Vì sao hai “phó tướng” xinh đẹp của Hà Văn Thắm vướng vòng lao lý?

Thứ Hai, 11/09/2017, 20:11
Nguyễn Minh Thu và Lê Thị Thu Thủy có vẻ đẹp trời ban, học hành đàng hoàng, hiểu biết sâu về lĩnh vực ngân hàng và thăng tiến khá nhanh trong sự nghiệp. Cả hai từng là “Phó tướng” của Hà Văn Thắm khi ông này chưa bị bắt.

Trong thời gian giúp việc cho Thắm, hai người phụ nữ này dù làm trái quy định hay bị ép làm trái quy định trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng cũng đều thực hiện công việc được giao rất hiệu quả. Vậy nhưng khi cơ quan bảo vệ pháp luật phát hiện ra những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Oceanbank và Hà Văn Thắm được xác định giữ vai trò chính, thì hai “Phó tướng” xinh đẹp này cũng liên đới phải chịu trách nhiệm hình sự. Và họ đã khai gì tại tòa trong hơn một tuần xét xử đại án kinh tế này.

1. Nguyễn Minh Thu (SN 1973, ở quận Đống Đa, Hà Nội) từng giữ chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank). Trước khi bị bắt với cáo buộc cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Thu từng giữ chức Chủ tịch HĐQT Oceanbank thay Hà Văn Thắm trong thời gian 2 tháng.

Trước đó, người phụ nữ này đã trải qua nhiều cương vị quan trọng tại Oceanbank như Phó Giám đốc Oceanbank chi nhánh Hà Nội, Phó Tổng Giám đốc rồi Tổng Giám đốc Oceanbank. Nhưng có lẽ, khoảng thời gian giữ chức Tổng Giám đốc Oceanbank từ tháng 1-2011 đến tháng 11-2014 là mốc thời gian “đáng nhớ” nhất đối với người phụ nữ này. Thu tốt nghiệp trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đó nhận bằng Thạc sĩ Quản trị kinh tế Trung tâm Pháp-Việt.

Trải qua 4 năm làm việc tại một số đơn vị như: Viện Nghiên cứu sau thu hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Văn phòng tư vấn UCE, Ngân hàng Singer & Friendlander và Công ty Bristol & Myers Squibb VN, từ năm 2000-2007, Thu là chuyên viên rồi Trưởng phòng Quản lý dòng tiền của Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC), một đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Ngày 23-10-2014, Thu được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT Oceanbank ngay sau khi HĐQT ngân hàng này ra quyết định miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với Hà Văn Thắm vì anh này bị bắt do liên quan đến nhiều tội danh xảy ra tại Oceanbank trong thời gian giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT.

Bị cáo Thu tại phiên tòa…
…và Thu thời đương chức TGĐ Oceanbank.

Nhưng cũng chỉ nắm chức chức vụ to nhất của Oceanbank được 2 tháng thì Thu bị bắt. Trước đó nhiều người biết đến Thu và nhận xét người phụ nữ xinh đẹp này thăng tiến thần tốc trong “quan lộ”.

Cáo trạng của VKSND Tối cao xác định, giữa năm 2009, Thu là Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối nguồn vốn của Oceanbank đã tiếp nhận chỉ đạo của Tổng Giám đốc Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn để triển khai thực hiện trên toàn hệ thống Oceanbank việc thu thêm tiền chênh lệch ngoài tỷ giá trong hợp đồng bán ngoại tệ cho khách hàng. Thu giao cho Giám đốc Khối nguồn vốn làm đầu mối, phối hợp với các chi nhánh cung cấp tỷ giá vượt trần khi có khách mua ngoại tệ, từ đó thực hiện việc bán ngoại tệ cho khách hàng với tỷ giá cao hơn trần dịch vụ ký với Công ty cổ phần BSC Việt Nam (viết tắt là Công ty BSC (công ty của Hà Văn Thắm).

Theo chỉ đạo này, Khối nguồn vốn và các chi nhánh của Oceanbank khi thực hiện 651 hợp đồng mua bán ngoại tệ với khách hàng đã yêu cầu khách hàng ký 200 hợp đồng dịch vụ với Công ty BSC, qua đó thu được “nguồn phí” khoảng 14 tỷ đồng. Thu biết số tiền này được chuyển về Công ty BSC nhưng không biết Thắm và Sơn sử dụng số tiền này như thế nào. Với hành vi này, Thu bị cáo buộc đã phạm vào tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản với vai trò giúp sức cho Sơn.

