Truy tố người mẹ phạm tội lừa đảo khiến con bị bắt cóc
Vụ bắt cóc kỹ sư xây dựng tại công trình Keangnam
Đầu tháng 10-2010, dư luận Hà Nội xôn xao trước vụ việc một nhóm người câu kết bắt cóc anh Lưu Văn Vương (26 tuổi), kỹ sư xây dựng khi anh này đang làm việc tại công trình xây dựng tòa nhà Keangnam (Từ Liêm, Hà Nội). Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, lực lượng Đặc nhiệm – Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an Hà Nội đã vào cuộc để giải cứu con tin sau 11 ngày bị nhóm bắt cóc giam giữ và đe dọa sẽ “chặt chân, chặt tay”.
Các đối tượng trong vụ “bắt cóc” anh Lưu Văn Vương, con trai bà Thiều Thị Bản. |
Nguyên nhân vụ bắt cóc con tin táo tợn trên xuất phát từ việc làm ăn của mẹ đẻ nạn nhân – bà Thiều Thị Bản (SN 1956, ở Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội), Phó giám đốc Công ty cổ phần xây dựng hạ tầng kỹ thuật Gia Lộc (Công ty Gia Lộc).
Ngày 8-9-2009, Đỗ Danh Khánh, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Thịnh An (Công ty Thịnh An) ký hợp đồng kinh tế với Công ty Gia Lộc do bà Thiều Thị Bản – PGĐ là đại diện về việc công ty của Khánh nhận san lấp 2 triệu m³ mặt bằng Khu liên hiệp hóa lọc dầu Nghi Sơn thuộc huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa với giá 80 tỷ đồng/01triệu m³.
Để ký hợp đồng trên, công ty Gia Lộc yêu cầu ông Khánh nộp tiền bảo lãnh là 1 tỷ đồng. Ông Khánh đồng ý và ký hợp đồng. Sau đó, ông Khánh ký hợp đồng hợp tác thi công với Phan Thanh Chi (34 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) và Chi nộp 1 tỷ đồng để bảo lãnh theo yêu cầu của bà Bản.
Bà Bản hẹn một tháng sau sẽ giao mặt bằng cho Khánh và Chi thi công. Quá hẹn một tháng do chưa thực hiện việc giao mặt bằng bà Bản làm cam kết hẹn ngày 28/5/2010 sẽ giao mặt bằng thi công, nếu không giao thì phía bà Bản hoàn trả số tiền bảo lãnh và chịu nộp phạt 1% giá trị hợp đồng. Đến ngày 28-5-2010, Khánh và Chi không nhận được mặt bằng, thi công nên thuê Phạm Minh Thông cùng đến Công ty Gia Lộc để đòi nợ, nhưng không đòi được.
Khoảng 20 giờ ngày 12-8-2010, Chi bàn với Phạm Minh Thông và Triệu Văn Cường đòi Khánh số tiền đã đặt cọc. Chi mượn một xe ôtô chở Thông và Cường đến nhà Khánh chờ và phát hiện xe của Khánh về rồi lại đi ngay. Chi lái xe bám theo xe Khánh. Đến đường Thanh Niên, quận Ba Đình, Hà Nội, Chi lái xe vượt lên chặn đầu, ép xe ôtô của Khánh vào lề đường. Cường và Thông xông sang, đập cửa và yêu cầu mọi người trong xe xuống xe. Trong xe lúc này có ba con gái của Khánh và lái xe Nguyễn Văn Thịnh. Khi tất cả mọi người xuống xe, Cường lên xe cầm lái, Thông quát và bắt ba con gái của Khánh và Thịnh lên xe của Khánh để Cường lái đi.
Khi đi được một đoạn, Thông lấy điện thoại của Thịnh và Thùy Linh (con gái lớn của Khánh). Đến dốc Hàng Than, Cường và Thông cho hai cháu nhỏ con Khánh xuống xe, còn Thịnh và Thùy Linh bị bắt đưa về khu vực Đền Lừ, quận Hoàng Mai, Hà Nội và đe dọa, bắt Thùy Linh gọi điện cho ông Đào Danh Khánh ra giải quyết, nhưng do ông Khánh đang ở Hải Phòng nên Thông lục cốp lấy toàn bộ giấy tờ xe của ông Khánh, ép Thùy Linh viết giấy giao ôtô và Thịnh ký với tư cách người làm chứng theo nội dung Thông đọc. Xong việc, Thông và Cường mới cho cháu Linh và lái xe Thịnh về. Hôm sau, Thông và Cường mang ôtô đi bán được 370 triệu đồng.
