Các bị cáo trong vụ “Tịnh thất Bồng Lai” lĩnh án

Thứ Hai, 25/07/2022, 07:55

Sau 3 tuần tạm dừng phiên tòa, sáng ngày 20-7-2022, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Đức Hòa, tỉnh Long An mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” xảy ra tại hộ gia đình bà Cao Thị Cúc, tự xưng là “Tịnh thất Bồng lai – Thiền am bên bờ vũ trụ” ở số 191A, ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Do tính chất phức tạp xung quanh vụ án, thực hiện chỉ đạo của Ban giám đốc Công an tỉnh Long An, ngay từ sáng sớm, các đơn vị nghiệp vụ phối hợp với Công an huyện Đức Hòa triển khai các phương án nhằm đảm bảo an ninh trật tự, hướng dẫn giao thông trên toàn tuyến khu vực trung tâm. Bộ phận an ninh soi chiếu kiểm tra nghiêm ngặt tư trang, hành lý tất cả những người có liên quan ra vào phiên tòa…

1.jpg -0
Bị cáo Lê Tùng Vân được dẫn giải đến tòa.

Chối tội đây đẩy

Phiên tòa do thẩm phán Nguyễn Khắc Linh Duy làm chủ tọa. Giữ vai trò công tố là kiểm sát viên Nguyễn Thành Đông, Đặng Hoàng Lưu. Để phục vụ cho việc xét xử, tòa triệu tập 8 cán bộ Công an huyện Đức Hòa làm chứng tham gia phiên tòa và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Các bị cáo trong vụ án gồm: Lê Tùng Vân, sinh năm 1932 tại tỉnh An Giang; Cao Thị Cúc, sinh năm 1960 tại tỉnh Long An; Lê Thanh Nhất Nguyên, sinh năm 1991; Lê Thanh Hoàn Nguyên, sinh năm 1990; Lê Thanh Trùng Dương, sinh năm 1995 và Lê Thanh Nhị Nguyên, sinh năm 1998 tại TP. Hồ Chí Minh, được 5 luật sư bào chữa.

Ngay sau phần công bố thành phần tham dự của chủ tọa, một luật sư của bị cáo đề nghị ngừng phiên tòa để củng cố thêm một số tình tiết không có trong hồ sơ. Luật sư của bị cáo cho rằng, có một số chứng cứ giả mạo phát ngôn của thân chủ bị cho là vi phạm pháp luật không có hồ sơ trong vụ án, luật sư kiến nghị tòa triệu tập nhân chứng. Ngoài ra, một luật sư bào chữa cho các bị cáo còn đề nghị thay đổi chủ tọa với lý do là trong quá trình tòa giải quyết vụ án, luật sư đề nghị triệu tập 52 người tham gia tố tụng nhưng chỉ được chấp nhận 4 người... Sau khi vào trong hội ý lần thứ hai, Hội đồng xét xử (HĐXX) thông báo không chấp nhận đề nghị của luật sư vì không thuộc trường hợp tại Điều 49 và Điều 53 Bộ luật Tố tụng hình sự và quyết định tiếp tục xét xử vụ án theo quy định pháp luật.

Trong phần thẩm tra lý lịch các bị cáo, bị cáo Lê Tùng Vân trả lời tuy rõ ràng, mạch lạc, nhưng lại giống như vở diễn được dàn dựng từ trước: “Bị cáo có 2 bằng cử nhân, trong đó có bằng cử nhân tiếng Anh, trình độ văn hóa như… trẻ em(!), học từ lớp 1 đến 12…, và hiện độc thân, đang chờ lấy vợ...”. Các bị cáo Hoàn Nguyên, Nhất Nguyên, Nhị Nguyên, Trùng Dương khai mồ côi cả cha lẫn mẹ, còn Cao Thị Cúc khai không nhớ học vấn, không nhớ tên mẹ, đồng thời phủ nhận có chồng, con, trong khi khai trong lý lịch lại có 2 con…

Các bị cáo trong vụ “Tịnh thất Bồng Lai” lĩnh án -0
Các bị cáo tại phiên tòa.

