Thủ phạm vụ ám sát Kennedy bị thôi miên khi gây án?

Thứ Tư, 16/03/2005, 07:26

Thượng nghị sĩ Robert Kennedy, ứng cử viên sáng giá của đảng Dân chủ vào chiếc ghế tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 1968 -1972, bị ám sát cách đây đã gần 37 năm. Tuy nhiên, những nghi vấn quanh vụ án này chưa bao giờ khép lại. Mới đây nhiều tình tiết xảy ra vào đêm định mệnh 5/8/1968 tại khách sạn Ambassador ở Los Angeles lại một lần nữa được xới lên.

Từ cuốn sách vừa được ấn hành của tác giả Peter Evans với những chứng cứ mới khẳng định rằng Sirhan, người đang phải ngồi tù với tội danh mưu sát Thượng nghị sĩ Kennedy, đã bị người ta thôi miên để gây án, các nhà báo cùng nhiều nhân vật nổi tiếng đang tiến hành một cuộc vận động gây áp lực đòi chính quyền phải xử lại vụ này.

Luật sư của Sirhan là ông Larry Titer cũng đã gửi đơn lên Tòa án Tối cao Los Angeles để ngăn chặn việc phá dỡ phòng căngtin của khách sạn Ambassador, nơi xảy ra án mạng. Theo ông Titer thì những vết đạn trên các bức tường và trần nhà ở căngtin ấy là bằng chứng quan trọng cho thấy Kennedy không bị trúng đạn từ khẩu súng của Sirhan.

Evans và Larry Titer đều cho rằng, người ta đã chọn Sirhan - một thanh niên người Palestine - là để làm bình phong cho vụ này. Theo Evans và Larry Titer thì Sirhan tuy có bắn mấy phát nhưng không một viên đạn nào trúng Kennedy. Án mạng thực ra được thực thi bởi một tay súng chuyên nghiệp. Kẻ này đã mau chóng tẩu thoát và để Sirhan lại như một kẻ bị tình nghi duy nhất.

Ngôi sao điện ảnh Robert Won, bạn thân của Robert Kennedy, đã gửi cuốn sách của Evans cho Sirhan và các luật sư của anh. Trong thư gửi Sirhan, Won viết: “Tôi nghĩ rằng cuốn sách này có thể làm cơ sở cho việc kháng án của anh vì ở đây có nhiều thông tin mới ủng hộ tuyên bố của anh rằng, anh đã nổ súng trong tình trạng bị thôi miên. Những bằng chứng có sức thuyết phục về phương thức tiến hành vụ ám sát lần đầu tiên cũng được đề cập trong cuốn sách này. Có thể nói với anh rằng, tôi cũng như nhiều nhân vật uy tín trong giới truyền thông Mỹ đều tin vào những điều mà Evans tố cáo và sẵn lòng ủng hộ cuộc điều tra mới trên toàn Liên bang”. 

Robert Kennedy, trưởng tộc của dòng họ Kennedy danh tiếng, sau khi giành thắng lợi thuyết phục trong cuộc bầu cử sơ bộ ở California đã tới phòng Đại sứ của khách sạn Ambassador đêm 5/8/1968 để cảm ơn những người ủng hộ mình. Sau đó ông cùng vợ, các cố vấn và một số nhân viên khách sạn đi sang phòng Thuộc địa (ở một phía khác của khách sạn) để dự buổi họp báo. Con đường chạy theo những hành lang phụ đưa họ đến một căngtin nhỏ. Từ sau chiếc tủ ngăn, một thanh niên gầy gò, nước da ngăm ngăm, tay bưng khay tiến lại gần Kennedy. Anh ta nâng khẩu súng lục cỡ 22 lên và bóp cò. Anh bắn nhiều phát, làm bị thương 5 người nữa trước khi bị những người hộ tống Kennedy đè xuống chiếc bàn ăn trong lúc chờ cảnh sát đến.

Ngày 17/4/1969, sau 64 ngày bàn thảo, hội đồng xét xử gồm 12 thành viên đã đi đến kết luận: Sirhan “một mình, không câu kết với ai” đã phạm tội giết người và bị lãnh án tử hình. Tuy nhiên, sau đó Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã quyết định giảm án xuống mức tù chung thân. Vụ án đã khép lại khi còn nhiều điều chưa sáng tỏ.

“Sirhan không giết Kennedy - Titer, người đã đâm đơn đòi giữ lại hiện trường để phục vụ cho việc thẩm tra sau này, nói - Anh ta chỉ là tên tốt đen bị thí mạng để kẻ gây án tẩu thoát. Anh ta không tham gia vào vụ mưu sát này một cách có ý thức và không biết điều gì đang xảy ra. Anh ta đứng ở vị trí ngoài phạm vi có thể nổ súng giết Kennedy. Anh ta không có tội”.

