Tội ác từ lối sống buông thả

Thứ Hai, 29/10/2018, 16:00
Đằng sau sự xót xa cho số phận ngắn ngủi của những sinh linh vô tội, người ta cảm thấy mất mát. Cái mất ở đây không chỉ là về con người, mà còn như mất đi một cái gì vô hình rất lớn trong đời sống. Đó là những giá trị đạo đức đang bị xem nhẹ bởi lối sống buông thả, vô trách nhiệm của một bộ phận người trẻ. Và tội ác cũng vì thế mà sinh ra…

Những ngày qua, dư luận bàng hoàng và phẫn nộ trước vụ việc một nữ sinh viên đại học sau khi tự sinh con đã ném đứa trẻ từ tầng 31 khu chung cư xuống đất.  Dù là nguyên nhân gì đi chăng nữa thì những vụ việc mẹ đẻ vứt bỏ hoặc giết con mới sinh giống như vết thương nhức nhối trong đời sống xã hội.

Đằng sau sự xót xa cho số phận ngắn ngủi của những sinh linh vô tội, người ta cảm thấy mất mát. Cái mất ở đây không chỉ là về con người, mà còn như mất đi một cái gì vô hình rất lớn trong đời sống. Đó là những giá trị đạo đức đang bị xem nhẹ bởi lối sống buông thả, vô trách nhiệm của một bộ phận người trẻ. Và tội ác cũng vì thế mà sinh ra…

Những câu chuyện đau lòng

Gần một tuần trôi qua nhưng cư dân khu chung cư Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) chưa hết bàng hoàng bởi vụ việc một thi thể trẻ sơ sinh còn nguyên dây rốn bị người mẹ ném từ tầng cao xuống sân tòa nhà HH2 vào tối ngày 18-10. Càng phẫn nộ hơn khi cơ quan chức năng vào cuộc tìm kiếm, đã xác định người ném đứa trẻ mới sinh lại chính là người mẹ trẻ - nữ sinh viên 21 tuổi đang học năm thứ 4 tại một trường đại học ở Hà Nội.

Hiện trường vụ việc đau lòng tại chung cư Linh Đàm.

Quá trình điều tra vụ việc, ngày 23-10, Cơ quan CSĐT Công an quận Hoàng Mai đã khởi tố vụ án hình sự "Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ" theo Điều 124 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Bước đầu, Đinh Thị V.A. - người mẹ đã ném con mới sinh khai nhận có quan hệ yêu đương với S, cũng là sinh viên đại học từ cuối năm 2015 đến tháng 2-2018 thì chia tay. Lúc này V.A. đã có thai. 

Đến tháng 4-2018, nữ sinh viên này tiếp tục quen và yêu một nam sinh viên khác tên Đỗ Tiến Th. Đầu tháng 10-2018, qua mạng xã hội Facebook, V.A  quen và yêu Lê Ngọc D ở chung cư Linh Đàm. D cũng đang là sinh viên. Ngày 18-10, V.A đến nhà Lê Ngọc D chơi. Khoảng 20h, V.A đau bụng, vào nhà vệ sinh và sinh con. Theo khai nhận của V.A thì sau khi sinh, cho rằng đứa trẻ đã chết, V.A bỏ đứa trẻ vào túi nilon, đặt lên cửa sổ nhà vệ sinh rồi dùng tay đẩy xuống. Sau đó V.A vào nhà nằm và nhờ bạn trai đi mua băng vệ sinh. Khi Lê Ngọc D xuống tầng 1 mua đồ cho bạn gái thì thấy mọi người đang xôn xao khi phát hiện đứa trẻ sơ sinh bị ném từ trên cao xuống đất. D khai không biết bạn gái có thai và không biết sự việc V.A sinh con trong nhà vệ sinh.

Kết quả sơ bộ pháp y tử thi xác định trẻ sơ sinh nặng 2,7kg, giới tính nữ, bị chấn thương vùng đầu. Phổi đã có sự lưu thông không khí. Theo lời khai của V.A. thì đứa trẻ này là con của cô ta với Trần Tiến S, và khi sinh con, V.A có thai khoảng 8 tháng.

Thông tin từ cơ quan điều tra, sau khi được điều trị tại bệnh viện, cơ quan y tế đã cho V.A. xuất viện về. Hiện cơ quan điều tra đang chờ kết luận giám định về nguyên nhân tử vong của trẻ sơ sinh để làm căn cứ xử lý đối với Đinh Thị V.A..

