Triệt phá đường dây mua bán thận kiểu đa cấp

Thứ Hai, 18/02/2019, 17:21
Từ một người phải đi tìm nguồn thận để ghép cho chính bản thân bị bệnh suy thận, sau đó, vì biết rõ mọi đường đi nước bước của việc mua bán đặc biệt này, chỉ trong thời gian ngắn, Tôn Nữ Thị Huyền dần hình thành đường dây buôn bán thận xuyên quốc gia, được cho là lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay.

Sau nhiều tháng điều tra, ngày 21-1-2019, lực lượng Cảnh sát hình sự đã bắt đối tượng cầm đầu cùng 4 đồng phạm khi họ đang đưa người bán thận trở về từ bên kia biên giới.

Hàng trăm quả thận đã được bán ra nước ngoài

Đại tá Phan Mạnh Trường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, để triệt phá được đường dây này, nhiều đơn vị như Phòng 5, Phòng 6, Phòng 7 của Cục Cảnh sát hình sự (phía Nam) đã phối hợp với các cục nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an TP Hồ Chí Minh, Công an TP Hà Nội để lập chuyên án, lên kế hoạch một cách chặt chẽ, tỉ mỉ.

Thượng tá Nguyễn Duy Thanh thông tin sâu về vụ án.

Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam “bà trùm” của đường dây này là Tôn Nữ Thị Huyền (44 tuổi, quê Thừa Thiên Huế, hộ khẩu ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh). 4 đồng phạm cùng bị bắt là Hoàng Đức Tùng (28 tuổi, ở Hà Nội); Nguyễn Linh Tâm (27 tuổi, ở Ninh Bình); Phạm Quang Cảnh (23 tuổi, ở Hà Nội); Nguyễn Minh Tâm (20 tuổi, ở Vĩnh Phúc) để điều tra về hành vi mua bán bộ phận người.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, đường dây buôn bán nội tạng xuyên quốc gia hoạt động từ tháng 5-2017, đã bán thận của cả trăm người, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng.

Trước đó, tháng 8-2018, qua nhiều nguồn tin, trinh sát Cục Cảnh sát hình sự phát hiện có dấu hiệu một đường dây mua bán thận “khủng” do các đối tượng là người Việt Nam cấu kết với các đối tượng nước ngoài thực hiện. Sau đó hai tháng, một chuyên án đấu tranh, triệt phá đã được xác lập. Chỉ đạo ban chuyên án là Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự. 2 Phó Cục trưởng là Đại tá Phan Mạnh Trường và Đại tá Lê Ngọc Phương trực tiếp chỉ đạo phá án.

“Sau quá trình điều tra, triệt phá, chúng tôi đều bất ngờ vì quy mô của đường dây quá lớn. Số nạn nhân có ở hầu như tất cả các tỉnh thành trong cả nước. Đường dây này hoạt động xuyên quốc gia...”, Đại tá Phan Mạnh Trường cho biết.

Đặc biệt, qua quá trình điều tra, theo dõi, ban chuyên án xác định, các đối tượng trong đường dây đa số là người đã mua thận để ghép hoặc bản thân đã từng phải bán thận nên nắm rõ mọi quy trình bán thận trái phép tại nước ngoài. Trong đó, đối tượng cầm đầu - Tôn Nữ Thị Huyền (tên khác là Út) có lai lịch khá đặc biệt.

Theo Thượng tá Nguyễn Duy Thanh, Phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự (phía Nam), trong giới mua bán thận, Huyền thường được gọi với biệt danh “chị Hai”. Huyền quê gốc tại Thừa Thiên-Huế nhưng vào Đồng Nai sinh sống một thời gian, sau đó đến TP Hồ Chí Minh kinh doanh vải, thuê mặt bằng ở quận 3 để kinh doanh. Huyền nhập hộ khẩu tại phường 15, quận Tân Bình. Huyền có chồng người nước ngoài và có 3 con gái - 1 người sống ở Mỹ, 2 người sống ở Việt Nam.

Mấy năm trước, Huyền đã phải chạy thận vì căn bệnh suy thận. Khi bệnh trở nặng, chị ta tìm người bán thận để có thận ghép. Huyền tìm mọi cách để ra nước ngoài ghép thận và đã được ghép thận với chi phí hết 1,8 tỷ đồng. Hiểu rõ đường đi nước bước của việc mua bán, ghép thận từ Việt Nam ra nước ngoài và phát hiện ra việc mua bán này thu lợi nhuận rất cao, Huyền đã nảy sinh ý đồ kinh doanh. Huyền chủ động làm quen và kết nối được với một số bác sĩ người nước ngoài thực hiện việc ghép thận, nhằm phục vụ cho đường dây của mình sau này.

