Truy bắt 2 tử tù trốn trại vì danh dự và sự nghiêm minh của pháp luật
- Tạm giữ hình sự 4 đối tượng liên quan đến 2 tử tù trốn trại
- Hành trình căng thẳng truy bắt 2 tử tù trốn trại
Việc bắt giữ sớm các đối tượng góp phần ngăn chặn không để chúng tiếp tục gây ra các vụ án khác, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho nhân dân là một thành tích, thế nhưng đối với CBCS tham gia vây bắt thì đây lại là danh dự, trách nhiệm và sự nghiêm minh của pháp luật...
Nhận định chuẩn xác
Buổi tối ngày 16-9, được tin tử tù Lê Văn Thọ đã bị bắt giữ và di lý về Trại tạm giam T16, chúng tôi đã có mặt để chia sẻ niềm vui với CBCS hoàn thành nhiệm vụ trở về. Hàng trăm CBCS thuộc cánh quân do Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến - Cục trưởng Cục CSHS (C45) chỉ huy thực hiện cuộc truy tìm, vây bắt tên tội phạm nguy hiểm Lê Văn Thọ tại các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội đã có thể tạm nghỉ ngơi. Dù mệt mỏi nhưng không ai có thể chợp mắt bởi ngoài kia, vẫn còn hàng trăm người đồng chí, đồng đội đang thức trắng đêm quây bắt kẻ tử tù vượt ngục còn lại.
Ngay trong đêm, Trưởng Ban chuyên án - Trung tướng Trần Văn Vệ, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát sau khi trực tiếp hỏi cung và chỉ đạo các công tác nghiệp vụ tiếp theo đối với đối tượng Lê Văn Thọ đã vội vã lên đường, hướng về cánh quân thứ hai do Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C47) trực tiếp chỉ huy đang ráo riết khép chặt vòng vây để bắt giữ Nguyễn Văn Tình ở khu vực xã Tân Sơn (Hòa Bình).
Mấy ngày nay, trên đó đang mưa. Trời trở lạnh đột ngột khiến nhiều CBCS không kịp mang theo quần áo ấm nhưng họ vẫn kiên trì bám trụ các chốt gác. Đã có thông tin chính xác về việc tên Tình đang móc nối, tìm đường vào Lóng Luông (Sơn La). Nếu để tên này lọt vào được điểm nóng “bản ma túy” giáp biên giới thì rất khó để có thể bắt giữ lại. Và đến rạng sáng ngày 17-9, niềm vui như vỡ òa bởi thông tin lực lượng vây bắt đã tóm gọn được Nguyễn Văn Tình khi hắn đang tìm chỗ ẩn náu tại một lán nương heo hút trong rừng sâu.
Kẻ tử tù trốn trại tin rằng, bóng đêm và cánh rừng đại ngàn với địa hình hiểm trở sẽ là nơi giúp hắn trốn thoát khỏi lưới pháp luật đang bủa vây. Thế nhưng thiên nhiên đã không đồng lõa với kẻ xấu. Rừng xanh cũng như người dân, luôn đứng về phía lực lượng Công an - những người đang ngày đêm bảo vệ sự bình yên cho cuộc sống.
Trước đó, từ các thông tin trinh sát, lực lượng truy bắt đã “vẽ” được sơ đồ trốn chạy của 2 kẻ tử tù vượt ngục. Theo đó, rạng sáng ngày 11-9, sau khi trốn khỏi Trại tạm giam T16, Thọ và Tình tìm về nhà người thân của Tình ở xã Yên Trung, huyện Thạch Thất (Hà Nội) lấy xe máy Dream, đội mũ bảo hiểm và bịt khẩu trang chạy trốn. Khi đến thị trấn Xuân Mai, hai tên tội phạm quyết định “chia tay” mỗi đứa một ngả.
Sau 150 giờ trốn chạy, 2 tử tù Lê Văn Thọ và Nguyễn Văn Tình đã bị bắt giữ. |
Quá trình xác minh, lần theo cung đường trốn chạy của 2 kẻ đào tẩu đến đây coi như mất dấu. Thế nhưng, Ban chuyên án đã đưa ra nhận định cực kỳ chuẩn xác: Thọ “sứt” quê Thanh Hà (Hải Dương), là đối tượng hình sự nguy hiểm sẽ tìm về địa bàn Hải Dương, Quảng Ninh... nơi có nhiều quan hệ cũ. Còn Nguyễn Văn Tình, vừa bị kết án tử hình trong đường dây mua bán hàng trăm bánh heroin từ Sơn La về Hà Nội để đưa lên các tỉnh biên giới phía Bắc tiêu thụ, chắc chắn sẽ tìm đường móc nối với các trùm ma túy ở khu vực Hòa Bình, Sơn La.
