Xăng giả vẫn chảy...
- Đề nghị truy tố 39 bị can trong đường dây xăng giả Trịnh Sướng
- Khởi tố thêm một giám đốc trong vụ “đại gia” Trịnh Sướng sản xuất xăng giả
Đã có nhiều đường dây sản xuất xăng dầu giả bị triệt phá, nhiều đối tượng cộm cán xộ khám nhưng dường như chế tài chưa đủ sức răn đe so với lợi nhuận thu được nên nhiều đối tượng vẫn tổ chức sản xuất. Quy mô sản xuất xăng giả của các đường dây này càng lúc càng lớn...
Hóa chất và phẩm màu dùng để pha chế xăng trôi nổi thành xăng A95 và E5. |
Công thức 7:3 siêu lợi nhuận
Qua một thời gian dài theo dõi, rạng sáng 31-10, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bất ngờ kiểm tra hành chính kho hàng của Công ty TNHH Thương mại vận tải xăng dầu 89 (số 7/35, Phước Thắng, phường 12, TP Vũng Tàu) phát hiện tài xế Nguyễn Minh Chiến (sinh năm 1995, quê Trà Vinh) đang bơm chất lỏng từ kho hàng lên xe bồn BKS 84C-033.72. Thời điểm kiểm tra, xe bồn đã hút từ kho hàng lên khoảng 2.000 lít chất lỏng. Kiểm kê kho hàng, đoàn kiểm tra phát hiện có khoảng 70 ngàn lít chất lỏng đang chứa tại đây.
Đại diện người trong kho hàng, ông Nguyễn Văn Nhân - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại vận tải xăng dầu 89 cho biết, số lượng chất lỏng trên là... xăng, có giá trị khoảng 600 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Nhân không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số chất lỏng gọi là xăng này.
Đoàn kiểm tra đã tổ chức giám định loại chất lỏng được cho là xăng và phát hiện xăng tại kho toàn bộ đều kém chất lượng, được pha trộn với nhiều thành phần khác như hóa chất và bột màu. Ông Nhân được đưa về trụ sở để làm rõ. Qua đấu tranh, khai thác, Nhân khai nhận đã cùng với Lê Văn Nguyên (sinh năm 1977, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải xăng dầu Minh Nguyên có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) thiết lập đường dây sản xuất xăng dầu kém chất lượng trên. Giúp sức cho Nguyên là Nguyễn Minh Chiến (tài xế), Nguyễn Đình Ngọc (sinh năm 1975, quê Bà Rịa - Vũng Tàu) và Đỗ Hồng Sơn (sinh năm 1992, quê Quảng Bình).
Vì kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu, nhận thấy nếu thu mua xăng dầu kém chất lượng trôi nổi trên thị trường sau đó pha chế với hóa chất phẩm màu theo tỷ lện nhất định sẽ tạo ra một lượng xăng mới, tung ra thị trường sẽ đem về số lợi nhận khổng lồ nên Nhân bàn bạc với Nguyên thiết lập ra đường dây sản xuất xăng giả. Nguyên đồng ý góp vốn cũng như trực tiếp hướng dẫn những người còn lại về quy trình sản xuất. Bãi đậu xe bồn của cửa hàng đã được Nhân cải tạo làm kho chứa, cũng như nơi sản xuất xăng giả.
Máy bơm đảo chiều sẽ làm nhiệm vụ trộn các loại nguyên liệu này với nhau cho ra các loại xăng giả tùy vào yêu cầu của khách đặt hàng. |
Tháng 9-2020, Nhân mua xăng trôi nổi trên thị trường về, sau đó cử người vào TP Hồ Chí Minh ra chợ Kim Biên mua hóa chất, phẩm màu. Công thức là 7 phần xăng, 3 phần hóa chất, phẩm màu để tăng chỉ số Octan (Toluene - chỉ số cháy nổ) trong xăng. Tùy theo yêu cầu của khách hàng, tỷ lệ pha chế được thay đổi. Xăng và hóa chất được đưa vào các bồn chứa khoảng 50-60m3 để trộn chung. Nguyên chỉ đạo nhóm người của mình sử dụng máy bơm đảo chiều để trộn. Mỗi 40 phút, Nguyên cho ra một mẻ xăng giả. Tùy vào liều lượng pha trộn, Nguyên ra thành phẩm là xăng A95 hoặc xăng E5. Sau khi trừ hết các chi phí, mỗi lít xăng giả những người này thu lợi từ 400-600 đồng.
Sau khi các công đoạn sản xuất hoàn tất, số xăng được sản xuất ra sẽ được đưa lên xe bồn đem giao cho các cửa hàng xăng dầu, trong đó có một số cây xăng ở Bình Dương, Đồng Nai, Trà Vinh. Không kể hơn 70.000 lít chất lỏng được gọi là xăng được phát hiện tại kho của Nhân, từ tháng 9 đến nay, đường dây này đã sản xuất nhiều lần, mỗi tháng có khoảng 200.000 lít xăng giả được đường dây này tung ra thị trường. Đường dây này có dấu hiệu của tội sản xuất, buôn bán hàng giả, quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự nên Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên Phòng tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đã phối hợp với Công an tỉnh điều tra, thu thập chứng cứ, tài liệu chứng minh hoạt động vi phạm pháp luật của các đối tượng làm căn cứ khởi tố vụ án hình sự theo quy định.
