VN Pharma: Còn quá nhiều góc khuất

Thứ Hai, 30/10/2017, 10:52
Tại phiên tòa phúc thẩm, nhiều vấn đề mà cấp sơ thẩm bỏ qua và chưa "lật tẩy" đã dần lộ diện. Mặc dù đại diện VKSND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh đã nhận định: việc làm tắc trách của cán bộ, lãnh đạo Cục Quản lý Dược đã tạo điều kiện thuận lợi cho các bị cáo phạm tội, nhưng Cục Quản lý Dược vẫn khẳng định mình làm đúng và chối bỏ trách nhiệm.


Con voi chui lọt lỗ kim

Trong phiên tòa sơ thẩm, có 9 bị cáo bị tuyên phạt từ 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 12 năm tù về các tội "Buôn lậu" và "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức". Mặc dù chỉ có 6 bị cáo kháng cáo nhưng vì bản án bị kháng nghị nên 3 bị cáo hưởng án treo vẫn phải ra vành móng ngựa.

Trước tòa, Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP VN Pharma) và Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hàng hải quốc tế H&C) luôn đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Hùng thì khai không biết Cường bán cho mình thuốc giả còn Cường lại khai vì tin tưởng đối tác Canada, không nghĩ đối tác cung cấp cho mình thuốc giả. Nhưng các bị cáo không thể lý giải việc chỉ đạo nhân viên làm hợp đồng giả, chi cho đối tác Hồng Kông 10.000 USD, lùi ngày trên hợp đồng…

Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Minh Hùng vẫn nhiều lần khẳng định bản thân không chủ ý buôn lậu, không biết việc cấp dưới làm giả hồ sơ để giao dịch với đối tác ở Hồng Kông, không biết thuốc mình bán là giả. Hùng khai khi tìm hiểu nguồn gốc, xuất xứ thuốc thì được biết đối tác là Công ty Helix Canada, đối tác nói là lô thuốc đạt tiêu chuẩn tốt thông qua một số giấy chứng nhận (sau này công an xác định là giả). Tuy nhiên, tòa đã từng bước làm rõ hành vi cấu kết buôn lậu thuốc giả, chỉ đạo nhân viên thuê dược sĩ viết công thức thuốc, làm giả hồ sơ kỹ thuật thuốc của Cường và Hùng.

Bị cáo Hùng, Cường.

Ban đầu, Võ Mạnh Cường chối bay chối biến việc làm giả vỏ hộp, nhãn hiệu thuốc. Nhưng sau khi tòa công bố hàng loạt email mà bị cáo Cường và Phan Cẩm Loan (nguyên Phó Phòng Xuất nhập khẩu VN Pharma) trao đổi về mẫu mã nhãn hiệu thì Cường đã phải gục đầu nhận tội.

Về quy trình nhập thuốc, Hùng cho biết đầu tiên là đàm phán với đối tác, sau đó đối tác cung cấp giấy tờ như nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng để đối chiếu đúng tiêu chuẩn đặt ra hay không? Bước kế tiếp là lập đơn hàng kèm theo tài liệu, yêu cầu nhà máy thực hiện theo tiêu chuẩn đề ra sau đó nộp cho Cục Quản lý Dược. Bị cáo Hùng khai rằng thuốc nhập về Việt Nam cũng phải điều chỉnh một số vấn đề để phù hợp với đặc trưng của Việt Nam.

Bị vạch rõ: công an đã phát hiện bản tiêu chuẩn và chất lượng thuốc khác nhau, Hùng khai rằng nếu mâu thuẫn thì đâu có làm kiểm nghiệm được, đâu có cấp phép được. Theo Hùng, khi nhập thuốc thì thuốc được gởi đi kiểm nghiệm và đạt tiêu chuẩn. Hùng còn khai rằng đã viết tiêu chuẩn kèm theo hướng dẫn sử dụng thuốc theo… tiêu chuẩn mà mình đã viết ra.

Mẫu mã, hộp thuốc ai thiết kế?  Hùng khai: "Ai thiết kế cũng được, nếu ở Việt Nam thì mình thiết kế cũng được, thiết kế như mình mong muốn. Công ty VN Pharma là đơn vị thiết kế mẫu mã".

Tòa đã đưa ra hàng loạt nghị định, điều luật trong Bộ luật Hình sự để chứng minh lời khai của bị cáo trái ngược với thông tư liên ngành y tế, luật dược. Cụ thể, giấy phép ghi tên thuốc không đúng với tên thuốc trong hồ sơ, một số nội dung không thống nhất giữa các phần hồ sơ; lô thuốc không có mã vạch, mã số của bất kỳ công ty nào trên toàn cầu.

