Vì sao nạn hành hung bác sĩ vẫn tái diễn?

Thứ Ba, 31/03/2020, 09:30
Trong lúc màu áo Blouse trắng được tôn vinh như "áo giáp quốc gia", đất nước ngợi ca, tri ân những người bác sĩ - chiến sĩ bám trụ nơi tuyến đầu phòng chống đại dịch COVID-19, thì hình ảnh khuôn mặt bê bết máu của bác sĩ Lê Ngọc Sơn - nạn nhân trong vụ hành hung xảy ra mới đây tại Trung tâm y tế huyện Bình Giang (Hải Dương) đã khiến dư luận bàng hoàng và phẫn nộ.

Bạo lực bệnh viện không còn là chuyện mới ở Việt Nam. Đề án phòng chống tội phạm tại cơ sở y tế cũng đã có, nhưng vì sao máu bác sĩ vẫn đổ? Câu hỏi ai sẽ cứu họ trong những tình huống nguy hiểm vẫn là chủ đề nóng sau mỗi sự việc đau lòng xảy ra ở nơi cứu người.

Đơn độc trước hiểm nguy

Chúng tôi có mặt tại Công an huyện Bình Giang khi 5 đối tượng gây ra vụ hành hung dã man đối với bác sĩ Lê Ngọc Sơn đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "Gây rối trật tự công cộng". Kết quả điều tra xác định: buổi chiều ngày 18/3, Trung tâm y tế huyện Bình Giang tiếp nhận bệnh nhân Phạm Đức Hùng (21 tuổi, ở xã Thúc Kháng, Bình Giang, Hải Dương) vào khám thương do tai nạn giao thông.

Bác sĩ Lê Ngọc Sơn bị hành hung ngày 18/3/2020 tại Trung tâm y tế huyện Bình Giang (Hải Dương).

Những người cùng đi là Ngô Nguyên Minh (22 tuổi, ở khu Hạ, thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang), Vũ Đình Cường (21 tuổi, ở xã Vĩnh Hồng, Bình Giang). Tại đây, nhóm thanh niên cho rằng bác sĩ Vũ Thành Đạt (công tác ở Khoa Ngoại) không tận tình chu đáo trong cứu chữa bệnh nhân nên cả bọn chửi bới, xô đẩy bác sĩ này.

Thấy đồng nghiệp bị gây sự, bác sĩ Lê Ngọc Sơn liền đến can ngăn thì bị Ngô Nguyên Minh đấm vào mặt. Lúc này bác sĩ Sơn cũng tự vệ bằng cách dùng tay đấm lại Minh, sau đó mọi người vào can ngăn nên đám bạn Hùng bỏ đi.

Khoảng 5 phút sau, chúng "chập" với nhóm bạn của Minh gồm Vũ Xuân Phương (sinh năm 1999, trú tại xã Bình Minh, huyện Bình Giang); Phạm Thế Vũ (sinh năm 1998, trú tại thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang) và Nguyễn Viết Hinh (sinh năm 1998, trú tại xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình).

Hai nhóm bàn nhau quay lại bệnh viện tìm bác sĩ Sơn để đánh trả thù. Khi tìm được vị bác sĩ vừa chống trả mình, các đối tượng đã dùng gậy gỗ, vợt cầu lông, dùi cui kim loại xông vào đánh bác sĩ Sơn rất dã man.

Các bác sĩ, y tá, bảo vệ cơ quan liền chạy đến can ngăn nên nhóm côn đồ trên đã bỏ chạy ra về. Nạn nhân bị đa chấn thương, bị chảy nhiều máu ở vùng mặt, gãy sống mũi và một số xây xát ở vùng lưng, ngực, tay. Hiện bác sĩ Sơn đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương.

Vụ hành hung bác sĩ nói trên đã nối dài thêm danh sách các vụ bạo lực tại cơ sở y tế trong những năm qua. Theo báo cáo của Bộ Y tế, những vụ việc gây mất an ninh trật tự, an toàn bệnh viện hoặc hành hung nhân viên y tế, truy sát người bệnh vẫn xảy ra, với tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm.

