Vụ ám sát lãnh đạo tổ chức người Mỹ gốc Phi thống nhất Malcolm X

Thứ Ba, 03/04/2007, 09:00

Trước việc Malcolm ngày càng được sự ủng hộ của mục sư nổi tiếng Martin Luther King, thậm chí Malcolm và King còn dự định đưa vấn đề phân biệt chủng tộc với người da đen tại Mỹ ra Tòa án quốc tế tại Hague. Việc đó khiến chính quyền Mỹ mất ăn mất ngủ và thế là điệp viên John Ali của CIA được sử dụng đến.

Vụ ám sát Malcolm Little hay còn gọi là Malcolm X gây chấn động dư luận nước Mỹ lúc bấy giờ bởi Malcolm X là người có uy tín trong cộng đồng người Hồi giáo không những trong lòng  nước Mỹ mà còn trên phạm vi thế giới. Vào thời điểm bị ám sát, Malcolm X là nhà lãnh đạo của Tổ chức người Mỹ gốc Phi thống nhất (OAAU) và Liên minh những nhà thờ Hồi giáo (MMI)...

Sáng ngày 14/2/1965, Malcolm và gia đình đang ngon giấc trong ngôi nhà của họ tại Elmhurst, New York thì bị đánh thức bởi tiếng kính vỡ và tiếng nổ chát chúa. Tòa nhà rung lên bần bật, ngọn lửa từ đâu đó đã lan rộng.

Sau một hồi vật lộn, cả gia đình họ đã thoát được ra ngoài chua xót nhìn ngôi nhà đang bị thiêu rụi bởi ngọn lửa. Kết quả điều tra sau đó cho thấy đây là vụ gài bom mưu sát. Malcolm thoát nạn nhưng không thoát khỏi cái chết định mệnh sau đó 1 tuần.

Chiều chủ nhật 21/2/1965, tầng 2 phòng tiệc Audubon chật kín với hơn 400 người kiên nhẫn chờ đón diễn giả Malcolm X nổi tiếng. Ông cùng người vợ đang mang thai Betty Shabazz và 4 đứa con được bố trí tại phòng chờ kế bên.

15h 08' cùng ngày, sự háo hức của thính giả cũng được đền đáp, Malcolm X đã xuất hiện. Ông bước lên bục cao giơ tay ổn định đám đông và khi mọi người còn chưa ổn định chỗ ngồi thì có tiếng đổ vỡ lớn từ bên rìa bục diễn thuyết, hai gã lạ mặt tay lăm lăm súng nhảy ra, ném thẳng chiếc ghế gỗ xuống sàn nhà hét lớn: “Bỏ tay khỏi túi”. Mọi tiếng ồn tắt lịm, căn phòng tràn ngập trong khói thuốc lá.

Đám đông xung quanh thi thể Malcolm X tại hiện trường.

Khi các nhân viên cận vệ chưa kịp hành động thì một người đàn ông khác ở hàng thính giả đầu tiên bước lên rút súng nhằm vào Malcolm nhả 2 viên đạn. Cả hai viên đạn đều găm vào vùng ngực khiến ông đổ gục xuống sàn. Lại hai gã đàn ông khác từ trong đám đông tiếp tục nhả đạn vào Malcolm. Sự im lặng chết chóc kết thúc bằng tiếng la hét ầm ĩ, tiếng bước chân của đám thính giả chạy loạn thoát thân.

Lợi dụng sự lộn xộn 4 kẻ ám sát đã trốn khỏi hiện trường, chỉ duy nhất một gã sau này qua điều tra, mới biết tên hắn là Talmadge Hayer bị cận vệ bắn trúng chân nên bị đám đông xông vào đấm đá, cuối cùng may mắn được 2 nhân viên cảnh sát giải cứu. Malcolm được nhanh chóng đưa đến bệnh viện bên kia đường nhưng vài phút sau ông tắt thở.

