Trang trại bò gây thất thoát hàng nghìn tỉ đồng như thế nào?
Khi được giải ngân xây dựng trang trại, Tùng lập ra các nhà thầu để “liên kết” rút tiền; khi được giải ngân để mua bò giống, Tùng chăn nuôi rồi bán bò thịt cho các lò mổ, tự thu tiền mặt để cất giấu. Vụ án xảy ra, Trần Duy Tùng ôm theo cả chục triệu USD trốn nã.
Lập công ty 10 ngày, đệ đơn vay ngân hàng 4.000 tỉ đồng
Theo nội dung bản Kết luận điều tra số 22/CSĐT-P13 của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trung Dũng, thì Công ty Bình Hà được lập ngày 10-4-2015, có vốn điều lệ 200 tỉ đồng do 3 cổ đông sáng lập gồm Đinh Văn Dũng (Tổng Giám đốc, nắm giữ 45% cổ phần), Trần Anh Quang (nắm giữ 30% cổ phần) và Thái Thành Vinh (nắm giữ 25% cổ phần).
Công ty Bình Hà lập dự án nuôi bò giống và bò thịt, có tổng mức đầu tư 4.223 tỉ đồng, với quy mô dự kiến: 150.000 con bò/năm. Bất ngờ, ngày 15-4-2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh kí quyết định số 1300/QĐ-UBND chấp thuận ngay chủ trương đầu tư của Công ty Bình Hà.
Tiếp đó, ngày 6-5-2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Bình Hà, thực hiện dự án nuôi bò trong vòng 50 năm, đồng thời ra quyết định thu hồi 8.198,7 ha đất nông nghiệp và đất rừng tại huyện Cẩm Xuyên và huyện Kỳ Anh giao cho Cty Bình Hà thực hiện dự án.
Dự án chăn nuôi bò của Công ty Bình Hà trở thành một điểm đen của ngành Nông nghiệp Hà Tĩnh. |
Song song với việc lập công ty, lập dự án, xin thuê đất của UBND tỉnh Hà Tĩnh làm dự án nuôi bò trong thời gian ngắn, cùng trong ngày 15-4-2015 khi vừa nhận được quyết định chấp thuận chủ trương từ UBND tỉnh Hà Tĩnh, Đinh Văn Dũng ký công văn gửi BIDV, nội dung mong muốn BIDV có văn bản chấp thuận cung cấp vốn cho dự án của Công ty Bình Hà.
Mặc dù nhận xét về việc Công ty Bình Hà chưa đủ điều kiện thực hiện chấm điểm, xếp hạng tín dụng nhưng lấy lí do ưu tiên phát triển ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nên ngày 21-4-2015, BIDV gửi công văn thông báo chấp thuận là đầu mối thu xếp tài chính đối với dự án.
Ngày 24-4-2015, tức là chỉ sau khi Công ty Bình Hà được thành lập 9 ngày, Đinh Văn Dũng đã ký giấy đề nghị vay vốn gửi Ngân hàng BIDV - chi nhánh Hà Tĩnh đề nghị cho Công ty Bình Hà vay 4.088 tỉ đồng trong đó vốn dài hạn là 2.190 tỉ đồng, vốn lưu động 1.898 tỉ đồng. Tài sản bảo đảm là tài sản hình thành sau đầu tư, đàn bò nhập và sinh sản trong quá trình thực hiện dự án.
Sau thời gian thẩm định “thần tốc”, ngày 14-7-2015, BIDV chi nhánh Hà Tĩnh, đại diện là Kiều Đình Hòa, Giám đốc, ký hợp đồng tín dụng dài hạn cấp cho Công ty Bình Hà vay tổng số tiền 2.190 tỉ đồng, thời gian vay 10 năm. Tiếp đó, ngày 25-10-2015, BIDV chi nhánh Hà Tĩnh tiếp tục ký hợp đồng tín dụng ngắn hạn, cấp cho Công ty Bình Hà vay 972 tỉ đồng và ký các hợp đồng tín dụng ngắn hạn sau đó, để Công ty Bình Hà vay vốn lên tới 1.898 tỉ đồng.
Các đối tượng liên quan trong vụ án. |
Ai đứng sau giật dây Công ty Bình Hà?
Một công ty mới thành lập tính bằng ngày, chưa có hoạt động kinh doanh, số vốn của 3 cổ đông chỉ “vỏn vẹn” 120 tỉ đồng, vậy “sức mạnh” nào khiến Công ty Bình Hà vay được hàng nghìn tỉ đồng của ngân hàng? 3 nhân vật quyền lực sáng lập Bình Hà có thực quyền hay chỉ là “hình nộm” của kẻ giấu mặt đứng sau?
