Vụ bắt cóc và sát hại cựu Thủ tướng Italia Aldo Moro

Thứ Năm, 29/06/2006, 08:00
Nếu như vụ ám sát Tổng thống John Kennedy vào tháng 11/1963 đã gây chấn động dư luận Mỹ và cả thế giới, làm tổn hao bao nhiêu công sức điều tra kéo dài đến hàng thập niên sau như thế nào thì vụ bắt cóc rồi giết hại Aldo Moro, cựu Thủ tướng Italia suốt 5 nhiệm kỳ, vào tháng 5/1978, cũng gây chấn động dư luận như thế.

Tuy chỉ 4 năm sau, kẻ chỉ huy vụ bắt cóc và giết hại Aldo Moro bị bắt giữ và bị tuyên án nhưng mãi cho đến tận bây giờ vẫn còn quá nhiều điều khuất tất chưa được làm sáng tỏ về cái chết bi thảm của chính trị gia nổi tiếng Italia kể từ sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai chấm dứt.

 

Sáng ngày 16/3/1978, trên đường đến Quốc hội Italia ở thủ đô Roma để tham dự một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chính phủ Andreotti, chiếc xe Fiat trên có chở ông Aldo Moro đã bị một chiếc xe Fiat màu trắng và một chiếc môtô chặn lại ở khu Fani. Sau một cuộc chạm súng dữ dội khiến 5 nhân viên cảnh sát bảo vệ bị thiệt mạng, ông Moro bị những kẻ lạ mặt đẩy vào chiếc xe Fiat màu trắng rồi đưa đi.

Tối cùng ngày, Mario Moretti, chỉ huy tổ chức khủng bố có tên gọi Lữ đoàn Đỏ (BR), gửi một thông điệp đến Đài Phát thanh quốc gia Italia xác nhận đã bắt giữ Moro và đưa ra yêu sách buộc chính phủ phải trả tự do cho Renarto Curcio, kẻ sáng lập ra BR cùng 14 thành viên BR đang bị giam giữ trong các nhà tù ở Italia, nhằm đổi lấy sự tự do cho Moro.

Ngay khi xảy ra vụ bắt cóc, Cảnh sát Italia đã triển khai một chiến dịch lùng sục quy mô khắp các thành phố lớn của Italia như Roma, Milan, Turin để tìm tung tích của Moro. Trong suốt 55 ngày bắt giữ Aldo Moro, BR đã gửi những bức thư được đánh máy của ông Moro cho người thân, cho chính phủ, cho Giáo hoàng Paul VI và cả Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kurt Wadheim yêu cầu có những can thiệp để ông được trả tự do, trong đó có nhấn mạnh đến việc thỏa mãn yêu cầu của bọn bắt cóc.

Thế nhưng Chính phủ Italia do Giulio Andreotti làm thủ tướng lại không tin đó là các bức thư đích thực của Moro mà là do bọn bắt cóc soạn thảo ra nên quyết định không thương thuyết, đồng thời bác bỏ yêu sách của BR. Trong một nỗ lực cuối cùng, vào ngày 10/4/1978, Giáo hoàng Paul VI lên tiếng yêu cầu bọn bắt cóc phải trả tự do vô điều kiện cho ông Moro. Thế nhưng do không được thỏa mãn điều kiện, vào ngày 5/5/1978, Moro đã bị giết hại và đến ngày 9/5/1978, theo sự hướng dẫn của bọn bắt cóc, cảnh sát đã tìm thấy xác của ông nằm trong thùng một chiếc xe ở khu vực Caetani của thủ đô Roma.

Thông tin và hình ảnh về vụ giết hại ông Aldo Moro đã khiến dư luận Italia và cả thế giới phải bàng hoàng. Mọi nơi đều xuất hiện những cuộc tuần hành yêu cầu chính phủ phải truy bắt cho bằng được bọn giết người. Vậy mà phải đợi đến tháng 3-1981, Mario Moretti, kẻ chỉ huy vụ bắt cóc và giết hại ông Moro mới bị bắt giữ. Hắn nhanh chóng thú nhận tội trạng và bị tuyên phạt tù chung thân.