Ngoài hành vi trên, trong thời gian giữ chức vụ Tổng Giám đốc Oceanbank, nhận lệnh từ Hà Văn Thắm, Thu trực tiếp chỉ đạo các khối nghiệp vụ của Hội sở Oceanbank và giám đốc các chi nhánh, phòng giao dịch Oceanbank chi trả lãi ngoài huy động vốn cho khách hàng tiền gửi trái quy định về trần lãi suất huy động vốn do Ngân hàng Nhà nước quy định từng thời kỳ với tổng số tiền khoảng 540 tỷ đồng chi lãi ngoài.

Thời điểm này, Nguyễn Xuân Sơn đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Nhưng theo bàn giao và chỉ đạo của Sơn, Thu đã trực tiếp phê duyệt, nhận và chi tiền lãi ngoài hơn 125 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn và không kỳ hạn cho các khách hàng thuộc nhóm PVN do Sơn phụ trách.

Chưa hết, với vai trò Tổng Giám đốc, Thu còn thực hiện theo chỉ đạo chi trả số tiền gần 120 tỷ đồng mà không giải trình được. Với hành vi này, Thu bị cáo buộc đã phạm vào tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo dõi 10 ngày xét xử đại án kinh tế này, theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được tòa công bố công khai và cả những lời khai trực tiếp của Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn tại phiên xử, thể hiện nguyên nhân khiến Thu nghe theo chỉ đạo của Thắm và Sơn để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng một phần bắt nguồn từ mối lương duyên giữa Thu và Sơn khi cô còn là cấp dưới của Sơn tại Công ty Tài chính Dầu khí, rồi sau này cả hai lại có dịp tái hợp tại Oceanbank; phần nữa bắt nguồn từ cái sự phục tùng mệnh lệnh của người giữ chức vụ cao nhất tại Oceanbank là Hà Văn Thắm.

Theo lời khai của Thu, khi cô vừa mới đi làm trở lại sau dịp sinh con thì Thắm đặt vấn đề đưa cô vào vị trí Tổng Giám đốc Oceanbank “thay anh Sơn về nhận công tác Phó Tổng Giám đốc PVN”. “Tôi nói với anh Thắm rằng, em không nhận chức vụ này đâu vì muốn dành nhiều thời gian cho con nhỏ. Nhưng anh Thắm nói, đây là ý kiến của anh Sơn nên em hãy nhận lời của người đề cử để tiếp tục cùng anh giúp Oceanbank phát triển”, Thu khai.

Trong thời gian tiếp quản ghế Tổng Giám đốc từ người tiền nhiệm, Thu đã thực hiện rất nhiều chỉ đạo của Thắm và Sơn như đã nói trên, và dù cô biết rõ nhiều chỉ đạo ấy không đúng quy định của pháp luật, nhưng vẫn thực hiện để rồi tự đưa mình vào lao lý. Tại tòa, Thu nhận tội nhưng cô thường xin thêm hội đồng xét xử ít phút để thanh minh cho mình.

2. Lê Thị Thu Thủy (SN 1977, trú tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Thủy tốt nghiệp cử nhân kinh tế Đại học Thương mại; thạc sỹ quản trị kinh doanh Đại học Griggs (Hoa Kỳ), từng là Kế toán trưởng Chi nhánh Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội, Kế toán trưởng Ngân hàng TMCP Đại Dương, Phó Tổng Giám đốc Oceanbank, thành viên HĐQT Oceanbank. Sau khi Nhà nước mua lại Oceanbank với giá 0 đồng thì Thủy tiếp tục là thành viên HĐQT Ngân hàng TNHH 1 thành viên Đại Dương, rồi Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TNHH 1 thành viên Đại Dương.

Những người làm việc trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng phần nhiều biết đến Thủy vì cô được tiếng là xinh đẹp, trẻ trung, du học ở nước ngoài về cùng một số phát ngôn ấn tượng như: “Đừng bao giờ đánh mất đam mê trong công việc”. “Chừng nào bạn còn đam mê, mọi khó khăn trong cuộc sống sẽ không thể ngăn cản bạn thành công”.