Theo cáo trạng, năm 2016, bị cáo Lê Tùng Vân cùng các bị cáo và một số người khác sống tại số 191A ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, do Cao Thị Cúc làm chủ hộ. Bị cáo Lê Tùng Vân đã biến nơi đây thành cơ sở tu tại gia, lấy tên là “Tịnh thất Bồng Lai”. Đến cuối năm 2020, sau nhiều tai tiếng khi liên tục bị cơ quan chức năng nhắc nhở, xử lý về việc không đăng ký tạm trú, tạm vắng và xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, ông Vân đã cho đổi tên thành “Thiền am bên bờ vũ trụ”. Từ năm 2019 đến năm 2021, các bị cáo trên đã sử dụng phương tiện như máy tính, điện thoại di động để đăng tải lên mạng xã hội những thông tin sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc, nhằm tuyên truyền, kích động xúc phạm uy tín của Công an huyện Đức Hòa, xúc phạm Phật giáo... làm ảnh hưởng an ninh chính trị, trật tự xã hội ở địa phương. Cơ quan điều tra xác định, các bị cáo đã đăng tải 5 video và một bài viết trên mạng xã hội, sau khi đề nghị các cơ quan chức năng phân tích, giám định, xác định đây là hành vi có tổ chức, xâm phạm đến cơ quan Nhà nước, tổ chức tôn giáo và cá nhân.

Các bị cáo trong vụ “Tịnh thất Bồng Lai” lĩnh án -0
Bộ phận an ninh dùng máy soi chiếu kiểm tra hành lý của tất cả những người đến dự phiên tòa.

Tuy nhiên khi chủ tọa vừa đọc xong cáo trạng thì tất cả các bị cáo đều phủ nhận và cho rằng nội dung cáo trạng không đúng với lời khai tại cơ quan điều tra, bị ép cung và nhục hình trong lúc lấy khẩu cung… Đặc biệt sau phần chiếu lại 5 video clip chứa nội dung sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc, nhằm tuyên truyền, kích động xúc phạm đến uy tín của Công an huyện Đức Hòa; xúc phạm Phật giáo, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của ông Trần Ngọc Thảo (pháp danh Thích Nhật Từ) thì các bị cáo cho rằng nhiều tình tiết buộc tội đã bị làm giả, video clip bị cắt ghép không đúng với thực tế… Riêng luật sư bào chữa cho các bị cáo nêu vấn đề là trong quá trình điều tra có dấu hiệu chưa khách quan, vi phạm tố tụng…

Hành vi xem thường pháp luật

Hội đồng xét xử (HĐXX) nhắc nhở những người tham gia phiên tòa cần phải tôn trọng phiên tòa, đúng văn hóa phiên tòa. Buổi xét xử chiều 20-7 tiếp tục phần hỏi cung những tình tiết trong 5 clip vi phạm mà những bị cáo sống tại nơi tự gọi là “Tịnh thất Bồng Lai” đăng tải trên mạng xã hội. Khi được hỏi, Lê Tùng Vân khai rằng mình chỉ kiểm duyệt những nội dung nhằm tránh vi phạm pháp luật, tôn giáo, đồng thời phủ nhận vai trò chỉ đạo nội dung, quay clip, dàn dựng và duyệt nội dung trước khi đăng tải. “Nhất Nguyên, Hoàn Nguyên lớn hết rồi, đã 30 tuổi rồi, có người còn lập công ty, làm giám đốc nên nhận thức, suy nghĩ còn cao hơn mình nên chúng tự quyết định làm gì, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật chứ có thông qua tôi đâu… Có coi tôi ra gì đâu…” - Lê Tùng Vân nói trước tòa.

Sau khi trình chiếu clip "Thông báo kết quả khẩn cấp vụ án 50 người" của tài khoản "5 chú tiểu", chủ tọa liên tục thẩm vấn các bị cáo theo tình tiết, câu nói trong đoạn clip ghi cảnh gây rối, vu khống Công an bắt cóc, đòi người (đòi Diễm My) tại trụ sở Công an huyện Đức Hòa. Khi được hỏi, các bị cáo đều phủ nhận rằng các kênh Youtube trên không do các bị cáo lập ra, trong đó, Nhất Nguyên, Trùng Dương có lúc phủ nhận, lúc lại bảo không xác định được ai là người trong “Tịnh thất Bồng Lai” có mặt trong đoạn clip… rồi không nhớ, không biết, không kiểm soát và nói các đoạn clip trên được chỉnh sửa, cắt ghép... Riêng Hoàn Nguyên xác nhận người trong clip là mình nhưng không nhớ ai quay đoạn clip… và bị cáo cho rằng mục đích xuất hiện đoạn clip này là để mọi người biết diễn biến vụ "xâm nhập gia cư bất hợp pháp", đồng thời thừa nhận có nói một câu xúc phạm ông Thích Nhật Từ trong lúc dàn dựng một clip với nội dung "phim hài chiếu rạp" đăng trên tài khoản "5 chú tiểu". Bị cáo Cao Thị Cúc thì lấy lý do không nhìn rõ, không nhận ra được hình ảnh trong clip dù được đưa lên sát màn hình… và cuối cùng là không đủ sức khỏe. Đến khi chủ tọa xoáy sâu vào những tình tiết trong các clip, các bị cáo liền phản ứng bằng cách im lặng và đùn đẩy phần trả lời cho luật sư bào chữa…

