Vụ “Ethanol Phú Thọ”: Chỉ định thầu kiểu “gọt chân cho vừa giày”

Chủ Nhật, 22/11/2020, 18:10
Dự án Ethanol Phú Thọ với tổng vốn đầu tư trên 1.300 tỷ đồng nhưng được ông Đinh La Thăng, với vị trí Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học, chỉ đạo giao cho liên danh nhà thầu của Trịnh Xuân Thanh. Mặc dù biết liên danh nhà thầu của Trịnh Xuân thanh không đủ năng lực tài chính, kỹ thuật nhưng các bị can đã thực hiện việc chỉ định thầu theo kiểu “gọt chân cho vừa giày”. Dự án dở dang, nhà máy “ngốn” 1.476 tỉ đồng trở thành đống sắt vụn.


Dự án trọng điểm sản xuất Ethanol có mức đầu tư trên 1.300 tỉ đồng

Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025, sau khi Tập đoàn Dầu khí (PVN) gửi tờ trình về 3 dự án nhiên liệu sinh học tại Việt Nam ở 3 miền Bắc, Trung, Nam và kiến nghị xem xét chính sách phát triển nhiên liệu sinh học.

Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào quy hoạch phát triển ngành dầu khí, trong đó có 3 dự án tại Phú Thọ; Dung Quất và miền Nam. Ông Thăng ký nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy sản xuất Ethanol (PVB) đóng tại huyện Tam Nông, Phú Thọ.

Cuối năm 2007, Công ty Cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB) ra đời với tư cách chủ đầu tư dự án, vốn điều lệ ban đầu 405 tỷ đồng, cổ đông sáng lập là các công ty con của PVN. Trong đó Nguyễn Phương Đông giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị và Vũ Thanh Hà giữ chức vụ Tổng Giám đốc PVB. Tiếp đó, lãnh đạo PVB phê duyệt xây dựng dự án Ethanol Phú Thọ với tổng vốn đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng.

Địa điểm xây dựng dự án thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, diện tích sử dụng đất là 517.981,7 m2, loại công trình công nghiệp, công suất 100.000 m3/năm (tương đương 330.000 lít cồn/ngày), thời gian thực hiện 18 tháng, dự kiến tháng 10-2010 bàn giao đưa vào sử dụng,

Dự án sản xuất Ethanol nghìn tỉ không thành, gây thiệt hại nghiêm trọng.

Tháng 7-2008, PVN lập Ban chỉ đạo triển khai các dự án nhiêu liệu sinh học. Ông Đinh La Thăng làm trưởng ban, 2 Phó Tổng giám đốc PVN làm phó ban gồm ông Vũ Quang Nam và bà Trần Thị Bình. 2 tháng sau, PVB công bố hồ sơ mời thầu gói thầu TK05 với nội dung: “Thiết kế, mua sắm, cung ứng vật tư thiết bị, thi công xây dựng công trình Nhà máy sản xuất Ethanol nhiên liệu sinh học phía Bắc”.

Tiếp đó, tháng 9-2008, PVB có quyết định về việc phê duyệt hồ sơ mời thầu gói thầu TK05 “chìa khóa trao tay” xây dựng Nhà máy sản xuất Ethanol nhiên liệu để sơ tuyển lựa chọn nhà thầu. Để tham gia sơ tuyển đáp ứng các yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm theo yêu cầu, Trịnh Xuân Thanh nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây lắp dầu khí (PCV) đã ký văn bản gửi PVB xin gia hạn thời gian nộp hồ sơ dự tuyển và đề nghị hạ một số tiêu chí đánh giá về năng lực kỹ thuật, năng lực tài chính và kinh nghiệm của nhà thầu nhưng PVB không chấp thuận. Tiếp đó, PVC có công văn thông báo thành lập Liên danh PVC/Alfa/Laval/Delta-T tham dự sơ tuyển gói thầu TK05. Tại thời điểm đóng sơ tuyển, có 6 nhà thầu nộp hồ sơ tham dự, trong đó có liên danh nhà thầu trên.

Chỉ định thầu kiểu “gọt chân cho vừa giày”

Có 6 bộ hồ sơ của các nhà thầu tham gia ứng tuyển, trong đó có hồ sơ của Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T. Tuy nhiên, chủ đầu tư kết luận không có nhà thầu nào đạt tiêu chuẩn. Riêng Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T bị chủ đầu tư kết luận: Năng lực kỹ thuật, năng lực tư vấn thiết kế chưa đạt do chưa làm chủ nhiệm thiết kế công trình sản xuất Ethanol nhiên liệu nào có công suất trên 100.000m3/ năm. Năng lực về xây dựng chưa đạt do chưa làm chỉ huy trưởng dự án, công trình công nghiệp nào có giá trị trên 45 triệu USD. Ngoài ra, tại thời điểm nộp hồ sơ dự tuyển, báo cáo tài chính thể hiện năm 2005 PVC bị thua lỗ trên 4,5 tỉ đồng, không đáp ứng hồ sơ mời sơ tuyển.

