Cạm bẫy mang tên trò chơi trúng thưởng

Thứ Tư, 04/09/2024, 08:40

Thời gian gần đây, thú chơi sưu tập thú nhồi bông mang tên Labubu và các sản phẩm liên quan trở thành "hot trend" (xu hướng) trong giới trẻ. Nắm bắt thời cơ, nhiều “chủ shop” đã ăn theo xu hướng, nhanh nhạy kinh doanh Labubu trên các trang mạng xã hội thu hút được nhiều “tín đồ” tham gia. Từ đây, “miếng pho mát” giăng trúng nhiều “chú chuột” khiến không ít người trở thành nạn nhân, ăn phải cú lừa cay đắng...

Ngậm trái đắng khi “săn” quái vật

Nhân vật Labubu được ví như "quái vật" nằm trong bộ sưu tập The Monsters do nghệ sĩ Kasing Lung người Hong Kong (Trung Quốc) sáng tạo ra vào năm 2015. Tuy nhiên, chỉ đến khi Lisa (ca sĩ nổi tiếng của nhóm nhạc Blackpink, Hàn Quốc) khoe món đồ chơi này trên trang cá nhân hồi tháng 4/2024, Labubu bỗng trở thành "cơn sốt" trong giới trẻ và liên tục cháy hàng.

Nhiều người lên mạng “săn quái vật” Labubu, thậm chí cạnh tranh khốc liệt về giá cả chỉ để được sở hữu một chú Labubu nhằm “đu trend” (trào lưu) với thiên hạ. Tuy nhiên, sau khi nhận được Labubu ngoài đời thực thì nhiều người té ngửa vì ăn trọn quả lừa.

Cạm bẫy mang tên trò chơi trúng thưởng -0
Dòng người xếp hàng mua Labubu.

Lướt TikTok thấy tài khoản Thanh Mai rao bán chú Labubu chính hiệu từ Hong Kong, chị Thùy Duyên (ngụ quận 4, TP Hồ Chí Minh) quyết tâm “săn” bằng được. Khi chủ shop tương tác, thông báo mặt hàng này chỉ còn 50 con, nhưng có đến hơn 100 người chốt đơn nên giá phải cạnh tranh, ai cọc tiền trước sẽ được ưu tiên. Không suy nghĩ, chị Duyên đã chuyển cọc 500.000 đồng để chốt chú gấu bông Labubu giá 1,2 triệu đồng.

3 ngày sau, chị Duyên nhận hàng là một cái hộp rất xinh xắn, được gói ghém cẩn thận. Ba mẹ con chị Duyên hồi hộp từng giây phút khui hộp quà, không quên lưu lại cả quá trình để tung “trend”. Khi các lớp giấy được mở ra, một chú gấu bông màu xám bé như nắm tay đập vào mắt, chị Duyên choáng váng, không dám thốt nên lời nào trước mặt hai con gái. Chị lập tức nhắn tin cho chủ shop yêu cầu giải thích về món hàng, chủ shop nói chị gửi trả qua đường bưu điện để nhân viên đền bù cho món hàng khác. “Tôi mua hàng online nhiều nên nắm rõ, khi đã gửi lại hàng thì sẽ chẳng biết khi nào mới nhận được hàng đền bù. Đó là hình thức bao biện của người bán”, chị Duyên bức xúc. Mất 1,2 triệu đồng, thêm 50.000 đồng tiền vận chuyển, cuối cùng chị Duyên nhận về chú gấu bông giá khoảng 20.000 đồng.

Cạm bẫy mang tên trò chơi trúng thưởng -0
Mua Labubu trên mạng, khi nhận hàng không đúng, gửi phản hồi thì bị chặn tài khoản.

Tương tự, chị Hồng Vân (ngụ quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh), ngày đêm “săn tìm” Labubu làm quà sinh nhật cho cô con gái 12 tuổi. Mất mấy ngày trời, chị Vân mới kết nối được chủ shop Phương Nguyễn trên livestream để chốt đơn hàng. Giá chú Labubu khá mềm, chỉ 300.000 đồng nên khách mua không cần đặt cọc. Một tuần sau, chị Vân nhận hàng, nhưng không được kiểm tra hàng trước khi thanh toán. Tin tưởng và nghĩ sẽ chẳng ai đi lừa con gấu bông, chị Vân vui vẻ nhận hàng. Khi mở ra thì hỡi ôi, không có chú gấu bông nào cả, chỉ có cái bông tắm giá 5.000 đồng. Chị Vân gọi điện vào số điện thoại trên live thì máy liên tục bận, chị nhắn tin cũng không được phản hồi. Bực tức, chị vào trang live của chủ shop “bóc phốt” nhưng chưa đến một phút thì tài khoản của chị bị chặn.

