Bi kịch vụ cho, nhận con riêng của vợ ở Lào Cai: Vì sao nhiều người vướng vòng lao lý?

Thứ Tư, 19/04/2023, 07:02

Bắt nguồn từ cuộc hôn nhân không hạnh phúc, Lý Lở Mẩy bỏ nhà đi làm thuê rồi chung sống với người đàn ông khác. Một thời gian sau, Mẩy quay về với chồng cũ cùng cái thai trong bụng. Tưởng chừng sau lời chia sẻ buồn, vui với chồng, mọi khó khăn sẽ qua đi. Ai ngờ, cuộc hôn nhân giữa hai người sau đó đã rơi vào bi kịch khiến chồng Mẩy và những người khác vướng vòng lao lý…

Từ hủ tục hôn nhân...

Năm 2018, dù chưa đủ tuổi kết hôn nhưng theo hủ tục của địa phương, Lý Lở Mẩy (sinh năm 2002, trú tại xã Tòng Sành, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) được Chảo Láo Lở (sinh năm 1999, trú cùng xã, hiện ở thôn Pờ Sì Ngài, xã Trung Chải, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) xin về làm vợ. Ở tuổi 16, Mẩy vẫn còn là cô bé ngây thơ nên chưa biết làm chủ cuộc sống, khiến cho cuộc hôn nhân giữa Mẩy và Lở luôn có những sóng gió, rơi vào bi kịch đau lòng.

Mới đây, TAND thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với các bị cáo Chảo Láo Lở và Phàn Văn Hưng (sinh năm 1967, trú tại phường Bắc Cường, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai). Hai bị cáo bị Viện KSND thị xã Sa Pa truy tố cùng về tội “Mua bán người dưới 16 tuổi”.

Vì sao nhiều người vướng vòng lao lý? -0
Hoàn cảnh gia đình của Phàn Văn Hưng rất khó khăn (có 3 con bị thiểu năng trí tuệ) nên khi Lở ngỏ ý cho con thì không dám nhận và giới thiệu cho người khác rồi dính vào vòng lao lý.

Theo nội dung một phần bản án hình sự sơ thẩm của TAND thị xã Sa Pa, khoảng tháng 10/2018, Chảo Láo Lở và Lý Lở Mẩy về chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn (vì chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật). Trong thời gian chung sống, Mẩy và Lở thường xuyên xảy ra mâu thuẫn tình cảm. Mẩy bị Lở đánh đập và đuổi ra khỏi nhà. Khoảng tháng 1/2019, Lý Lở Mẩy bỏ nhà đi đến huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu làm thuê. Tại đây, Mẩy gặp và nảy sinh tình cảm với anh Lê Ngọc Trung (sinh năm 1996, trú tại tỉnh Lai Châu). Sau đó, hai người rủ nhau đến tỉnh Hưng Yên làm thuê. Trong thời gian này, Mẩy và Trung thuê nhà sống với nhau như vợ chồng, dẫn đến Mẩy có thai. Cuối năm 2019, Mẩy có thai được 8 tháng nên quay về nhà bố mẹ đẻ ở xã Tòng Sành để nương nhờ việc chăm sóc và sinh con.

Biết chuyện, Chảo Láo Lở đến và yêu cầu Mẩy về nhà Lở chung sống. Nếu không, Mẩy phải trả cho Lở 100 triệu đồng (tiền Lở bỏ ra hỏi, cưới Mẩy). Do không có tiền, Mẩy đành quay về chung sống cùng Lở. Tuy nhiên, do Mẩy mang thai con của người khác nên theo phong tục của người dân tộc Dao, Mẩy không được vào nhà chồng ở. Mẩy và Lở đã đến lán của gia đình Lở tại thôn Pờ Sì Ngài ở, chờ sinh con. Việc Mẩy có thai với người khác cũng được Lở nói chuyện với bố mẹ đẻ của mình và thống nhất, nếu Mẩy đẻ con gái thì để lại nuôi, còn con trai thì đem bán để tránh việc phải chia tài sản sau này.