Vụ bắt giữ Aldo Moro với nguyên nhân và cái cách mà bọn bắt cóc đã ra tay hành xử ông cho đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ, mặc dù Chính phủ Italia đã cho mở nhiều hướng điều tra, thẩm tra. Mọi bí mật cho đến nay vẫn bao trùm lên vụ bắt cóc và giết hại Aldo Moro và đã khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn.

Nhiều người cho rằng những bức thư, được cho là của Aldo Moro viết và bọn bắt cóc cho đánh máy lại, là những bức thư thật.

Nhưng không hiểu vì lý do gì Chính phủ Italia lại cho đó là những bức thư giả nên quyết định không thương thuyết với bọn bắt cóc nhằm thỏa mãn một phần hay toàn phần điều kiện của bọn chúng. Điều này đã dẫn đến vụ giết hại Moro bằng 11 phát đạn sau khi bọn bắt cóc đã không còn đủ kiên nhẫn. Dư luận buộc tội đây là cái cách mà Giulio Andreotti muốn mượn tay bọn bắt cóc để trừ khử Aldo Moro, một đối thủ đe dọa chiếc ghế thủ tướng của ông ta nếu được trả tự do.

Dư luận còn kết tội chính phủ đã cho phi tang 30 bức thư thật do Moro viết khi thu giữ được trong cuộc lục soát vào địa điểm mà bọn bắt cóc đã cầm giữ Moro trong suốt 55 ngày từ tiết lộ của Anna Laura Braghetti, một trong những chỉ huy của BR tham gia vụ bắt cóc. Mãi đến tháng 3-2004, Chính phủ của Thủ tướng Silvio Berlusconi mới công nhận thông tin từ tiết lộ của Anna Braghetti là có thật nhưng khẳng định tất cả các bức thư đó đều được phi tang.

Nhiều luồng dư luận lại cho rằng chính Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã đứng đằng sau vụ giết hại Aldo Moro. Lý do được đưa ra là từ chính hành động bắt tay với đảng Cộng sản Italia (PCI) của ông Moro vào năm 1974 để thành lập Chính phủ đoàn kết dân tộc. Theo điều tra của CIA thì PCI đã được Liên Xô hậu thuẫn. Vì vậy CIA đã cài nhiều nội ứng vào nội bộ bọn bắt cóc để thao túng nhằm buộc chúng phải tổ chức vụ bắt cóc và giết hại Moro để trừ hậu họa.

Một nghi vấn khác cũng khiến dư luận quan tâm. Đó là tại sao Cơ quan An ninh nội địa Italia lại không cộng tác với cảnh sát để cố giải thoát cho Aldo Moro trước khi ông bị giết hại. Nhiều người cho rằng vì tướng Licio Gelli, chỉ huy Cơ quan An ninh nội địa Italia, là thành viên của P2, một tổ chức bí mật tập hợp những chính trị gia, chủ tư bản, tướng lĩnh có tư tưởng dân tộc cực đoan, vốn căm thù Moro vì ông này đã nhiều lần cho điều tra về hoạt động của tổ chức P2. Do thiếu sự cộng tác của Gelli nên việc điều tra vụ bắt cóc Moro bị thất bại dẫn đến việc ông bị giết hại.

Gần 30 năm sau vụ bắt cóc và giết hại Aldo Moro, còn quá nhiều nghi vấn chưa được làm sáng tỏ về sự kiện này và trở thành một bí ẩn của lịch sử. Tạp chí Historia của Pháp đã xếp vụ bắt cóc và giết hại cựu Thủ tướng Italia Aldo Moro vào danh sách 10 vụ bắt cóc nổi tiếng nhất thế kỷ XX

Văn Hòa (Theo Historia)
.
.