Sau đó cảnh sát tìm được 1 khẩu súng ngắn cưa nòng cỡ 12, hơn 30 vỏ đạn, giám định cho thấy được bắn ra từ khẩu Pistol 45 và khẩu Luger tự động. Khẩu Pistol 45 đã được một nhân vật thuộc Tổ chức Quốc gia của người Hồi giáo (NOI) mang nộp cho FBI khi anh ta nhặt được tại hiện trường.

Hồ sơ FBI công bố ngày 22/2/1965 cho thấy, Malcolm bị bắn tổng cộng 14 viên đạn vào người. Tất cả số đạn từ khẩu súng ngắn cỡ nòng 12 đều găm vào vùng ngực trái của ông và là nguyên nhân gây nên tử vong.

Malcolm là con trai của Louise và Reverend Earl Little sinh tại Omaha, Nebraska ngày 19/5/1925. Người cha Earl Little bị giết hại bởi nhóm cực đoan Black Legion  khi ông mới 6 tuổi. Malcolm từng là một học sinh xuất sắc nhưng sự kỳ thị với người da màu của giáo viên khiến ông bỏ học giữa chừng và tan giấc mộng trở thành luật sư.

Sau khi lăn lộn nhiều nghề, ông cũng kiếm được một công việc ổn định tại cơ quan đường sắt New Haven Railroad. Công việc tại đây giúp ông tiếp xúc được với rất nhiều người Mỹ gốc Phi. Sau đó do dính dáng vào một vụ tàng trữ vũ khí trái phép, Malcolm bị buộc thôi việc và phải ngồi tù 6 năm.

Trong tù, Malcolm chịu khó học hỏi, cải đạo trở thành một tín đồ Hồi giáo và được gia nhập Tổ chức NOI. Sau khi được tự do năm 1952, Malcolm đến Detroit và bắt đầu xứ mệnh của NOI giao - đi phổ biến đạo Hồi cho bộ phận người Mỹ gốc Phi khắp nơi. Các buổi giảng đạo của Malcolm có khi diễn ra ngay trên đường phố.

Năm 1952, NOI chỉ có 500 thành viên nhưng nhờ có Malcolm mà năm 1963 đã phát triển lên tới 30.000 thành viên. Vì những đóng góp to lớn của Malcolm, Elijah Muhammad người đứng đầu Tổ chức NOI cực kỳ yêu mến nhận làm con nuôi đồng thời mặc nhiên coi như là người phát ngôn của tổ chức. 

Sau khi Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát tại Dallas, Malcolm X đã có những phát biểu gây tranh cãi, điển hình như câu nói: “Chuyến trở về chuồng ngủ của gà không bao giờ làm tôi buồn mà chỉ khiến tôi vui mừng” - một sự “hả hê” đối với cái chết của Tổng thống.

Do những phát biểu thái quá trên mà NOI bị chính quyền để mắt đến đồng thời dư luận ít nhiều lên án. Trước tình hình đó Elijah Muhammad cực kỳ tức giận, ông ta quyết định đình chỉ mọi chức vụ của Malcolm X, sau đó buộc Malcolm rời bỏ tổ chức.

Ít lâu sau Malcolm X thành lập Liên minh những nhà thờ Hồi giáo (MMI) và Tổ chức người Mỹ gốc Phi thống nhất (OAAU). Ông cũng đã công du sang châu Âu, Trung Đông, châu Phi gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo để tranh thủ sự ủng hộ của những người gốc châu Phi trên khắp thế giới.

Tháng 7/1964 ông thành lập văn phòng đại diện của OAAU đầu tiên ngoài nước Mỹ tại Cairo, Ai Cập và tham gia báo cáo tại Hội nghị Cộng đồng các nước châu Phi tháng 8/1964. Thậm chí ông còn đang ấp ủ thành lập đảng của người da đen (Party of Black).