Tại cơ quan điều tra, Trần Lục Lang, nguyên Phó Tổng giám đốc phụ trách quản lý rủi ro tín dụng của BIDV khai, lúc đầu bị can chỉ biết Công ty Bình Hà là sản phẩm liên doanh giữa Công ty ty Cổ phần Tập đoàn An Phú, do Trần Duy Tùng là Chủ tịch HĐQT và Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.
Sau đó, khi bị điều tra, bị can Lang được biết, Công ty Hoàng Anh Gia Lai chỉ tham gia giai đoạn đầu còn các hoạt động của Công ty Bình Hà do Trần Bắc Hà và Trần Duy Tùng điều hành.
Đối tượng truy nã Trần Duy Tùng. |
Là một trong các đồng phạm của Tùng, bị can Trần Anh Quang (SN 1982) khai, trước năm 2015 là lái xe riêng cho Tùng nên được Tùng mượn chứng minh thư và nhờ đứng tên làm cổ đông Công ty Bình Hà. Lúc công ty mới thành lập, Quang không tham gia điều hành, đến tháng 4-2016 Quang mới chính thức biết Công ty Bình Hà và ra Hà Tĩnh giúp Tùng quản lý việc bán bò. Tháng 10-2016, Quang được Tùng đưa lên vị trí Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà.
Tại Cơ quan điều tra, ông Nguyễn Gia Thiều (SN 1965), Chủ tịch HĐQT Công ty Bình Hà khai, cuối năm 2014 Tùng nhờ ông Thiều đứng tên đại diện 70% vốn điều lệ của Công ty CP Tập đoàn An Phú do Tùng làm Chủ tịch HĐQT. Quý II-2015, Trần Duy Tùng và Thái Thành Vinh giao cho ông Thiều làm Chủ tịch HĐQT Công ty Bình Hà, chỉ làm nhiệm vụ đối ngoại.
Ông Thiều khẳng định, công ty có 4 thành viên thì Trần Anh Quang và Thái Thành Vinh chỉ đứng tên nên không có mặt, không tham gia hoạt động của công ty. Chỉ duy nhất Đinh Anh Dũng có tham gia góp vốn và điều hành Công ty Bình Hà.
Theo Cơ quan CSĐT, Trần Duy Tùng tuy không tham gia vào Công ty Bình Hà hoặc đứng tên chủ sở hữu, cổ phần nhưng Tùng là chủ thực sự của Cty Bình Hà cùng với Trần Bắc Hà. Tùng là người trực tiếp nhờ Nguyễn Gia Thiều, đứng danh nghĩa Chủ tịch HĐQT, nhờ Thái Thành Vinh và Trần Anh Dũng đứng tên sở hữu cổ phần. Tùng thực chất là kẻ chủ mưu, đứng sau giật dây và điều hành Công ty Bình Hà.
“Ăn” tiền bán bò và rút ruột tiền xây chuồng bò
Được giải ngân cho hoạt động, các thành viên của Công ty Bình Hà “lộ nguyên mục đích” của những kẻ lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Thực chất, dự án nuôi bò chỉ là bình phong cho những mưu tính đằng sau của nhóm tội phạm.
Bị can Đinh Văn Dũng (55 tuổi) khai, trong thời gian làm Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà, đã câu kết với 3 nhà thầu lập các hợp đồng xây lắp, kinh tế, hồ sơ thanh quyết toán theo đơn giá và khối lượng các hạng mục cao hơn so với thực tế. Từ đó, bị can Dũng chỉ đạo Công ty Bình Hà làm hồ sơ đề nghị BIDV chi nhánh Hà Tĩnh giải ngân tạm ứng trước 50% giá trị hợp đồng vào tài khoản của các nhà thầu.
3 bị can Trần Lục Lang, Lê Thị Vân Anh và Kiều Đình Hòa tại cơ quan Công an. |
Theo lời khai của đại diện 3 nhà thầu gồm: Công ty Hoàng Anh Việt Nam; Công ty Hantechco; Công ty Dũng Đạt... tất cả giám đốc của các công ty trên đều có quan hệ trước đó với Trần Duy Tùng. Khi biết Tùng thực hiện dự án nuôi bò tại Hà Tĩnh đã “xin” tham gia xây dựng hạ tầng của dự án, xây dựng chuồng bò. 3 nhà thầu này khi nhận được giải ngân có trách nhiệm hoàn lại cho Bình Hà 20% tổng giá trị hợp đồng, theo yêu cầu của Dũng và Tùng.
Tổng số tiền 3 nhà thầu chuyển lại cho Bình Hà là 87,8 tỉ đồng. Số tiền chiếm đoạt được, Dũng dùng 76 tỉ đồng để góp vốn vào Công ty Bình Hà cho Dũng và 2 cổ đông Trần Anh Quang, Thái Thành Vinh; 11 tỷ đồng đưa cho Vinh chi tiêu cá nhân.
