Thông tin mới về vụ án "gián điệp nguyên tử Rosenberg"

Thứ Sáu, 22/08/2008, 10:30
Giới chuyên gia và báo chí Mỹ đang nóng lòng chờ đợi quyết định của Chính phủ Mỹ sẽ giải mật lời khai của 36 nhân chứng tại phiên tòa xét xử vợ chồng Julius và Ethel Rosenberg, những người đã bị Mỹ tử hình vào năm 1953 vì tội hoạt động gián điệp cho Liên Xô. Tuy nhiên, Tòa án liên bang Manhattan đã quyết định giữ lại không công bố những lời khai từ người anh của Ethel là David Greenglass.

Với nhiều giả thuyết cho rằng, chính David là kẻ đóng vai trò chính đưa em gái mình lên ghế điện, những lời khai của ông ta hiện đang thu hút được sự quan tâm đặc biệt nhất của các nhà nghiên cứu lịch sử, những người từ nhiều năm nay đã yêu cầu chính quyền Mỹ phải cho công bố những tài liệu trên…

Có thể nói, phiên tòa xét xử vợ chồng Rosenberg và những nỗ lực sau đó nhằm xin giảm án tử hình (cả  Tổng thống Pháp Charles de Gaulle và  nhà vật lý đoạt giải Nobel Albert Ernstein đều đã đề nghị lên Chính phủ Mỹ xin ân xá cho họ) có thể coi là một trong những vụ việc tiêu biểu nhất của thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Cho tới thời đại ngày nay, câu chuyện của nhà Rosenberg vẫn được nhìn nhận chẳng khác gì một bộ phim hấp dẫn không lỗi thời của Hollywood về đề tài gián điệp: những điệp viên Xôviết gốc Do Thái trẻ tuổi; những bản vẽ tuyệt mật về bom hạt nhân, người anh ruột ra làm chứng chống lại em gái và vụ hành hình tại nhà tù Sing-Sing v.v...

Tuy nhiên, những chi tiết được mọi người thực sự quan tâm chính là những sự kiện lịch sử trên thực tế, những chi tiết chủ yếu của vụ án mà chỉ có một vài nhân viên Cục Điều tra liên bang (FBI) trực tiếp tham gia biết đến. Trong khi cả Julius và Ethel Rosenberg đều đã không thừa nhận tội cho tới những giờ phút cuối cùng của đời mình.

Trong thực tế, cả hai “gián điệp nguyên tử” nổi tiếng này đều chưa một lần nào đặt chân tới Liên Xô. Julius Rosenberg được những người cùng thời mô tả như một thanh niên trẻ với thế giới quan độc đáo – một mặt là tín đồ rất say mê đạo Do Thái, một mặt là những quan điểm của chủ nghĩa xã hội.

Cũng chính vì điều này, Julius đã bị sa thải khỏi quân đội với lý do là một đảng viên đảng Cộng sản – vốn bị chính quyền Mỹ xếp vào loại tổ chức chống đối phá hoại. Cần biết là vào thời điểm đó, những công dân Mỹ nào có những quan điểm chính trị theo chủ nghĩa cộng sản không chỉ bị loại khỏi lực lượng vũ trang, mà còn bị tước bất cứ một cương vị quan chức nhà nước nào.

Sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh, đạo luật vô lý trên mới lần lượt được bãi bỏ tại tất cả các bang của nước Mỹ. California vừa mới trở thành bang cuối cùng của nước Mỹ cấm sa thải nhân viên vì những quan điểm cộng sản vào... tháng 5 vừa qua. 

Sau khi bị sa thải khỏi vị trí kỹ sư liên lạc trong quân đội, chàng thanh niên 26 tuổi Julius Rosenberg quyết định lập nghiệp riêng với sự giúp đỡ của hai người anh bên vợ là David và Bernard Greenglass.

Hiện quan điểm của các nhà nghiên cứu lịch sử vẫn còn nhiều bất đồng về những gì đã diễn ra tại nhà Rosenberg trong giai đoạn 1945-1950. Có thông tin cho rằng, Julius luôn nung nấu dự định phải giúp đỡ nước Nga. Để đạt được mục đích này, vợ chồng Rosenberg đã lôi kéo người anh vợ David Greenglass, lúc đó đang làm việc tại một căn cứ bí mật ở Los-Alamos, chính là nơi Robert Oppenheimer đã nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử cho nước Mỹ.

Còn theo một giả thuyết khác, chính David đã cộng tác với các điệp viên Xôviết tại Mỹ, còn Julius và Ethel Rosenberg tình nguyện cùng gia nhập vào hoạt động trên với anh ta. Nhưng dù trong bất cứ trường hợp nào, vợ chồng Rosenberg cũng không hề nhận một đồng thù lao nào từ phía Liên Xô, khác hẳn với David Greenglass – kẻ đã được họ giúp đỡ gửi về Liên Xô nhiều bản sao các tài liệu và bản vẽ tuyệt mật về chương trình bom nguyên tử của Mỹ.

