Vụ "bảo mẫu đánh chết bé trai 18 tháng tuổi": Sự tàn nhẫn không còn giới hạn
Tại nhà tạm giam thuộc Công an quận Thủ Đức, Hồ Ngọc Nhờ khóc mếu máo, Nhờ nói cô không cố ý đánh chết bé Long. Chẳng qua là bởi, Nhờ không kiềm chế được nỗi bực dọc khi bé Long cứ quấy phá. Nhờ mong pháp luật khoan hồng, hơn cả vậy, Nhờ còn hứa "sẽ chấp hành án tù tốt"...
Bé Long, tên đầy đủ là Đỗ Nhất Long, tính đến thời điểm bị Nhờ hành hạ đến tử vong (ngày 16/11/2013), cậu bé mới vừa tròn 18 tháng tuổi. Bé Long là con đầu lòng của anh Đỗ Trọng Đức (27 tuổi, ngụ Bình Định) và chị Võ Thị Huyền (24 tuổi, ngụ Nghệ An).
- Vụ "bảo mẫu đánh chết bé trai 18 tháng tuổi": Sự tàn nhẫn không còn giới hạn
- Bắt một “bảo mẫu” đánh chết trẻ 18 tháng tuổi
Tội ác không nhân tính
Sinh năm 1995, năm nay Hồ Ngọc Nhờ 18 tuổi. Quê Nhờ ở huyện Thới An, Cần Thơ. Nhờ theo chồng lên TP HCM mưu sinh bằng nghề dọn dẹp vệ sinh cho các cơ quan, trụ sở. Nhờ khai, ngày ở quê, Nhờ và chồng thương nhau nên đến ở với nhau chứ không cưới hỏi gì. Có con, Nhờ theo chồng lên thành phố sống tại căn phòng trọ thuộc khu phố 6, phường Linh Trung, quận Thủ Đức.
Làm được ít lâu, Nhờ thôi việc tạp vụ, ở nhà trông con nhỏ. Cùng dãy nhà trọ của Nhờ, cũng có nhiều cặp vợ chồng có con nhỏ, họ đa phần là người ly hương, ngụ cư ở phố. Thấy Nhờ ở nhà giữ con, họ đề nghị Nhờ giữ giúp con họ, kiểu như "một công đôi việc". Nhờ đồng ý đề nghị này, Nhờ thu của mỗi gia đình có con nhỏ gửi Nhờ là 1,5 triệu đồng/tháng.
Chị Võ Thị Huyền, mẹ bé Long, là Cử nhân Kinh tế Luật vào năm 2012. Tuy nhiên, do chưa kiếm được việc làm nên Huyền tạm thời chấp nhận làm công nhân tại khu công nghiệp Công nghệ cao, quận Thủ Đức. Chồng Huyền, anh Đỗ Trọng Đức làm nghề sửa chữa điện tử. Hai vợ chồng Huyền ở trọ cùng dãy nhà trọ với Nhờ. Cách đây khoảng 4 tháng, vợ chồng Huyền gửi bé Long để tiện cho công việc. Sáng, họ gửi bé Long cho Nhờ. Chiều họ đón con về lại phòng trọ.
“Trần tình" của bảo mẫu đánh bé trai tử vong. |
Cách đây khoảng hơn 10 ngày, Nhờ gây gổ với mẹ chồng nên kiên quyết dọn ra ở riêng tại dãy nhà trọ gần đó. Vợ chồng Huyền lại tiếp tục gửi bé Long cho Nhờ coi sóc.
Sáng ngày 16/11/2013, như thường lệ, bé Long được cha mẹ đưa đến phòng trọ của Nhờ để gửi. Họ không thể ngờ được rằng, đó là ngày cuối cùng đứa con đầu lòng của họ ở lại trên cõi đời này.
