Tỉnh táo với những cái tên như Alibaba
- Tạm giam hai nhân viên Công ty cổ phần địa ốc Alibaba
- Điều tra dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty Alibaba
1. Ngày 22-6, Công an thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã bắt tạm giam Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (24 tuổi, quê Tiền Giang) và Trần Quốc Tĩnh (24 tuổi, quê Quảng Nam) về hành vi "Cố ý làm hư hỏng tài sản".
Trước đó, ngày 13-6, khi UBND xã Tóc Tiên (thị xã Phú Mỹ) tổ chức cưỡng chế dự án bất động sản trái phép. Khi xe múc đang phá dỡ các con đường trải nhựa thì Nguyễn Huỳnh Tú Trinh và hàng chục người mặc đồng phục Tập đoàn địa ốc Alibaba kéo đến la hét, chống đối việc cưỡng chế, đập phá, làm hư hỏng xe cuốc do chính quyền điều đến dẹp dự án bất động sản "ma".
Làm việc với cơ quan công an, Nguyễn Huỳnh Tú Trinh và Trần Quốc Tĩnh khai nhận mình là nhân viên của Công ty "Địa ốc Alibaba" (trụ sở tại TP Hồ Chí Minh), trong đó Trinh phụ trách mảng pháp luật của công ty. Tiến hành cưỡng chế, đoàn cưỡng chế đã giải thích rõ nhiệm vụ của đoàn, tháo dỡ công trình xây dựng đường trái phép và yêu cầu đám đông chấp hành, nhưng đám đông vẫn cương quyết cản trở, chống đối.
Trong đó, Nguyễn Huỳnh Tú Trinh hô hào, chỉ đạo nhân viên Alibaba đập phá chiếc xe xúc của đoàn cưỡng chế. Theo chỉ đạo của Trinh, Trần Quốc Tĩnh và một số người lấy gạch đá đập phá làm hư hỏng xe...
Lực lượng chức năng phải tăng cường để giữ trật tự, đồng thời đưa Trinh, Tĩnh cùng những người chống đối nói trên về trụ sở Công an Thị xã Phú Mỹ làm việc. Tại cơ quan công an, những người chống đối khai nhận việc tụ tập "cản trở đoàn cưỡng chế là làm theo sự chỉ đạo của Alibaba".
Tĩnh thành khẩn khai báo về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản là do sự chỉ đạo của Nguyễn Huỳnh Tú Trinh. Tú Trinh cũng thừa nhận hành vi đã chỉ đạo, kêu người đến đập xe cuốc, nhưng cho rằng "đó là bảo vệ tài sản công dân", đồng thời từ chối trình bày những vấn đề, nội dung liên quan đến việc chỉ đạo của Alibaba.
Dự án “ma” sau khi bị cưỡng chế trả lại nguyên trạng tại xã Tóc Tiên. |
Chưa hết, ngày 16-6, hàng chục người, vẫn mặc áo đồng phục có dòng chữ "Tập đoàn địa ốc Alibaba", kéo đến cổng Công an thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) kêu gọi công an thả người.
Liên quan đến vụ việc nêu trên, nhiều luật sư cho rằng, nếu với mục đích gây áp lực, hành vi của Nguyễn Huỳnh Tú Trinh và một số người khác là vi phạm pháp luật: Gây rối trật tự công cộng và Cố ý làm hư hỏng tài sản, sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị phạt tù…
2. Theo chính quyền địa phương, khu đất nơi xảy ra vụ việc do ông Nguyễn Thái Lực (ngụ quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) đứng tên sử dụng là đất nông nghiệp, rộng 8.000m2. Từ tháng 1-2019, khu đất trên được san lấp, làm hạ tầng đường giao thông, vỉa hè bên trong. Việc này đã bị UBND xã Tóc Tiên lập biên bản, ra quyết định xử phạt về hành vi "chuyển mục đích sử dụng đất trái phép" và buộc khôi phục hiện trạng. Tuy nhiên, chủ đất không chấp hành nên ngày 13-6, UBND xã Tóc Tiên thực hiện cưỡng chế và xảy ra vụ việc như trên.
