Chữa bệnh vô cảm cho giới trẻ
Liên tiếp những vụ án mạng kinh hoàng xảy ra trong thời gian gần đây, điều đáng buồn là nhiều vụ án hung thủ đang ở độ tuổi vị thành niên, còn nạn nhân lại chính là những người thân trong gia đình. Dù báo chí, truyền thông đã liên tục cảnh báo nhưng án mạng vẫn xảy ra. Nguyên nhân xuất phát từ sự vô cảm, thờ ơ của chính những đứa trẻ, mà ở đó, gia đình lại chính là nguyên nhân sâu xa nhất gây nên sự thay đổi tâm sinh lý của một đứa trẻ.
1. Mấy ngày qua dư luận chưa hết bàng hoàng về vụ việc một đối tượng mới 14 tuổi nhưng đã nhẫn tâm lên kế hoạch đầu độc cả bố và bà nội của mình bằng bả chó chỉ vì mâu thuẫn cá nhân. Ban đầu, vụ việc tưởng chừng đơn giản chỉ là do các nạn nhân bị ngộ độc sữa. Ngày 14/10, bà Phạm Thị Phấn, 83 tuổi, trú tại ấp Khu phố, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè (Tiền Giang) phát hiện người con trai ruột là Phạm Văn Yên, 45 tuổi, sống chung với bà Phấn nằm chết trên giường. Gia đình nghĩ ông Yên chết do bệnh lý nên tổ chức mai táng, không trình báo cơ quan chức năng.
Đến tối cùng ngày, con ruột bà Phấn là bà Phạm Thị Mỹ Cơ (53 tuổi) pha sữa cho bà Phấn uống. Khoảng 5 phút sau khi uống hết sữa, bà Phấn có biểu hiện tức ngực, khó thở, nôn ói và chết trên đường đi cấp cứu. Gia đình cũng nghĩ bà Phấn chết do bệnh lý nên tổ chức mai táng, không trình báo cơ quan chức năng.
Đến khoảng 4 giờ sáng ngày 15/10, con ruột bà Phấn là ông Phạm Minh Tân (55 tuổi) tiếp tục pha sữa uống (sữa bà Phấn uống trước đó) và có biểu hiện nhức đầu, chóng mặt, khó thở nên gia đình đưa đi cấp cứu tại một bệnh viện ở tỉnh Vĩnh Long. Ông Tân được chẩn đoán bị ngộ độc nên chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh để điều trị.
Được biết, bà Phấn và ông Tân uống cùng một hộp sữa (thời điểm này gia đình mới báo chính quyền địa phương). Hiện, ông Tân sức khỏe đã ổn định và xuất viện về gia đình. Ngay sau khi tiếp nhận vụ việc, Công an tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, tiến hành các hoạt động điều tra, xác minh.
Căn cứ kết quả giám định các mẫu vật thu tại hiện trường và kết quả điều tra xác minh, cơ quan Công an xác định con ruột ông Yên là Phạm Minh Quốc có liên quan đến vụ việc. Thông tin Quốc là hung thủ khiến dư luận, người thân bàng hoàng. Để lý giải nguyên nhân một đứa bé mới 14 tuổi lại dám cả gan lên cả kế hoạch để đầu độc bố và bà nội chỉ có thể là sự vô cảm, thiếu sự yêu thương, kết nối giữa hung thủ và gia đình. Quả thật, tại cơ quan Công an, Phạm Minh Quốc khai nhận: Từ khi lên 6 tuổi do cha, mẹ ly thân nên Quốc và 2 em về ở với mẹ bên ông bà ngoại (xã Mỹ Lương, huyện Cái Bè, Tiền Giang). Năm 2021, Quốc bỏ học và cùng mẹ làm ở vựa trái cây của dì ruột. Khoảng 2-3 năm gần đây, buổi tối, Quốc về ngủ tại nhà của bà nội và cha (xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).
Ông Yên là người thường xuyên uống rượu, nhiều lần Quốc kêu cha bỏ rượu và bị ông Yên la mắng nên Quốc nảy sinh ý định giết ông Yên. Khoảng tháng 8/2023, Quốc quen một đối tượng N.P.Đ. (39 tuổi, ngụ ấp Bình, xã Hòa Hưng) và biết đối tượng này có bả chó có thể đầu độc cả người.
