Tội phạm thuê giết người và giết người thuê: Gây tội ác vì động cơ đê hèn

Thứ Bảy, 13/09/2014, 11:15

Thuê giết người và giết người thuê thường là dạng tội phạm có tổ chức (có sự thỏa thuận, thống nhất giữa các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, người thực hiện, giúp sức) nhưng một số vụ không có sự liên kết chặt chẽ này. Giữa kẻ giết thuê và thuê giết ràng buộc nhau bởi lợi ích vật chất, có khi chỉ với số tiền nhỏ. Ngăn chặn loại tội phạm này nhằm loại trừ hành vi đâm thuê chém mướn khi một số kẻ coi đó là nghề kiếm sống.

Thuê giết người và giết người thuê là hai tình tiết định khung tăng nặng theo quy định tại Điều 93 - Bộ luật Hình sự (BLHS) về tội "giết người". Vụ án xảy ra tại đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội) khi Nguyễn Kim Bình thuê hai đối tượng giết người với giá 30 triệu đồng để giải quyết mâu thuẫn, hay vụ Ngô Quang Chướng thuê đàn em sát hại bạn kinh doanh ở TP HCM là những vụ điểm dạng này.

Hành vi thuê giết người quy định tại điểm m, khoản 1, Điều 93, BLHS. Trong cuốn "Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự 1999", ông Đinh Văn Quế (Tòa án nhân dân Tối cao - TANDTC) giải thích hành vi thuê giết người như sau: "Thuê giết người là trường hợp trả cho người khác tiền hoặc lợi ích vật chất để họ giết người mà mình muốn giết. Cũng giống như những trường hợp thuê làm một việc, người phạm tội vì không trực tiếp thực hiện hành vi giết người nên đã dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác để thuê người khác giết người. Người trực tiếp giết người trong trường hợp này là người giết thuê".

Còn hành vi giết người thuê được quy định tại điểm m, khoản 1, Điều 93 - BLHS. Đó là trường hợp người phạm tội lấy việc giết người làm phương tiện để kiếm tiền hoặc lợi ích vật chất khác. Vì muốn có tiền nên người phạm tội  đã nhận lời với người thuê mình để giết một người khác. Theo ông Đinh Văn Quế, người phạm tội  phải có ý thức giết thuê thật sự mới là phạm tội vì động cơ đê hèn. Nếu vì nể hoặc sợ nên người phạm tội nhận lời giết người thì không phải là "giết thuê".

Như vậy, hành vi thuê giết người và giết người thuê có mối quan hệ bởi lợi ích vật chất: tiền hoặc giá trị vật chất khác. Bên thuê dùng lợi ích này để ra giá nhằm giết người, còn bên giết thuê thì thực hiện hành vi giết người chỉ vì lợi ích vật chất đã được ngã giá, cho dù giữa kẻ giết thuê với người bị giết thường không có mâu thuẫn, trước đó không hề biết nhau.

Việc trừng trị đối với kẻ giết thuê là nhằm ngăn chặn tình trạng "đâm thuê chém mướn" đang diễn biến phức tạp. Những đối tượng giết người thuê thường là những kẻ côn đồ, có tiền án, tiền sự, chỉ cần có tiền hoặc giá trị vật chất nào đó mà chúng cần là lập tức "nhận lệnh" ra tay.

Chẳng hạn, trong vụ giết người thuê xảy ra tại đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội) ngày 5/8 vừa qua, các đối tượng thực hiện hành vi giết thuê là những kẻ đâm thuê, chém mướn, có nhiều tiền án, tiền sự: Hoàng Anh Tuấn (34 tuổi, trú tại Trung Giã, Sóc Sơn, Hà Nội, là đối tượng đã có 2 tiền án, 1 tiền sự và nghiện ma túy); Lê Hồng Thuận (22 tuổi, trú tại phố Cự Lộc, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, có 1 tiền án, 1 tiền sự).

Trong khi đó, kẻ thuê giết người cũng có "số má" không kém: Nguyễn Kim Bình (43 tuổi, trú tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, có 3 tiền án, 2 tiền sự và nghiện ma túy). Với việc chỉ cần lợi ích vật chất nào đó là nhận lời thực hiện hành vi giết người cho thấy động cơ đê hèn khi thực hiện hành vi phạm tội. Hai đối tượng Tuấn và Thuận chỉ cần 30 triệu đồng giải tỏa cơn nghiện là đi giết người.