Tiếp đó, từ tháng 10-2015 đến 12-2017, BIDV chi nhánh Hà Tĩnh đã giải ngân cho Công ty Bình Hà vay hơn 1.300 tỉ đồng để nhập 44.035 con bò Úc. Trong quá trình hoạt động, Dũng, Quang và Vinh thu từ 2 công ty môi giới và các lò mổ hơn 146 tỉ đồng. Thay vì nộp tiền vào tài khoản công ty để BIDV chi nhánh Hà Tĩnh kiểm soát và thu hồi vốn, 3 cổ đông này đã chiếm dụng để góp vốn điều lệ và sử dụng cá nhân theo chỉ đạo của Trần Duy Tùng.
Bỏ trốn
Theo Cơ quan điều tra, năm 2014, Công ty SHH Viên Chăn được Trần Anh Quang thành lập. Công ty có trụ sở tại Lào nhưng không hoạt động, không đăng ký mã số thuế, không kê khai nộp thuế. Đến năm 2015, SHH Viên Chăn góp 10% vốn điều lệ tương đương 10,4 triệu USD vào LaoVietBank. Tuy nhiên, công ty này không trực tiếp nộp tiền góp vốn mà thông qua Công ty Outhid Houng Heung (do Trần Anh Quang thành lập).
Kết quả điều tra cho thấy 100% tiền vốn góp của SHH Viên Chăn vào LaoVietBank là của Trần Duy Tùng. Từ khi góp vốn vào LaoVietBank, SHH Viên Chăn đã được chia cổ tức 3 lần với tổng số tiền 2,3 triệu USD. Số tiền này được chuyển cho Tùng sử dụng.
Trước đó, Trần Anh Quang cũng thành lập Tập đoàn An Phú rồi ký quyết định thành lập pháp nhân liên doanh là Công ty TNHH Souk Houk Heung tại Lào với vốn đầu tư 600 tỉ đồng. Sau đó, Quang tiếp tục ký bản đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài và giải trình về dự án đầu tư ra nước ngoài gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký giấy chứng nhận cho phép Tập đoàn An Phú được đầu tư ra nước ngoài.
Kết quả điều tra cho thấy Tập đoàn An Phú thực chất do Trần Duy Tùng nhờ Trần Anh Quang đứng tên tham gia góp vốn. Mục đích để tập đoàn này chuyển tiền lòng vòng qua Lào rồi chuyển qua các công ty do Bắc Hà và người thân thành lập để góp vốn vào LaoVietBank. Cho đến nay, nguồn gốc số tiền 10,4 triệu USD của Trần Duy Tùng góp vốn vào LaoVietBank vẫn là ẩn số.
Tháng 3-2019, khi cơ quan chức năng tống đạt lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Duy Tùng, Tùng đã bỏ trốn trước đó. Hiện, Bộ Công an đã ra quyết định truy nã quốc tế đối với Trần Duy Tùng. Do vụ án đã hết hạn điều tra, không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tách các vụ án, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà”, chuyển và nhập vào vụ án của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh, để điều tra thống nhất trong 1 vụ án.
Đồng thời, Cơ quan điều tra quyết định tách vụ án hình sự có dấu hiệu của tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới” và/hoặc “Rửa tiền”, quy định tại khoản 3 Điều 189 và khoản 3 Điều 324 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, của Trần Duy Tùng và Thái Thành Vinh, trong việc gửi trái phép 10,4 triệu USD tiền mặt vào Ngân hàng Liên doanh Lào Việt (LaoVietBank tại Lào), sau đó thông qua Công ty CP Tập đoàn An Phú để góp 100% vốn điều lệ vào LaoVietBank.
Theo kết luận điều tra, trong thời gian từ năm 2008 đến tháng 9-2016, ông Trần Bắc Hà giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT BIDV, đại diện 40% vốn nhà nước tại BIDV. Lợi dụng chức vụ và quyền hạn của mình, Trần Bắc Hà đã chỉ đạo BIDV chi nhánh Hà Thành và BIDV chi nhánh Hà Tĩnh cho Công ty Bình Hà và Công ty Trung Dũng (là công ty sân sau của Trần Bắc Hà) vay tiền, mặc dù 2 công ty này không có năng lực tài chính theo quy định. Dẫn đến hậu quả BIDV thiệt hại 1.548 tỉ đồng. Trong vụ án này, vai trò của Trần Bắc Hà được xác định là chủ mưu, cầm đầu về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” theo khoản 4 Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, tháng 7-2019 Trần Bắc Hà đã chết trong trại giam vì bệnh hiểm nghèo. Cơ quan công an tiến hành đình chỉ bị can đối với Trần Bắc Hà. |