Các bị cáo trong vụ “Tịnh thất Bồng Lai” lĩnh án -0
Cảnh sát cơ động đảm bảo an ninh trật tự trong khuôn viên tòa.

Ở phần xét hỏi những bị hại về đoạn clip quay cảnh lộn xộn tại trụ sở Công an huyện, bị hại Nguyễn Sơn - Trưởng Công an huyện Đức Hòa cho rằng các nội dung này đã được giám định, có nội dung xuyên tạc, xúc phạm lực lượng Công an và yêu cầu được xử lý theo pháp luật. Nhân chứng Trần Quốc Thắng - Cán bộ Công an huyện Đức Hòa cho rằng mình có nhận được tin báo tội phạm về việc giam giữ, giữ người trái pháp luật liên quan đến Võ Thị Diễm My và được chỉ định để xử lý vụ việc. Trong lúc điều tra, nhân chứng Thắng đã mời một số người liên quan trong đơn tố cáo lên trụ sở cơ quan Công an làm rõ, trong  đó có Diễm My. Thời điểm này Diễm My không hợp tác, cha mẹ Diễm My cũng có mặt bảo lãnh nên ông Thắng đã cho cha mẹ Diễm My đón Diễm My về. Về thông tin Công an huyện Đức Hòa giam giữ người trong trụ sở, ông Thắng khẳng định đó là sự vu khống. Đối với những lời vu khống của các bị cáo rằng bị ép cung, bị đánh, đại diện điều tra viên của Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Long An khẳng định toàn bộ quá trình tố tụng, điều tra đều thực hiện khách quan, đúng pháp luật. Quá trình làm việc và điều tra đều ghi âm, ghi hình lại, không có việc cán bộ đánh đập, dùng nhục hình với các bị cáo. Bị cáo nói bị đánh thì đề nghị đưa ra chứng cứ? Cũng tại phiên tòa, ông Võ Văn Thắng - cha Diễm My khẳng định, khi làm việc với Công an huyện Đức Hòa, thấy Diễm My có biểu hiện tinh thần bất thường nên đã xin bảo lãnh Diễm My về nhà. Sau đó, Diễm My tiếp tục bỏ đi và đến nay gia đình vẫn chưa gặp mặt Diễm My.

Dù trước đó vừa trả lời không biết, không rõ, không nhìn thấy, không làm… khi được chủ tọa, Viện kiểm sát hỏi, nhưng đến phần tranh luận giữa các luật sư bào chữa cho các bị cáo đối với những bị hại diễn ra, các bị cáo quay ngoắt 180 độ trả lời rõ ràng đến từng chi tiết giống như những diễn viên thuộc nằm lòng kịch bản. Trong đó, Cao Thị Cúc nói rất lưu loát, tường tận về quá trình bà ta và Diễm My làm việc với cơ quan điều tra; Hoàn Nguyên, Nhất Nguyên cũng có thể nhớ từng hành vi, chi tiết của mình cũng như của các điều tra viên…

Chiều tối ngày 22-7-2022, sau thời gian nghị án, HĐXX phiên sơ thẩm nhận định hành vi của các bị cáo là đồng phạm có tổ chức nên cần có mức án phù hợp, cách ly khỏi xã hội để răn đe. Theo đó, bị can Lê Tùng Vân với vai trò chủ mưu nhận mức án 5 năm tù. Các bị cáo Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương cùng nhận mức 4 năm tù; Lê Thanh Nhị Nguyên 3,5 năm tù và Cao Thị Cúc 3 năm tù.

Đức Cương Hào
.
.