Khi lô thuốc về Việt Nam, Công ty Austin chưa được Bộ Y tế cấp lại giấy phép hoạt động nhưng vẫn có công văn đề nghị sử dụng giấy phép hoạt động của Công ty này để nhập khẩu các lô hàng đã được ký hợp đồng trước khi giấy phép hoạt động hết hạn.

Theo công văn của Bộ Ngoại giao gởi Bộ Công an, Giấy chứng nhận bán hàng tự do (FSC); Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) của Canada được đóng dấu hợp pháp hóa lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada đều là những giấy tờ giả. Bị cáo Nguyễn Minh Hùng đã cấu kết với Võ Mạnh Cường sử dụng những giấy tờ giả này nộp lên Cục Quản lý Dược xin phép nhập khẩu thuốc. Từ những giấy tờ giả này, Cục Quản lý Dược không xác minh, không kiểm chứng mà chỉ xem hồ sơ rồi cấp phép.

Cũng chính từ những giấy tờ giả này, Cục trưởng Cục Quản lý Dược đã cấp giấy phép cho Công ty Helix Canada tại Việt Nam. Những sai phạm này đã rõ ràng tuy nhiên Cục Quản lý Dược lại nói rằng tin tưởng doanh nghiệp nên cấp phép mặc dù việc xác minh trước khi cấp phép là bắt buộc.

Nhân vật Raymundo có thật hay không?

Cơ quan điều tra đã kết luận, nhân vật Raymundo mà bị cáo Võ Mạnh Cường khai sống tại Philippines là một nhân vật không xác định được nhân thân, lai lịch. Tại cơ quan công an, Cường khai là ủy quyền của Công ty Helix Canada.  Đây là một công ty "ma", Bộ Ngoại giao đã trả lời Bộ Công an sau khi xác minh không có địa chỉ như đã đăng ký tại Canada.

Các bị cáo tại tòa.

Các cơ quan chức năng đã "chỉ rõ": tại hồ sơ ủy quyền, phần ủy quyền với tên Raymundo là chữ ký khống của Cường và phần được ủy quyền thì chính Cường là người ký tên.

Bị cáo Bùi Ngọc Duy (31 tuổi, nguyên trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển VN Pharma) cũng đã thừa nhận ký tên Raymundo trên hồ sơ kỹ thuật thuốc và ký tên một dược sĩ khác của Công ty Helix.

Như vậy, hai bị cáo Bùi Ngọc Duy và Võ Mạnh Cường đã ký tên giả Raymundo để làm giả hồ sơ ủy quyền cũng như trên hồ sơ kỹ thuật thuốc để hợp thức hóa nhiều hồ sơ.

Ngay cả các bộ hồ sơ về tiêu chuẩn, nguồn gốc và chữ ký tham tán đại sứ quán Việt Nam tại Canada cũng do Cường làm giả con dấu. Như vậy, khả năng nhân vật Raymundo là một nhân vật "hư cấu", do các bị cáo tự dựng lên để gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý vụ án. Mặc dù tòa đã làm rõ Cường và Duy giả chữ ký  Raymundo nhưng Cường vẫn nhiều lần nói rằng mình có làm việc với ông này. Nếu đã nhiều lần làm việc, Raymundo đã nhiều lần sang Việt Nam thì tại sao Cường và Duy phải giả chữ ký của người này?

Trong suốt quá trình làm ăn, kinh doanh, cả Hùng và Cường chưa bao giờ đến xưởng sản xuất của Raymundo nhưng vẫn giao dịch. Khi bị cơ quan chức năng phát hiện thuốc Cường mua của ông Raymundo là thuốc giả, Cường nại ra rằng vì tin tưởng ông này có nhà máy ở Canada và nước khác, bản thân ông Raymundo cũng có nhiều bằng cấp. Tuy nhiên, khi được hỏi Raymundo ở đâu thì Cường không biết.

Chi hoa hồng cho trình dược viên?

Sau khi đưa thuốc "vòng quanh thế giới" từ một nước nào đó sang Ấn Độ qua Singapore rồi nhập về Việt Nam, các bị cáo đã cấu kết nâng khống giá thuốc từ 25 USD/hộp lên thành 75 USD/hộp. Ban đầu Hùng khai rằng chi 7,5 tỉ đồng cho công tác bán hàng, phát triển khách hàng, maketing…Tuy nhiên, tòa đã công bố lời khai một trình dược viên rằng sau khi so sánh mức chi hoa hồng của các hãng đối thủ, trình dược viên đề xuất chi hoa hồng cho bác sĩ và được ban giám đốc VN Pharma chấp nhận.

