Vụ cựu điệp viên Nga bị đầu độc: Anh chưa đưa ra được bằng chứng

Thứ Tư, 21/03/2018, 16:19
Ngày 17-3, Chính phủ Nga đã quyết định trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh, bằng đúng số nhà ngoại giao Nga bị Anh trục xuất trước đó 2 ngày. Đồng thời, Nga cũng sẽ đóng cửa Hội đồng Anh tại Moscow nhằm trả đũa hành động quá khích của Anh. Trong khi đó, cuộc điều tra về nguyên nhân bị đầu độc đã xuất hiện những tình tiết mới…

Hiện tại, cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái Yulia vẫn trong tình trạng hôn mê, chưa giao tiếp được, đang nằm điều trị tại bệnh viện ở Salisbury. Sau hơn 10 ngày điều tra, các nhà điều tra Anh đã xác định được chất độc mà Skripal và con gái bị tấn công là loại có tên gọi khoa học là novichok, được đánh giá là loại chất kịch độc được sử dụng làm vũ khí hóa học trong chiến tranh. Hiện cảnh sát Anh vẫn chưa xác định được hung thủ đầu độc Skripal và con gái là ai.

Ngày 18-3, cuộc tranh cãi giữa hai nước Anh và Nga xung quanh vụ đầu độc tiếp tục leo thang căng thẳng. Đại sứ Nga tại Anh, ông Vladimir Chizhov đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Ngoại trưởng Anh cho rằng nước Nga tích trữ chất độc thần kinh. Ông cho rằng nước Nga không liên quan gì đến vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang ở Anh.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga cũng ra tuyên bố cho rằng, nguồn gốc xuất xứ chất kịch độc novichok trong vụ đầu độc Skripal rất có thể đến từ Anh, Cộng hòa Séc, Slovakia, Thụy Điển hoặc Mỹ. Anh, Séc đã phủ nhận lời tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga, vì không có cơ sở chắc chắn nào để kết luận như thế.

Đại sứ Nga tại Anh, ông Vladimir Chizhov.

Tuy nhiên, trong tuyên bố của mình, Đại sứ Nga Chizhov đã chỉ ra rằng, thành phố Salisbury, nơi xảy ra vụ đầu độc rất gần với Trung tâm nghiên cứu Hóa Sinh Phóng xạ và Hạt nhân Porton Down, cho nên có khả năng đây là nguồn chất độc novichok.

Tuyên bố của Đại sứ Nga được đưa ra một ngày sau khi cảnh sát Anh (Scotland Yard) công bố bức ảnh chụp chiếc xe hiệu BMW màu đỏ mang biển kiểm soát HD09 WAO hai cha con ông Skripal đã sử dụng để đi lại hôm bị đầu độc. Sự xuất hiện tình tiết chiếc xe BMW là bước đi mà Scotland Yard buộc phải làm để đáp ứng yêu cầu minh bạch thông tin điều tra để chứng minh những cáo buộc mà nước Anh nhắm vào nước Nga.

Bên cạnh đó, cảnh sát cũng đang xem xét dấu vết chất độc tại tay cầm cửa lên xuống và cửa thông gió của chiếc xe. Các chuyên gia Nga cho rằng, rất có khả năng Skripal và con gái đã bị đầu độc bởi chất độc dính trên tay cầm cửa ôtô. Chiếc xe cùng với những dấu vết liên quan đã khiến các nhà điều tra thay đổi giả thuyết về phương thức đầu độc (ban đầu nghi nhiễm chất độc từ món quà tặng).

Tình tiết phát sinh này đã khiến cho công tác điều tra càng trở nên khó khăn, khó tìm manh mối hung thủ đầu độc. Hiện Scotland Yard đã ra thông báo kêu gọi người dân quanh khu vực Salisbury cung cấp thông tin về lộ trình di chuyển của chiếc xe BMW vào buổi sáng hôm 4-3.