Sau khi lấy xe của ông Khánh, Chi đã bàn với Khánh việc giữ Lưu Văn Vương (con trai của bà Thiều Thị Bản) để đòi tiền. Ông Khánh đồng ý. Ngày 2-10-2010, Chi rủ Đặng Cao Cường, Đào Duy Phúc tổ chức bắt Vương. Cường đã rủ thêm Nguyễn Tài Anh, Phúc rủ thêm Vũ Văn Hiếu tổ chức bắt giữ Vương với mục đích ép bà Bản trả 1 tỷ đồng cho chúng.
Để thực hiện hành vi trên, Chi giao cho Cường đến công trường Keangnam (nơi anh Vương làm việc) để tìm hiểu. Đặng Cao Cường móc nối, bàn bạc với Dương Văn Thuật (là bảo vệ) và Trần Đăng Đạt (là phiên dịch viên tiếng Hàn Quốc) của công trường Keangnam để thực hiện hành vi bắt giữ Vương. Bọn Chi, Cường, Hiếu, Phúc và Tài Anh cùng Đạt và Thuật đã dụ Vương ra khỏi cổng công trường Keang Nam, ép Vương lên xe ôtô rồi đưa Vương về nhà nghỉ Thành Đô ở khu đô thị Đền Lừ, quận Hoàng Mai.
Sau khi bắt giữ Vương, Chi đưa cho Đặng Cao Cường 5.000.000 đồng, Cường trả công cho Thuận và Đạt 2.500.000 đồng, còn lại 2.500.000 đồng giữ lại và tiêu hết. Chi giao cho Hiếu, Phúc, Cường, Tài Anh thay nhau trông giữ Vương và nhiều lần bắt Vương gọi điện về cho mẹ yêu cầu trả tiền cho Khánh. Trưa ngày 9-10-2010, do sợ lộ nên cả nhóm đã đưa anh Vương đến nhà nghỉ Hải Xuân 2 ở khu vực ngã ba Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội tiếp tục bắt giữ và ép gia đình Vương trả tiền.
Sau đó Chi, Cường, Tài Anh quay về nhà, còn Phúc gọi thêm Tạ Đình Hiệp đến trông giữ Vương và chiều cùng ngày chuyển “con tin” sang nhà nghỉ Vũ Hùng ở khu chợ bê tông Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội. Ngày 13-10-2010, khi Hiệp đang giữ Vương ở nhà nghỉ Vũ Hùng thì bị cơ quan công an bắt giữ. Kết cục 11 đối tượng tham gia trong vụ bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản này đã bị đưa ra trước vành móng ngựa xét xử, trong đó có cả ông Đào Danh Khánh, người lẽ ra là “chủ nợ” hợp pháp nhưng do tham gia đòi nợ theo kiểu “luật rừng”, từ người bị hại đã trở thành kẻ phạm tội.
Tuy nhiên pháp luật rất nghiêm minh. Hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền của bà Thiều Thị Bản đã được cơ quan công an tách riêng để điều tra trong một vụ án kinh tế khác.
Đề nghị truy tố người mẹ phạm tội lừa đảo
Do không trả được số tiền 1 tỷ đồng cho Đỗ Danh Khánh, bà Thiều Thị Bản đã bỏ trốn và bị Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội ra quyết định truy nã. Tháng 1-2015, bà Bản bị bắt. Cơ quan điều tra đã ra quyết định phục hồi điều tra vụ án hình sự, làm rõ hành vi phạm tội của Thiều Thị Bản. Mới đây, vụ án kinh tế này đã được Cơ quan CSĐT (PC46) Công an Hà Nội kết thúc giai đoạn điều tra để đề nghị truy tố bị can Thiều Thị Bản trước pháp luật.
Quá trình điều tra làm rõ, Công ty Gia Lộc được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cấp giấy phép đăng ký kinh doanh từ năm 2003 với các ngành nghề: xây dựng các công trình dân dụng, giao thông, thủy lợi, cấp thoát nước và vệ sinh môi trường... do ông Nguyễn Gia Tự (SN 1953) làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.