Quay số trúng... gấu bông

Cơn sốt Labubu không chỉ dừng lại ở việc mua bán trên các trang mạng xã hội, mà đã phát triển bằng hình thức quay xổ số giống như trò chơi lô tô tại các hội chợ.  Theo đó, mỗi con Labubu sẽ được các "host" (chủ trò) chia thành một số lượng vé nhất định, thường là từ 10 đến 20 vé. Giá tham gia trò chơi khá “mềm”, chỉ từ 50.000 đến 150.000 đồng mỗi lượt, nhưng người chơi có cơ hội sở hữu một con Labubu "chính hãng" trị giá hơn 1 triệu đồng.

Điều kiện tham gia trò chơi là mỗi người phải chuyển khoản số tiền mua vé, tương đương giá trị món hàng. Mỗi vé tương ứng với một chữ cái hoặc con số. Sau đó, "host" sẽ gọi từng số và số cuối cùng còn lại sẽ chiến thắng, mang về phần thưởng là một con Labubu.

Thấy trò chơi hay, món quà đang “hot trend”, vợ chồng anh Trần Minh Khôi (ngụ quận 7, TP Hồ Chí Minh) cũng đăng ký tham gia. Anh Khôi chuyển khoản 150.000 đồng lấy con số quay thưởng. Trong lượt chơi của anh, nhà cái bán ra tổng cộng 15 vé, mỗi vé bao gồm chữ cái hoặc số mà người chơi chọn. Sau khoảng 20 phút quay, người giữ số ở lượt cuối cùng sẽ thắng. Theo hướng dẫn của nhà cái, sẽ có nhân viên kết nối lấy thông tin của người chơi để gửi quà tặng.

Cạm bẫy mang tên trò chơi trúng thưởng -0
Những chú Labubu đẹp mắt được quảng cáo rầm rộ trên các trang bán hàng cá nhân.

Quyết tâm có được món quà ý nghĩa, anh Khôi tiếp tục mua vé 3 lần nữa thì cũng đến lượt trúng. Chỉ một ngày sau, quà đã gửi đến tận nhà anh, một chú Labubu màu hồng, đúng “trend”, nhưng liệu nó có phải chính hiệu hay không thì anh Khôi không biết. Theo nhận định của anh, chú gấu bông này không có gì đặc biệt, thường thấy trong các siêu thị hoặc trong các máy gắp thú nhồi bông ở trung tâm thương mại, có giá khoảng 150.000 đồng.

Vậy là sau 4 lượt mua vé quay số, hết 600.000 đồng, anh Khôi đã sở hữu một chú Labubu cho con trai khoe với bạn bè trên mạng.

Theo anh Khôi, chơi trò này chẳng khác nào chơi bạc. Hơn chục người mua vé, chỉ có một người trúng, trong khi giá trị của món hàng lại rất rẻ. “Trò chơi này chỉ đổ tiền vào túi của nhà cái. Mỗi lượt quay, họ bán ra 15-20 vé, thu về ngót 2 triệu đồng nhưng lại chỉ mất vài trăm ngàn tiền chung thưởng. Trong một ngày, nhà cái quay bao liêu lượt thì cứ nhân lên số tiền thu về”, anh Khôi phân tích.

Với số tiền vài trăm ngàn để “đu trend”, giới trẻ ngày nay không ngần ngại bỏ ra. Hình ảnh những người xếp hàng dài để sở hữu một chú Labubu đã trở thành một hiện tượng tại các trung tâm thương mại ở TP Hồ Chí Minh. Chưa kể, hàng ngàn người đang giao dịch trên các nền tảng mạng xã hội. Sự nổi tiếng bất ngờ này cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, đặc biệt liên quan đến việc quản lý và đảm bảo tính minh bạch trong các giao dịch liên quan đến sản phẩm này.

Hiện nay, do hàng khan hiếm, người bán ít hơn người mua nên giá trị Labubu tăng rất nhanh, nếu giá bán ban đầu chỉ khoảng vài trăm ngàn đồng/con thì hiện nay đã lên đến hàng triệu đồng nhưng vẫn không có bán. Đánh vào tâm lý đó, nhiều đối tượng xấu rao bán Labubu với giá rẻ, với hình ảnh cóp nhặt nhiều nơi để dẫn dụ người mua sập bẫy. Có người vì nôn nóng mua được hàng để khoe đã bất chấp rủi ro, sẵn sàng cọc hoặc trả tiền trước cho người bán không rõ lai lịch.

Cạm bẫy mang tên trò chơi trúng thưởng -0
Bên trong những hộp quà bí ẩn Blind box có khi chỉ là chiếc vòng tay hoặc cái nơ cặp tóc.

Bẫy tâm lý bên trong “hộp bí mật”

Bên cạnh trào lưu Labubu, hiện “cơn sốt” đã lan sang Blind box hay được biết đến với cái tên “hộp bí mật”. Trò chơi này có nguồn gốc từ Nhật Bản và nhanh chóng lan rộng sang các quốc gia khác trên thế giới, trở thành hiện tượng văn hóa độc đáo thu hút đông đảo người tham gia. Blind box được đóng gói kín đáo trong hộp, ẩn chứa bên trong một hoặc nhiều món đồ chơi ngẫu nhiên. Khác biệt hoàn toàn so với phương pháp bán hàng truyền thống, Blind box thu hút người dùng bởi yếu tố bí ẩn kích thích sự tò mò của họ. Khi mua Blind box, người dùng không thể biết trước được kiểu dáng sản phẩm cụ thể ẩn chứa bên trong, điều này khơi gợi mong muốn khám phá và sở hữu những món đồ chơi độc đáo.