Trước đó tháng 4/1964, ông cũng hành hương đến thánh địa Mecca như bao người Hồi giáo khác. Nói chung hoạt động của Malcolm tập trung vào việc đấu tranh nhân quyền cho những người Mỹ gốc Phi, lên án nạn phân biệt chủng tộc trong lòng nước Mỹ, tuyên truyền rộng rãi đạo Hồi.

Theo lời khai của một vài nhân chứng, cảnh sát đã bắt giữ hai thành viên của tổ chức NOI là Norman 3X Butler 26 tuổi và Thomas 15X Johnson 29 tuổi. Thế nhưng, tất cả các trợ lý và bảo vệ của Malcolm đều khẳng định rằng, hai gã trên không hề xuất hiện tại phòng diễn thuyết chiều 21/2.

Tại phiên tòa sau đó, Hayer thừa nhận đã dùng khẩu Pistol 45 nổ súng vào người Malcolm và khẳng định rằng, Butler và Johnson không có mặt tại phòng diễn thuyết và cũng không liên quan gì đến âm mưu ám sát Malcolm, tuy vậy cả 3 đều bị kết án. Việc 3 thành viên của NOI bị kết án khiến FBI chưa thể hài lòng vì chắc chắn chúng chỉ là tay sai và ai đứng sau chỉ đạo vụ này đến nay vẫn chưa tìm ra.

Có hai giả thuyết đáng tin cậy nhất xung quanh nhân vật chỉ đạo ám sát Malcolm X. Giả thuyết thứ nhất tập trung vào mâu thuẫn giữa người đứng đầu của NOI là Elijah Muhammad và Malcolm X.

Giả thuyết khác của nhà báo nổi tiếng Karl Evanzz thuộc tờ Washington Post tập trung vào mâu thuẫn giữa chính quyền Mỹ và các tổ chức do Malcolm sáng lập. Karl phân tích hơn 3.000 trang tài liệu của FBI và CIA và ông chú ý đến một nhân vật có tên là John Ali.

Nhân vật này nổi đình nổi đám trong Tổ chức NOI với cương vị Thư ký quốc gia của tổ chức, là tay chân số 1 của Muhammad sau khi Malcolm bị trục xuất. Thế nhưng theo Karl, John Ali chính là “điệp viên” của CIA trong nội bộ NOI.

Chuyện CIA cài cắm điệp viên vào các tổ chức nhân quyền hay tổ chức cực tôn giáo trong lòng nước Mỹ là điều dễ hiểu và đã được chứng minh từ lâu. Đối với 2 tổ chức NOI và OAAU thì CIA đã dựng lên một chương trình bí mật có tên gọi là Cointelpro nhằm cài tay trong vào các vị trí cốt cán.

Thông qua các điệp viên Cointelpro, CIA nắm rõ hoạt động của NOI và OAAU để tư vấn cho chính phủ các bước đối phó. Mặt khác, các nhân vật này, bằng ảnh hưởng của mình trong tổ chức, có thể lái các hoạt động theo hướng ôn hòa và có lợi cho chính phủ nhất.

Năm 1965 hoạt động của Malcolm ngày càng tỏ ra bất lợi đối với chính quyền. Họ tỏ ra lo sợ tầm ảnh hưởng của Malcolm nhất là trước việc Malcolm ngày càng được sự ủng hộ của mục sư nổi tiếng Martin Luther King. Thậm chí Malcolm và King dự định sẽ đưa vấn đề phân biệt chủng tộc với người da đen tại Mỹ ra Tòa án quốc tế tại Hague. Việc đó khiến chính quyền Mỹ mất ăn mất ngủ và thế là điệp viên John Ali của CIA được sử dụng đến.

John Ali nhận lệnh của CIA thủ tiêu Malcolm chỉ 2 tuần trước chuyến đi đến Hague của Malcolm X. John Ali đã không khó khăn gì trong việc sai khiến các sát thủ và cũng chẳng bị lôi ra ánh sáng vì FBI sẽ chẳng dại gì phơi ra sự thật cho dù có biến thành một vụ bê bối lớn

Mạnh Hùng (theo Crime Library)
.
.