Ngày 28/2/2020, Mẩy được bà Lò Sử Mẩy (mẹ Lở) đưa đến Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai sinh con. Cùng ngày, Lý Lở Mẩy sinh được bé trai và đặt tên con là Chảo Vạn Hòa. Biết vợ sinh con trai, Lở bàn với Mẩy bán cho người khác. Sau đó, Lở tìm đến nhà Phàn Văn Hưng với mục đích cho con riêng của Mẩy.

Sau khi nghe chuyện, anh Hưng cho biết, hiện gia đình đang nuôi 3 con đẻ đều bị bệnh (thiểu năng trí tuệ) nên rất khó khăn và không có nhu cầu. Đồng thời Hưng nói với Lở, Hưng có quen một người ở huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai muốn tìm nhận con nuôi nên hỏi Lở cho con như thế nào và hai người thỏa thuận, Lở sẽ bán con cho người Hưng giới thiệu với số tiền 35 triệu đồng.

...đến vòng lao lý

Ngày 29/2/2020, Phàn Văn Hưng liên lạc với vợ chồng anh Trương Văn Thắng (sinh năm 1985) và chị Đặng Thị Xuân (vợ anh Thắng) ở xã Thượng Hà, huyện Bảo Yên và được anh Thắng đồng ý nhận nuôi cháu Chảo Vạn Hòa và sẽ trả cho Chảo Láo Lở số tiền như đã thỏa thuận.

Cùng ngày, anh Thắng và vợ cùng một số người thân trong gia đình thuê xe taxi đến lán của Chảo Láo Lở và Lý Lở Mẩy đang sống để làm thủ tục nhận nuôi cháu Chảo Vạn Hòa. Anh Thắng đã đưa cho Lở 35 triệu đồng và ông Bàn Cao Vịnh (đi cùng anh Thắng) đã viết một giấy cho nuôi con với nội dung: “Lý Lở Mẩy và Chảo Láo Lở do hoàn cảnh không nuôi được cháu bé mới sinh nên đồng ý cho vợ chồng Thắng Xuân nuôi giúp, rồi đưa cho Mẩy và Lở ký...”.

Sau khi hai bên hoàn thành thủ tục cho, nhận con, vợ chồng anh Thắng đưa cháu Hòa về nuôi. Ngày 24/3/2020, gia đình anh Thắng đến UBND xã Thượng Hà làm khai sinh cho cháu với tư cách là con đẻ của mình và lấy tên là Trương Gia Huy (sinh ngày 28/2/2020), đồng thời chăm sóc, nuôi dưỡng từ đó đến nay. Còn Lở sau khi nhận tiền từ vợ chồng anh Thắng, chị Xuân đã cho Hưng 10 triệu đồng và cho mẹ đẻ 1 triệu đồng. Số tiền còn lại Lở đưa cho vợ là Lý Lở Mẩy cầm. Khoảng 1 tháng sau, Lở lấy lại toàn bộ số tiền và tiêu xài cá nhân hết.

Tưởng chừng cuộc sống giữa Mẩy và Lở sau những sóng gió sẽ tốt đẹp hơn nhưng chỉ 3 tháng tiếp tục chung sống, Mẩy bị chồng liên tiếp dạy bảo bằng cách “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, khiến Mẩy không thể chịu đựng nổi. Một lần nữa, Mẩy lại khăn gói bỏ đi làm ăn nơi khác. Sau khi Mẩy bỏ nhà đi, tìm vợ không được, Lở thường xuyên đến nhà mẹ đẻ của Mẩy chửi mắng. Gần 2 năm sau (ngày 13/4/2022), Mẩy trở về nhà và đến Cơ quan công an làm đơn trình bày về vụ việc.

Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Sa Pa khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra hành vi “Mua bán người dưới 16 tuổi”. Ngày 4/8/2022, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Sa Pa ban hành bản Kết luận số 38/KLĐT và đề nghị truy tố Chảo Láo Lở phạm tội “Mua bán người dưới 16 tuổi”.