Trước đó, năm 2013, tại Hà Nội cũng đã từng xảy ra vụ việc tương tự tại xóm Thống Nhất, thôn Đặng Giang, xã Hòa Phú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Sáng  ngày 1-8, một người dân chèo thuyền vớt rác trong hồ cá phát hiện bọc nilon nổi trên mặt nước đã mở ra xem và bàng hoàng khi phát hiện bên trong là một xác trẻ sơ sinh gái còn dính dây rốn. 

Sau khi nhận được tin báo, chính quyền và cơ quan chức năng địa phương đã vào cuộc điều tra, truy tìm người mẹ của trẻ sơ sinh và đã làm rõ đó là Lê Thị M. (SN 1994),  là sinh viên năm thứ hai một trường Cao đẳng chuyên ngành sư phạm tại Hà Nội. Trót có thai khi chưa kết hôn, nữ sinh viên này tìm cách giấu gia đình và mọi người. Chiều 31-7-2013, M một mình sinh con trong nhà vệ sinh của gia đình ở trên tầng hai. Sau khi sinh thấy đứa trẻ không khóc, cho rằng đứa trẻ đã chết, M cho xác trẻ vào túi nilon rồi thả xuống hồ cá ngay phía sau nhà.

Những sinh linh bé nhỏ chào đời, vì nhiều lý do khác nhau đã bị chính những người mẹ sinh ra nó chối bỏ; dù  là nỗi đau thầm kín hay dù là tội ác, thì đó vẫn là những câu chuyện hết sức đau lòng.

Những tiếng chuông cảnh tỉnh

Dù bất cứ lý do gì thì việc một người mẹ trẻ sinh con ngoài ý muốn tìm cách chối bỏ con, đều xuất phát từ sự ích kỷ và thái độ vô trách nhiệm với đứa con và với chính bản thân mình. Trào lưu "sống thử" của một bộ phận người trẻ hiện nay đang để lại những hệ lụy khó lường. Những đứa con ra đời do sự bồng bột của tuổi trẻ, của tình yêu mù quáng, của sự thiếu hiểu biết về tình dục, của lối sống buông thả… là một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi chối bỏ con của nhiều bà mẹ trẻ "bất đắc dĩ".

PGS.TS Nguyễn Minh Hiển - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân, bức xúc với việc gần đây xuất hiện một số vụ việc phụ nữ sau khi sinh con thì bỏ rơi con hoặc ném con của mình, dẫn đến những cái chết rất thương tâm. "Tôi cho rằng đây là những hành vi rất độc ác, đòi hỏi phải có sự vào cuộc điều tra, tìm hiểu rõ nguyên nhân và phải được xử lý. Bên cạnh đó, xã hội cần phải lên án, phản đối với những hành vi này. Việc ném con của sản phụ là vi phạm pháp luật, cần phải được xử lý một cách nghiêm minh. Đó sẽ là hình thức răn đe đối với những công dân khác, bởi họ phải sống có trách nhiệm đối với người khác, đặc biệt trong đó có cả những đứa con của mình" - PGS.TS Nguyễn Minh Hiển nêu quan điểm.

Năm 2013, tại Ứng Hòa cũng đã xảy ra vụ một nữ sinh viên ném con mới sinh xuống hồ cá khiến dư luận bất bình. 

Lý giải vụ việc nữ sinh viên ném con tại chung cư hay những vụ việc tương tự, PGS.TS Nguyễn Minh Hiển cho rằng nguyên nhân là do sự quẫn bách, không tìm được lối thoát cho riêng mình, nhất là đối với giới trẻ, nhận thức còn hạn chế và không có sự kèm cặp, giáo dục từ phía gia đình. Do vậy, họ chỉ nhằm đến đứa con của mình để giải thoát cho mình.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Kim Quý, Trưởng Văn phòng tham vấn và trị liệu tâm lý trẻ em - Hội Khoa học và tâm lý giáo dục Việt Nam cho biết, thông tin từ vụ việc nữ sinh viên ném con tại chung cư cho thấy cô gái có lối sống buông thả, sống thiếu trách nhiệm với chính bản thân mình. "Cái gốc yêu thương bản thân mình không có thì làm sao có thể yêu thương người khác như bố mẹ và cả đứa con do cô sinh ra"- Tiến sĩ Nguyễn Kim Quý nhận định. Cũng theo Tiến sĩ Quý, hiện tượng sống ích kỷ, không yêu thương bản thân mình đúng nghĩa xuất phát từ nền tảng giáo dục gia đình chưa tốt. Trong trường hợp này, có thể cô gái được nuông chiều hoặc ít được gia đình quan tâm.