Lúc này, Nguyễn Minh Hùng cùng Ngô Anh Quốc (Phó tổng Giám đốc VN Pharma) mới thừa nhận và biện hộ rằng trình dược viên có chi tiền cho bác sĩ hay không thì không biết.

Ngoài ra, Nguyễn Minh Hùng đã chỉ đạo nhân viên chi 10.000 USD cho đối tác Hồng Kông. Ban đầu Hùng nại ra rằng do thấy đối tác gặp khó khăn về tài chính nên giúp số tiền này. Tuy nhiên sau đó Hùng khai rõ rằng: Hùng thuê pháp nhân công ty này để làm những chuyện phi pháp tại Việt Nam.

Số tiền 7,5 tỉ đồng và 10.000 USD là tang vật vụ án. Tuy nhiên tòa sơ thẩm không tuyên tịch thu sung quỹ nhà nước, đây là một thiếu sót nghiêm trọng trong công tác xét xử.

Trách nhiệm Cục Quản lý dược ở đâu?

Bị cáo Võ Mạnh Cường đã trưng ra giấy phép hoạt động của Helix Canada tại Việt Nam do ông Trương Quốc Cường ký. Vấn đề nằm ở chỗ, tại sao Cục trưởng Cục Quản lý Dược lại ký giấy phép hoạt động cho một công ty "ma"? Trước khi ký đã xác minh, thẩm định công ty hay chưa?

VKSND Cấp cao tại TP HCM đã nhận định chính việc làm tắc trách của lãnh đạo Cục Quản lý Dược đã tạo điều kiện cho nhóm 9 bị cáo làm việc phi pháp, trái đạo đức, y đức và chuẩn mực xã hội khi các bị cáo kinh doanh các sản phẩm liên quan đến tính mạng, sức khỏe của người bệnh mà đặc biệt là người bệnh ung thư đang từng ngày, từng giờ giành lấy sự sống từ tay tử thần.

Tuy nhiên, tại phiên phúc thẩm, khi được hỏi thì ông Đỗ Trung Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Y tế vẫn nhiều lần nói rằng việc cấp các giấy phép này là đúng quy định, đúng quy trình.

Trong văn bản gửi TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, Cục Quản lý Dược bao biện rằng việc các đối tượng làm giả hồ sơ như giấy chứng nhận bán tự do (FSC), giấy chứng nhận GMP là rất tinh vi, không thể phát hiện bằng mắt thường.

Các giấy tờ này cũng đã được chứng thực sao y bản chính của Phòng Tư pháp Quận 10 (TP.HCM) và chỉ được khẳng định là giả sau khi có kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an trong quá trình điều tra.

Nếu không sai sao lại phạt cán bộ?

Một vấn đề khiến nhiều người quan tâm đó là Bộ Y tế khẳng định làm đúng quy trình việc thẩm định hồ sơ kỹ thuật thuốc, đúng quy trình trong việc cấp phép cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; đúng quy trình trong việc cấp phép nhập khẩu thuốc giả nhưng lại luân chuyển, xử lý hàng loạt cán bộ tại Cục Quản lý Dược.

Cụ thể, Bộ Y tế đã luân chuyển Lãnh đạo Cục Quản lý Dược, ông Nguyễn Tất Đạt thôi phụ trách Phòng Quản lý kinh doanh dược.

Ông Phan Công Chiến (trưởng nhóm thẩm định pháp chế thuộc Tổ Chuyên gia thẩm định hồ sơ nhập khẩu thuốc thành phẩm chưa có số đăng ký) bị luân chuyển, bà Lê Thúy Hương không được phân công tham gia thẩm định bất kỳ loại hồ sơ nào tại Cục Quản lý Dược.

Bộ Y tế đã thay thế, bổ sung chuyên gia thẩm định nhóm pháp chế và nhóm tiêu chuẩn chất lượng. Bộ Y tế cũng cắt tất cả các danh hiệu thi đua đối với tập thể và cá nhân có liên quan thuộc Phòng Quản lý Kinh doanh dược - Cục Quản lý dược.

Xử lý hành chính, yêu cầu các cán bộ liên quan và chuyên gia thẩm định báo cáo, giải trình và nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc.

Đặc biệt, sau khi vụ án xảy ra gây phẫn uất trong dư luận, phẫn nộ trong cộng đồng người bệnh ung thư tại Việt Nam thì Bộ Y tế mới cập rập tập huấn cho các cán bộ của Cục Quản lý Dược, các chuyên gia thẩm định về công tác hợp pháp hóa lãnh sự, phục vụ cho công tác tác nghiệp và thẩm định hồ sơ.

A.Huy - T.Phong
.
.