Đối với các đối tượng liên quan trong vụ án này, kết luận điều tra cũng nêu rõ: Đối với Lý Lở Mẩy là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án, Mẩy đề nghị với cơ quan điều tra hiện công việc không ổn định, gia đình hoàn cảnh khó khăn, vì vậy Mẩy mong muốn vợ chồng anh Trương Văn Thắng, chị Đặng Thị Xuân tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng cháu Trương Gia Huy. Đối với Phàn Văn Hưng là người giúp Chảo Láo Lở tìm người mua con của Lý Lở Mẩy và khi tìm hiểu Hưng biết vợ chồng anh Thắng, chị Xuân thực sự có nhu cầu nhận nuôi cháu bé nên đã liên hệ giúp Lở và được Lở trả cho 10 triệu đồng tiền công.

Căn cứ khoản 3, Điều 7 Nghị quyết số 02/1/2019/NQ[1]HĐTP, ngày 11/1/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 150 tội “Mua bán người” và Điều 151 tội “Mua bán người dưới 16 tuổi” của Bộ luật Hình sự thì hành vi của Phàn Văn Hưng không cấu thành tội phạm. Ngày 15/8/2022, Viện KSND thị xã Sa Pa cũng ban hành cáo trạng và truy tố Chảo Láo Lở phạm tội “Mua bán người dưới 16 tuổi”.

Tại bản cáo trạng này, Viện KSND thị xã Sa Pa cũng có nhận định với nội dung: Đối với Phàn Văn Hưng, hành vi không cấu thành tội phạm nên không xem xét xử lý hình sự là có căn cứ. Đối với anh Trương Văn Thắng, chị Đặng Thị Xuân là người nhận nuôi cháu Chảo Vạn Hòa (tức Trương Gia Huy), quá trình điều tra xác định anh Thắng, chị Xuân là những người có nhu cầu nhận con nuôi để chăm sóc, nuôi dưỡng. Sau khi nhận nuôi cháu bé, anh Thắng, chị Xuân đã đăng ký khai sinh cho cháu bé, chăm sóc, nuôi dưỡng như con đẻ của mình. Việc làm của anh Thắng, chị Xuân vì mục đích nhân đạo, do đó không có căn cứ để xử lý hình sự.

Vì sao nhiều người vướng vòng lao lý? -0
Hai bị cáo Chảo Láo Lở và Phàn Văn Hưng.

Nhiều tình tiết cần được làm rõ

Tuy nhiên sau đó, Viện KSND thị xã Sa Pa đã thay đổi quan điểm truy tố, ngày 30/11/2022 Viện KSND thị xã Sa Pa ban hành cáo trạng số 46/CT-VKS-SP truy tố các bị can Chảo Láo Lở và Phàn Văn Hưng cùng phạm vào tội “Mua bán người dưới 16 tuổi”. Căn cứ vào bản cáo trạng này, ngày 18/1/2023, TAND thị xã Sa Pa mở phiên xét xử và tuyên phạt bị cáo Chảo Láo Lở 8 năm tù, Phàn Văn Hưng 7 năm 6 tháng tù cùng về tội danh trên.

Đáng chú ý, trong phiên sơ thẩm, bị cáo Phàn Văn Hưng luôn kêu oan, không nhận tội, đồng thời đưa ra các lý do cho rằng, bị cáo bị Viện KSND thị xã Sa Pa cáo buộc phạm vào tội “Mua bán người dưới 16 tuổi” là chưa thỏa đáng. Việc làm của bị cáo vì mục đích nhân đạo. Sau khi nghe Lở nói muốn bán con cho Hưng nhưng do gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đang nuôi 3 đứa con bị thiểu năng trí tuệ nên không có nhu cầu mới giới thiệu cho anh Thắng, chị Xuân là người có nhu cầu muốn có con nuôi thật sự.

