Vụ ám sát Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Andrei Kozlov

Thứ Ba, 26/09/2006, 08:00
8h47’ tối thứ tư 13/9/2006, Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Andrei Kozlov (41 tuổi) cùng tài xế Alexander Semyonov (54 tuổi) đã bị bắn ngay khi rời cổng khu phức hợp thể thao Spartak tại đông bắc Moskva. 5h30’ sáng 14/9, Andrei Kozlov từ trần (viên tài xế Semyonov chết ngay tại hiện trường). Đây là vụ thanh toán sặc mùi mafia.

Chỉ trong năm nay, Andrei Kozlov, người khởi xướng, đi đầu chiến dịch trong sạch hóa ngành ngân hàng Nga, đã giám sát chiến dịch, đóng cửa 44 ngân hàng tình nghi hoạt động bất hợp pháp. Gần đây, Phó thống đốc Andrei Kozlov cũng vận động luật cấm vĩnh viễn đối với những ai phạm tội trốn thuế khi làm việc trong ngành ngân hàng. Chính thái độ cứng rắn trong chiến dịch chấn chỉnh hoạt động ngân hàng có thể là lý do khiến Andrei Kozlov bị giết.

Điều tra ban đầu cho biết cảnh sát đã thu được một nòng hãm thanh, vài viên đạn cùng vỏ đạn 9 li và 2 khẩu tự động quẳng lại cách hiện trường khoảng 300 mét (ở số 3, đường Oleny Val). Khu phức hợp Spartak, nơi tập trung đa số thành phần giàu có và quyền lực tại Moskva, nằm gần vùng hồ - đầm và rừng cây, thích hợp cho một vụ ám sát – như lời cư dân địa phương. Bản thân Andrei Kozlov lại không cảnh giác. Ngân hàng Trung ương cho biết, dù được cấp cận vệ nhưng Kozlov từ chối được bảo vệ nghiêm ngặt.

Sinh ngày 6/1/1965 tại Moskva, Andrei Kozlov ngồi ghế Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương từ năm 2002. Nói giỏi tiếng Đức và Anh, Kozlov từng phục vụ quân đội Xô Viết từ năm 1983 đến 1985, sau đó học kinh tế tại Viện Tài chính Moskva. Tốt nghiệp năm 1999, Kozlov bắt đầu làm cho Ngân hàng Trung ương Liên Xô với vị trí kinh tế gia cao cấp.

Khi được bổ nhiệm Phó thống đốc, Andrei Kozlov thực hiện chiến dịch trong sạch hóa hệ thống ngân hàng. Năm 2004, Kozlov phong tỏa Sodbiznesbank, quy kết ngân hàng này tội rửa tiền cho bọn tội phạm chuyên bắt cóc tống tiền. Hai năm sau, Kozlov rút giấy phép Ngân hàng Neftyanoi... Ngày 8/9/2006, Kozlov phát biểu trong hội thảo ngân hàng tại Sochi, rằng “tất cả những ai bị phát hiện rửa tiền nên bị cấm dính dáng hoạt động ngân hàng chuyên nghiệp suốt đời”.

Vụ giết Andrei Kozlov khiến nước Nga một lần nữa hoang mang trước mối đe dọa từ tội phạm, đặc biệt với những viên chức quyết tâm tuyên chiến với tham nhũng và tội phạm có tổ chức. “Tôi không nghĩ tình hình thay đổi gì suốt từ đó (thời Boris Yeltsin) đến nay” – phát biểu của nguyên công tố viên Viktor Ilyukhin, thành viên Ủy ban An ninh Quốc hội Nga – “Tội phạm có tổ chức có thể làm bất cứ gì chúng muốn và chính phủ thì bất lực”.

Theo Pravda, tháng 5/2006, Giám đốc Cơ quan Giám sát tài chính và Kiểm soát tiền tệ thuộc Ngân hàng Trung ương – Elena Ishchenko – từng cảnh báo, có đến 2/3 ngân hàng Nga đều dính dáng đến rửa tiền!

Vụ giết Andrei Kozlov cho thấy đúng là mafia Nga chưa thật sự biến mất và nền kinh tế tài chính của Nga vẫn còn rất loạn – nếu đây là một vụ thanh toán mang màu sắc tội phạm (chỉ trong năm 2005, đã có khoảng 60 vụ giết mướn), đặc biệt khi ngành ngân hàng Nga vẫn còn nhiều kẽ hở và là sân chơi bí mật của các hoạt động phi pháp. Ngay Giám đốc Ngân hàng Sodbiznesbank (nơi bị Kozlov ra lệnh phong tỏa năm 2004) – Alexander Slesarev – cũng trở thành mồi của tội phạm khi bị ám sát chết vào tháng 10/2005 và tiến trình điều tra đến nay vẫn không ló ra manh mối gì.

Luật nộp tiền cọc bảo hiểm (nhằm có thể bị tịch thu tiền cọc nếu ngân hàng bị phát hiện sai phạm) được Kozlov áp dụng từ năm 2005 đối với hệ thống ngân hàng tư tại Nga càng khiến Andrei Kozlov có thêm nhiều kẻ thù (quy chế đặt cọc bảo hiểm từ lâu được áp dụng tại nhiều nước). Trong số 1.100 ngân hàng nộp cọc bảo hiểm, khoảng 20% đã bị “tước quyền thi đấu” trong khi nhiều ngân hàng khác được yêu cầu phải minh bạch hơn trong hoạt động kinh doanh.

Một kế hoạch cải tổ nữa dự kiến áp dụng trong năm 2007 là nâng mức vốn tối thiểu. Thời điểm hiện tại, ngân hàng Nga chỉ cần vốn pháp định tối thiểu là 1 triệu USD – quá thấp so với chuẩn quốc tế. Theo đề xuất của Andrei Kozlov, mức vốn tối thiểu trong năm 2007 cho ngân hàng Nga sẽ là 5 triệu euro. Luật này sẽ giúp xóa bớt các ngân hàng nhỏ (mà không ít trong số đó được thành lập trá hình, cốt để thực hiện hành vi mờ ám chẳng hạn rửa tiền).

Nhờ chiến dịch cải cách của Ngân hàng Trung ương Nga nói chung và Andrei Kozlov nói riêng, hệ thống ngân hàng Nga ít nhất cũng bắt đầu tạo niềm tin. Tiền gửi cá nhân đã tăng từ 20 tỉ USD lên hơn 100 tỉ USD trong 5 năm qua. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh, niềm tin công chúng vào hệ thống ngân hàng Nga cũng một phần nhờ các thương vụ chuyển sở hữu nội địa sang người nước ngoài. Ngân hàng Áo Raiffeisenbank; Ngân hàng Pháp Societe Generale; Ngân hàng Đức Commerzbank đã bỏ ra hàng triệu USD để mua cổ phần trong hàng loạt ngân hàng nhà nước Nga.

Nga hiện có khoảng 1.200 ngân hàng và dù nhiều ngân hàng đã bị rút giấy phép nhưng còn khá bộn các ngân hàng hoạt động èo uột, thiếu cạnh tranh; và nhiều ngân hàng nhỏ sẵn sàng liều lĩnh "đi đêm" với tội phạm. Bộ Nội vụ Nga cho biết khoảng 6 tỉ USD đã được “rửa” tại hệ thống ngân hàng Nga trong năm 2005...

Lê Thảo Chi (Tổng hợp)
.
.