Ngày 13/10, Quốc cùng em ruột gặp ông N.P.Đ để xin thuốc về diệt chó hoang; sau đó khoảng 23 giờ cùng ngày, Quốc lấy thuốc bỏ vào hộp sữa (sữa bà Phấn và ông Yên hay uống). Đến sáng hôm sau, Quốc đi làm như thường lệ thì nghe tin ông Yên chết và vẫn nghỉ việc về chịu tang cha.
Mới đây, Công an huyện Cam Lộ, Quảng Trị cũng vừa bắt giữ một đối tượng tuổi teen có hành vi cướp tiệm vàng. Do thiếu nợ một khoản tiền lớn không có khả năng chi trả nên ngày 21/10/2023, Lê Hữu Đạt (sinh năm 2005), trú tại xã Thanh An, huyện Cam Lộ đã đến tiệm vàng Hoàng Sự ở chợ Ngã Tư Sòng, thuộc xã Thanh An, huyện Cam Lộ hỏi mua vàng, rồi cầm số lượng lớn vàng bỏ chạy. Nhận được tin báo, Công an huyện Cam Lộ đã huy động các lực lượng vào cuộc điều tra, nhanh chóng bắt giữ đối tượng Đạt. Tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của Lê Hữu Đạt, cơ quan chức năng phát hiện số lượng tang vật gồm 10 chỉ vàng, với tổng giá trị là 58 triệu đồng.
2. Thi thoảng chúng ta vẫn nghe được những thông tin trên báo đài, mạng xã hội về các vụ giết người cướp của, hay gây rối trật tự công cộng mà hung thủ đều là trẻ vị thành niên. Những vụ nẹt bô, cầm hung khí đi săn mồi trên đường phố, sẵn sàng chém giết ai nếu “ngứa mắt” hay chỉ vì mâu thuẫn qua mạng xã hội mà hẹn nhau trả thù, cướp giết hiếp vì nợ nần, túng bấn, mê game; những vụ án học sinh đâm thầy giáo vì thù hận, hay con giết cha mẹ vì bị chửi mắng, chì chiết,… Thậm chí có những vụ án mà đối tượng xuống tay với nạn nhân không thương tiếc, chẳng khác gì trên phim hay trong các game kiếm hiệp.
Có vẻ như sự phát triển của mạng xã hội với đầy rẫy những thông tin, clip cướp, giết, hiếp mỗi ngày, khiến cho nhiều người dễ trở thành nạn nhân, nhất là giới trẻ - những người đang trong độ tuổi thích thể hiện bản thân và chưa phân biệt được giá trị thật - ảo của vô vàn thông tin trên mạng. Nhiều đứa trẻ khi đọc những thông tin chết chóc, hay nhìn những vụ tai nạn, án mạng, chúng không hề có cảm xúc bởi dường như chúng đang ở một thế giới khác, thế giới ảo của mạng xã hội, của đầy rẫy phim ảnh bạo lực, khiêu dâm. Thói quen bó hẹp giao tiếp, chỉ giao lưu với người ảo qua các trò chơi trực tuyến, những cảnh bạo lực, chém giết man rợ, đầy rẫy trong các trò chơi điện tử, trong truyện tranh hay video clip trên mạng xã hội đang làm lệch lạc cảm xúc, suy nghĩ của một bộ phận giới trẻ. Mải mê với thế giới số nên nhiều đứa trẻ thờ ơ, lãnh đạm, không quan tâm gì đến thế giới thực, tới gia đình, người thân xung quanh chúng.
Nguy hiểm nhất là những đứa trẻ đã học theo mà không ý thức được những hành vi lệch chuẩn, vi phạm pháp luật. Nhiều đứa trẻ đang độ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới nhưng thích thể hiện là những tay anh chị ăn chơi sành điệu, sẵn sàng giết người để tỏ rõ oai hùng với đàn em; sử dụng ma túy, hút thuốc lá điện tử, đánh bạc, mâu thuẫn là chém giết người không ghê tay… Trong số những vụ án do trẻ vị thành niên gây ra, phần lớn là những đứa trẻ xuất phát từ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình, sớm lang thang bỏ học từ nhỏ, thế nhưng cũng không ít đứa trẻ sinh ra trong gia đình cơ bản, dù được ăn học đàng hoàng nhưng vẫn sớm bước vào con đường sa ngã, hư hỏng.