Với nhận định này, Ban chuyên án đã phân công lực lượng truy bắt chia thành 2 mũi: Mũi thứ nhất do Cục C45 đảm nhiệm, phối hợp công an các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội truy bắt Lê Văn Thọ; mũi thứ hai do Cục C47 chủ trì phối hợp Công an Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La vây bắt Nguyễn Văn Tình.
Vây bắt thành công
Chúng tôi gặp Đại tá Nguyễn Đức Thính, Trưởng Phòng 3 C47, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ công của Cục C47 trong chiến dịch vây bắt tử tù Nguyễn Văn Tình. Việc bắt giữ thành công 2 tử tù Lê Văn Thọ và Nguyễn Văn Tình sau 150 giờ đã đảm bảo yêu cầu đặt ra là an toàn tuyệt đối cho người dân, cho CBCS tham gia vây bắt và an toàn cả cho đối tượng. Song, từ các tướng lĩnh chỉ huy cho tới những người lính trực tiếp truy lùng 2 tên tử tù trốn trại, không ai coi đây là thành tích.
“Việc bắt giữ 2 đối tượng là danh dự và trách nhiệm của cả lực lượng công an, vì sự nghiêm minh của pháp luật nên sau khi bắt được đối tượng Tình, cảm giác của anh em như trút được một gánh nặng” - Đại tá Thính cởi lòng. Bởi sau khi xảy ra vụ 2 tử tù trốn trại T16, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát đã xác định đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng và đáng tiếc. Do đó, bên cạnh công tác truy lùng, bắt giữ sớm nhất các đối tượng trước khi chúng có thể gây ra các vụ án khác, giảm thiểu hậu quả có thể xảy ra, lực lượng công an cũng đã thực hiện nghiêm minh việc xử lý những cán bộ có liên quan.
13 cán bộ chiến sĩ từ Ban giám thị tới lính canh của Trại T16, nơi xảy ra vụ trốn trại đã bị đình chỉ công tác để phục vụ công tác điều tra. Sự nghiêm minh của pháp luật được thực hiện từ chính những người đang thực thi pháp luật mới mang lại niềm tin cho người dân.
Trở lại với cuộc vây bắt 2 tử tù. Nếu như Lê Văn Thọ là “người cũ” của Cục C45 trong một loạt các vụ án hình sự với các tội danh: Giết người, bắt cóc, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản... thì Nguyễn Văn Tình cũng là “người quen” của Cục C47. Bởi Tình chính là 1 bị can trong đường dây buôn bán 490 bánh heroin do Nguyễn Thanh Tuân và Đặng Minh Châu cầm đầu, sử dụng phương thức giấu heroin trong bình gas công nghiệp mà Phòng 3 C47 triệt phá. Chính vì vậy, lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát đã tin tưởng giao nhiệm vụ cho Cục C47 chủ trì việc vây bắt Nguyễn Văn Tình.
Mặc dù mới 28 tuổi nhưng Nguyễn Văn Tình “hội tụ” đầy đủ yếu tố “3 trong 1” của một tên tội phạm ma túy: sự khôn ngoan, tính toán kỹ lưỡng của một tội phạm kinh tế; sự manh động liều lĩnh của tội phạm hình sự và sự xảo quyệt của tội phạm ma túy. Chính vì vậy, hành trình bỏ trốn của Tình cũng khác so với Lê Văn Thọ.
Nếu như Lê Văn Thọ thể hiện “máu yêng hùng” của một kẻ giang hồ có số má, nghênh ngang tìm đến các mối quan hệ cũ để “xin tiền”, rồi tìm tới gái gú, tình nhân và các chốn ăn chơi cho “đã” thì Nguyễn Văn Tình lại lặng lẽ cắt đứt tất cả các mối quan hệ mà bằng kinh nghiệm khi tham gia đường dây buôn bán ma túy, Tình biết rằng cơ quan Công an sẽ lần tìm tới.