Bên cạnh đó, hành vi  vứt bỏ con mới đẻ của những nữ sinh viên cho thấy khiếm khuyết, lỗ hổng trong giáo dục giới tính, giáo dục pháp luật, giáo dục sức khỏe sinh sản của gia đình và nhà trường, từ bậc phổ thông cho tới Đại học. Từ thiếu hiểu biết, suy nghĩ nông cạn đã dẫn đến cách giải quyết hết sức dã man. "Những cô gái này mặc dù có học nhưng mới chỉ là học văn hóa. Việc thiếu kỹ năng "mềm" khiến họ không biết xử lý tình huống trong cuộc sống, không có kỹ năng đương đầu và xử lý những tình huống của chính mình. Chính vì thế đã dẫn đến những hành động làm liều, mất hết lý trí khi bản năng trỗi dậy" - Tiến sĩ Nguyễn Kim Quý nhận định.

Luật sư Hoàng Nguyên Bình, Văn phòng luật sư Bình An, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nêu quan điểm: Câu chuyện về nữ sinh viên vứt đứa trẻ mới sinh từ tầng 31 xuống đất thật sự hết sức đau lòng. Cái đau không chỉ cho sinh linh bé nhỏ vô tội kia mà đau cho cả gia đình cô gái kia, đau cho bà mẹ trẻ nông nổi, đau cho cả người đàn ông đáng nhẽ được làm cha đứa trẻ. Xã hội lên án bà mẹ trẻ là đúng vì bất kì hoàn cảnh nào thì đứa bé cũng là vô tội.

Luật pháp hiện tại quy định chủ thể đối với loại tội vứt bỏ hoặc giết con mới đẻ chỉ là người mẹ, còn nếu người khác làm thì sẽ là tội giết người. Tuy nhiên, việc lên án theo kiểu "ném đá hội đồng" trên cộng đồng mạng hiện nay cần được nhìn nhận rộng hơn nữa. Sự việc này nhẽ không xảy ra đến thế nếu không có sự chia tay với người yêu, và nếu không có sự thờ ơ, thờ ơ đến vô trách nhiệm của chủ nhân đích thực của hài nhi xấu số trên. 

Trong chuyện tình cảm của thanh niên nam nữ, có nhiều vấn đề thầm kín ở bên trong mà ta chưa rõ tận tường nhưng chắc chắn một điều nếu là người đàn ông có trách nhiệm thì sẽ không có chuyện xấu xảy ra đối với cô gái và hài nhi bé bỏng kia mặc dù cả hai không còn yêu nhau nữa. Một vấn đề khác chúng ta cũng thấy, đó là lối sống quá tự do phóng khoáng học đòi kiểu phương Tây nhưng lại thiếu hiểu biết và trách nhiệm như phương Tây đã làm hỏng một bộ phận giới trẻ hiện nay. Một cô gái và một chàng trai đã học đến năm thứ 4 đại học mà kiến thức về giới tính và tình dục gần bằng con số 0 thì thật đáng báo động.

Theo Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Kim Quý, vụ việc là tiếng chuông cảnh báo vấn đề giáo dục trong gia đình, đặc biệt là giáo dục lòng nhân ái của con người. Tiến sĩ Nguyễn Kim Quý nhận định, giáo dục gia đình là gốc lõi. Sau đó là giáo dục nhà trường và xã hội làm cho việc hình thành lòng nhân ái là một nhân tố cốt lõi trong đời sống tình cảm con người, của nhân cách. Một khi lòng nhân ái, yêu thương con người không được giáo dục và hình thành tốt thì đương nhiên cái ác sẽ chiến thắng phần "con người".

Và không thể chỉ trách cứ những người mẹ mà cần lên án thái độ "phủi tay", bỏ rơi của những người đàn ông khi hậu quả xảy ra. Cộng với cái nhìn dè bỉu của những người xung quanh cũng khiến cho các cô gái trót lỡ dở phải chịu cú sốc tinh thần rất lớn, có thể dẫn họ tới bi kịch nghĩ quẩn khi không tìm ra lối thoát. Ở góc độ tâm lý, Tiến sĩ Nguyễn Kim Quý cho biết, những trường hợp phụ nữ mang thai ngoài ý muốn, bị người yêu ruồng bỏ dễ bị rơi vào tình trạng trầm cảm trước và sau sinh. 

Hiện tượng trầm cảm sau sinh thường rơi vào những phụ nữ có khí chất ưu tư, đa sầu đa cảm. Khi bị trầm cảm, họ không chấp nhận con mình và trong một giây phút không làm chủ bản thân đã xảy ra hiện tượng bỏ con hoặc giết con. Việc lên án hành vi tội lỗi của những người mẹ này là đúng nhưng nếu nguyên nhân do người mẹ bị trầm cảm sau sinh thì cũng cần có cái nhìn thông cảm, nhân văn hơn.

Duy Trần
.
.