Nhờ khai tại Cơ quan điều tra như sau: "Trưa hôm đó, Nhờ đút cho Long ăn cơm. Long không ăn, liên tục quấy khóc. Tức giận, em cầm 2 chân của Long trút ngược đầu Long xuống đất, dọa "Mày không ăn, tao ném mày ra sân bây giờ". Long giãy giụa, nên em tuột tay khiến Long rơi xuống nền nhà. Sau khi rơi xuống nền nhà, Long vẫn tiếp tục khóc. Em tức giận, dùng chân đạp Long 2 cái rồi bỏ đi vệ sinh".
Lời khai lạnh tanh, hành động lạnh tanh. Chỉ có bé Long là không còn cơ hội sống sót. Sau khi Nhờ đi vệ sinh xong, quay trở về phòng trọ thì thấy bé Long nằm bất động. Lúc này, Nhờ hốt hoảng thét to kêu cứu. Những người sinh sống cùng dãy nhà trọ vội vàng đưa bé Long đi cấp cứu tại Bệnh viện Quân dân Miền Đông (quận 9). Thế nhưng các bác sĩ tại đây xác định bé Long đã tử vong trước khi nhập viện.
Thấy có dấu hiệu bất thường xung quanh trường hợp tử vong của bé Long, người dân lập tức trình báo với Cơ quan Công an quận Thủ Đức. Nhận được tin báo, các điều tra viên đã có mặt tại bệnh viện, tiến hành điều tra ban đầu. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, cháu Long tử vong do đa chấn thương, mặt bị bầm tụ máu dưới da; cổ bầm tụ máu dưới da vùng cổ, dưới hai bên vùng cổ bên trái; rách màng ngoài tim bên phải; rách gan tại rãnh phân thùy 2, 3 và vùng thùy 4…
Cha mẹ bé Long đau đớn sau cái chết của con trai. |
Sau khi sàng lọc đối tượng, tìm chứng cứ, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định thực hiện lệnh tạm giữ Hồ Ngọc Nhờ để phục vụ công tác điều tra. Tại Cơ quan điều tra, Nhờ đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Hiện tại, Hồ Ngọc Nhờ đang bị tạm giam để điều tra về hành vi "Giết người".
Bé Long, vắn số. Cha mẹ làm lễ hỏa thiêu, rồi gửi tro cốt của Long vào một ngôi chùa ở quận Thủ Đức để nghe kinh kệ mỗi ngày theo tín ngưỡng. Mẹ Long, dường như không còn sinh lực bởi nỗi đau mất con quá lớn. Cả ngày, Huyền ngồi ở góc tối trong căn phòng trọ khóc rồi gọi tên con.
Còn anh Đức, cha của Long kể trong uất nghẹn: "Nhờ chuyển con tôi đến bệnh viện, cô ta gọi điện thoại cho tôi, thông báo là con tôi bị ngã rất nặng. Nhờ còn kể, khi Nhờ đi vệ sinh thì có một thanh niên bịt kín mặt, xuất hiện trong căn phòng trọ để ẵm Long. Nhờ bước vào thấy la lên, gã thanh niên sợ quá nên quẳng Long xuống đất rồi tháo chạy. Tôi đâu thể ngờ cơ sự lại xảy ra như thế này".
Cũng theo anh Đức, trước đây khi gửi con cho Nhờ, hai vợ chồng anh rất an tâm vì Nhờ chăm sóc cháu tốt. Nhưng dạo gần đây, họ liên tục phát hiện những vết bầm trên tay, trên trán của con. Hai vợ chồng chỉ nghĩ rằng, chắc Long đang độ tuổi hiếu động, Nhờ cáu gắt nên đánh cháu một chút chứ không có gì nghiêm trọng. Chính vì vậy, họ bỏ quên chi tiết, cách ngày bé Long gặp nạn chừng một tuần, mỗi lần đưa bé Long đến chỗ của Nhờ để gửi, bé Long đều kêu khóc và tỏ ra sợ hãi…--PageBreak--
Bi kịch tha hương
Tôi vẫn không tin, Nhờ thực hiện hành vi tội ác với đứa bé chỉ mới 18 tháng tuổi là hành vi cố sát. Bởi, tôi cho rằng tận thẳm sâu trong mỗi cá nhân luôn là điều thiện. Thế nhưng, quá khó để biện minh cho hành vi của Nhờ, chỉ biết xót xa cho cậu bé. Mới 18 tháng tuổi, Long biết gì đâu, lời nói còn chưa tròn vành, dáng đi còn chưa cứng cáp. Bé Long hoàn toàn không có bất cứ cơ may nào trong chuyện phản ứng lại sự hành hạ của người lớn.