Người duy nhất mà Tình tìm đến sau khi trốn trại là gia đình, là người mẹ. Bởi trong các mối liên hệ thì tình mẫu tử là thiêng liêng nhất. Sau này, khi Nguyễn Văn Tình bị bắt giữ, điều đầu tiên mà hắn nói với các cán bộ C47 là “xin các chú tạo điều kiện cho bố mẹ cháu”.
Tình khai rằng sáng sớm hôm đó khi thoát khỏi trại, Tình về nhà đập cửa. Mẹ của hắn run rẩy, hốt hoảng khi thấy thằng con đã bị tuyên án tử hình về tội ma túy, đang ở tù lại lù lù xuất hiện, rồi hỏi vì sao hắn đang trong tù lại về được nhà?
Tình bảo: “Con không muốn chết” rồi lục lấy mấy bộ quần áo, cầm 20 triệu đồng mà theo Tình khai thì đó là tiền riêng của hắn cho người ta vay, nay họ trả nên mẹ hắn giữ hộ. Sau đó hắn đi. Chia cho Thọ “sứt” gần nửa số tiền trên, Tình và Thọ quyết định tách nhau mỗi đứa một ngả.
Việc Nguyễn Văn Tình cắt đứt liên lạc với người nhà, người thân là một khó khăn lớn cho lực lượng điều tra, truy bắt. Nhận định Tình buôn ma túy, ắt tìm đến những quan hệ về ma túy để tìm đường tẩu thoát, hồ sơ về đường dây ma túy mà Tình tham gia được Phòng 3 C47 lật lại để truy ra các mối quan hệ. Mà mối liên hệ của tội phạm ma túy thì chằng chịt như vòi bạch tuộc.
Một đối tượng có thể tham gia mua bán với nhiều nhánh theo kiểu quan hệ móc xích, có thể liên quan đến nhau trong thương vụ mua bán này nhưng lại độc lập ở những thương vụ khác với những đối tượng khác. Vì vậy trong những ngày đầu, toàn bộ CBCS của Cục C47 đã được tung đi các tỉnh như Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Hà Nam, Hải Phòng, Hà Nội...
Tử tù Nguyễn Văn Tình (giữa) được đưa về trụ sở Công an xã; Lê Văn Thọ bị bắt giữ bất ngờ ngay trên đường phố. |
“Dù chỉ là một quan hệ nhỏ cũng phải xác minh” là chỉ đạo của lãnh đạo Cục quán triệt tới tất cả CBCS. Loại trừ dần các mối quan hệ mà Nguyễn Văn Tình ít có khả năng tìm đến, Ban chuyên án nhận định và tập trung vào mối liên hệ của Tình với các trùm ma túy ở khu vực “điểm nóng” về ma túy tại Lóng Luông (Sơn La), nơi mà khả năng “ông trùm” Nguyễn Thanh Tuân vẫn đang trốn truy nã sẽ tìm cách giúp đỡ đàn em.
Gần 100 CBCS của Cục C47 và 300 quân của công an 2 tỉnh Sơn La và Hòa Bình được huy động tổng lực, chia thành gần 20 chốt khép kín vòng vây, vừa tuần tra kiểm soát địa bàn, vừa chốt chặn, mật phục toàn bộ các ngả đường, từ đường chính đến các đường tắt, đường mòn vào các “điểm nóng” ma túy: Hang Kia, Pà Cò và Lóng Luông.
Một trạm chỉ huy tác chiến được lập ngay tại xã Tân Sơn (Hòa Bình), điểm trung tâm giữa các chốt do Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng C47 trực tiếp điều hành các phương án bắt giữ. Trung tướng Trần Văn Vệ, tổng chỉ huy toàn bộ chiến dịch vây bắt 2 tử tù thì đi lại liên tục giữa 2 cánh quân.
Yêu cầu đặt ra đối với cả 2 mũi vây bắt Lê Văn Thọ và Nguyễn Văn Tình là khi bắt giữ đối tượng phải đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ để đối tượng không kịp trở tay.
Trước đó, trong các cuộc họp với Ban chuyên án, các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an đã đặt ra rất nhiều câu hỏi, những tình huống buộc lực lượng tham gia truy bắt phải giải đáp: “Nếu đối tượng có vũ khí nóng trong tay thì xử lý ra sao? Đối tượng xuất hiện ở chỗ đông người thì bắt thế nào? Nếu phát hiện đối tượng trong một gia đình có người già, trẻ nhỏ thì các đồng chí làm thế nào?”.
