Cựu cán bộ cùng vợ trượt dài trong những phi vụ lừa đảo
Chỉ buôn bán hàng áo quần nhỏ lẻ, nhưng đôi vợ chồng trẻ Dương Thị Mỹ Linh (sinh năm 1987) và Nguyễn Xuân Anh Dũng (sinh năm 1990, trú phường An Tây, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối để lừa đảo của nhiều người với số tiền chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng rồi sau đó “công bố” vỡ nợ.
Các bị hại thừa nhận rằng, sở dĩ tin tưởng cho vợ chồng Dũng vay mượn tiền vì lúc đó Dũng công tác tại một cơ quan Nhà nước uy tín. Điều oái oăm, để có được số tiền lớn cho vợ chồng Dũng - Linh vay, nhiều bị hại đã phải vay mượn, huy động của người thân. Để rồi hôm nay, không ít bị hại rơi vào cảnh nợ nần chồng chất...
Sập bẫy vì tin làm đáo hạn ngân hàng
Do cần tiền để trả nợ và tiêu xài cá nhân, Duơng Thị Mỹ Linh và Nguyễn Xuân Anh Dũng đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của nhiều người. Để vay được tiền của bà Nguyễn Thị Đ. (sinh năm 1964, trú phường Gia Hội, TP Huế), Linh nói dối với bà Đ. về việc đang huy động vốn để đáo hạn ngân hàng. Đồng thời, để tạo sự tin tưởng, Linh cam kết khi bà Đông cần, chỉ cần báo trước 1 tháng, Linh sẽ trả hết số tiền gốc. Cụ thể, Linh đã 3 lần trực tiếp vay của bà Đ. số tiền 420 triệu đồng. Lần vay thứ 4, bà Đ. yêu cầu có chồng Linh mới cho vay tiếp. Bởi theo bà Đ., Dũng - chồng Linh thời điểm đó đang công tác tại cơ quan nhà nước có uy tín nên nếu Dũng đứng ra để vay tiền thì chắc chắn sẽ có trách nhiệm hoàn trả đầy đủ. Vì vậy, khi nghe Dũng điện thoại với bà Đ., nói cần vay tiền để đáo hạn ngân hàng cho khách thì ngay lập tức bà Đ. đồng ý cho vợ chồng Dũng - Linh mượn thêm số tiền 1 tỷ đồng. Sau khi mượn 1,420 tỷ đồng của bà Đ., Linh và Dũng không hề sử dụng để làm đáo hạn cho khách mà chiếm đoạt để tiêu xài cá nhân.
Cũng với thủ đoạn vay tiền để làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng, Linh đến gặp bà Lê Thị T. T. (sinh năm 1973, trú đường Bùi Thị Xuân, TP Huế) hỏi vay tiền và hứa trả đúng hẹn. Do Linh nhiều lần nợ nần nhưng không trả đúng hẹn nên khi đặt vấn đề vay thêm tiền của bà T. thì bà này yêu cầu phải có Dũng mới cho vay. Lúc này, Linh nói với Dũng cùng đến nhà bà T. để đặt vấn đề vay mượn tiền. Để bà T. tin tưởng, Dũng nói dối mục đich vay tiền để làm đáo hạn ngân hàng, đồng thời viết cam kết, nếu không trả đúng hẹn thì Dũng chịu trách nhiệm. Từ đó về sau, vợ chồng Linh được bà T. cho vay nhiều lần với mục đích đáo hạn ngân hàng. Cụ thể, chỉ trong vòng 1 tháng, Dũng nói dối với bà T. có 3 mối cần đáo hạn ngân hàng và cần vay các số tiền lần lượt là: 1,3 tỷ đồng, 500 triệu đồng và 1,2 tỷ đồng. Bà T. tin tưởng cho vợ chồng Linh - Dũng mượn. Đến hẹn không thấy vợ chồng Linh - Dũng đưa tiền đến trả, bà T. đòi thì Linh liên tục khất nợ. Sau khi tìm hiểu, bà T. mới biết mình đã trở thành nạn nhân của cặp vợ chồng này. Điều đáng nói, số tiền 3 tỷ đồng bà T. cho Linh - Dũng mượn là tài sản lớn của cả gia đình đổ vào đó. Sau khi bị lừa tiền, bà T. cũng như những người thân trong gia đình mệt mỏi, buồn phiền vì tài sản đã “đội nón” ra đi.