Có chi tiết ít người lưu ý, Nhờ, sinh năm 1995, nhưng con của Nhờ đã 2 tuổi 4 tháng. Điều này đồng nghĩa với việc, Nhờ mang thai vào năm 15 tuổi. Chắc chắn, chồng của Nhờ sẽ phải đối diện trước pháp luật về hành vi "Giao cấu với trẻ vị thành niên". Lại thêm một bi kịch đang chực chờ bé con của Nhờ.
Vài năm trước, tôi có theo làm vụ bạo hành trẻ em do bà Quản Thị Kim Hoa gây nên tại Biên Hòa, Đồng Nai. Thời điểm đó, dư luận rất choáng váng khi phóng viên Đài truyền hình tỉnh Đồng Nai quay lại toàn bộ cảnh bà Hoa hành hạ cháu bé. Dư luận càng sốc hơn, khi đoạn phim trên được Đài Truyền hình Việt Nam phát đi. Ít lâu sau, ở tỉnh Bình Dương lại xuất hiện một trường hợp bạo hành trẻ em khác, lần này, đối tượng chính là bà P.
Điều này có nghĩa, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra một vụ bạo hành (hoặc xảy ra tai nạn) đối với trẻ em được cha mẹ gửi tại những điểm trông trẻ tự phát, tư nhân. Mới tháng trước thôi, cậu bé 12 tháng tuổi bị gãy hai chân, khi cha mẹ gửi bé tại một nhà trẻ tư nhân. Khi đón con về họ cứ thấy bé cứ khóc suốt, đỡ bé đứng dậy, bé không đứng được. Nghi ngờ, cha mẹ cho bé đi chụp X-Quang. Bác sĩ kết luận bé bị gãy cả 2 chân cần phải bó bột.
Mang thông tin này về mắng vốn bà chủ nhà trẻ, bà ta mới cho biết, khi bé ngủ, có bé gái 18 tháng tuổi ngồi mạnh lên chân của bé. Thấy bé quấy khóc, họ sợ gia đình bé phản ứng nên giấu nhẹm… Đã hết đâu, thi thoảng dư luận lại giật mình thon thót khi xuất hiện tin, nhà trẻ tư cho các bé uống thuốc ngủ, nhà trẻ tư cho bé ăn khẩu phần ăn kém chất lượng…
Có một điểm chung cho tất cả những trường hợp bé bị bạo hành, gặp tai nạn là thường ở tại các điểm giữ trẻ tư nhân. Đó là những căn phòng trọ được dán một ít mẫu hình đồ chơi trẻ con, những căn nhà cấp 4 không trưng biển hiệu tên trường. Và chắc chắn, không đăng ký lẫn xin phép chính quyền địa phương. Đó là những căn nhà trẻ tự phát. Người trông trẻ, không được đào tạo nghiệp vụ mầm non, lại càng không nắm bắt được tâm lý, sự hiếu động của trẻ. Họ giữ trẻ bởi tư duy đơn giản, "miễn sao cho trẻ ăn uống đầy đủ". Cha mẹ trẻ gửi con mình chỉ với tâm niệm "Miễn sao có người trông coi để có thời gian đi làm".