Thị xã Phú Mỹ hiện có 113 dự án lớn nhỏ, hàng trăm ha đất nông nghiệp bị phân lô bán nền trái phép. Trong đó, nhiều đất nông nghiệp được bán dưới danh nghĩa khu dân cư Alibaba. Chính quyền treo biển cảnh báo dự án “ma" khắp nơi nhưng việc phân lô bán nền vẫn diễn ra rầm rộ. Mỗi lô đất có giá vài trăm đến hàng tỉ đồng.
Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ, ông Nguyễn Văn Thắm, cho biết, tình trạng này diễn ra khi cơn sốt đất lan đến Bà Rịa - Vũng Tàu gần hai năm nay. Chính quyền sẽ xử lý các cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất không đúng mục đích. Tiến hành cưỡng chế, trả lại hiện trạng ban đầu và sẽ xem xét trách nhiệm của những người đứng đầu các địa phương để xảy ra tình trạng này.
Cách khu đất bị UBND xã Tóc Tiên cưỡng chế không xa (200m) là khu đất có diện tích khoảng 24.500 m2 do ông Nguyễn Ngọc Sự làm chủ sở hữu. Khu đất này thuộc xã Châu Pha, được chủ sở hữu thay đổi mục đích sử dụng. Đây là khu dân cư chưa được chính quyền công nhận, cấp phép, còn được gọi là "dự án ma", hay khu dân cư "lụi", được làm đường nhựa, phân lô, trồng trụ điện. Mặt tiền dự án có một nhà tiền chế bằng khung sắt, tường bê tông và kính cường lực rộng hơn 500m2. Trước nhà có tảng đá lớn ghi dòng chữ "Địa ốc Alibaba - Dự án khu dân cư Alibaba Tân Thành".
UBND thị xã Phú Mỹ, UBND xã Châu Pha đã nhiều lần kiểm tra, lập biên bản vi phạm đối với công trình này. Ngoài nhà tiền chế còn nhiều căn nhà mẫu, hằng ngày, có hàng chục người mặc áo dòng chữ "Tập đoàn địa ốc Alibaba" giới thiệu, bán đất nền cho khách.
Hiện dự án này đã được Công ty Alibaba đổ đất, cát phủ lên những con đường nội bộ theo yêu cầu của chính quyền địa phương, trả lại nguyên trạng ban đầu. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, dường như chưa có dấu hiệu ngưng dự án vì công ty này vẫn duy trì một "lực lượng nhân viên hùng hậu" và vẫn tiếp tục dựng nhà tiền chế phía trong của khu đất.
Biển cảnh báo cẩn thận với dự án ‘ma” của UBND xã Tóc Tiên và xã Châu Pha, Thị xã Phú Mỹ. |
UBND thị xã Phú Mỹ từng nhiều lần ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Ngọc Sự về hành vi chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật không có giấy phép xây dựng, lập biên bản vi phạm và thu giữ nhiều giàn giáo, phương tiện thi công trái phép cùng quyết định buộc tháo dỡ công trình vi phạm. Tuy nhiên các quyết định trên vẫn chưa được thực hiện.
Trước mỗi "dự án", cả hai xã Tóc Tiên và Châu Pha đều cho dựng 2 tấm bảng lớn đề nghị các cá nhân, tổ chức hãy cảnh giác với các "dự án ma". Vậy nhưng vẫn có nhiều người phớt lờ cảnh báo của chính quyền địa phương, đổ tiền của vào những dự án không có trong quy hoạch này.
3. Thực tế việc bán dự án "ảo" này diễn ra không chỉ ở Bà Rịa - Vũng Tàu mà tại các địa phương khác như Đồng Nai, Long An, TP Hồ Chí Minh... cũng xảy ra tương tự và ít nhiều đều có liên quan đến… Alibaba. Tại Đồng Nai, ngày 15-3 vừa qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai đã họp báo về việc Công ty Địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) tổ chức rao bán dự án, phân lô bán nền 27 dự án tại huyện Long Thành. Các dự án này đều không có giấy phép và không có thật.
Ông Võ Văn Chánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, nhấn mạnh: "Công ty Cổ phần (CP) Địa ốc Alibaba quảng cáo trên mạng sai sự thật, kéo khách hàng mua bán tại địa bàn huyện Long Thành gây mất an ninh, trật tự tại địa phương. Đồng thời, tỉnh đang phối hợp với Bộ Công an xác minh vụ việc phân lô, bán nền của công ty này.