Dòng chảy xăng giả vẫn chưa ngừng
Rất nhiều đường dây sản xuất xăng dầu giả với quy mô lớn đã bị triệt phá, nhiều đối tượng cầm đầu các đường dây này đều xộ khám và phải trả giá cho hành vi của mình. Ngày 30-5-2019, Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an tổ chức bắt quả tang hành vi phạm tội của nhóm Trịnh Sướng tại khu vực phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ.
Kết quả điều tra cho biết, từ tháng 1-2017 đến ngày 30-5-2019, Trịnh Sướng đã thông qua Mai Trung Hậu, Nhà phân phối Thành Long, Công ty TNHH Tấn Phúc - chi nhánh Vĩnh Long... mua hàng trăm triệu lít dung môi, hóa chất các loại với tổng số tiền thanh toán hơn 2.000 tỷ đồng. Sau đó Trịnh Sướng cùng các đối tượng trong đường dây của mình đã tổ chức pha chế, sản xuất ra hơn 137 triệu lít xăng giả, gần 1,6 triệu lít dầu DO giả, tổng số lượng hàng giả tương đương với số lượng hàng thật trị giá hơn 2.500 tỷ đồng. Số lượng xăng dầu giả này đường dây của Trịnh Sướng đã tung ra thị trường thông qua 337 cửa hàng thuộc đại lý bán hàng của Công ty Mỹ Hưng, Công ty Gia Thành và Công ty Ressol, thu lợi bất chính tổng số tiền hơn 107 tỷ đồng.
Tháng 9-2020, Công an tỉnh Quảng Ngãi bắt quả tang Lê Tấn Hùng (sinh năm 1968, ngụ thôn Phước Thành, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) và Nguyễn Tấn Ba (Giám đốc Công ty TNHH xăng dầu Nga Ba có trụ sở tại quốc lộ 24B, thuộc xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh) đang bơm chất lỏng chứa trong 14 phuy sắt trên ô tô tải xuống hầm chứa dầu diesel của Công ty Nga Ba. Hùng thừa nhận số phuy trên chứa gần 3.000 lít dầu diesel giả do Hùng tự sản xuất để bán cho Ba với giá 10.026 đồng/lít.
Xăng giả thành phẩm được chứa trong các bồn. |
Trước đó, đường dây sản xuất xăng dầu giả do Trần Văn Đồng (sinh năm 1957), nguyên Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Chi nhánh Đầu tư và xây dựng miền Nam, Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô, Bộ Quốc phòng bị Tòa án quân sự Quân khu 7 xét xử về các tội giả mạo trong công tác và sản xuất, buôn bán hàng giả. Theo hồ sơ, từ 10-2015 đến tháng 10-2017, các đối tượng trong đường dây này đã lợi dụng danh nghĩa chi nhánh Lũng Lô miền Nam, Công ty Vật tư giao thông, Công ty Vĩnh Phong... ký các hợp đồng mua bán với hai Công ty Đông Phương và Công ty CP Xuất nhập khẩu tổng hợp miền Nam nhằm mục đích hợp thức hóa hồ sơ vận chuyển, che giấu nguồn đầu vào để Công ty Vạn Xuân sử dụng hơn 52 triệu lít các loại dung môi làm giả hơn 54 triệu lít xăng và đã được bán hết ra thị trường, các đối tượng đã thu lợi hàng trăm tỉ đồng từ việc sản xuất, buôn bán xăng giả.
Quyết liệt chặt vòi xăng giả
Trước vấn nạn xăng dầu giả trên toàn quốc, nhất là sau đường dây sản xuất xăng dầu do Trịnh Sướng cầm đầu, ngày 20-6-2019, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 5430/VPCP-V.I gửi các Bộ: Công an, Tài chính, Công thương, Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về việc đấu tranh, xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán xăng dầu giả, kém chất lượng.
Trong công văn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu: Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tiếp tục điều tra mở rộng các vụ án, xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan; làm rõ dấu hiệu “bảo kê, tiếp tay” của một số cán bộ, công chức (nếu có) để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Bộ Công thương quản lý chặt chẽ việc cấp phép kinh doanh xăng dầu, dung môi, pha chế dung môi. Tổng rà soát hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã được cấp phép, giám sát và quản lý tốt chất lượng xăng dầu khi bán ra thị trường. Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế tăng cường quản lý hoạt động và việc kê khai, chấp hành nghĩa vụ nộp thuế của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, dung môi, chất kích Ron. Bảo đảm việc nhập khẩu chất dung môi phải tuân thủ đúng quy định.
Thời điểm kiểm tra, tài xế xe bồn đang đưa 2.000 lít chất lỏng (xăng giả) lên bồn để đem đi tiêu thụ. |
Các Bộ, cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kế hoạch số 410/KH-BCĐ389 ngày 14-6-2017 của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu; kiểm điểm, xác định trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan khi để địa bàn xảy ra tình trạng sản xuất, buôn bán xăng dầu giả, kém chất lượng.
Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi sản xuất xăng giả, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cũng yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu nhằm chống thất thu thuế và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Lợi nhuận từ việc sản xuất xăng dầu giả quá cao nên đường dây này bị triệt phá thì xuất hiện đường dây mới với quy mô và số lượng xăng dầu giả sản xuất ra với số lượng khủng. Các đối tượng phải trả giá cho việc làm ăn gian dối của mình, tuy nhiên dư luận cho rằng, pháp luật còn xử lý quá nhẹ, không đủ sức răn đe và người thiệt hại vẫn là người tiêu dùng. Ngoài việc xử lý các đối tượng trong đường dây sản xuất xăng dầu giả thì phải công khai các cửa hàng kinh doanh xăng dầu nhập loại xăng kém chất lượng này để người tiêu dùng nhận biết, tránh thiệt hại.