Theo hồ sơ vụ án, với thủ đoạn vay tiền làm đáo hạn ngân hàng, vợ chồng Linh - Dũng còn chiếm đoạt số tiền 2,6 tỷ đồng của chị Nguyễn Thị K.N (sinh năm 1990, trú đường Trần Quang Khải, TP Huế). Điều đáng nói, dù chị N. đã biết Linh không đàng hoàng trong chuyện tiền bạc nhưng vẫn cho vay. Cụ thể, trước đây, Linh từng tham gia chơi hụi do chị N. làm chủ. Linh nảy sinh ý định tham gia chơi hụi, mục đích rút hụi trước để chiếm đoạt số tiền này đưa đi trả cho người khác chứ không có tiền để tham gia cho đến khi kết thúc dây hụi. Chị N. tin tưởng và đồng ý cho Linh tham gia dây hụi do chị N. làm chủ hụi với 12 người tham gia với 12 kỳ/tháng, mỗi ngày góp hụi 2 triệu đồng. Linh bốc hụi đầu tiên với số tiền 660 triệu đồng rồi sau đó chạy hụi. Tiếp đó, Linh nói dối thiếu tiền mua nhà để vay chị N. số tiền 300 triệu đồng trong thời gian 10 ngày sẽ trả. Chị N. không đồng ý vì Linh chạy hụi trước đó nên hỏi Linh, việc vay tiền, Dũng - chồng Linh có biết không. Linh trả lời Dũng biết việc này. Chị N. điện thoại với Dũng về việc Linh vay 300 triệu đồng để mua nhà và Dũng “ừ ừ” nên chị đồng ý cho vay. Khoảng 1 tháng sau, Linh tiếp tục vay chị N. 700 triệu đồng hẹn trong thời gian 10 ngày sẽ trả, mục đích để đáo hạn ngân hàng cho khách. Linh chụp ảnh các nội dung nhắn tin với người khác về việc đáo hạn ngân hàng để gửi chị N. nhằm tạo niềm tin. Chị N. đồng ý và chuyển vào tài khoản Linh số tiền 700 triệu đồng... Tổng số tiền Linh chiếm đoạt và Linh cùng Dũng chiếm đoạt của chị N. là hơn 2,6 tỷ đồng.
Lợi dụng mác “cán bộ” để đi lừa
Sau khi biết được vợ mình nợ nần chồng chất, vốn là người có trình độ, Nguyễn Xuân Anh Dũng ý thức được việc lừa đảo là phạm pháp nhưng vẫn bất chấp, trượt dài trong những phi vụ lừa đảo khiến ngày càng có nhiều người sập bẫy của vợ chồng Dũng. Hậu quả, Dũng - Linh đã đẩy nhiều gia đình cho vợ chồng mình vay tiền vào cảnh “cơm không lành, canh không ngọt”, nợ chồng nợ... Theo hồ sơ vụ án, khi Dũng biết Linh đang nợ nhiều tiền của chị Mai Thị Thúy V. (sinh năm 1987, trú đường Nguyễn Du, TP Huế), để giảm bớt áp lực nợ nần cho vợ, Dũng đã liên hệ với chị V. nhờ tìm người giúp Dũng vay tiền để trả cho chị này. Chị V. giới thiệu chị Lê Thị Kiều N. (sinh năm 1988, trú đường Hải Triều, TP Huế). Dũng đặt vấn đề với chị N. vay số tiền 2,4 tỷ đồng và khi vay nói dối đang cần vốn để làm ăn nên chị N. đồng ý. Khi Dũng đến quán cà phê trên đường Tố Hữu, TP Huế gặp chị N. thì chị cho biết, hiện tại chỉ có tiền mặt là 1,1 tỷ đồng. Ngày hôm sau sẽ chuyển thêm 1,3 tỷ đồng. Dũng và chị N. thống nhất món vay 1,1 tỷ đồng, hạn trả trong vòng 3 tháng và món vay 1,3 tỷ đồng, hạn trả trong vòng 6 tháng. Chị N. đưa cho Dũng 2 mẫu “giấy mượn tiền và cam đoan” do chị soạn sẵn, đồng thời yêu cầu Dũng thế chấp lại thẻ ngành. Như vậy, số tiền Dũng chiếm đoạt của chị N. là 2,4 tỷ đồng.
Nhiều bị hại cho Linh - Dũng vay tiền đến giờ vẫn không hiểu nổi vì sao họ lại tin tưởng Linh - Dũng một cách mù quáng. Có một số bị hại sau khi cho Linh vay tiền nhiều lần dù Linh không trả đúng hẹn nhưng vẫn tiếp tục sa đà vào cho vay mượn. Đơn cử, trước đây, Linh quen biết và nhiều lần vay tiền của anh Võ Vinh Q. (sinh năm 1989, trú đường Phan Đăng Lưu, phường Đông Ba, TP Huế). Đến cuối năm 2020, Linh vay của anh Q. 500 triệu đồng và hẹn đúng 2 ngày trả. Linh nói vay tiền để chi cho mục đích kinh doanh nên anh Q. tin tưởng và cho vay. Thế nhưng, 2 ngày sau Linh không trả. Khoảng 20 ngày sau, Linh tiếp tục vay anh Q. số tiền 500 triệu đồng, hẹn 10 ngày trả thì anh Q. lại đồng ý. Tiếp đó, Linh hỏi vay thêm tiền thì anh không đồng ý vì các món vay cũ Linh đã không trả đúng hẹn nên yêu cầu phải có cả hai vợ chồng đi vay thì anh Q. mới tiếp tục cho vay. Linh bàn với Dũng hỏi vay tiền anh Q. và Dũng đã đặt vấn đề trực tiếp vay tiền, nói dối mục đích để kinh doanh. Do Dũng hỏi vay, biết Dũng đang là cán bộ nên anh Q. tin tưởng, tiếp tục cho vợ chồng Linh vay thêm 3 lần với số tiền 1,9 tỷ đồng. Khi mượn, Dũng đều hứa 20 ngày sẽ trả lại nhưng rồi đều không thực hiện, dù vậy anh Q. vẫn tiếp tục cho vay. Toàn bộ số tiền này, Dũng đưa cho vợ tiêu xài và chi trả nợ nần.