Đó là các vụ người nhà bệnh nhân dùng cốc đập thẳng vào đầu bác sĩ Lê Quang Dương (Phó khoa Hồi sức cấp cứ, Bệnh viện đa khoa Thạch Thất) trưa ngày 16/4/2017 gây bất tỉnh; vụ một nhóm thanh niên xông vào đánh nhân viên lái xe của Trung tâm Y tế Phú Ninh, Quảng Trị, đập phá tài sản tại Khoa cấp cứu ngày 28/9/2017; vụ Trần Tuấn Anh và Tô Văn Quý hành hung rồi bắt bác sĩ Phạm Đình Vinh (khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Thể thao Việt Nam) quỳ gối xin lỗi ngày 16/6/2017; vụ người nhà bệnh nhân gây rối, hành hung nhân viên y tế xảy ra ngày 4/4/2018 tại Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Gia Lai; vụ Trương Văn Thanh (32 tuổi, ở quận Ba Đình, Hà Nội) đánh bác sĩ Vũ Hồng Chiến (khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Xanh Pôn) đêm 13/4/2018…

Theo số liệu theo dõi của Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, các vụ bạo lực thời gian qua chủ yếu xảy ra ở bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60% số vụ việc), tiếp đến là bệnh viện tuyến Trung ương (chiếm 20%).

Đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ (chiếm 70%), tiếp đến là điều dưỡng (chiếm 15% số vụ việc). 90% số vụ việc xảy ra tại trong khuôn viên bệnh viện, trong đó 30% số vụ việc xảy ra trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh và 30% số vụ việc xảy ra khi thầy thuốc, nhân viên y tế đang giải thích cho người bệnh, người nhà người bệnh. 

Bệnh viện là nơi cứu người, luôn phải chạy đua về thời gian với "thần chết" để giữ lại mạng sống cho bệnh nhân. Việc tấn công nhân viên y tế đương nhiên sẽ gây ra sự náo loạn, có thể làm gián đoạn hoạt động cấp cứu, mà hậu quả nhãn tiền là tính mạng người bệnh bị đe dọa.

Mặt khác, không bác sĩ nào có thể bình tĩnh, tỉnh táo để chuyên tâm vào công việc đòi hỏi có sự tập trung cao độ và không được phép sai sót, khi mà tâm trí bị ám ảnh, lo sợ trước những lời đe dọa hay thái độ hung hãn, thù địch.

Bị bạo hành, "xử tệ" bởi những người đang cầu viện đến sự giúp đỡ của thầy thuốc, còn làm suy giảm nhiệt tình công tác, sự tận tuỵ trong họ… và hậu quả cuối cùng vẫn là kéo chất lượng khám chữa bệnh của cơ sở y tế đi xuống. Cần phải xử lý nghiêm khắc mọi hành vi gây rối tại cơ sở y tế, tấn công y bác sĩ, bởi vì tính chất rất đặc thù của môi trường bệnh viện.

"Nội soi" nguyên nhân

Có thể thấy càng ngày áp lực càng đè nặng xuống vai những người thầy thuốc, khi họ vừa phải căng mình ra để cứu người, vừa canh cánh nỗi lo trở thành nạn nhân trong những vụ quá khích, gây rối hay trả thù, kiện tụng. Nhiều "lỗ hổng" trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn tại các bệnh viện đã lộ ra.

Vụ hành hung bác sĩ tại Bệnh viện Xanh Pôn (ảnh cắt từ clip).

Phân tích về nguyên nhân dẫn tới tình trạng bác sĩ đổ máu bởi nạn "côn đồ bệnh viện", Bác sĩ Phan Quốc Hưng - (Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lâm Thao, Phú Thọ) cho biết bệnh viện là địa điểm công cộng, là môi trường nhạy cảm và phức tạp.

Hiện nay, sự xuống cấp về đạo đức và ý thức pháp luật của một bộ phận người dân khiến họ có thái độ khinh nhờn các quy định của bệnh viện, sẵn sàng sử dụng nắm đấm khi có bức xúc tâm lý.

Công tác chăm sóc, khám chữa bệnh có tính rủi ro rất cao, các sự cố y khoa ngoài mong muốn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào ngoài khả năng đề phòng, ngăn chặn của người thầy thuốc. Đây là nguồn cơn chủ yếu dẫn đến những va chạm, xung đột giữa người nhà bệnh nhân với nhân viên y tế.

Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, trong khi cơ sở vật chất chưa đáp ứng được so với yêu cầu của xã hội, dẫn đến một số trường hợp bệnh nhân hay người nhà bức xúc tâm lý.

Một yếu tố rất quan trọng khác là công tác bảo vệ bệnh viện chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị bảo vệ an ninh bệnh viện ở nhiều nơi còn thiếu thốn. Nhân viên bảo vệ không chuyên nghiệp, chưa qua các khoá đào tạo bài bản về nghiệp vụ an ninh, không đủ năng lực để khống chế đối tượng gây rối, thậm chí có trường hợp bảo vệ bỏ chạy khi đối tượng tấn công thầy thuốc.