Trong vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty CP Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB), các bị can bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”: Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch PVN); Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí - PVC); Vũ Thanh Hà (cựu Tổng Giám đốc PVB), Nguyễn Xuân Thủy (phó trưởng phòng thuộc PVB), Phạm Xuân Diệu (cựu Tổng Giám đốc PVC), Nguyễn Ngọc Dũng (cựu Phó Tổng giám đốc PVC), Đỗ Văn Quang (cựu trưởng ban thuộc PVC); Trần Thị Bình (cựu Phó Tổng giám đốc PVN), Khương Anh Tuấn (cựu phó phòng thuộc PVB), Lê Thanh Thái (trưởng phòng thuộc PVB) và Hoàng Đình Tâm (cựu Kế toán trưởng PVB). Bị can Đỗ Văn Hồng (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc PVC Kinh Bắc) bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo cáo trạng, trước khi PVB công bố tìm nhà thầu, ông Đinh La Thăng biết PVC chưa thực hiện dự án nào liên quan Ethanol nhưng đã chủ trì nhiều cuộc họp, định hướng việc chỉ định thầu cho PVC theo đề nghị của Trịnh Xuân Thanh. Tại các lần họp, ông Thăng kết luận: “Cho phép từ nay đến năm 2010, đối với các công trình chuyên ngành đặc thù và công trình có yêu cầu đặc biệt trong ngành dầu khí được ưu tiên giao thầu cho PVC” và “Trong năm 2009, PVC phải tập trung mọi giải pháp phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được tập đoàn giao, trong đó có dự án Ethanol Phú Thọ”.

Từ chỉ đạo của ông Thăng, tháng 8-2008, Trịnh Xuân Thanh ký công văn xin được chỉ định thực hiện dự án Ethanol trên. Ngay khi nhận được văn bản này, cựu Chủ tịch PVN đã bút phê chỉ đạo Phó Tổng giám đốc Phạm Thị Thu Hà giải quyết theo chủ trương chung của tập đoàn.

Thực hiện chủ trương chỉ đạo của ông Đinh La Thăng, PVB đã không tổ chức đấu thầu theo kế hoạch mà chuyển sang lập hồ sơ yêu cầu để phát hành cho Liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T theo quy trình chỉ định thầu. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, các thành viên tổ chuyên gia giúp việc đấu thầu và tổ chuyên gia giúp việc thẩm định đấu thầu đều biết rõ các tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm mà Liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T đã bị Công ty CP thiết kê công nghiệp hóa chất (CECO) đánh giá không đạt.

Nhưng, với mục đích chỉ định thầu, các thành viên nêu trên không đưa vào hồ sơ yêu cầu tiêu chí đánh giá về năng lực, kinh nghiệm mà CECO đánh giá không đạt. Sau đó, các thành viên thống nhất thông qua nội dung hồ sơ yêu cầu, sau đó đồng tình để ký tờ trình không số đề nghị Tổng Giám đốc PVB Vũ Thanh Hà phê duyệt hồ sơ yêu cầu gói thầu TK05 để ban hành, đồng thời các thành viên ký báo cáo thẩm định hồ sơ yêu cầu, có nội dung nhất trí với nội dung hồ sơ yêu cầu và nhận xét hồ sơ yêu cầu được thực hiện đúng theo quy định và đủ cơ sở trình Tổng Giám đốc phê duyệt.

Sau đó, các bị can là cựu lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí đã dự thảo công văn đề nghị các đơn vị trực thuộc xem xét giao PVC thực hiện gói thầu EPC theo hình thức chỉ định thầu. Đến tháng 3-2009, chủ trương chỉ định thầu dự án Ethanol Phú Thọ cho liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T được thông qua. Thực hiện chỉ đạo của ông Thăng và lãnh đạo PVN, PVB đã không tổ chức đấu thầu theo kế hoạch mà lập hồ sơ chỉ định thầu cho liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T dù biết liên danh này không đủ năng lực, kinh nghiệm.

Tiêu hết 1.476 tỉ đồng, bất ngờ xin... trả lại dự án

Cáo trạng xác định trong quá trình chỉ đạo thực hiện dự án, ông Thăng biết liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T không đạt tiêu chí theo quy định, song cựu Chủ tịch PVN vẫn chỉ đạo PVB và PVC tiếp tục đàm phán giá gói thầu. Nếu PVC chấp thuận giá của chủ đầu tư đưa ra thì PVC thực hiện dự án. Tháng 5-2009, thực hiện chỉ đạo của ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh, bị can Đỗ Văn Quang (cựu trưởng ban thuộc PVC) soạn dự thảo đề nghị các bên liên quan chấp nhận giá trị gói thầu là 59,1 triệu USD.

