Xóa ổ nhóm làm giấy tờ giả để lừa đảo

Thứ Ba, 03/03/2020, 20:43
Chỉ cần vài thao tác sao chép, in ấn..., bọn tội phạm đã có thể cho ra lò một chiếc thẻ ngành nào đó hoặc giấy phép lái xe giả trông như thật. Chúng rao bán từ 1 triệu đến 10 triệu đồng. Nhiều đối tượng đã sử dụng giấy tờ giả này chỉ để ra oai, dễ xin xỏ khi bị cảnh sát giao thông kiểm tra. Một số kẻ đã dùng đi lừa tiền, lừa tình...

Phát hiện đường dây làm thẻ giả từ một vụ vi phạm giao thông

Nhờ kiên quyết trong khi làm nhiệm vụ mà tổ công tác 363 Công an quận 5, TP Hồ Chí Minh đã khám phá một đường dây chuyên sản xuất thẻ ngành công an, giấy phép lái xe giả. Ngày 13-2, tổ công tác 363 Công an quận 5 trực chốt trên đường An Dương Vương, phường 4, quận 5 thì phát hiện xe ô tô BKS 51H-129.64 do Trần Trung Hiếu (SN 1991, ngụ Bình Chánh) điều khiển vi phạm giao thông nên ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra. Lúc này Hiếu có biểu hiện say xỉn nên liên tục lấy điện thoại ra gọi... trợ giúp.

Một lúc sau, Dương Tuấn Sơn (SN 1995, ngụ quận 8) điều khiển xe ô tô BKS 51H-108.69 chạy đến gặp tổ công tác 363, chìa ra tấm thẻ ngành màu đỏ xưng là Công an phường 14, quận 5 và mong tổ công tác bỏ qua lỗi vi phạm của bạn mình vì... cùng ngành cả (?!). Tuy nhiên, tổ công tác 363 đã kiên quyết đưa phương tiện vi phạm cùng Hiếu và Sơn về Đội Cảnh sát giao thông Công an quận 5 để làm rõ.

Tang vật thu giữ trong một vụ các đối tượng làm thẻ và giấy phép lái xe giả.

Tại trụ sở Công an, Sơn tiếp tục xuất trình tiếp một giấy phép lái xe dán hình Sơn đang mặc quân phục. Nghi thẻ ngành và giấy phép lái xe của Sơn là giả, tổ công tác đã bàn giao Sơn cho Công an quận 5 làm rõ. Lúc này Sơn mới thừa nhận mình không phải là công an. Sơn khai thông qua Ngô Quốc Vũ (SN 1989, ngụ Bình Chánh) để biết Trầm Đức Tài (sinh năm1990, ngụ quận 5). Tài xưng đang “công tác tại Bộ Công an” và có thể làm giấy phép lái xe hạng A2 mà không cần phải thi.

Ngoài ra, Tài còn có thể làm các loại giấy tờ như giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên, thẻ ngành công an. Sơn đã đưa cho Tài 7 triệu  đồng nhờ Tài làm các loại giấy tờ trên. Qua truy xét, Công an quận 5 đã đưa Tài về trụ sở làm rõ. Khám người Tài, Công an quận 5 thu giữ một thẻ ngành công an giả mang tên Tài.

Tài khai mình chỉ “nổ” là công an để lấy... oai (?!). Nhận thấy nhiều người có nhu cầu làm thẻ ngành, giấy phép lái xe của công an nên Tài đã cấu kết với Trần Văn Tùng (SN 2000, quê Nam Định) nhân viên tiệm photo trên đường Hoàng Văn Thụ, phường 8, quận Phú Nhuận để làm giả các loại giấy tờ trên. Với sự khéo tay, am hiểu kỹ thuật in ấn, thạo Photoshop..., Tùng nhanh chóng cho ra lò các sản phẩm mà Tài yêu cầu.

Mỗi tấm thẻ ngành hay giấy phép lái xe giả, Tùng được Tài trả công từ 200 - 350 ngàn đồng. Tài bán chúng với giá từ 2 đến 5 triệu đồng cho những mối làm ăn “lâu năm” với Tài như Sơn, Vũ.