Tương tự, vào cuối năm 2017, Công ty Alibaba cũng đã bị UBND TP Hồ Chí Minh cấm không cho tham gia các dự án tại khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, do đơn vị này đã có thái độ bất hợp tác với cơ quan chức năng, vì tự nhận là chủ đầu tư của dự án khu đô thị Củ Chi, dù dự án này chưa được cấp phép.
Cũng vào thời điểm này, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu - Bộ Công an, cho biết đã làm việc với các sở, ngành TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu để làm rõ các hoạt động của Công ty CP Địa ốc Alibaba. Cơ quan công an đã thu thập các thông tin về hoạt động của Công ty CP Alibaba Tây Bắc TP. HCM và Công ty CP Địa ốc Alibaba.
Khi đó, cơ quan công an đã làm việc với bà Nguyễn Huỳnh Tú Trinh, Giám đốc pháp lý của Công ty Alibaba, ghi nhận thông tin về việc đầu tư, kinh doanh dự án tại Khu đô thị Tây Bắc ở xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP. HCM. Làm việc với cơ quan công an, bà Trinh đã cung cấp một số tài liệu liên quan như phiếu đặt chỗ dự án, sơ đồ phân lô dự kiến dự án, danh sách đặt chỗ của khách hàng…
Theo một chuyên gia về bất động sản thì hiện nay dự án “ma" được những người có ý đồ xấu vận dụng một cách tinh vi hơn, bởi tất cả đều có sự chấp thuận của cơ quan quản lý với đề xuất được triển khai dự án của chủ đầu tư như quyết định 1/200, quyết định 1/500, bản đồ quy hoạch tổng thể v.v… Thế nhưng, từ chấp thuận đề xuất đến dự án được cấp phép và triển khai để đủ điều kiện "chuyển chượng quyền sử dụng" theo quy định là cả quãng thời gian dài và cần thêm nhiều thủ tục khác. Có lẽ vì thế mà các doanh nghiệp vi phạm quy định, đưa hàng ra bán nhằm có vốn để triển khai tiếp dự án. Tất nhiên, dù thủ tục có rườm rà thì sai phạm chính vẫn thuộc về các chủ đầu tư, nhìn chung thực trạng các dự án hiện tại pháp lý không rõ ràng. Nhưng vì đồng tiền, chủ đầu tư bất chấp, hay vì tham lợi, biết là rủi ro nhưng nhiều khách hàng vẫn bỏ ra hàng tỉ đồng chỉ để mua một… lời hứa. Lời hứa từ các chủ về "sổ đỏ, sổ hồng" vẫn là những ẩn số. Thời điểm dự án bất động sản hiếm hoi đến mức chỉ cần có tờ giấy viết tay đồng ý "chuyển nhượng quyền sử dụng" của chủ đầu tư là khách hàng có thể sang tên với số tiền chênh không nhỏ. Trên thực tế, có những nhà đầu tư "ăn non" đã kiếm được không ít, khi mua xong bán ngay để ăn chênh lệch. Bên cạnh đó, sự lỏng lẻo trong quản lý và từ các kẽ hở pháp lý, đặc biệt liên quan đến quy trình cấp phép cho liên danh chủ đầu tư dự án đã dẫn đến những vụ việc đáng tiếc nêu trên. Bản chất mô hình hợp tác liên danh chỉ được thừa nhận trong một số văn bản pháp lý như liên danh nhà thầu để thi công dự án hay nhà phát triển dự án là có thể thay mặt chủ đầu tư phân phối sản phẩm bất động sản giá trị chênh lệch vô cùng cao, nhưng trách nhiệm với khách hàng thì rất thấp. Trong khi đó, đầu tư và kinh doanh bất động sản là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và không thể tùy tiện cho các liên danh lỏng lẻo và yếu kém về năng lực tài chính rồi sau đó rũ bỏ trách nhiệm, khi các mắt xích trong liên danh có mâu thuẫn. Theo chuyên gia này, những khách hàng đã và đang đầu tư bất động sản nên chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt kiến thức bất động sản như luật đất đai, quy trình phân lô tách thửa v.v… hay tìm hiểu về những dự án có pháp lỹ rõ ràng, có "giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất" để đầu tư an toàn. |