Tò mò bởi bí ẩn bên trong chiếc hộp, chị Lan Phương (30 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) đã cất công tìm kiếm và “săn” cho bằng được bộ sưu tập Blind box. Hai món quà đầu tiên, chị Phương rất ưng ý vì đúng “gu” của mình. Khi tung lên trang cá nhân khoe, chị Phương nhận được nhiều lời khen và khuyên nên sưu tập cho đủ bộ Blind box 12 món.

Đang “đu trend”, lại được bạn bè hưởng ứng nên chị Phương quyết gom đủ bộ. Tuy nhiên, những món hàng trong Blind box sau này đều không đúng với ý tưởng và sở thích của chị Phương. “Vì tôi đặt nhiều shop khác nhau nên khi giao hàng cũng chẳng khớp được. Có hộp khui ra là chiếc vòng tay, cái thì nơ buộc tóc rồi chú búp bê…những món hàng đều rất rẻ tiền, mua ở chợ chỉ vài ngàn đồng nhưng tôi đã phải bỏ khoản tiền lớn để “săn lùng”, chị Phương chia sẻ. Mất tiền triệu chỉ mua những thứ rẻ như mớ rau ngoài chợ, nhưng hầu hết người chơi đều cam chịu mà không dám kêu than vì trót… “đu trend”.

Cạm bẫy mang tên trò chơi trúng thưởng -0
Trào lưu chơi Labubu đang lên cơn sốt trong giới trẻ.

Cảm giác bí ẩn, hồi hộp khi mở quà chính là chiếc bẫy tâm lý mà nhà cái đã gieo rắc vào người chơi. Dù không phải là người thích sưu tập đồ chơi hay chạy theo trào lưu bên ngoài nhưng vì chiều con gái nên chị Hoàng Nguyệt (ngụ quận 3, TP Hồ Chí Minh) bị cuốn vào trò chơi “mở hộp bí mật”. Đầu tiên, chị mua cho con chiếc hộp, bên trong có chú thỏ bông rất đẹp. Nếu đã chơi theo trò này thì phải sưu tập đủ 12 con giáp nên buộc lòng chị Nguyệt phải chạy theo sở thích của con. Chị Nguyệt bỏ ra gần 10 triệu đồng mua đủ 12 hộp nhưng trong đó có đến 5 chiếc hộp giao trùng món hàng. “Nếu tiếp tục theo, tôi không biết bao giờ mời đủ bộ vì các món hàng đều gói trong hộp quà, khi giao không được xem hàng trước, khi mở ra mới biết đó là hàng gì. Gọi là trò chơi nhưng thật giả lẫn lộn, lao vào thì vắt kiệt hầu bao”, chị Nguyệt tâm sự.

Giá trị thực của các món đồ chơi phụ thuộc vào cách nhìn, cách chơi của mỗi người. Tuy nhiên, việc giới trẻ “phát cuồng” đến mức sẵn sàng chi những số tiền lớn để sở hữu những chú búp bê phiên bản giới hạn, hay sự hồi hộp khi khám phá hộp quà bí ẩn đã vô tình biến mình trở thành “chú chuột” trong những chiếc bẫy.

Liên quan đến sự việc, Thượng tá Nguyễn Thăng Long - Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin, Công an thành phố đã nắm được phương thức hoạt động, cách thức tổ chức "trò chơi" này. Hiện, các đơn vị nghiệp vụ đã và đang tổ chức thu thập tài liệu để tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật nếu phát hiện vi phạm. Thượng tá Nguyễn Thăng Long cho biết, hình thức huy động tiền và bốc thăm có thưởng tương tự trò chơi Labubu cần phải có sự phê duyệt, cho phép của cơ quan chức năng với các quy định, điều lệ chặt chẽ. Đây là một trong những loại hình tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi phạm pháp luật nếu không được cơ quan chức năng quản lý. Việc bán thú nhồi bông Labubu hay bất kỳ sản phẩm nào với hình thức như trên có thể có dấu hiệu của hành vi đánh bạc. Nếu tổng số tiền tham gia một lần chơi từ 5 triệu đồng trở lên, số lượng người tham gia từ 10 người trở lên, sẽ cấu thành hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc đối với cả người bán và người mua. Ngoài dấu hiệu vi phạm pháp luật, việc người dân tham gia các hoạt động trên cũng dễ trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo như mua phải hàng nhái, bị lừa chuyển cọc đặt mua hàng trên mạng, trúng thưởng không nhận được sản phẩm...

Công an TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân cảnh giác với các trò chơi rút thăm trúng thưởng, hoặc các hình thức trò chơi trúng thưởng khác trên mạng để tránh việc vi phạm pháp luật.

Ngọc Hoa
.
.