Từ năm 2017, Vũ đã liên kết với Tài làm hàng loạt thẻ ngành công an, giấy phép lái xe giả, ăn chênh lệch mỗi tấm thẻ từ 500 ngàn - 1 triệu đồng. Như vậy, đường dây làm giả thẻ ngành của Tài trong những năm qua đã sản xuất không biết bao nhiêu thẻ ngành, giấy phép lái xe và các loại giấy tờ khác trong ngành công an.

Khám xét nơi Tùng làm việc, Công an quận 5 thu giữ một số mộc, dấu mang hình quốc huy, Tùng khai sử dụng mộc này để đóng vào các loại thẻ ngành công an giả nói trên.

Một số thẻ ngành, giấy phép lái xe giả mà đối tượng Tùng đã cho ra lò.

Hậu quả khó lường

Một cán bộ điều tra - Công an quận 5 cho biết, giấy tờ giả mà nhóm Tài sản xuất khá tinh vi, mắt thường khó có thể nhận biết được. Chỉ đến khi kiểm tra số hiệu, xác định tên người trong thẻ, đơn vị công tác thì mới chứng minh được đây là giấy tờ giả.

Chỉ vài triệu đồng là có thể biến một đối tượng cướp giật, lừa đảo trở thành... “người trong ngành công an” thì hậu quả thật khó lường. Nhiều vụ giả danh cảnh sát hình sự, giả danh công an để lừa đảo, trấn lột, cướp giật lừa tình đã xảy ra tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành trong cả nước. Có những đối tượng giả danh công an hàng chục năm trời nhưng những người sống xung quanh họ chẳng ai hay biết, chỉ đến khi bị bắt quả tang thì những đối tượng này mới lòi bộ mặt thật của mình ra.

Một cán bộ cảnh sát giao thông Công an quận Thủ Đức cho biết, nhiều đối tượng sử dụng thẻ ngành giả để xin không bị xử phạt vì vi phạm giao thông. Tuy nhiên khi phát hiện có dấu hiệu nghi vấn sử dụng thẻ ngành giả, các tổ công tác đã kiên quyết xử lý. Trước đây đã từng có một vụ việc, tổ công tác thuộc cảnh sát giao thông Công an quận Thủ Đức trực chốt tại tuyến đường trên địa bàn phường Trường Thọ thì phát hiện L.T. điều khiển xe ô tô lấn làn nên ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra. L.T. trưng ra thẻ ngành công an và cho biết mình đang “công tác tại Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh”, mong “anh em trong ngành” bỏ qua.

Đối tượng ngân giả danh Trung tá Công an lừa tiền, tình nhiều phụ nữ.

Trước biểu hiện đáng nghi của L.T., tổ công tác đã gọi điện xác minh và được chứng thực không có ai tên L.T. đang công tác tại phòng hình sự nói trên. Tổ công tác sau đó đã đưa L.T. về trụ sở làm rõ. Tại đây, L.T. khai qua quen biết một đối tượng trên mạng xã hội, L.T. nhờ đối tượng này làm giả giấy phép lái xe hạng B2 với giá 10 triệu đồng, làm một thẻ ngành công an với giá 15 triệu đồng. Mục đích của L.T. để ra oai và đối phó với cảnh sát giao thông khi lưu thông trên đường.

Từng bị Công an tỉnh Bình Phước phát hiện mạo danh trung tá công an để lừa đảo, bị xử lý nhưng Hồ Thanh Ngân (SN 1984, quê Quảng Bình) vẫn thích khoác lên mình bộ quân phục công an để... lòe thiên hạ. Sau lần bị phát giác, Ngân đã “rút kinh nghiệm” để mình đóng giả công an “đạt” hơn.

Ngoài việc mua trang phục công an mang hàm trung tá, Ngân còn làm giả thẻ ngành công an mang tên Lê Văn Mạnh. Ngân chuyển địa bàn hoạt động của mình đến thành phố Đồng Xoài. Tại đây, với mác trung tá, Ngân nổ mình đang công tác tại Bộ Công an, quen biết rộng, có thể xin được việc làm tại những nơi “khó có cửa chen chân”.

Nhiều người nhìn thấy mác công an của Ngân đã vội tin. Có nhiều người đã mất từ vài triệu đến vài chục triệu đồng “cống” cho Ngân để nhờ vả xin việc làm cho con em họ.