Chính vì vậy, trong lực lượng tham gia vây bắt, cảnh sát đặc nhiệm tinh nhuệ của Công an Hà Nội với kinh nghiệm trong các vụ giải cứu con tin cũng được huy động, phòng phương án 2 kẻ tử tù trong lúc đường cùng sẽ không từ một thủ đoạn quỷ quyệt, tàn độc nào.
17h30 ngày 16-9, phát hiện chiếc taxi chở Lê Văn Thọ đang lao nhanh trên đường đi phố Hóp (xã Nam Hồng, huyện Nam Sách, Hải Dương). Xác định đây là thời điểm “vàng” để tấn công, bắt giữ tên tội phạm được xác định là cực kỳ nguy hiểm và manh động nhất, tổ công tác của Cục C45 do Thiếu tá Đỗ Minh Phương - Phó trưởng Phòng 5 chỉ huy dùng xe máy đeo bám đã quyết định bất ngờ chặn đầu ô tô, phá tung cửa kính, khống chế Thọ ngay trong xe. Thọ “sứt” bị tóm gọn trong tình thế hắn không ngờ tới.
Tin vui từ cánh quân bắt giữ đối tượng Lê Văn Thọ truyền về. Mừng vì 50% kế hoạch đã hoàn thành. Nhưng áp lực đối với cánh quân đang vây bắt Nguyễn Văn Tình cũng nặng nề hơn. Trời vẫn mưa như trút. Càng về đêm, trời càng lạnh. Nước mưa ngấm vào người khiến cái lạnh nơi rừng núi càng buốt hơn.
Thông tin Nguyễn Văn Tình đã lọt vào “trận địa”, nhưng hắn vẫn đang đâu đó trong cánh rừng già. Biết chắc chỗ nào cũng đang có cảnh sát bủa vây nên hắn cũng đợi cho màn đêm giăng kín núi rừng, khi con người rơi vào trạng thái buồn ngủ nhất để hành động. Chỉ cần một sơ suất nhỏ, một sự lơ là nhỏ thôi, khi Tình đã lọt qua “cửa ải” thì mọi công sức, nỗ lực của hàng trăm CBCS dầm mưa dãi nắng những ngày qua coi như đổ bể.
“Áp lực nặng hơn buộc chúng tôi càng quyết tâm cao hơn, siết chặt vòng vây để bắt bằng được Nguyễn Văn Tình. Ngày nào, giờ nào còn chưa bắt được đối tượng thì đó còn là một món nợ của lực lượng công an đối với nhân dân” - Đại tá Nguyễn Đức Thính kể lại.
Và cũng đúng như nhận định của Ban chuyên án. Đến 1h30 ngày 17-9, sau hơn 1 ngày chui lủi trong núi chờ thời cơ, “con hổ” Nguyễn Văn Tình buộc phải chui ra khỏi “hang”. Lợi dụng bóng đêm, Tình mò mẫm vào một lán rừng tìm đồ ăn. Hắn không ngờ được lực lượng vây bắt đã ém sẵn trong lán. Tên tử tù cuối cùng cũng bị khóa tay trong tình thế bị động, bất ngờ.
Khi dẫn giải hắn về trụ sở công an xã, Nguyễn Văn Tình đã thốt lên: “Nếu cháu còn ở Hà Nội thì còn lâu các chú mới bắt được”. Các trinh sát mỉm cười. Phương án quây quét gắt gao, lùng sục tới từng ngõ phố của toàn bộ lực lượng công an cơ sở và dân phòng, cùng với việc phát động phong trào nhân dân tố giác tội phạm ngay sau khi phát hiện 2 tử tù trốn trại đã đạt hiệu quả.
Không có nơi chứa chấp, ẩn náu an toàn buộc những “con hổ” như Nguyễn Văn Tình phải tìm cách lên rừng; buộc “cáo già” Lê Văn Thọ phải sử dụng taxi thường xuyên trên đường bỏ trốn. Khi chúng đã ra ngoài, đảm bảo an toàn cao nhất là lúc lực lượng công an triển khai phương án bắt giữ đã được tính toán kỹ lưỡng.