Manh mối ban đầu để FBI lần ra vợ chồng Rosenberg bắt đầu từ kiều dân gốc Đức Klaus Fuchs. Là một chuyên gia về vật lý, Fuchs có khả năng tiếp cận với nhiều tài liệu bí mật và đã bị kết án 14 năm tù vì tội cung cấp chúng cho Liên Xô.

Năm 1950, một cộng sự của ông này là chuyên gia hóa học Harry Gold từ Philadelphia đã bị bắt giữ, và trong quá trình bị thẩm vấn đã khai nhận có một số tài liệu mật từ Greenglass. Tất nhiên, nhân vật tiếp sau đó bị bắt chính là David Greenglass.

Nhưng thậm chí đã hơn một nửa thế kỷ đã trôi qua, David vẫn không đồng ý cho công bố những lời khai của ông ta sau khi bị bắt. Mọi người chỉ biết chắc rằng, chính những lời khai của David đã đủ cho các nhà chức trách Mỹ thắt chặt sợi dây thòng lọng buộc tội âm mưu hoạt động gián điệp cho vợ chồng Rosenberg.

Chẳng hạn như có một thông tin cho biết, David đã khai rằng, cô em gái mình đã in lại những báo cáo bí mật gửi về Moskva trên chiếc máy in “Remington”. Nhưng đến năm 2000, chính ông ta thừa nhận đã đưa ra nhiều lời khai giả dưới áp lực của trợ lý công tố viên Roy Cohn (người về sau trở thành trợ lý của Thượng nghị sĩ McCarthy) để cứu lấy mạng sống của mình.

Còn người đã in lại những tài liệu mật trên thì David khẳng định không còn nhớ được. Cần biết là vào thời điểm đó, cô vợ Ruth của David cũng khai nhận về hoạt động của vợ chồng nhà Rosenberg chỉ với mục đích muốn giúp chồng mình.

Nhiều người trong cuộc còn cho rằng, chính Julius Rosenberg cũng có khả năng tự cứu lấy mình. Theo họ kể lại, vào thời điểm vợ chồng Rosenberg chuẩn bị lên ghế điện, họ đã nhận được một cú điện thoại đặc biệt theo đường dây nội bộ.

Từ trước đó, cả hai vợ chồng đã nhiều lần được hứa hẹn rằng, nếu họ thừa nhận tội hoạt động gián điệp, bản án tử hình sẽ được thay thế bằng tù chung thân. Tuy nhiên, cả Julius và Ethel đều không chịu tận dụng khả năng này.

Những thư từ trao đổi giữa hai người đều cho thấy, họ bằng mọi giá không muốn đưa ra lời khai giả dù để cứu cả những đứa con của chính mình. Kết cục là bản án tử hình đã được thi hành vào ngày 19/6/1953.

Dù chưa thể xác định chắc chắn vai trò của vợ chồng Rosenberg trong chiến dịch săn lùng thông tin về bom nguyên tử của tình báo Xôviết, nhưng chí ít hai vợ chồng gốc Do Thái trẻ tuổi này đã được nhìn nhận tại Liên Xô như một tấm gương trung thành với lý tưởng xã hội chủ nghĩa.

Trong hồi ký của Nikita Khrutsev còn ghi lại những lời nói của Stalin rất muốn cứu giúp vợ chồng nhà Rosenberg. Trái bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô đã được thử nghiệm thành công vào tháng 8/1949. Sau đó, giới khoa học Mỹ khẳng định rằng, nếu không có hoạt động tình báo của vợ chồng Rosenberg, vụ thử này có thể phải chậm đi ít nhất 3 năm.

David Greenglass về sau chỉ phải thụ án có 10 năm tù. Ông ta vẫn sống tại Mỹ với một cái tên giả cho tới thời điểm hiện tại (đã 86 tuổi). Một vài năm trước, David vẫn khăng khăng rằng, không hề cảm thấy lương tâm cắn rứt vì những lời khai giả đã đưa cô em gái lên ghế điện.

Ngược lại, Ethel đáng ra phải noi gương ông ta đổ hết trách nhiệm cho chồng khi khai rằng, mình chỉ bị lợi dụng trong chiến dịch tình báo này. Người vợ Ruth Greenglass của David vừa mới qua đời vào tháng 4 vừa qua ở tuổi 84.

Cũng như chồng mình, bà ta đã phải sống những năm tháng còn lại với một cái tên giả. Còn hai cậu con trai Michael và Robert của vợ chồng Rosenberg được nhà Meerpols nhận làm con nuôi.

Năm 1975, cả hai cùng cha mẹ nuôi cho công bố cuốn sách có tên “We are your sons” với nhiều chi tiết về cuộc đời cha mẹ mình, sau đó còn thành lập một quỹ giúp đỡ con cái của các tù nhân chính trị hiện vẫn hoạt động cho tới tận ngày nay

Thái Quân (tổng hợp)
.
.