn sách “Le vérité sur le casse de Nice” năm 2010 chẳng khác nào món quà quý giá. Theo AFP, sau khi xác định Amigo chính là Jacques Cassandri, cảnh sát đã tiến hành câu lưu ông trùm. Sau nhiều lần phủ nhận không liên can đến vụ án, đến năm 2011, trong một lần bị câu lưu, J. Cassandri đã thú nhận là ông một trong số những người đào hầm năm đó.

“Tôi là một trong số thủ phạm trong vụ trộm này nhưng tôi muốn giữ im lặng về những gì liên quan đến người khác. Tôi nghĩ là phần tôi, tôi có khoảng 2 triệu franc. Tôi đã tiêu hết một cách chóng vánh”, Jacques Cassandri khai. Ông trùm lý giải rằng, việc cho ra đời cuốn sách là một “nghĩa cử hào hiệp” của ông đối với một người bạn quá cố.

Theo lời thuật của luật sư Monneret, “ông ấy viết sách chỉ vì muốn tiền tác quyền được đổ cho người vợ góa của một bằng hữu bị bắn hạ vào năm 1987”.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, sau 40 năm ung dung tự tại xây dựng đế chế của mình, Jacques Cassandri đã bị dính án chỉ vì “một phút nổi hứng kiêu ngạo” nhằm khẳng định rằng mình mới thật sự là người lên kế hoạch “vụ trộm siêu thế kỷ” chứ không phải như những gì “tên trộm lịch lãm” Albert Spaggiari đã cho thấy.

Đành rằng vụ án đã được xếp lại, song theo luật sư Monneret, những tình tiết trong tập sách không thể dùng làm bằng chứng để kết tội Jacques Casandri, nhưng hành động rửa tiền đánh cắp là một hành động phạm pháp kéo dài và tư pháp vẫn có thể đưa ra xét xử nếu như tội danh được nhìn nhận, cho dù nhiều thập niên đã trôi qua.

Ngày 12-2-2018, Tòa án Marseille miền nam nước Pháp đã tuyên án 5 năm tù đối với ông trùm Jacques Cassandri. Tuy nhiên, ông trùm sẽ còn phải ra tòa trong một vụ án khác với cáo buộc hối lộ, mua bán trái phép lô đất ở đảo Corse.

Yên Phúc
.
.