Kể từ khi hợp tác làm việc tại Oceanbank với Chủ tịch HĐQT Hà Văn Thắm, rồi được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính-kế toán, Thủy luôn thể hiện rõ quan điểm trong công việc và là người trực tính khi phản đối mạnh mẽ quyết định của HĐQT Oceanbank về việc chi lãi ngoài cho khách hàng trái quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Bị cáo Thủy tại phiên tòa…
…và Lê Thị Thu Thủy ngày chưa vướng lao lý.

Thế nhưng trong bối cảnh 2 người giữ quyền lực cao nhất Oceanbank lúc đó là Hà Văn Thắm - Nguyễn Xuân Sơn và Nguyễn Minh Thu cùng sự đồng thuận của Ban kiểm soát Oceanbank thì phản đối của cá nhân Thủy chỉ như “lấy trứng chọi đá”. Thủy đã thực hiện theo ý kiến của HĐQT ngân hàng này, trong đó vai trò chỉ đạo của Thắm và Sơn là chính.

Cáo trạng xác định, thực hiện ý kiến của Hà Văn Thắm, Thủy chỉ đạo cấp dưới làm các thủ tục tạm ứng để chi tiền cho Nguyễn Minh Thu về việc chi lãi ngoài huy động vốn cho khách hàng. Tính đến đầu tháng 2-2014, thấy việc hoàn ứng chậm, Thủy báo cáo và được Thắm chỉ đạo chi thẳng từ tài khoản trả lãi. Vậy là Thủy đã truyền đạt yêu cầu của Thắm cho cấp dưới buộc phải thực hiện.

Trong quá trình chi tiền, Thủy chỉ đạo cấp dưới cân đối nguồn tiền có trong tài khoản để hoàn tạm ứng cho các khoản tạm ứng thực hiện “nghiệp vụ”, trong đó có các khoản tạm ứng để chi tiền cho các cá nhân theo chỉ đạo của Thắm. Theo lệnh của Thu về việc bộ phận kế toán xử lý chuyển tiền cho các chi nhánh để chi lãi ngoài huy động vốn cho các khách hàng là tổ chức kinh tế và cá nhân, Thủy đã chỉ đạo bộ phận kế toán xử lý nguồn tiền này một cách “linh hoạt”.

Nhưng pháp luật là pháp luật, cơ quan tố tụng xác định, Thủy thực hiện chủ trương trái quy định pháp luật của Thắm nên phải liên đới chịu trách nhiệm cùng Thắm và các bị cáo khác trong vụ án này về số tiền cố ý làm trái gần 1.600 tỷ đồng.

Tại phiên xử, Thủy không nhận tội khi cho rằng, quá trình giúp việc cho Thắm, cô thường xuyên bị ép vào tình thế buộc phải thực hiện chứ không muốn. Thủy cũng nhiều lần thanh minh, cô là cấp dưới nên chỉ có thể đề nghị  chứ không thể cãi cấp trên, mà cấp trên ở đây là cả một tập thể, quan điểm của họ cũng đã được đưa vào nghị quyết của HĐQT nên cô phải thực hiện là điều đương nhiên.

Khi hội đồng xét xử cho đối chất, Thắm thừa nhận, biết việc chi lãi ngoài để “chăm sóc khách hàng” là vi phạm nhưng nếu Thủy không làm thì tôi sẽ rút tư cách Phó Tổng Giám đốc của Thủy. “Việc làm trái quy định của Thủy là do bị lừa vì tôi nói, khoản này sẽ được hoàn ứng. Trong hoàn cảnh này, Thủy và những nhân viên dưới quyền buộc phải làm như vậy”, Thắm khai nhận.

Chính Thắm cũng xin cơ quan tố tụng xem xét vai trò của Thủy và các cán bộ, nhân viên khác của Oceanbank vì Thắm mà đã vướng vào lao lý. Và  cho dù Hà Văn Thắm không đổ tội cho cấp dưới nhưng theo quy định của pháp luật, tất cả những ai giúp sức cho Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý, dù rằng mức độ nặng - nhẹ khác nhau.

Thủy là một trong những bị cáo ở vụ án này được các cơ quan thực thi pháp luật xem xét khi không bắt tạm giam mà cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú vì thấy được hoàn cảnh vi phạm.

Nguyễn Hưng
.
.