Dựng cảnh va quệt giao thông để gây án là một thủ đoạn của tội phạm giết người thuê.

Hành vi phạm tội rất côn đồ, coi thường pháp luật (sử dụng dao giết lợn, giả vờ gây va chạm giao thông rồi đâm chết người ngay trên vô lăng ôtô, giữa đường phố đông người). Với hành vi như vậy, các đối tượng giết người thuê phạm một lúc nhiều tình tiết tăng nặng: có tính chất côn đồ; vì động cơ đê hèn. Trong một số trường hợp còn phạm tội có tổ chức (có sự bàn bạc, thống nhất giữa các đối tượng như trong vụ án nói trên).

Thuê giết người và giết người thuê có mối quan hệ mật thiết với nhau, cái này là tiền đề của cái kia, thiếu một trong hai cái thì không có trường hợp giết người xảy ra (có người thuê mới có người làm thuê). Thông thường việc giết người thuê và thuê giết người đồng thời là trường hợp giết người có tổ chức (như trong hai vụ nêu trên), nhưng cũng có thể chỉ là trường hợp đồng phạm bình thường.

Nếu như các đối tượng giết người thuê thuộc thành phần côn đồ, đâm thuê chém mướn, có nhiều tiền án, tiền sự, phạm tội vì động cơ đê hèn (để có tiền tiêu pha) thì ở phía ngược lại, đối tượng thuê giết người có thành phần đa dạng hơn.

Trong vụ án xảy ra tại đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội, đối tượng thuê giết người cũng đồng cân đồng lạng với kẻ giết thuê (đều côn đồ, tiền án, tiền sự) thì một số vụ án khác đã xuất hiện chủ thể tội phạm là cán bộ có địa vị trong xã hội. Chủ thể tội phạm thuê giết người có thể do các nguyên nhân như: mâu thuẫn trong làm ăn, nợ nần tiền bạc; mâu thuẫn ái tình; tranh giành giữa các băng nhóm, giết đối thủ để dằn mặt, khẳng định thanh thế...

Vụ án xảy ra tại TP HCM cách đây ít năm đối với Ngô Quang Chướng (53 tuổi, tên gọi khác là Ngô Quang Trưởng, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hoàng Hải) là ví dụ. Ngô Quang Chướng và ông Đặng Xuân Sỹ hùn vốn thành lập Công ty Hoàng Hải. Do mâu thuẫn với ông Sỹ nên Chướng đã chủ động cho vợ chồng Vũ Văn Luân (tức Luân "con", đàn em của trùm xã hội đen Dung Hà) 100m2 đất rồi sau đó nhờ Luân triệt hạ ông Sỹ. Luân đã chỉ đạo đàn em đánh ông Sỹ và dàn cảnh tai nạn giao thông, hậu quả là ông Sỹ bị đàn em của Luân đâm chết.

Dẫn giải bị cáo Ngô Quang Chướng (phải), chủ mưu vụ thuê giết người.

Trong vụ án này, Ngô Quang Chướng là người chủ mưu, cầm đầu nên phải chịu hậu quả do hành vi của đồng phạm gây ra. Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt Vũ Văn Luân mức hình phạt cao nhất là tử hình, trong khi chỉ xử phạt Ngô Quang Chướng tù chung thân là chưa tương xứng với vai trò chủ mưu của Chướng. Sau đó, bản án bị kháng nghị và phải đến phiên giám đốc thẩm, bản án tử hình mới được tuyên cho bị cáo Chướng.

Hiện vụ án này đã khép lại sau khi bị cáo Chướng bị bệnh, chết trong trại tạm giam. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận, nhất là tại các tỉnh phía Nam khi hành vi thuê giết người do chủ thể tội phạm là giám đốc doanh nghiệp lớn, trả thù chính người bạn từng đồng cam cộng khổ với mình.

Một số vụ án, kẻ thuê giết người chính là người thân của nạn nhân bị giết như: vợ thuê người giết chồng, chồng thuê người giết vợ, anh thuê người giết em... Hồi đầu năm, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên phạt Phạm Anh Hoàng (tức Hoàng "nổ", 45 tuổi, đang thụ án trong trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai) 11 năm tù về tội giết người. Bị cáo Nguyễn Hữu Tuấn (tức Tuấn "ba chay" 33 tuổi, quê Hải Phòng), Lê Thị Tuyết Hạnh (53 tuổi), Nguyễn Thị Yến (41 tuổi, cùng ở Vũng Tàu) lĩnh 8 - 13 năm tù cùng về tội giết người.

Theo nội dung vụ án, trong thời gian chờ giải quyết việc tranh chấp tài sản sau ly hôn, bà Hạnh bị chồng cũ là ông Đoàn Anh Tuấn thường xuyên đánh đập. Hạnh liền nhờ Yến liên lạc với Hoàng điều đàn em là Tuấn "ba chay" từ Hải Phòng vào Vũng Tàu thực hiện "hợp đồng" giết người thuê, sau khi được bà Hạnh chuyển cho 20 triệu đồng.

Khi ông Tuấn đang đi mua thuốc tây thì bị Tuấn "ba chay" bắn 2 phát vào người rồi bỏ chạy. Điều đáng nói là không hiểu bằng cách nào mà một can phạm đang chấp hành án trong trại giam như Phạm Anh Hoàng lại có thể điều động đàn em từ Hải Phòng vào Vũng Tàu gây án, thực hiện vụ giết thuê?

Một số vụ khác, tính chất giết thuê chủ yếu do mâu thuẫn, tranh chấp. Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ do bị tranh cướp khách tại bến xe Mỹ Đình, Bùi Quyết Chính (27 tuổi, ngụ tại TP Cao Bằng) đã thuê người gọi sát thủ để trả thù. Dù nạn nhân của Chính không chết nhưng với tính chất nghiêm trọng của vụ án, Chính bị phạt 13 năm tù về tội giết người.

Giết người là tội ác, tội nghiêm trọng nhất trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, thân thể con người. Hiện, Điều 93 - BLHS không quy định người có chức vụ là tình tiết định khung tăng nặng (khác với nhóm tội phạm về tham nhũng, chức vụ).

Điều 3, BLHS quy định nguyên tắc xử lý hình sự là, mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam nữ, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội. Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng. Trong quá trình xét xử, đây là yếu tố để HĐXX cân nhắc định lượng hình phạt. Đặc biệt về góc độ đạo đức, đã là cán bộ, trí thức thì khó thể chấp nhận khi can dự tội ác tước đoạt sinh mạng con người.

Hiện nay, tội phạm giết người ngày càng diễn biến phức tạp. Trong xã hội, các đối tượng nhiều tiền án, tiền sự, tụ tập thành các băng nhóm chuyên đâm thuê, chém mướn, sống bằng nghề đòi nợ thuê, giết thuê... Các băng nhóm tội phạm hình sự này phát triển nhức nhối tại một số địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, TP HCM, Bình Dương...

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát hình sự (CSHS) các địa phương phối hợp các đơn vị nghiệp vụ đã vào cuộc quyết liệt, triệt xóa, ngăn chặn nhiều băng nhóm dạng này.

Sau khi tổ chức Hội nghị "Tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự hoạt động có tổ chức", Bộ đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm có tổ chức cấp Bộ và ban hành Kế hoạch số 03/KH-BCA ngày 6/1/2014 về đấu tranh với tội phạm có tổ chức trong tình hình mới; chỉ đạo lực lượng CSHS tăng cường đấu tranh với các loại tội phạm theo chuyên đề (cướp, cướp giật; giết người do nguyên nhân xã hội; trộm cắp…).

Điển hình, Cục CSHS phối hợp với Công an TP HCM đã triệt phá băng nhóm chuyên cho vay nặng lãi, bảo kê, cưỡng đoạt tài sản, đòi nợ thuê núp bóng dưới vỏ bọc doanh nghiệp do Trần Minh Tiến, tức Tiến "con" cầm đầu, bắt 9 đối tượng; Công an TP HCM đã triệt phá băng nhóm giang hồ gốc Bắc chuyên cho vay nặng lãi dưới chiêu bài quỹ tín dụng, cho vay tín chấp do Lê Anh Tuấn cầm đầu, bắt 5 đối tượng; Công an Thanh Hóa đã triệt phá 2 băng nhóm chuyên khống chế, ép giá hàng nông, lâm sản, đòi tiền bảo kê buôn bán, vận chuyển bã mía trong nhà máy đường Đài Loan do Vũ Trung Kiên và Đỗ Công Bình cầm đầu...

Việc đấu tranh, triệt xóa các băng nhóm tội phạm có tổ chức, chuyên đâm thuê, chém mướn cũng là biện pháp quan trọng để phòng ngừa tình trạng giết người thuê gia tăng

Đăng Minh
.
.