Vụ án nổi cộm trong lịch sử tư pháp nước Áo
Theo diễn tiến vụ án, ngày 27-4-2008, cảnh sát Áo đã tiến hành bắt giữ và khám xét nơi ở của Josef Fritzl, kỹ sư điện nghỉ hưu tại thị trấn Amstetten thuộc bang Lower Austria, cách thủ đô Vienna 130km về phía tây. Sau hơn một ngày bị tạm giam, rốt cục J. Fritzl đành thú nhận chính y là thủ phạm biến con gái ruột thành nô lệ tình dục gần 1/4 thế kỷ qua. Thông tin “động trời” này nhanh chóng truyền đi khắp nước Áo cũng như thế giới, khiến công luận hết sức phẫn nộ về một “con quỷ đội lốt người” giữa thời buổi văn minh hiện đại.
Thủ phạm J. Fritzl và một phần căn hầm bí ẩn. |
Sự việc chỉ tình cờ bị phát hiện vào tuần lễ trước đó, khi nữ bệnh nhân Kerstin, 19 tuổi, nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê vì thiếu oxy não. Qua quá trình điều trị cho Kerstin, các bác sĩ phát hiện một chứng bệnh hiếm gặp chỉ thấy ở những đứa trẻ sinh ra từ cha mẹ cùng huyết thống.
Giới chuyên môn lập tức yêu cầu được tiếp xúc với thân nhân trực hệ của người bệnh, nhằm hiểu thêm tiền sử bệnh án của Kerstin. Bà Elisabeth Fritzl (mới 42 tuổi nhưng trông như hơn 60) là mẹ cô gái đã kịp thời có mặt, cùng lời đề nghị cần gặp cảnh sát gấp. Rồi mọi chuyện vỡ lở, khi nạn nhân E. Fritzl quyết định tố cáo hành vi đồi bại của cha ruột là J. Fritzl trong suốt 24 năm ròng.
Sau khi bị cha xâm hại, Elisabeth đã 2 lần tìm cách trốn khỏi “ngôi nhà khủng khiếp ấy”, như nguyên văn lời nạn nhân vào các năm 16 và 18 tuổi nhưng bất thành. Đến đầu tháng 8-1984, Josef liền áp dụng “biện pháp mạnh”, là còng tay chân và nhốt con dưới tầng hầm. Đồng thời J. Fritzl cũng loan tin con gái bỗng dưng… mất tích từ 4 tháng trước.
Để bịt đầu mối và tránh sự điều tra của cảnh sát, Josef đã buộc Elisabeth tự viết một bức thư ruồng bỏ gia đình và đừng mất công tìm đưa cô về nữa. J. Fritzl đã đích thân đem lá thư đó nộp cho nhà chức trách. Sau những lần Elisabeth sinh con vào các năm 1993, 1994 và 1997, Josef Fritzl đã đem những đứa bé bỏ trước hiên nhà mình, rồi ngụy tạo qua các lá thư do mẹ chúng viết nhờ ông bà ngoại nuôi hộ.
Danh chính ngôn thuận 3 đứa trẻ này (2 gái và 1 trai) được vợ chồng Fritzl nhận làm “người đỡ đầu”, hàng ngày vui chơi nô đùa mà không hay biết gì về cuộc sống ngục tù dưới tầng hầm của người sinh ra chúng. Còn lại trong tầng hầm là bà mẹ Elisabeth với 3 đứa con khác là Kerstin (19 tuổi), Stefan (18 tuổi) và Feliks (5 tuổi) chưa bao giờ được nhìn thấy ánh mặt trời. Phương tiện duy nhất kết nối với thế giới bên ngoài là chiếc vô tuyến chủ yếu để Elisabeth dạy bọn trẻ học nói.
Ngôi nhà của J. Fritzl nhìn từ bên ngoài. |
Trở lại thời điểm con gái Kerstin bị ốm, tình hình nguy kịch khiến Josef phải gọi xe cấp cứu đưa lên bệnh viện tỉnh. Rồi đài truyền hình địa phương liên tục phát đi yêu cầu của giới hữu trách cần gặp người nhà bệnh nhân, Elisabeth nhân cơ hội này buộc cha phải thả mình ra…
Nhằm hợp thức hóa mọi chuyện trước khi cho Elisabeth công khai đi thăm Kestrin, người cha hủ bại đã đưa cả đám người từ dưới hầm lên “trình diện” vợ cùng lời trần tình, rằng cô con gái rượu “lầm lỡ” đã quyết định quay về để phụng dưỡng cha mẹ già(!). Sau đó J. Fritzl bị bắt trước tiền sảnh bệnh viện khi đang định vào thăm “cháu ngoại”.
Thoạt đầu hắn quyết chí “im như thóc” hòng lấp liếm tội ác, chỉ chịu cung khai sau khi căn hầm bí mật bị phát giác. Theo các nhà tâm lý học thì tình trạng tinh thần của thủ phạm hoàn toàn bình thường; riêng 4 mẹ con nạn nhân bị khủng hoảng tâm lý nặng, hệ quả từ cuộc sống cách ly - cầm cố trong hàng chục năm liền.
Phiên tòa xử bị cáo J. Fritzl được mở vào ngày 16-3-2009 tại trụ sở Tòa án thành phố Sankt Polten, do nữ Thẩm phán Liên bang Andrea Humer ngồi ghế chánh án. Sau 3 ngày xét xử, phán quyết cuối cùng tuyên phạt thủ phạm J. Fritzl mức án chung thân truất quyền ân giảm trong 15 năm đầu thụ án. Hiện J. Fritzl đang chấp hành hình phạt ở nhà tù Garsten Abbey, thuộc bang Upper Austria phía bắc nước Áo.