Khi manh nha ý định “làm ăn lớn” từ việc mua bán thận thì công việc kinh doanh vải của Huyền cũng bị thua lỗ nặng, mất nhiều tỷ đồng... chị ta quyết định lập ra đường dây mua bán thận xuyên quốc gia. Lúc đầu Huyền chỉ tham gia với vai trò là một kẻ môi giới, sau đó dần trở thành kẻ điều hành đường dây. Huyền đã đích thân tiếp cận với những người vừa tham gia bán thận từ nước ngoài về, rủ rê họ tham gia vào đường dây của mình với vai trò môi giới. Trong số đó, Nguyễn Linh Tâm môi giới tại khu vực các tỉnh thành phía Nam,  Hoàng Đức Tùng có vai trò tìm kiếm “nguồn hàng” tại khu vực các tỉnh phía Bắc...

Riêng Huyền, “bà trùm” đã trực tiếp tham gia vào toàn bộ các khâu quan trọng như: Tiếp cận, dụ dỗ nạn nhân, nuôi nạn nhân, đưa đi khám tổng quát, đưa ra nước ngoài mua - bán, ghép thận... Khi khám xét nhà Huyền, ban chuyên án đã thu giữ được hơn 2 tỷ đồng, là khoản tiền mà Huyền sử dụng làm chi phí nuôi dưỡng, đưa những người muốn bán thận đi khám, xét nghiệm...

Thấy lợi nhuận quá cao, Huyền mở rộng đường dây xuyên Việt, trải dài từ Bắc chí Nam, hầu như có ở tất cả các tỉnh thành trong cả nước. Đối tượng mà đường dây này nhắm đến là nam giới khỏe mạnh, từ 18 đến 30 tuổi (đa số có nhóm máu A). Những người đồng ý bán thận sẽ được bao ăn ở, nuôi dưỡng rồi được đường dây của Huyền cho làm các thủ tục khám và xét nghiệm ở Việt Nam. Sau đó, Huyền chuyển tất cả hình ảnh, thông tin qua ứng dụng Viber ra nước ngoài để cho “đối tác” xem xét, lựa chọn những người có nhu cầu ghép thận có các chỉ số phù hợp.

Khi đã có kết quả trùng hợp, Huyền và đường dây của mình ở Việt Nam tiến hành đưa người bán thận ra nước ngoài bằng con đường tiểu ngạch (nếu không có hộ chiếu) hoặc đường chính ngạch (nếu có hộ chiếu). Đa phần là nguồn nhu cầu có sẵn, nhóm Huyền chỉ cần tìm nạn nhân bán thận có các chỉ số tương thích.

Tại nước sở tại, người bán thận tiếp tục được kiểm tra, xét nghiệm lại các chỉ số một lần nữa. Nếu đôi bên có chỉ số phù hợp, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật lấy thận và ghép cho người mua thận. Trường hợp nếu không phù hợp thì người bán thận sẽ được đưa về Việt Nam cho ăn nghỉ tại một nơi nào đó, chờ người mua có chỉ số cơ thể phù hợp tiếp theo...

Sau khi “thương vụ” mua bán hoàn thành, mỗi người bán thận sẽ nhận được từ 200 đến 210 triệu đồng/quả thận, trong khi đó bản thân Huyền được hưởng từ 15 đến 17 ngàn đô la (trên dưới 400 triệu đồng). Khoản chênh lệch còn lại thuộc về những kẻ môi giới khác và đội ngũ y bác sĩ thực hiện... Tổng chi phí cho một ca mua bán thận thường lên tới 1,5 - 2 tỷ đồng.

Đối tượng Tôn Nữ Thị Huyền - cầm đầu đường dây.

Như một loại kinh doanh đa cấp

Người bán thận cho đường dây này đa số đều có hoàn cảnh khó khăn, con cái bệnh tật. Bất đắc dĩ họ phải bán thận để lấy tiền chữa trị cho con. Một số nạn nhân thì do thua bài bạc, cá độ bóng đá, phải đi bán thận lấy tiền trả nợ. Một số khác là người dân tộc thiểu số ít hiểu biết đã bị dụ dỗ bán thận để có tiền trang trải cuộc sống...

