Cần bản án nghiêm khắc cho hành vi hành hạ con trẻ
Rất nhiều vụ bạo hành trẻ nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong cho trẻ khi các cháu còn chưa được làm giấy khai sinh. Chúng ta đều không thể kìm lòng trước những nỗi đau tột cùng mà các nạn nhân, người thân của những đứa trẻ vô tội, đã phải trải qua. Vì sao những việc khủng khiếp trên vẫn xảy ra với nhiều hình thức và cách thức khác nhau, với mức độ tàn độc đến vậy?
Những người lớn ngông cuồng, tàn ác với trẻ
Ngày 25/8, Cơ quan CSĐT Công an quận 12 (TP Hồ Chí Minh) đã bắt khẩn cấp Lê Thị Diễm Trang (SN 1988, ngụ quận 12) để điều tra về hành vi hành hạ người khác. Trước đó, khoảng 16h ngày 23/8, người dân ở khu phố 3, phường An Phú Đông, quận 12 thấy Trang trói cháu T.P.C.T. (SN 2015) vào cột điện trong tình trạng trần truồng. Trước mặt nhiều người, Trang dùng chổi đót liên tục đánh cháu T., với những cái vụt rất đau, khiến cháu gào khóc và kêu la thảm thiết nhưng Trang vẫn không dừng lại..
Xót xa cảnh cháu bé bị đánh liên tục trong tình trạng không mặc quần áo, anh Phan Doãn Sáng (SN 1972, hàng xóm) đã can ngăn, nhưng đã bị Trang chửi bới, tấn công. “Lúc đó, tôi đi làm về nhìn thấy Trang trói cháu T. vào cột điện... Tôi cùng nhiều người đã can ngăn và gọi điện báo công an cũng như gọi tổng đài bảo vệ trẻ em 111. Sau đó, trong lúc tôi đi công việc thì Trang đã xông vào nhà đánh người nhà tôi. Trang đã nhiều lần đánh cháu T. và lần này Trang hành động quá đáng nên chúng tôi phải lên tiếng”, anh Sáng bức xúc.
Ngoài anh Sáng thì anh Trần Khương (SN 1972) cũng tới can ngăn hành vi của Trang nhưng người phụ nữ này vẫn hung hăng chửi bới bất cứ ai đứng ra ngăn cản hành vi bạo hành trẻ của cô ta.
Được biết, mẹ cháu T. đã qua đời trước đó, cháu T. sống cùng cha ruột là Phạm Tiến Cường. Do phải đi làm nên ông Cường nhờ Trang trông giúp cháu T. Tuy nhiên, quá trình trông coi, Trang thường đánh cháu T. khiến người dân bức xúc.
Tại Cơ quan công an, Trang thừa nhận từ tháng 6 đến ngày 23/8, Trang đã đánh cháu T. khoảng 10 lần. Trong những lần này, Trang bắt cháu nằm sấp trên sàn nhà rồi sử dụng đũa tre, dây thắt lưng và cán chổi đánh vào mông cháu mỗi lần từ 5-6 cái. Theo Trang, nguyên nhân Trang đánh vì T. không vâng lời.
Chiều 23/8, Trang cho rằng cháu T. không chịu làm bài tập nên Trang đã cởi hết quần áo cháu, kéo ra trước nhà, dùng dây cáp buộc vào trụ điện. Trang đã hét lớn, chửi cháu rồi dùng chổi đót đánh vào người cháu T.
Cháu T. khóc la thảm thiết rồi vùng vẫy, tháo dây thoát khỏi trụ điện bỏ chạy nhưng Trang vẫn tiếp tục đánh khoảng 28 cái, khiến tay, chân, mông cháu bị bầm tím. Qua kiểm tra dấu vết trên cơ thể cháu T., Cơ quan công an ghi nhận có khoảng 15 vết bầm tím.
Hành vi của Trang đã bị người dân trích xuất hình ảnh từ camera an ninh và dùng điện thoại di động quay lại, đăng trên mạng xã hội Facebook, đồng thời trình báo Cơ quan công an.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Tôi cảm thấy quá đau đớn, xót xa khi xem clip bé trai bị bạo hành trong tình trạng trần truồng như vậy. Cháu bé còn quá nhỏ, mặc dù kêu la thảm thiết nhưng vẫn bị đánh dã man thì thật là tàn nhẫn. Hội Bảo vệ quyền trẻ em thành phố sẽ vào cuộc, phối hợp với các cơ quan chức năng để làm rõ vụ này”.
Một vụ việc khác, vào tối 25/8, TS.BS Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh xác nhận bệnh nhi N.Đ.H.A. (6 tháng tuổi) bị bảo mẫu bạo hành ở quận Bình Tân đã qua đời sau hơn 7 tháng được điều trị, chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện. Trước đó, bé H.A. được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố trong tình trạng xuất huyết não và được phẫu thuật ngay sau đó. Dù được điều trị tích cực tại bệnh viện nhưng cháu bé không qua khỏi.