Vì sao nhiều người trẻ lại càng ngày trở nên vô cảm, lạnh lùng đến như vậy? Một phần do bản tính con người, một phần do ảnh hưởng từ mạng xã hội, môi trường, bạn bè. Thế nhưng theo chuyên gia tâm lý, TS. Bùi Thị Phương Thảo, giảng viên Trường Đại học Thủy lợi thì nguyên nhân sâu xa vẫn là từ phía gia đình. Một số vụ việc đau lòng xảy ra gần đây với những người phạm tội ở tuổi vị thành niên nguyên nhân chính vẫn phải kể đến là sự mất kết nối với bố mẹ, ngay cả khi trẻ vẫn sống trong gia đình.
“Có thể nói với một xã hội có cuộc sống hối hả gấp gáp với nhiều sự thu hút từ bên ngoài, các bạn nhỏ đang thực sự có một tuổi thơ không được quan tâm. Con cái và bố mẹ ít có cơ hội giao tiếp thực sự với nhau. Các thành viên trong gia đình có thể gắn bó với cái điện thoại, máy tính hơn cả với nhau. Con cái có thể cảm nhận bố mẹ không yêu con, không quan tâm đến con và không thú vị bằng chiếc điện thoại. Đương nhiên không có sự quan tâm thực sự từ bố mẹ, bởi bố mẹ bận không có thời gian cho con đi chơi, không chuyện trò với con… con bạn sẽ yêu điện thoại, yêu youtube, yêu game hơn bố mẹ. Thêm nữa bố mẹ có thể không gần gũi, hiểu tâm lý con, luôn lấy quyền cha mẹ để ép buộc bọn trẻ phải theo ý của bố mẹ, ví dụ như áp lực học cũng phải theo thành tích, theo mong muốn của cha mẹ”, TS. Bùi Thị Phương Thảo cho biết.
TS. Bùi Thị Phương Thảo cũng cho rằng, khi đứa trẻ không cảm nhận được tình yêu thương từ người cha người mẹ, nó sẽ cảm giác chỉ là công cụ của bố mẹ, để thỏa mãn những mong muốn, mơ ước của cha mẹ, chúng sẽ chỉ là niềm tự hào hoặc sẽ là chỗ trút giận. Trẻ con sẽ thấy càng ngày càng xa rời bố mẹ. “Xã hội đến sau, gia đình đến trước, gia đình là cái nôi gần gũi thân thương nhất, bố mẹ không gần con, không kết nối với con thì đến trường hay ra ngoài xã hội trẻ con cũng dễ gặp khó khăn khi kết nối với bạn bè, thầy cô; trẻ dễ bị cô lập trong chính môi trường sống của chúng”, TS. Bùi Thị Phương Thảo nhấn mạnh.
Cũng theo TS. Bùi Thị Phương Thảo, thêm một nguyên nhân nữa là do tình trạng bắt nạt xã hội, những đứa trẻ không yêu bản thân không có cuộc sống gia đình lành mạnh, ra ngoài xã hội bị bắt nạt hoặc sẽ đi bắt nạt người khác, khi đó trẻ càng cảm thấy bị cô lập, hình thành nhân cách không tích cực. Và khi đó hậu quả lớn nhất là đứa trẻ cảm thấy ghét chính nó, không yêu bản thân nó. Khi không yêu được bản thân mình thì đứa trẻ cũng không thể yêu được ai. Cộng thêm những thay đổi hooc-môn giai đoạn dậy thì khiến trẻ có thân xác to lớn, nhưng sự phát triển tâm lý và kỹ năng chưa theo kịp khiến trẻ có những hành động bột phát, đôi khi có thể sẽ tấn công vũ lực với người gây cho trẻ những tổn thương, ngay cả đó là người thân.
“Nghiên cứu tâm lý tội phạm trên thế giới đã chỉ ra rằng, nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến những hành động phạm tội vẫn xuất phát từ những tổn thương tâm lý và thể xác khi còn nhỏ. Kể cả đứa trẻ có học vấn tốt, sinh ra trong một gia đình cơ bản hay không cơ bản nếu có những nỗi đau trong quá khứ gây mất kết nối với người thân vẫn có thể phạm tôi hay gây án mạng như thường. Nhiều khi chính những gia đình có hoàn cảnh khó khăn lại không đặt nhiều áp lực cho con cái và những đứa trẻ sinh ra trong một gia đình nghèo như thế lại cảm thấy hạnh phúc gấp nhiều lần so với những đứa trẻ sinh ra trong gia đình có điều kiện, bố mẹ giỏi giang. Bố mẹ càng giỏi thì đặt áp lực cho con càng cao và đứa trẻ càng mất kết nối với cha mẹ”, TS. Bùi Thị Phương Thảo cho hay.