Trước tết Nguyên đán Kỷ Hợi, nhiều người bị thúc ép về tiền bạc đã gấp rút bán thận cho đường dây này. Thời gian từ lúc đăng ký đến lúc bán xong thận chỉ mất từ 1-2 tuần. Trong vòng chưa đầy một tuần, Cục Cảnh sát hình sự đã phải “đón” 14 người từ nước ngoài về sau khi đi bán thận.

Thông thường, một người hiến thận hoặc một bộ phận nội tạng sẽ được chăm sóc y tế “hậu phẫu” một cách cẩn trọng thời gian dài sau đó. Nhưng theo thỏa thuận với đường dây của Huyền, sau mổ bán thận một tuần, những người bán thận này sẽ phải tự chịu trách nhiệm về mọi nguy cơ xảy ra với bản thân sau đó. Chính vì không được chăm sóc, chữa trị đúng cách, những người bán thận, ban đầu đều là những thanh niên trai tráng, những lao động chính trong gia đình, nhưng sau bán thận sẽ có nhiều nguy cơ trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Một số người có nhu cầu bán thận được Huyền tổ chức cho ăn ở một chỗ để tiện mọi việc.

Người bán thận sau khi được đưa về Việt Nam và nhận tiền tại Việt Nam từ Huyền đều được Huyền đề nghị tiếp tục tìm kiếm người có nhu cầu bán thận để giới thiệu, hưởng tiền hoa hồng. Theo Thượng tá Nguyễn Duy Thanh, hình thức này giống như hoạt động kinh doanh đa cấp.

Để che giấu hoạt động phạm pháp của mình, Huyền luôn có ý thức cảnh giác rất cao. Đối tượng này không cho những người bán thận biết địa chỉ nhà ở của mình. Hầu như mọi giao dịch giữa đôi bên đều diễn ra ở các quán cà phê. Huyền không quan tâm người muốn bán thận có giấy tờ gì, chỉ cần người đó đồng ý bán  là được. Để tìm thêm nguồn cung, Huyền cùng đồng bọn lên mạng xã hội đăng nhiều “status” rao những lợi ích lớn của việc bán thận, cam kết đảm bảo việc mua bán, ghép thận diễn ra ở nước ngoài.

“Hành vi thủ đoạn của đường dây này hết sức nguy hiểm. Chỉ trong vòng vài tháng mà số người bán thận cho đường dây này đã rất lớn - Huyền khai nhận là mua bán được gần 90 quả thận”, Thượng tá Nguyễn Duy Thanh nhấn mạnh.

Một số đối tượng môi giới trong đường dây mua bán thận.

Ban chuyên án xác định, nhóm của Huyền đưa người Việt đi bán thận ở rất nhiều nước châu Á như: Trung Quốc, Singapore, Campuchia... Thời điểm đường dây bị khám phá, Huyền cùng 4 đàn em vừa đưa 11 người ra nước ngoài bán thận quay trở về biên giới bằng đường tiểu ngạch. Ngoài ra, tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác, Huyền cùng đồng bọn đang nuôi ăn ở 20 nạn nhân khác, đã đưa đi khám, xét nghiệm, nhưng chưa kịp đưa ra nước ngoài...

Thượng tá Nguyễn Duy Thanh cho biết đường dây này hoạt động theo một quy trình khép kín và chặt chẽ. Quy trình mua bán thận diễn ra phần lớn ở nước ngoài và đối tượng hoạt động ở nước ngoài luôn che giấu tung tích. Chưa kể, những người bán thận vì sợ gia đình, vợ con biết nên thường giấu hết mọi chuyện. Vì thế, việc điều tra hết sức khó khăn, phức tạp. Ở giai đoạn sau của chuyên án, cơ quan điều tra Bộ Công an đã phối hợp với Interpol để tiếp tục điều tra về đường dây này.

Ngày 25-1-2019, Cục Cảnh sát hình sự đã lên kế hoạch, cử các tổ công tác chốt chặn tại các cửa khẩu biên giới và bắt giữ một mắt xích quan trọng của đường dây này gồm 5 đối tượng kể trên khi các đối tượng này đưa những người bán thận ở nước ngoài trở về Việt Nam. Đồng thời, ban chuyên án cũng mời 11 người bán thận đi cùng về trụ sở làm việc.

Tại Cơ quan công an, “bà trùm” cùng các đối tượng đã thừa nhận toàn bộ hành vi mua bán thận của các nạn nhân từ Việt Nam qua nước ngoài. Hiện, Cơ quan cảnh sát điều tra đang củng cố tài liệu chứng cứ, mở rộng điều tra vụ án để xử lý các đối tượng bị bắt giữ và các đối tượng liên quan.

Phú Lữ - Đức Cương
.
.