Trong đó, các bên thống nhất, PVB sẽ tự thực hiện các hạng mục công việc gồm: Hệ thống thiết bị cảng, cầu cảng, sân tennis, cây xanh, tổng giá trị 1,153 triệu USD. Do vậy, gói giá trị hợp đồng EPC trọn gói còn 58,02 triệu USD. PVC chịu trách nhiệm thiết kế chi tiết, mua sắm thiết bị khu phụ trợ và xây dựng nhà máy chính lắp đặt toàn bộ thiết bị và xây dựng phối hợp với Alfa Laval chạy thử liên động nhà máy trị giá 43,105 triệu USD; Alfa chịu trách nhiệm cung cấp bản quyền công nghệ, thiết kế công nghệ tổng thể FEED cho dự án, thiết kế chi tiết cho nhà máy chính, vận hành chạy thử nhà máy sản suất chính... trị giá 14,920 triệu USD.

Các bị can nguyên là lãnh đạo và nhân viên PVB bị truy tố trong vụ án.

Ngày 21-9-2009, Liên danh nhà thầu tiến hành triển khai dự án. Do gặp khó khăn về tài chính và thiếu năng lực nên 27-3-2013, liên danh nhà thầu đơn phương dừng thi công dự án Ethanol Phú Thọ, chưa hoàn thành được hạng mục nào. Trong quá trình thực hiện dự án, Liên danh không thực hiện được đúng tiến độ, PVC đã có rất nhiều các báo cáo thừa nhận thiếu năng lực, kinh nghiệm trong thực hiện dự án để gửi lên PVN.  PVC đề xuất sẽ giao lại cho chủ đầu tư hoặc nhà thầu khác có đủ kinh nghiệm do Tập đoàn chỉ định để tiếp tục thực hiện dự án.

Cơ quan tố tụng cho rằng tính đến ngày khởi tố vụ án, PVB đã sử dụng hơn 1.467 tỷ đồng để thực hiện dự án. Trong đó, đơn vị này vay của SeaBank và PVCombank tổng số tiền hơn 754 tỷ. Việc dự án dừng thi công khiến PVB phải trả lãi 125 tỷ đồng. Số tiền PVB còn phải trả cho các ngân hàng là 417 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, VKS nhận định hành vi của ông Đinh La Thăng và các bị can lựa chọn nhà thầu sai quy định đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 543 tỷ đồng.

Trong vụ án, VKS xác định ông Đinh La Thăng giữ vai trò chính khi để xảy ra sai phạm. Ông Thăng biết PVC không đủ năng lực nhưng vẫn chỉ đạo quyết liệt việc chỉ định thầu cho đơn vị này thực hiện dự án. Bị can Trịnh Xuân Thanh biết liên danh nhà thầu không đạt tiêu chí, song đã tiếp nhận chỉ đạo của ông Thăng, ký nhiều văn bản chấp thuận cho PVC thực hiện gói thầu TK05, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Dùng tiền dự án mua biệt thự tại Tam Đảo

Viện kiểm sát cũng làm rõ những thủ đoạn của Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm trong việc dùng tiền dự án mua 3.400m2 đất rồi chuyển nhượng lòng vòng để hưởng lợi. Năm 2009 Trịnh Xuân Thanh, cùng Đỗ Văn Hồng, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Đào Viên thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và xây lắp dầu khí Kinh Bắc (PVC Kinh Bắc).

Tháng 8-2009, PVC ký hợp đồng với PVC Kinh Bắc về việc thi công một số hạng mục thuộc dự án Nhà máy Polyester Đình Vũ - Hải Phòng. Trịnh Xuân Thanh đã bàn bạc với Đỗ Văn Hồng mua đất và đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng 3.400m2 tại thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo PVC cho PVC Kinh Bắc tạm ứng 25 tỉ đồng. Đỗ Văn Hồng đã sử dụng gần 24 tỉ đồng chuyển cho Công ty Mefrimex để thanh toán tiền mua 3.400m2 đất tại Tam Đảo. Sau khi mua được khu đất tại Tam Đảo, Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng đã bàn bạc thống nhất tăng vốn điều lệ của PVC Kinh Bắc từ 50 tỉ đồng lên 150 tỉ đồng. Để hợp thức số tiền 25 tỉ đã dùng mua đất, Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng thống nhất chuyển tiền tạm ứng thành tiền góp vốn của PVC tại PVC Kinh Bắc.

Với mục đích sở hữu khu đất 3.400m2, Trịnh Xuân Thanh đã đề nghị Đỗ Văn Hồng chuyển nhượng lại cho mình với giá 23,8 tỉ đồng. Đỗ Văn Hồng đã ký hợp đồng chuyển nhượng thửa đất 3.400m2 cho công ty Mai Phương (do ông Trịnh Xuân Giới - bố đẻ Trịnh Xuân Thanh là chủ sở hữu). Ông Trịnh Xuân Giới tiếp tục chuyển nhượng toàn bộ công ty Mai Phương gồm cả thửa đất trên cho vợ của Trịnh Xuân Thanh là bà Trần Dương Nga.

Kim Sa
.
.