Xét xử nhóm giả danh cơ quan luật pháp để lừa đảo
- Băng nhóm người nước ngoài giả danh cơ quan luật pháp để lừa đảo lãnh án
- Làm gì để không bị mất tiền vì những cuộc điện thoại giả danh lừa đảo
Nạn nhân của nhóm lừa đảo này lên đến 18 người. Điển hình là vụ việc xảy ra vào chiều 16-3-2018, bà N.T.D (sinh năm 1944, ngụ quận Tây Hồ, Hà Nội) nhận được cuộc gọi từ số máy bàn. Đối tượng lừa đảo tự xưng là công an và thông báo bà có liên quan đến một đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia và rửa tiền, cơ quan công an đã có lệnh bắt khẩn cấp, số tiền trong tài khoản của bà liên quan đến hành vi phạm tội, yêu cầu bà phối hợp để điều tra, đồng thời giữ bí mật...
Các đối tượng chuyên lừa đảo qua điện thoại tại phiên xét xử. |
Hoảng sợ, bà D. đã cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại và số tiền trong ngân hàng, nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng chỉ định. Tổng cộng Pan Chu Lin và các đồng phạm đã chiếm đoạt của bà D số tiền gần 4 tỉ đồng.
Cùng thủ đoạn trên, ngày 1-4-2018, bà N.T.T (ngụ quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) nhận cuộc gọi đến máy điện thoại bàn. Đối tượng tự xưng nhân viên tổng đài nói bà T. còn nợ tiền khi mở thẻ tín dụng. Sau đó, một số đối tượng tiếp tục giả danh công an gọi điện đến đe dọa bà T. liên quan đến một vụ án rửa tiền mà công an đang điều tra. Người liên hệ qua điện thoại yêu cầu bà T. phối hợp điều tra. Nếu không làm theo hướng dẫn, bà có thể phải... ngồi tù.
Quá lo lắng, bà T. răm rắp làm theo. Bà đã cung cấp thông tin số tiền bà đang gửi trong ngân hàng. Đối tượng tự xưng cán bộ công an yêu cầu nạn nhân đến ngân hàng mở một tài khoản và dùng số điện thoại do người này chỉ định đăng ký dịch vụ internet banking. Lấy lý do kiểm tra, bọn chúng yêu cầu bà T. chuyển toàn bộ số tiền trong hai sổ tiết kiệm vào tài khoản ngân hàng vừa mở. Tổng cộng, nạn nhân chuyển khoản 550 triệu đồng. Băng nhóm này sử dụng dịch vụ internet bank chuyển hết số tiền trên sang tài khoản khác do bọn chúng quản lý, sử dụng.
Thiết bị, kịch bản... của các đối tượng lừa đảo, tang vật công an thu giữ được trong một vụ án. |
Trong vòng 3 tháng, tổng cộng các đối tượng đã khiến 18 nạn nhân “sập bẫy” và số tiền chúng lừa đảo chiếm đoạt lên tới hơn 10 tỉ đồng. Theo cơ quan điều tra, đứng sau và được xem là những kẻ chủ mưu của băng nhóm chuyên lừa đảo qua điện thoại này là các đối tượng Tiểu Vương, Á Báo, Hồng Trà, Tiểu Lâm... đều là người Đài Loan, Trung Quốc. Nhóm đối tượng này đã câu kết với các bị cáo trên thực hiện hàng loạt phi vụ lừa đảo.
Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Pan Chu Lin 15 năm tù. Đồng phạm, đồng hương của Pan Chu Lin là Chiu Po Sung bị tuyên án 13 năm tù, Hou Po Ta - 10 năm tù. Tiếp tay, giúp sức cho nhóm người Đài Loan lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân là người Việt Nam bị tuyên án là Bùi Quang Hải - 12 năm tù, Nguyễn Doãn Phong - 10 năm tù, Nguyễn Doãn Toàn - 8 năm tù, Trang Thị Châu Đoan - 7 năm tù, Nguyễn Thái Dũng - 6 năm tù, Nguyễn Tông Long - 6 năm tù, Dương Văn Tùng - 5 năm tù.
Bị cáo Pan Chu Lin là người có vai trò chủ chốt, thực hiện 15 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi thực hiện phạm tội các bị cáo có sự phân công nên cần áp dụng tình tiết phạm tội có tổ chức và phạm tội nhiều lần. Nhiều bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, thành khẩn khai báo, khắc phục một phần hậu quả, có con nhỏ... nên đã được tòa xem xét như tình tiết giảm nhẹ mức án.
Tại phiên tòa, phần lớn các bị cáo thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố. Một số bị cáo cho rằng mình chỉ đi rút tiền thuê cho các bị cáo chủ mưu, không có hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của bị hại. Theo cáo buộc của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh, Pan Chu Lin, Chiu Po Sung, Hou Po Ta cùng các đối tượng là người Việt, đã giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án... rồi điện thoại liên hệ với các nạn nhân đe dọa bắt, khởi tố..., sau đó ép các nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do bọn chúng chỉ định. Lo sợ nhiều nạn nhân đã làm theo chỉ dẫn của các đối tượng lừa đảo. Khi tiền vào tài khoản, các đối tương lừa đảo nhanh chóng rút sạch.
Đây chỉ là một trong nhiều nhóm đối tượng chuyên lừa đảo bằng hình thức điện thoại hù dọa lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác phải ra tòa lãnh án. Trên khắp các tỉnh thành trong cả nước, nhiều vụ án tương tự đã xảy ra, hiện tình trạng trên vẫn tiếp diễn, Cơ quan công an, chính quyền các địa phương đã nhiều lần cảnh báo, khuyến cáo người dân phải hết sức cảnh giác, không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản cho đối tượng, không được hoang mang, lo sợ... khi có người gọi điện đến hù dọa, tránh “sâp bẫy” của của nhóm người nước ngoài chuyên cấu kết với người Việt giả danh cơ quan pháp luật để lừa đảo.
Cơ quan chức năng cũng khẳng định, khi làm việc với người dân, Cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án... phải tiếp xúc trực tiếp, có giấy triệu tập, không điện thoại. Đề nghị người dân kịp thời thông báo và phối hợp Cơ quan công an nơi gần nhất để truy chặn, bắt giữ những kẻ lừa đảo.