Cũng như những lần các cựu điệp viên Nga bị sát hại ở Anh trước đây, cơ quan an ninh nước Anh không thể tìm ra hung thủ vì không thu thập được chứng cứ có thể liên hệ đến cá nhân hay tổ chức nào. Lần này cũng thế, tuy còn sớm để kết luận cảnh sát Anh có tìm ra được chứng cứ dẫn đến hung thủ nào không, nhưng thực tế đang cho thấy rất khó. Tuy vậy, nước Anh không ngần ngại đưa ra cáo buộc nước Nga đứng sau vụ đầu độc.

Bộ trưởng Ngoại giao Anh hôm 18-3 thậm chí còn nhấn mạnh khi phát biểu trên báo chí rằng nước Anh “luôn luôn giữ lập trường cứng rắn chống lại Điện Kremlin”, vì thế dù có bằng chứng hay không Anh vẫn cáo buộc Nga và tiến hành những hành động cô lập, chống Nga ở phạm vi quốc tế và tại Diễn đàn Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhiên, cáo buộc của chính phủ Anh đang được đón nhận với thái độ hoài nghi. Ngay sau khi Thủ tướng May yêu cầu Tổng thống Nga Vladimir Putin giải thích về nguồn gốc chất độc sử dụng trong vụ đầu độc, Tổng thống Putin đã đáp trả bằng yêu cầu “nước Anh cần đưa ra bằng chứng” cho cáo buộc của mình, nhưng đã không được người Anh đáp ứng. Tiếp sau đó, một số đồng minh châu Âu của Anh như Pháp, Italia,… cũng từ chối lời kêu gọi của nước Anh là có hành động trừng phạt nước Nga.

Dù ủng hộ Anh, nhưng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vẫn cho rằng nước Pháp cần nhìn thấy bằng chứng xác đáng mới quyết định có hành động cụ thể. Một số quốc gia châu Âu khác cũng chung quan điểm với Pháp, không nóng vội đưa ra hành động nào khi chưa có bằng chứng rõ ràng để cáo buộc Nga. Vì bất kỳ hành động nào của các nước châu Âu chống lại nước Nga cũng đều gây ra hậu quả nhất định, đều phải nhận đòn phản công từ Moscow.

Ngay trong lòng nước Anh cũng không hoàn toàn đồng thuận đối với cáo buộc của Thủ tướng May. Lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn kiên quyết không thay đổi quan điểm cho rằng không nên vội vàng cáo buộc nước Nga đứng sau vụ đầu độc mà cần phải có bằng chứng rõ ràng để chứng minh cho cáo buộc của mình. Vì vậy ông đã từ chối ủng hộ Thủ tướng May tham gia hành động chống lại nước Nga.

Đồng quan điểm với ông Corbyn là gần một nửa số dân Anh. Nhiều người dân không nhìn vụ đầu độc theo cách nhìn của chính phủ. Họ ủng hộ ông Corbyn, cho rằng Thủ tướng May và chính phủ của bà phải cho người dân thấy bằng chứng cụ thể nếu muốn họ ủng hộ hành động của bà. Những người ở gần trung tâm Porton Down cho rằng họ không tin chất độc Skripal bị nhiễm là chất độc thần kinh như chính phủ loan báo trên truyền thông.

Thay vì thế họ cho rằng có thể đó là “thứ gì được sản xuất ngay tại Porton Down”, vì Salisbury ở rất gần trung tâm này. Một số người còn không biết Skripal là ai, làm gì và có liên quan gì đến cuộc sống của họ. Họ chỉ đơn giản nghĩ rằng, biết đâu ông ấy bị những kẻ cạnh tranh trong làm ăn, hay những đối tượng thù ghét trong chính phủ ám hại để thỏa mãn lòng thù hận.

Dù hung thủ đầu độc là ai, và cảnh sát Anh có tìm ra bằng chứng cụ thể nào để chứng minh cáo buộc của mình hay không, cuộc chiến ngoại giao, chính trị giữa Anh và Nga vẫn sẽ tiếp diễn, vì nó xuất phát từ động cơ khác nữa chứ không hẳn vụ đầu độc.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.