Theo thông tin ban đầu, bé H.A. được gia đình gửi cho Võ Thị Mỹ Linh (SN 1993) giữ và chăm sóc. Lúc 14h ngày 10/1, Linh điện thoại cho mẹ bé báo tin là bé bị ngã từ trên võng xuống nền nhà trong lúc Linh đi vệ sinh. Bé được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng bị xuất huyết não, đã phẫu thuật đang nằm điều trị tại Phòng Hồi sức cấp cứu Khoa Ngoại bệnh viện. Quá trình thăm khám sức khỏe, bác sĩ phát hiện các biểu hiện nghi vấn bé bị bạo hành nên cùng gia đình báo công an điều tra vụ việc. Bước đầu, Linh thừa nhận đã dùng tay đánh bé H.A.
Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Tân đã thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, sau đó đã chuyển hồ sơ vụ việc trên cho Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh thụ lý điều tra theo thẩm quyền.
Tại địa bàn tỉnh Bình Phước, ngày 24/8, Công an tỉnh Bình Phước cũng đã tạm giữ hình sự Nguyễn Thanh Tuấn (SN 1996, ngụ huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) để điều tra cái chết bất thường của cháu bé 2 tuổi. Tại cơ quan điều tra, ban đầu Tuấn quanh co chối tội, không thừa nhận đánh bé Ổi (2 tuổi, tên thường gọi do chưa làm giấy khai sinh) mà khẳng định cháu bé bị sặc sữa tử vong. Tuy nhiên, từ kết quả khám nghiệm tử thi và chứng cứ, Tuấn đã phải thừa nhận hành vi tàn bạo của mình.
Tuấn khai sống chung như vợ chồng với chị T.X. (24 tuổi, quê tỉnh Bình Phước). Bé Ổi là con riêng của chị X. Khoảng 16h ngày 21/8, bé Ổi ngủ dậy đến mở tủ lạnh lấy sữa rồi nằm xuống nền nhà uống. Thấy vậy, Tuấn bế cháu bé lên giường để uống sữa. Sau khi uống xong, bé Ổi đến mở cửa tủ lạnh lấy đồ ra nghịch. Tuấn bực tức dùng tay đánh mạnh vào ngực và bụng cháu bé. Thấy bé không khóc còn liếc nhìn mình nên Tuấn tiếp tục dùng tay đánh vào trán. Bé Ổi bị đánh ngã xuống nền nhà. Tuấn phát hiện miệng, mũi của bé chảy sữa thành hàng nên lấy khăn lau. Thấy bé thở gấp, Tuấn bế lên đưa cho người tình và cùng đưa đi cấp cứu nhưng cháu bé không qua khỏi. Tuấn còn khai trước đó có đánh vì cháu bé không chịu ăn. Người này phân bua do bé nghịch nên dạy dỗ nhưng không ngờ hậu quả nặng nề như vậy.
Theo Công an tỉnh Bình Phước, qua kiểm tra còn phát hiện Tuấn dương tính với ma túy. Tuấn có một tiền án khi bị TAND huyện Bù Đốp xử 18 tháng tù giam về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, mãn hạn tù vào ngày 8/12/2022.
Vụ việc xảy ra mới đây tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu càng gây phẫn nộ dư luận khi một bé trai chỉ mới khoảng 3 tháng tuổi chưa đăng ký khai sinh (thường gọi là B., sinh ngày 20/5/2023) đã tử vong oan uổng khi bị “chồng hờ” của mẹ mình là Nguyễn Minh Phụng (SN 2004, trú tại huyện Long Điền) bạo hành. Ngày 18/8, Phụng đã bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ra lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp về hành vi “Giết người”.
Quá trình điều tra ban đầu, Cơ quan công an xác định, cháu B. là con riêng của chị T.H.B.L (SN 2008, trú tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ). Khoảng đầu tháng 5/2023, thông qua mạng xã hội Facebook, L. quen biết và nảy sinh tình cảm với Phụng. Sau đó, Phụng đưa L. cùng cháu B. về sống chung tại nhà ở tại khu phố Long Nguyên, thị trấn Long Điền (huyện Long Điền).