Ngày 8-6-2004, ông Nguyễn Gia Tự ký quyết định bổ nhiệm bà Thiều Thị Bản làm Phó giám đốc Công ty Gia Lộc. Theo đó, bà Bản được ủy quyền và dùng dấu của Công ty Gia Lộc để ký kết các hợp đồng liên danh, liên kết với các công ty, các đơn vị kinh tế và kế hoạch kinh doanh của công ty.
Ngày 1-7-2009, Chi nhánh xây lắp dầu khí Hà Nội – Tổng công ty CP xây lắp dầu khí Việt Nam ký hợp đồng kinh tế với Công ty Gia Lộc do ông Nguyễn Gia Tự làm đại diện về việc thuê thiết bị thi công công trình san lấp mặt bằng khu vực nhà máy – dự án liên hiệp hóa lọc dầu Nghi Sơn giai đoạn 1 với giá trị hợp đồng khoảng 8,8 tỷ đồng.
Mặc dù không được ký hợp đồng thực hiện giai đoạn 2 của dự án nhưng Thiều Thị Bản đã trao đổi với anh Đỗ Danh Khánh – Giám đốc Công ty Thịnh An về việc Công ty Gia Lộc trong thời gian tới sẽ được nhận thầu san lấp mặt bằng dự án liên hiệp hóa lọc dầu Nghi Sơn giai đoạn 2, nếu Công ty Thịnh An muốn hợp tác thì Công ty Gia Lộc sẽ ký hợp đồng liên doanh cho làm cùng với điều kiện phía Thịnh An phải nộp 1 tỷ đồng tiền bảo lãnh hợp đồng.
Do không có năng lực thực hiện, ông Đào Danh Khánh đã tiếp tục “liên kết” làm ăn với Phan Thanh Chi. Bản thân Chi không có tư cách pháp nhân nên phải thông qua Công ty CP đầu tư và xây dựng Toàn Đức để ký hợp đồng hợp tác thi công với công ty Thịnh An. Theo khai nhận của ông Đào Danh Khánh thì với việc ký hợp đồng hợp tác thi công này, phía Công ty Thịnh An sẽ được hưởng lợi 2% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, do phía Công ty Gia Lộc không nhận được thầu, đã dẫn đến việc các đối tượng tổ chức bắt cóc anh Lưu Văn Vương để ép bà Thiều Thị Bản phải trả lại 1 tỷ đồng như vụ án đã nêu trên.
Ngoài ra, sau khi bắt giữ bà Thiều Thị Bản, Cơ quan điều tra còn làm rõ, tháng 10-2009, Công ty Gia Lộc ký hợp đồng liên doanh với Công ty CP đầu tư và xây dựng thương mại Việt Nam (trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) – là đơn vị nhận thầu thi công san lấp mặt bằng khu công nghiệp cầu cảng Phước Đông.
Từ hợp đồng này, tháng 11-2009, Công ty Gia Lộc lại ký hợp đồng liên doanh với Công ty Thịnh An để cùng nhau thực hiện việc san lấp. Ông Đỗ Danh Khánh đã chuyển cho bà Thiều Thị Bản 500 triệu đồng tiền bảo lãnh hợp đồng. Sau khi vào kiểm tra thực tế thấy dự án thi công chậm, không khả thi như bà Bản nói nên ông Khánh quyết định không tham gia thi công nữa và yêu cầu Thiều Thị Bản, Nguyễn Gia Tự - Giám đốc Công ty Gia Lộc trả lại 500 triệu đồng, nhưng cả hai tìm cách khất lần rồi bỏ trốn. Cơ quan điều tra kết luận hành vi này của Nguyễn Gia Tự và Thiều Thị Bản có đủ yếu tố cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Tại cơ quan điều tra, Thiều Thị Bản khai nhận trong tổng số 1,5 tỷ đồng đã nhận của ông Đào Danh Khánh, Bản đã viết phiếu thu và nộp về Công ty Gia Lộc. Số tiền này đã được Nguyễn Gia Tự đã rút bằng 4 phiếu chi với nội dung chi: Đầu tư vào công trình san lấp cụm cầu cảng Phước Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.
Do Nguyễn Gia Tự - Giám đốc Công ty Gia Lộc vẫn đang bỏ trốn nên Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội đã ra quyết định truy nã, đồng thời ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can, quyết định tách vụ án hình sự với bị can Nguyễn Gia Tự để khi truy bắt được sẽ điều tra, xử lý sau.
Đối với Thiều Thị Bản – Phó giám đốc Công ty Gia Lộc, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đề nghị truy tố về 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.