Tuy không biết chắc ai là người đã thực hiện việc thôi miên Sirhan khiến anh ta phạm tội, nhưng Titer khẳng định rằng điều này nằm trong chương trình của Chính phủ Mỹ, do CIA soạn thảo. Còn Evans thì tuyên bố người đã thôi miên Sirhan chính là William Joseph Braian, một nhân vật từng tham gia trong chương trình Mkultra của CIA. Theo Evans, chính nhà thôi miên này đã “cố vấn kỹ thuật” cho “chiếc bình phong” Sirhan thực thi vụ ám sát.

Một điều tra viên trong vụ Sirhan bộc bạch với Evans rằng, họ rất khó tái tạo một bức tranh chính xác về vụ án này bởi vì suốt 3 tháng sau đó là thời kỳ sương mù dày đặc bao trùm Los Angeles.

Năm 1978, người ta tìm thấy xác Braian trong một phòng khách sạn ở Las Vegas. Ông ta tự tử hay bị giết? Điều này đến nay vẫn còn là một ẩn số.

Evans chia sẻ quan điểm với Titer rằng Sirhan không thể giết Kennedy. “Anh ta đã bắn nhiều phát nhưng những vết đạn trên tường không xuất phát từ họng súng của anh ta. Đáng tiếc là một số vật chứng đã bị chính cảnh sát Los Angeles xóa bỏ gần như ngay tức khắc sau đó”.

Những gì mà Phil Elwell, một người từng làm bồi bàn ở khách sạn Ambassador thời đó kể lại cũng củng cố thêm cho giả thuyết Sirhan không phải là thủ phạm giết người. Phil nhớ lại rằng, một đồng nghiệp của ông tên là Karl Uker đã lao ra nắm lấy cổ tay Sirhan. Và mặc dù Sirhan đã nổ súng nhưng Karl nói rằng không một viên đạn nào nhắm trúng Kennedy. Trong các cuộc thẩm vấn sau này, Karl cũng nhiều lần nói đến điều này nhưng không được cảnh sát lưu tâm.

Tuy nhiên, Evans và Titer lại không đồng quan điểm khi nói về động cơ vụ mưu sát. “Vụ này do CIA, FBI và cảnh sát Los Angeles sắp đặt nhằm đưa người của đảng Cộng hòa vào Nhà Trắng để có thể tiếp tục cuộc chiến tranh ở Việt Nam - Titer tuyên bố -  Nếu còn sống và ra tranh cử thì Robert Kennedy rất có khả năng trở thành tổng thống mà ‘những thế lực ngầm’ thì lại không muốn đảng Dân chủ tồn tại thêm ở Nhà Trắng...”.

Còn Evans lại đưa ra những bằng chứng cho thấy vụ ám sát được tổ chức bởi trùm khủng bố Palestine Makhmud Khamsary. Theo Evans thì Khamsary đã làm điều này vì tiền của Aristotel Onasis, chủ Hãng Hàng không Olympic Airlines, người vốn thù ghét Robert Kennedy từ lâu vì Kennedy đã làm hỏng một hợp đồng lớn mà Onasis định ký kết ở Arập Xêút. Ngoài ra, Kennedy còn dan díu với Jackie, cựu đệ nhất phu nhân Mỹ, lúc này đang là hôn thê của Onasis, trong thời gian đến tranh cử ở California.

Cũng theo Evans, Braian là chỗ thân quen với cả Khamsary và Onasis vì đã từng chữa bệnh cho cả hai người này. Dẫn lời cô Helen Galle, tình nhân của Onasis trước đây, Evans còn chỉ ra rằng Onasis là một kẻ ghen tuông đến mức có thể sát hại cả người mình yêu. Titer thì cười nhạo những điều Evans đưa ra và gọi cuốn sách của ông này là một thứ  “Opera xà phòng”.

Khách sạn Ambassador đã 6 lần chứng kiến lễ trao giải Oscar và từng được nhiều nhân vật danh tiếng chọn làm nơi lưu trú. Tuy nhiên, ngay sau vụ ám sát Thượng nghị  sĩ Kennedy, khách sạn này đã đánh mất vầng hào quang của mình và thậm chí còn bị coi như chết hẳn cùng với Robert Kennedy. Kinh doanh ngày một lụn bại, Ambassador đã buộc phải đóng cửa hẳn vào ngày 3/1/1989. Đồ đạc ở đây đã được đem bán đấu giá vào năm 1990 nhưng không ai muốn mua.

Chính quyền Los Angeles đang muốn dỡ bỏ khách sạn Ambassador và xây dựng tại đây một trường học mới nhưng Hội Bảo vệ di sản lại đấu tranh đòi giữ lại khách sạn này vì giá trị kiến trúc cũng như ý nghĩa lịch sử  của nó. Gia đình Kennedy thì phản đối ý định bảo tồn khách sạn và cho rằng một trường học mới là sự tưởng nhớ tốt nhất đối với Robert Kennedy.

Trong khi chờ đợi quyết định về đơn kiện của Titer, một nhóm các nhà sử học đã được thành lập để xem xét có thể bảo vệ phòng căng tin với những vết đạn đáng ngờ kia một cách nguyên vẹn khi chuyển nó đến một địa điểm khác hay là nên phá bỏ nó cùng cả tòa nhà

Minh Ngọc (Tổng hợp)
.
.