Chưa dừng lại ở đó, khoảng tháng 9/2021, vợ chồng Dũng - Linh đến nhà anh Huỳnh Hoàng L. (sinh năm 1981, trú đường Điện Biên Phủ, TP Huế) hỏi vay 1 tỷ đồng. Linh nói dối với anh L.: “Mượn 1 tỷ đồng để em giữ chân hụi”. Lúc này, anh L. nói phải có tài sản thế chấp vì nợ cũ mẹ Linh mượn chưa trả hết cho mẹ anh L. Sau đó, Dũng - Linh và anh L. thống nhất lập hợp đồng đặt cọc ngôi nhà của vợ chồng Dũng - Linh tại 38A Trần Lư, khu vực 3, phường An Tây, TP Huế để vay 1 tỷ đồng. Hợp đồng này không phải đặt cọc mua bán nhà, đất mà là để đảm bảo cho khoản vay của vợ chồng Dũng - Linh, thỏa thuận trong vòng 1 năm vợ chồng Dũng - Linh phải trả hết số tiền vay. Số tiền chiếm đoạt được, Linh đem trả nợ cho người khác.
Sau khi lừa đảo của nhiều người, Linh tìm đến nhà chị Phan Thị C. (sinh năm 1988, trú đường Nguyễn Chí Thanh, phường Gia Hội, TP Huế) - người bạn thuở thiếu thời - chơi, rồi “nổ” chuyện vợ chồng Linh chuyên cho vay cầm cố nhiều tài sản, làm đáo hạn ngân hàng. Tin tưởng chồng Linh đang công tác tại một cơ quan nhà nước có uy tín nên chị C. cho Linh vay 540 triệu đồng. Số tiền này Linh cam kết trả lại cho chị C. trong vòng từ 15-30 ngày. Tuy nhiên, đến hạn trả, Linh xin khất thêm 3 tháng sẽ trả cả vốn lẫn lãi. Tiếp đó, Linh mượn thêm chị C. nhiều lần với tổng số tiền lên đến hơn 2,1 tỷ đồng và cam kết sẽ hoàn trả toàn bộ sau 3 tháng. Không ngờ, Linh đã chiếm đoạt luôn số tiền của người bạn thuở nhỏ. Để có được số tiền lớn đưa cho Linh, chị C. phải đi huy động người thân. Và, gần 3 năm nay, chị C. vẫn “ôm” mối nợ do Linh “quỵt”... Theo cơ quan điều tra, trong khoảng thời gian từ đầu năm 2020 đến đầu năm 2022, Dương Thị Mỹ Linh đã tự mình hoặc cùng chồng là Nguyễn Xuân Anh Dũng dùng nhiều thủ đoan gian dối để chiếm đoạt của 12 bị hại với số tiền hơn 18 tỷ đồng.
Ngày 1/11 vừa qua, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Dương Thị Mỹ Linh và Nguyễn Xuân Anh Dũng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, các bị hại đã rất bức xúc khi nhớ lại các thủ đoạn gian dối, tinh vi của Linh và Dũng. Một số bị hại cho rằng, sở dĩ họ sập bẫy của Linh là vì người phụ nữ này ăn nói khéo léo, ngọt ngào, luôn đi xe sang, xài hàng hiệu, luôn tỏ ra là người rất giàu có và đi đâu cũng “nổ” rằng là đang làm ăn lớn... Đối với Dũng, các bị hại tin là vì người này là cán bộ, mỗi lần mượn tiền đều viết giấy cam đoan sẽ chịu trách nhiệm...
Tại phiên tòa, Linh và Dũng tỏ ra ăn năn, hối hận và mong được hội đồng xem xét để sớm có cơ hội trở về nuôi con. Tại đây, Linh - Dũng đều nghèn nghẹn khi nghĩ về 2 đứa con thơ dại (một cháu 6 tuổi và một cháu 3 tuổi). Trong những lần làm việc với cán bộ điều tra, Linh - Dũng từng tâm sự rằng, nếu thời gian quay trở lại, họ sẽ cố gắng làm ăn lương thiện, không tiêu xài phung phí để dính vào nợ nần, rồi đi lừa đảo. Với bản án 18 năm tù dành cho Dương Thị Mỹ Linh và 15 năm tù dành cho Nguyễn Xuân Anh Dũng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì đường về của cặp vợ chồng này còn khá xa. Rồi mười mấy năm tiếp theo, 2 đứa con thơ dại của Linh - Dũng sẽ ngày càng lớn lên mà thiếu vắng tình thương, sự nuôi dưỡng, chăm sóc của cả bố và mẹ.