Ngoài lừa tiền, Ngân còn sử dụng mác trung tá giả để lừa tình nhiều chị em nhẹ dạ. Một trong số những nạn nhân của Ngân vừa mất tiền lại mất cả tình là chị N.T.H. (ngụ thành phố Đồng Xoài). Qua người quen giới thiệu, chị H. gặp Ngân và ngỏ ý nhờ vả để Ngân đưa vào làm việc tại một cơ quan nhà nước. Bằng miệng lưỡi của mình, Ngân đã làm chị H. mắc bẫy.

Không chỉ nhiều lần đưa cho Ngân số tiền tổng cộng 170 triệu đồng, chị H. còn dính bẫy tình của Ngân. Nhiều tháng trôi qua, tiền đưa, tình trao nhưng việc làm thì chẳng thấy tiến triển gì, hỏi đến thì Ngân kêu chờ. Sinh nghi, chị H. tố cáo Ngân lên cơ quan điều tra. Qua xác minh, Công an thành phố Đồng Xoài đã bắt giữ Ngân.

Các đối tượng giả danh Công an còn sử dụng các loại công cụ hỗ trợ phục vụ việc lừa đảo, cướp tài sản.

Cảnh giác để tránh mắc bẫy

Với tâm lý “ngại” giáp mặt với công an, nhất là cảnh sát hình sự nên nhiều người khi lưu thông trên đường, nhất là vào buổi tối khó có thể nhận định được đâu là công an thật, đâu là công an giả. Các đối tượng thường chọn những người lưu thông trên đường vắng, xưng là “hình sự” kiểm tra hành chính rồi ra tay cướp tài sản. Các loại thẻ ngành mà các đối tượng trang bị được mua trên mạng xã hội với giá từ 5-10 triệu đồng.

Một số đối tượng khác còn tự tìm cách thức làm giả thẻ ngành công an trên mạng Internet sau đó chỉnh sửa thông tin rồi cắt ghép hình ảnh, in thành một thẻ ngành hoàn chỉnh sau đó sử dụng thẻ này để thực hiện hành vi của mình.

Qua vụ phát hiện đường dây làm giả thẻ ngành của Trầm Đức Tài, Công an TP Hồ Chí Minh khuyến cáo các tổ công tác thuộc Công an TP Hồ Chí Minh và công an các quận huyện, cảnh sát giao thông cần làm rõ những tình tiết đáng nghi ngờ đối với những người sử dụng thẻ ngành vào mục đích xin xỏ, bỏ qua lỗi vi phạm khi tham gia giao thông, những người sử dụng trang phục công an và sử dụng thẻ ngành có dấu hiệu lừa đảo, phạm tội. Cần kiểm tra nhanh thông tin về số hiệu, cấp bậc, nơi công tác của những người sử dụng thẻ ngành có biểu hiện nghi vấn, không để những đối tượng giả mạo này gây ảnh hưởng đến hình ảnh của lực lượng công an.

Riêng với người dân, Công an TP Hồ Chí Minh đã chỉ ra một số dấu hiệu nhận biết các đối tượng giả danh công an, sử dụng thẻ ngành giả để lừa đảo, cướp tài sản. Các đối tượng giả danh công an để lừa đảo, thường sử dụng trang phục không đồng bộ, không đúng quy định. Khi tiếp xúc với mọi người thường khoe khoang quen biết rộng, cố tình khoe trang phục, cấp hàm, khoe công cụ hỗ trợ.

Đối tượng giả danh công an thường cố tìm mọi cách chứng minh mình là công an, hứa giúp đỡ, xin công việc, giải quyết vụ án, giải quyết tranh chấp giùm người dân một cách chắc chắn. Với những đối tượng này, phải đề cao cảnh giác. Khi tiếp xúc nếu được đối tượng trưng thẻ ngành, người dân cần lấy thông tin ghi trên thẻ ngành của các đối tượng để xác minh từ phía công an, đừng vội tin tưởng.

Người dân cũng cần tìm hiểu thông tin hình thức, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng giả danh công an qua báo đài, các cảnh báo của công an phường, xã. Người dân tuyệt đối không giao tài sản, phương tiện cho những người xưng là đại diện cơ quan chức năng nhưng không lập biên bản xử lý.

Huyền Đức
.
.