Hiện nay pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể các biện pháp mà lực lượng bảo vệ bệnh viện được áp dụng trong các vụ bạo lực, gây rối, mức độ xử lý đối với các vi phạm pháp luật chưa đủ sức răn đe.

Công tác tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho cán bộ y tế và nhân viên bảo vệ về các tình huống dễ dẫn tới xung đột còn chưa được thường xuyên, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế công tác phòng chống tội phạm và phòng ngừa vi phạm pháp luật.

Sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền và lãnh đạo bệnh viện trong bảo đảm an ninh bệnh viện có nơi còn chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều bệnh viện chưa chủ động phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an từ các cấp để thực hiện tốt các phương án phòng chống tội phạm và phòng ngừa vi phạm pháp luật trong cơ sở y tế.

Cuối cùng là vẫn còn tình trạng nhân viên y tế ứng xử chưa đúng mực, hoặc chưa được trang bị một cách đầy đủ các kiến thức về ứng xử, gây hiểu nhầm hoặc gây bức xúc cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

"Kháng sinh" bạo lực

Đó là tên một tiểu phẩm dự thi của ngành Y tế tỉnh Phú Thọ đã đoạt giải cao nhất trong vòng thi cấp cụm 6 tỉnh, giải 3 toàn quốc trong cuộc thi "Cán bộ y tế cơ sở giỏi" tổ chức năm 2018, mà tôi (PV) là tác giả kịch bản kiêm đạo diễn, theo lời mời giúp đỡ của các thầy thuốc đất Tổ.

Tiểu phẩm được đánh giá cao bởi thông điệp: "Y đức là đạo đức nghề nghiệp thiêng liêng của người thầy thuốc trong quan hệ với bệnh nhân. Nhưng khi thầy thuốc bị tấn công, thì đây lại là một quan hệ khác. Tội phạm đã xảy ra và người thầy thuốc với quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khoẻ được pháp luật bảo hộ, họ được quyền phòng vệ chính đáng, nghĩa là được phép chống trả lại một cách tương xứng đối với người đang có hành vi xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của mình, của đồng nghiệp hay của cơ quan, tổ chức. Bác sĩ hãy tự cứu mình vì sự trợ giúp thường đến muộn".

Một vụ người nhà bệnh nhân xông vào hành hung nhân viên y tế do camera ghi lại.

Trên thực tế, các vụ bạo lực thường xảy ra rất đột ngột, chủ yếu do những bức xúc nhất thời, thiếu kiềm chế từ phía người nhà bệnh nhân. Chính sự đột ngột này khiến cho việc phòng bị trở nên khó khăn.

Việc cứu giúp của cơ quan Công an, thậm chí ngay lực lượng bảo vệ bệnh viện nhiều khi đến không kịp thời, bởi "nước xa không cứu được lửa gần".

Do đó, bên cạnh việc quán triệt và triển khai nghiêm túc đề án phòng ngừa tội phạm và phòng chống vi phạm pháp luật tại các cơ sở y tế đã được Bộ Y tế ban hành ngày 17/1/2019, thì việc tập huấn cho nhân viên y tế làm chủ những kỹ năng ứng phó với bạo lực bệnh viện, thậm chí dạy võ cho các thầy thuốc, như kinh nghiệm của ngành Y tế tỉnh Phú Thọ là điều nên làm.

Bác sĩ Hưng cho rằng cần đặt yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở y tế ngang hàng với yêu cầu nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh. Do đó, cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng an ninh, hệ thống tường rào, camera an ninh, các cổng cách ly khu vực khám chữa bệnh và khu làm việc, hệ thống còi, loa truyền thanh, Trung tâm đã hợp đồng thuê các đơn vị bảo vệ chuyên nghiệp.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tập huấn, mời các chuyên gia tới truyền đạt, trao đổi, hướng dẫn cho các y bác sĩ, đội ngũ bảo vệ về văn hoá giao tiếp với nhân dân, cách phát hiện nguy cơ xung đột và các kỹ năng bỏ túi để ứng phó, xử lý tình huống xảy ra bạo lực. Qua đó đã cải thiện đáng kể tình hình an ninh, trật tự tại các cơ sở y tế trên địa bàn.

Đào Trung Hiếu
.
.