Luật sư Trần Bá Lực, Công ty Luật TNHH Xuân Thủy (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, liên quan đến vụ án này, nhiều nội dung trong bản án sơ thẩm cần được làm rõ. Cáo trạng Viện KSND thị xã Sa Pa truy tố các bị cáo về tội “Mua bán người dưới 16 tuổi” thực sự chưa thỏa mãn trong việc áp dụng pháp luật. Các bản cáo trạng của Viện KSND thị xã Sa Pa có nhiều nội dung “tiền hậu bất nhất”.

Theo luật sư Trần Bá Lực, chứng cứ quan trọng nhất trong vụ án này là “Giấy cho nuôi con” có chữ ký của Lý Lở Mẩy (là mẹ đẻ cháu Chảo Vạn Hòa) đã bị bỏ qua mà không được xem xét thấu đáo. Theo đó, nếu phía các cơ quan tiến hành tố tụng dựa trên lời khai của Mẩy mà bỏ qua chứng cứ quan trọng này thì dường như đã vi phạm nguyên tắc “trọng chứng hơn trọng cung”. Đây cũng chính là điều đã dẫn đến những vụ án oan sai nổi tiếng trong cả nước mà chúng ta từng biết.

“Đây là vụ án “Mua bán người dưới 16 tuổi”, cáo trạng cho rằng, Chảo Láo Lở là người khởi xướng và trực tiếp thực hiện hành vi với vai trò là người bán nên phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS), còn phía gia đình anh Thắng, chị Xuân thì viện kiểm sát cho rằng không phải chịu TNHS vì mục đích nhận cháu bé là để nuôi. Tức là các cơ quan tiến hành tố tụng xác định, những người này là người nhận chứ không phải là người mua.

Áp dụng theo nguyên tắc mang tính nhân đạo của pháp luật thì rõ ràng, việc môi giới của anh Hưng là môi giới nhận con nuôi chứ không thể xác định là môi giới bán người dưới 16 tuổi. Cụ thể, tại Điều 7 Nghị quyết số 02/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, trong đó khoản 1 và khoản 2 chỉ ra rõ đối tượng nào phải chịu TNHS khi thực hiện việc môi giới nuôi con nuôi (tức là có thể hiểu pháp luật quy định chỉ những đối tượng này mới phải chịu TNHS), còn khoản 3 của Nghị quyết số 02 cũng chỉ rõ trường hợp nào được loại trừ, không bị truy cứu TNHS người môi giới nuôi con nuôi”, luật sư Trần Bá Lực phân tích.

Cũng theo luật sư Trần Bá Lực: “Mục đích của gia đình anh Thắng, chị Xuân khi nhận cháu bé là để nuôi, không phải để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, bán cho người khác hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác. Phàn Văn Hưng cũng không lợi dụng việc này vì những mục đích như trên nên Hưng không phải là đối tượng quy định tại khoản 1, Điều 7 Nghị quyết 02 và Phàn Văn Hưng cũng không phải là người có chức vụ, quyền hạn gì khi thực hiện việc môi giới này. Do đó, Phàn Văn Hưng không phải là đối tượng bị truy cứu TNHS theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 02”.

“Bên cạnh đó, tại khoản 3 Điều 7 của Nghị quyết này nêu: Người môi giới nếu biết mục đích việc nhận trẻ để làm con nuôi thì dù có nhận tiền cũng không bị truy cứu TNHS, tức là việc nhận tiền, được hưởng lợi từ việc môi giới không phải là yếu tố để truy cứu TNHS người môi giới. Việc truy cứu TNHS người môi giới chỉ đối với người biết rõ mục đích việc cho nhận trẻ không phải là để nuôi con nuôi. Điều này cho thấy, việc truy cứu hay không truy cứu TNHS đối với người môi giới chỉ phụ thuộc vào mục đích của người nhận chứ không phải mục đích của người cho hay được hưởng lợi từ việc môi giới. Do vậy, những phán quyết của hội đồng xét xử trong bản án sơ thẩm cũng cần phải được xem xét lại một cách thấu tình đạt lý, tránh để xảy ra trường hợp oan sai”, luật sư Trần Bá Lực chia sẻ.

Quang Trường - Chiến Thắng
.
.