Vận chuyển cần sa và ma túy tổng hợp bằng... đường hàng không
- Vận chuyển, buôn bán ma túy qua đường hàng không vẫn diễn biến phức tạp
- Phát hiện hơn 13kg nghi cần sa vận chuyển qua đường hàng không
- Hải quan Hà Nội loay hoay xử lý hơn 2,3 tấn lá Khat
Trong đó có 412g cocaine; 89g heroin; 19.829g thuốc lắc MDMA; 34.249g cần sa và sản phẩm cần sa. Đặc biệt, đã phát hiện hai chất ma túy mới thâm nhập là THC (Delta 9-Tetrahydrocannabinol) và Alprazolam (hai chất này nằm trong danh mục các chất ma túy theo Nghị định 73/2018/NĐ-CP ngày 15-5-2018 của Chính phủ).
Qua các vụ ma túy bị phát hiện, bắt giữ trên địa bàn có thể thấy, tội phạm ma túy trong và ngoài nước đã câu kết chặt chẽ với nhau, hình thành đường dây, tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, hoạt động với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Đặc biệt, tội phạm ma túy có yếu tố nước ngoài đã lợi dụng tuyến hàng không (bao gồm sân bay, bưu điện, chuyển phát nhanh) để vận chuyển trái phép chất ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam, một phần để sử dụng trong nước, một phần để trung chuyển sang nước thứ ba.
Số cocain bị phát hiện tại cảng Tân Cảng - Cái Mép Thị Vải đã gây rúng động dư luận. |
Trong đó, lực lượng Hải quan TP Hồ Chí Minh đã phát hiện, bắt giữ một số vụ vận chuyển ma túy với quy mô, số lượng lớn từ Mỹ, Canada và một số quốc gia châu Âu thông qua đường hàng không, bưu điện, chuyển phát nhanh vào Việt Nam và xuất ma túy, tiền chất ma túy trái phép sang Úc.
Đặc biệt, từ đầu năm 2018 đến nay, việc nhập khẩu trái phép cần sa và ma túy tổng hợp MDMA (thuốc lắc) dưới hình thức quà biếu phi mậu dịch là hiện tượng đáng báo động, trong khi ma tuý thông qua đường hành khách xuất nhập cảnh giảm đáng kể so với các năm trước.
Các đối tượng ma túy triệt để lợi dụng các chính sách tạo thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh..., nhất là trong thực hiện thủ tục hải quan, thông quan điện tử đối với hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện xuất nhập khẩu để vận chuyển ma túy. Các phương thức, thủ đoạn thường sử dụng, như: cất giấu ma túy trong hàng hóa, hành lý xuất nhập khẩu; hoặc gia công cất giấu giữa các cạnh, vách thùng bao bì hàng hóa, trong các quyển sách, bìa album, tranh ảnh, trong thực phẩm, máy hút bụi, hộp và túi đựng đĩa CD, ổ cứng máy vi tính…. Các đối tượng còn sử dụng chứng minh nhân dân giả gửi hàng hoặc dịch vụ đại lý khai thuê làm thủ tục hải quan đối với bưu phẩm, bưu kiện xuất nhập khẩu để né tránh trách nhiệm khi bị phát hiện.
Gần đây, trong 2 ngày 25 và 26-6-2018, Đội Kiểm soát phòng chống ma túy - Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh, Đội 6 - Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Bộ Công an đã phát hiện 8 bưu kiện có chứa hơn 12,5kg thuốc lắc được gửi về Việt Nam từ các nước châu Âu qua đường bưu điện quốc tế và chuyển phát nhanh.
Điều đáng nói, số thuốc lắc này được các đối tượng cất giấu rất tinh vi trong ruột loa điện tử, vách thùng carton, hộp đồ chơi… để qua mặt cơ quan chức năng. Thậm chí số thuốc này còn được dán cẩn thận và chi ly trong từng miếng giấy carton, rất khó phát hiện.
Chỉ ba ngày sau (29-6), Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cũng phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển trái phép 4kg cần sa từ Mỹ về Việt Nam. Cần sa được đóng gói rất kỹ trong 20 gói nilon, hút chân không và cất giấu tinh vi trong lô hàng thực phẩm, đồ dùng cá nhân. Người nhận hàng theo vận đơn là ông P.T.T. (ngụ tại quận Hoàng Mai, Hà Nội); còn người gửi là một đối tượng ngụ tại bang California, Mỹ.
Lá khát - loại ma túy mới cũng được các đối tượng vận chuyển trái phép qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. |
Trước đó, vào ngày 19-6, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã kiểm tra lô hàng quà biếu phi mậu dịch từ Los Angeles - California - Mỹ về Việt Nam do ông L.V.H (ngụ tỉnh Vĩnh Phúc) đứng tên người nhận hàng và phát hiện 2,7kg cần sa trong 12 gói nylon hút chân không, cất giấu trong các gói, hộp bánh kẹo, quần áo, dầu gội, giày dép...
Ngày 12-6, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cũng đã bắt giữ liên tiếp hai vụ vận chuyển trái phép tổng cộng 5,2kg cần sa cũng với thủ đoạn như trên gửi cho một đối tượng ở TP Hồ Chí Minh và một đối tượng ở Ninh Thuận.
Để công tác phòng chống ma túy trong cả nước đạt hiệu quả, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện tốt công tác nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, xây dựng bố trí mạng lưới nghiệp vụ đấu tranh chống tội phạm ma tuý tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, đặc biệt là tuyến Tây Bắc, Đông Bắc, bắc miền Trung, Tây Nam, tuyến hàng không, tuyến đường biển.
Đặc biệt, Bộ Công an và các Bộ liên quan tích cực phối hợp với các nước láng giềng triển khai các đợt cao điểm, tấn công trấn áp tội phạm ma túy. Công an các tỉnh, thành phố cả nước tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây ma tuý lớn, liên tuyến, liên tỉnh và xuyên quốc gia; các tụ điểm mua bán lẻ và tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý...