Vụ án gây rung động giới Tư pháp Mỹ

Thứ Bảy, 14/11/2009, 04:40
Viện Công tố tiểu bang Pennsylvania vừa ra quyết định tống đạt tới hai viên thẩm phán kỳ cựu là Mark Siavarela và Michel Conahen, với tội danh nhận hối lộ số tiền tổng cộng lên tới 2,6 triệu USD. Đây là vụ án gây xôn xao dư luận Mỹ, bởi kẻ cố tình vi phạm pháp luật lại là những người chuyên "cầm cân nảy mực" đáng trọng vọng.

M.Conahen cùng đồng nghiệp M.Siavarela là hai chức sắc có bề dày kinh nghiệm tại Tòa án quận Lucerne thuộc miền Tây bang Pennsylvania, được giao nhiệm vụ chuyên xét xử các vụ án liên quan tới tội phạm vị thành niên. Họ đã lạm dụng có hệ thống vai trò đại diện pháp lý của mình trong giai đoạn từ năm 2003 đến 2006 để nhiều lần nhận tiền "thù lao" cốt tạo ra những bản án có lợi cho phía "đối tác". Đó là hai hãng bảo vệ tư nhân hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con: PAC và Western PAC, được Bộ Tư pháp tiểu bang Pennsylvania cấp giấy phép thành lập cùng chức năng quản lý giáo dục tội phạm vị thành niên.

Thông thường các trung tâm giáo dưỡng kiểu này đều được nhà nước "rót" kinh phí, mọi khoản chi phí liên quan đến từng phạm nhân nhỏ tuổi đều được ngân sách tiểu bang trang trải đầy đủ. "Hiểu rộng ra nếu càng có nhiều trẻ vị thành niên bị tạm thời tước quyền tự do bao nhiêu, thì ban quản lý các cơ sở giáo dưỡng tập trung càng kiếm... bộn tiền bấy nhiêu từ đám phạm nhân nhí này, bởi họ có thể dễ bề "chi khống" nhiều khoản khó kiểm soát nổi", đại diện Viện Công tố Pennsylvania giải thích. Và như vậy, hai viên thẩm phán biến chất chỉ trong vòng 3 năm đã chuẩn y tới... 2.500 trường hợp cho đi tập trung giáo dưỡng, hòng nhận số tiền "lại quả" là 2,6 triệu USD - tương đương 1.000 USD/trường hợp (!).

Khoản tiền khổng lồ này được các đương sự che giấu tinh vi qua những chứng từ mờ ám, khiến cảnh sát kinh tế Pennsylvania phải vất vả điều tra hơn 2 năm trời (2007-2009) mới phanh phui được.

Luật sư John Pascal, Chủ tịch Tổ chức JLC chuyên bảo vệ trẻ em tại thành phố Philadelphia là người đầu tiên bóc trần thủ đoạn lạm quyền của cặp thẩm phán ở Lucerne, khi thấy nhiều đứa trẻ người Philadelphia bỗng dưng bị tống giam... vô lối. Ví như trường hợp của một chàng trai 17 tuổi chẳng hạn, đã lĩnh án tập trung cải tạo tới 3 tháng vì "hay tụ tập đàn đúm" với một kẻ bị kết án về tội "chôm chỉa" trong siêu thị.

Một vụ "điển hình" khác  là vụ ẩu đả trong sân trường của một học sinh trung học cơ sở. Thông thường, những chuyện tương tự chỉ cần triệu tập phụ huynh lên nhắc nhở, cùng lắm là ghi vào học bạ là đủ; đằng này cậu bé đáng thương đã bị điệu tới một cơ sở do Western PAC quản lý suốt cả tháng ròng trong kỳ nghỉ hè kế tiếp.

Chủ tịch J.Pascal bức xúc nói: “Luật pháp cho phép bất cứ nghi can nào phải ra trước vành móng ngựa cũng đều được quyền có người bào chữa. Vậy mà hầu hết các vụ do Conahen hay Siavarela xử đều không có sự hiện diện của giới thầy cãi. Người ta chỉ đơn thuần thông báo cho các bị can biết, rằng những vụ việc "nhỏ nhặt" mà họ mắc phải chẳng cần đến luật sư" (!).

Vụ án gây rung động giới chức tư pháp Hoa Kỳ cũng là lời cảnh tỉnh cho những ai đang tại vị nhưng lại có mưu mô chà đạp công lý. Cả Conahen lẫn Siavarela chắc chắn sẽ nhận mức án không dưới 7 năm tù giam, tương xứng với những điều luật mà họ đã vi phạm

T.Hồng (tổng hợp)
.
.