Khoảng 10h ngày 15/8, L. và Phụng cãi nhau tại phòng ngủ thì cháu B. khóc lớn. Phụng bế cháu B. để dỗ nhưng vẫn không nín. Bực tức, Phụng dùng tay phải đánh mạnh một cái vào trán của cháu B. và dùng các ngón tay của bàn tay phải bóp mạnh vào đầu của cháu B. lắc qua lắc lại 3 cái. Cháu B. vẫn còn khóc thì Phụng đưa cháu B. cho L. dỗ. Sau đó, L. nói Phụng chở cháu B. đến chùa ở gần nhà. Khi Phụng và L. chở cháu B. đến chùa thì gặp bà ngoại của Phụng không cho vào chùa nên cả hai đi về. Trên đường về lại nhà, L. bế cháu B. trên tay thì phát hiện cháu nằm bất động nên chở lên Bệnh viện Bà Rịa để cấp cứu. Sau khoảng 20 phút sơ cứu thì bác sĩ thông báo cháu B. đã tử vong...
Để trẻ em được an toàn...
Chúng ta cảm thấy đau xót khi phải đọc thông tin hoặc xem các clip về các vụ bạo hành trẻ em với các hành vi gây phẫn nộ dư luận như đã, đang xảy ra và để lại hậu quả vô cùng nặng nề không chỉ hiện tại mà cả tương lai của các em, thậm chí nhiều em đã tử vong khi còn chưa có tên khai sinh... Những kẻ gây ra các vụ việc đau lòng trên chắc chắn sẽ bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc, xã hội lên án mạnh mẽ nhưng điều chúng ta băn khoăn, trăn trở là nạn bạo hành trẻ em vẫn còn đó, như một vết thương không lành, thậm chí có chiều hướng gia tăng.
Theo Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), trung bình mỗi năm, cả nước phát hiện khoảng 2.000 vụ bạo hành trẻ em, trong đó, phần lớn do người thân quen với nạn nhân gây ra... Theo thống kê của Bộ Công an, có đến 97% vụ việc này do chính bố mẹ, cha dượng, mẹ kế, người thân của các em gây ra.
Liên quan đến vấn đề này, theo UBND TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố có khoảng 1,8 triệu trẻ em (chiếm tỷ lệ 18,8% dân số thành phố); trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chiếm hơn 10.000 trẻ và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đang sống tại cộng đồng khoảng 19.500 trẻ, mỗi năm đều có hàng trăm trẻ bị bạo hành, xâm hại. Do đó, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em trong thời gian qua là một trong những vấn đề được thành phố ưu tiên đặc biệt.
Nói về nguyên nhân xảy ra nhiều vụ cha mẹ, người thân bạo hành trẻ em dẫn tới hậu quả đau lòng, Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, cho biết, theo một thống kê, có 68,4% trẻ em trong độ tuổi từ 1-14 cho biết đã từng bị bạo hành bởi cha mẹ hoặc người chăm sóc trong gia đình. Hành vi như vậy thường có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến những hành vi bạo hành trẻ em bởi khả năng tài chính, trình độ học vấn của cha mẹ và các vấn đề khác như lạm dụng rượu hoặc ma túy. Trong đó có nguyên nhân những người cha, người mẹ có cuộc sống không hạnh phúc, nhận thức pháp luật và xã hội hạn chế, thiếu sự quan tâm giúp đỡ của những người thân và đôi khi là cả sự thờ ơ của những người hàng xóm xung quanh.
Do đó, để giảm thiểu những vụ việc bạo hành trẻ em do chính cha mẹ, người thân của trẻ gây ra thì cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật đối với công tác bảo vệ trẻ em. Đặc biệt, các cơ quan chức năng chú trọng đến các cơ chế để đảm bảo quyền trẻ em không chỉ được ghi nhận trong các văn bản quy phạm pháp luật mà còn phải được đảm bảo để thực hiện trong thực tế.
Chuyên gia pháp lý cho rằng cần đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật về quyền trẻ em và giáo dục kỹ năng sống để trẻ có thể nhận diện được những hành vi xâm phạm quyền trẻ em và trẻ phải biết cách tự bảo vệ và nhờ người khác bảo vệ khi quyền của mình bị xâm phạm; Tăng cường trách nhiệm của cơ quan chức năng, của chính quyền địa phương và của cả cộng đồng xã hội để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi bạo hành trẻ em để trẻ em được cảm thấy an toàn tại gia đình, trong nhà trường và trong cộng đồng của mình...
Theo luật sư Trần Minh Hùng, cách xử lý với trường hợp trẻ em bị bạo hành, cần căn cứ vào việc nếu hành vi của đối tượng phù hợp với các trường hợp, đủ cấu thành các tội phạm thì gia đình có trẻ em bị bạo hành có thể gửi đơn tố cáo tới Cơ quan công an để điều tra làm rõ hành vi. Nếu vẫn chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có thể làm đơn gửi tới Chủ tịch UBND xã/phường nơi cư trú để trình báo về hành vi bạo hành hoặc nhờ tới sự giúp đỡ của các tổ chức xã hội ở địa phương can thiệp.