Vụ nâng khống giá thiết bị tại CDC Hà Nội: Lợi dụng dịch bệnh để trục lợi

Thứ Hai, 14/12/2020, 09:27
Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án nâng khống giá máy xét nghiệm COVID-19, xảy ra tại Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hà Nội được diễn ra tại Hà Nội từ ngày 10-12. 10 bị cáo hầu tòa về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó Nguyễn Nhật Cảm (cựu Giám đốc CDC) được xác định vai trò chủ mưu. Các bị cáo đã lợi dụng tính "cấp bách" của dịch bệnh để thực hiện "giao dịch" phi pháp.


Lợi dụng tính cấp bách trong phòng dịch để trục lợi

Tại phiên xét xử, Cựu Giám đốc CDC Hà Nội khai báo, chỉ định thầu có hai hình thức là thông thường và rút gọn. Gói thầu số 15 được tiến hành theo hình thức thông thường để đảm bảo tính minh bạch và lựa chọn được thiết bị tốt nhất. 

Ông Cảm nhiều lần nhắc đến tính cấp bách của đại dịch và áp lực từ Sở Y tế Hà Nội về việc phải tìm, mua được hệ thống máy móc xét nghiệm đúng thời hạn. Quá trình tìm mua, ông có liên hệ với Nguyễn Ngọc Nhất (nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech), sau đó liên hệ với Nguyễn Thanh Tuyền (nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông).

Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm tại phiên xét xử sơ thẩm vụ nâng khống giá máy xét nghiệm COVID-19.

Ông Cảm "chốt" phương án mua hệ thống Realtime PCR tự động của Công ty Phương Đông với giá 7 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi gặp mặt, Tuyền lại từ chối bán trực tiếp cho CDC Hà Nội. Sau đó, Công ty TNHH vật tư khoa học và thương mại Việt Nam - MST do Đào Thế Vinh làm giám đốc trúng gói thầu số 15 của CDC Hà Nội, trong đó có hệ thống Realtime PCR tự động giá 7 tỉ đồng. Cựu giám đốc CDC Hà Nội khẳng định việc mua bán các trang thiết bị y tế là do bản thân quyết định. Đến nay, bị cáo nhận thấy đã vi phạm các quy định về tổ chức đấu thầu nên xin chịu trách nhiệm.

 Tuy nhiên, Nguyễn Trần Duy, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá Nhân Thành thừa nhận, bị cáo Cảm đã chỉ đạo cấp dưới chuyển toàn bộ tài liệu về thông số kỹ thuật, cấu hình và giá của từng loại máy móc trong gói thầu số 15 cho nhân viên của Công ty Nhân Thành để thực hiện thẩm định giá theo đúng giá mà CDC Hà Nội đưa ra.

Duy đã chỉ đạo cấp dưới hợp thức các thủ tục bằng cách tự lập báo giá, không tiến hành khảo sát thực tế nhưng vẫn lập biên bản báo giá tại một số đơn vị, sau đó lập thẩm định giá gói thầu số 15 với mức 9,5 tỉ đồng theo đúng yêu cầu từ CDC Hà Nội, thậm chí ký lùi lại ngày so với thực tế chứng thư thẩm định giá.  Duy cho rằng, hồ sơ để ra chứng thư cũng không đúng theo quy định. Trên cơ sở xác định bị cáo thấy giá đó phù hợp nên đưa ra mức giá theo giá CDC cấp", Duy khai, giải thích thêm rằng việc CDC chuyển đề nghị thẩm định giá còn chuyển kèm theo một số thông tin kỹ thuật và giá tham khảo thì "quy định pháp luật không cấm".

Công thức chia hoa hồng và lại quả

Đáng chú ý, Nguyễn Ngọc Nhất (nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech) khai từng trực tiếp đến gặp Nguyễn Nhật Cảm và thỏa thuận chi 15% giá trị hóa đơn hệ thống Realtime PCR tự động. Về phía mình, ông Cảm thừa nhận có được Nhất hứa hẹn chi phần trăm, nhưng không nhớ cụ thể con số là bao nhiêu.

Tuy nhiên, tại phiên xét xử, cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm phủ nhận việc được bị cáo Nguyễn Ngọc Nhất (nhân viên kinh doanh Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech) thỏa thuận chi 15% giá trị máy xét nghiệm COVID-19 nếu thương vụ mua bán, nâng khống giá thành công. Nguyễn Nhật Cảm khẳng định quá trình bàn bạc, trao đổi với Nhất về việc tìm mua máy chưa hề có trao đổi, thỏa thuận nào về việc chia chác lợi nhuận.

Sau đó, bị cáo Nhất bao biện, dự định sẽ trích 15% lợi nhuận (khoảng 90 triệu) cho ông Cảm chứ không phải 15% giá trị hợp đồng (khoảng 950 triệu). Nhất cho rằng, đây là tấm lòng tự nguyện của bị cáo chứ không trao đổi hay thỏa thuận gì với bị cáo Cảm.

Tuy nhiên, đại diện Viện kiểm sát đã công bố lời khai của bị cáo Vinh tại cơ quan điều tra. Theo biên bản lời khai, tổng giá trị hệ thống máy bán cho CDC Hà Nội là 8,2 tỉ đồng. Theo đó, số tiền mua vào hệ thống máy này là hơn 4,1 tỉ, chi phí khác là hơn 1,2 tỉ đồng. Tổng lợi nhuận sau khi bán máy là hơn 2,7 tỉ đồng và dự kiến phân chia cho Nhất và Tuyền mỗi người hơn 760 triệu đồng. Bị cáo Cảm và Vinh cũng được chia một phần lợi nhuận. Sau khi công bố lời khai, Viện Kiểm sát hỏi bị cáo Vinh có bị ai ép buộc gì khi cơ quan điều tra ghi lời khai hay không và bị cáo khẳng định "không bị ép buộc". Đại diện VKS một lần nữa khẳng định, các bị cáo đã có sự bàn bạc, thống nhất tỉ lệ chia hoa hồng, trục lợi.

Theo cáo trạng, để phục vụ công tác phòng chống dịch, CDC Hà Nội được giao làm chủ đầu tư mua sắm gói thầu số 15, gồm một hệ thống Realtime PCR tự động, một máy tách chiết DNA/RNA tự động, cùng một số tủ lạnh và tủ mát. 

Tuy nhiên, với vai trò giám đốc CDC, chủ tịch hội đồng tư vấn mua sắm, chọn giá hàng hóa/ dịch vụ, Nguyễn Nhật Cảm đã móc nối với các bị cáo khác, ký hợp đồng mua bán các trang thiết bị với tổng giá trị là 9,54 tỉ đồng. Trong khi đó, tổng giá trị của gói thầu số 15 chỉ là hơn 4,14 tỉ đồng. VKSND Tối cao xác định hành vi của cựu giám đốc CDC Hà Nội cùng các đồng phạm gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 5,4 tỉ đồng.

Trần Tâm
.
.