Bi kịch, đôi khi nảy sinh từ mối quan hệ… miệng. Nghe người ta đồn có cô này ở nhà trông trẻ, có bà kia mở nhà trẻ tại nhà. Vậy là, mang con qua gửi với giá tiền thỏa thuận mà cả đôi bên đều chấp nhận được. Điều đau lòng ở chỗ, cha mẹ của bé hoàn toàn không có sự lựa chọn. Họ là những con người ly hương, mưu sinh ở phố. Họ ở trong những căn phòng trọ của các quận vùng ven, họ chắt chiu từng đồng lương ít ỏi để chăm chút cho con, để lo toan cho cuộc sống.
Căn phòng trọ được nâng cấp thành nơi giữ trẻ của Nhờ. |
Bất cứ ai làm cha làm mẹ, đều mong muốn con mình được thụ hưởng đời sống tinh thần lẫn vật chất đầy đủ. Thế nhưng, đáng buồn là không phải ai làm cha làm mẹ cũng có được những điều kiện này. Bi kịch vì thế thường nảy sinh trong những gia cảnh vốn đã rất khó khăn. Bé được gửi tại những nhà trẻ kiểu này, thường bị áp chế bởi tâm lý của người trông trẻ. Người trông trẻ vui, thì bé may mắn không bị bạo hành. Người trông trẻ mang nặng mối ưu tư, buồn giận thì trẻ lại chính là nơi để họ trút giận. Và khi họ không vui, không ưu tư thì bé chẳng may gặp vấn đề nào đó, họ sẽ tìm mọi cách giấu nhẹm bởi sợ trách nhiệm. Mà bé ở độ tuổi gửi trẻ, thì biết làm gì khác ngoài chuyện chấp nhận một sự ban phát tình cảm.
Trở lại câu chuyện đau lòng của bé Long, mà người nhận lãnh chính là cha mẹ cháu. Đây là cú sốc mà chắc chắn họ không thể nào quên được, không thể nào nguôi ngoai được. Bởi, sau mỗi bi kịch đã xảy ra thì người còn lại chính là người đớn đau nhất.
Đợt trước, nếu tôi nhớ không nhầm, thì vấn đề nhà trẻ cho những bậc làm cha làm mẹ có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ làm công nhân... đã được thảo luận rất nhiều. Nhiều đến độ, dư luận đã nghĩ rằng, nội trong ngày mai ngày mốt, những khu nhà trẻ (tạm gọi là nhà trẻ xã hội) sẽ được mở ra. Vậy mà, cứ sau mỗi cơn giật mình tập thể, mọi thứ lại đâu vào đấy.
Trong lúc, ai cũng biết rằng căn nguyên lớn nhất của những thảm kịch này là bởi cuộc sống túng thiếu mang lại. Không chỉ có chuyện trẻ con bị bạo hành ở nhà trẻ, ngay cả chuyện nữ công nhân sinh con rồi vứt con cũng có nguồn gốc từ sự khó khăn về thu nhập, về vật chất.
Cấp thiết lắm rồi, một giải pháp quyết liệt để bảo vệ, để cho thế hệ tiếp theo của những con người xa quê mưu sinh ở thành phố có điều kiện được chăm sóc tốt, trong những môi trường dành riêng cho trẻ em. Chứ không phải là những căn phòng trọ tồi tàn được nâng cấp tạm bợ, với những người giữ trẻ quan điểm "ở không thì buồn, giữ trẻ để kiếm thêm thu nhập".
Nếu không có một giải pháp tốt, nếu vẫn xem trường hợp của bé Long chỉ là cá biệt, thì chắc chắn rằng, cứ tạm yên một thời gian thì dư luận lại tiếp tục chứng kiến những hành vi tội ác không hề có giới hạn xuất hiện.
Không chìa tay với người khó khăn, thì các cấp lãnh đạo, các cơ quan chức năng chìa tay để cứu vớt ai đây(?!)