Đại án Vạn Thịnh Phát và những bản án nghiêm minh

Thứ Hai, 15/04/2024, 15:42

Sau hơn một tháng xét xử sơ thẩm đại án Vạn Thịnh Phát, chiều ngày 11/4, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã tuyên án đối với 86 bị cáo. Những bản án nghiêm minh, có tính răn đe cao đối với những bị cáo chủ mưu, cầm đầu, quanh co chối tội, nhưng cũng có nhiều bị cáo nhận được sự khoan hồng của pháp luật nhờ thành khẩn khai báo, khắc phục gần hết hậu quả thiệt hại và có nhiều tình tiết giảm nhẹ khác…

Tuyên phạt tử hình bị cáo Trương Mỹ Lan

Trước khi bước vào phần tuyên án, Hội đồng xét xử (HĐXX) dành ra một buổi sáng để nhận định về vụ án, phân tích, lập luận, đưa ra dẫn chứng cụ thể làm sáng tỏ các tình tiết phạm tội của từng bị cáo. Đặc biệt là vai trò của bị cáo Trương Mỹ Lan.

h4.jpg -1
Hội đồng xét xử tuyên án.

Kết quả thẩm vấn tại tòa có căn cứ xác định, từ năm 2011, bà Lan đã thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân để hợp nhất thành Ngân hàng SCB. Lợi dụng chính sách của Nhà nước trong đề án tái cơ cấu SCB, bà Lan đã thâu tóm nhà băng như một công cụ tài chính để huy động vốn phục vụ kinh doanh cá nhân và “hệ sinh thái” của Vạn Thịnh Phát.

Tại tòa, các bị cáo đều thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội. Riêng bị cáo Trương Mỹ Lan không thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố. Bị cáo Lan cho rằng bản thân không chi phối, chỉ đạo hoạt động tại Ngân hàng SCB, mà ngược lại còn dùng tài sản để cho Ngân hàng SCB mượn tái cơ cấu. Căn cứ vào hồ sơ vụ án và kết quả thẩm vấn tại tòa, HĐXX cho rằng lời khai của các bị cáo phù hợp với nhau, phù hợp chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, xác định bị cáo Trương Mỹ Lan là chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và nhiều công ty khác trong "hệ sinh thái" Vạn Thịnh Phát.

Mặc dù bị cáo Trương Mỹ Lan không thừa nhận hành vi phạm tội, HĐXX có đủ cơ sở xác định bị cáo Lan đã nắm giữ cổ phần hơn 91,5% của Ngân hàng SCB, nắm quyền chi phối gần như tuyệt đối tại SCB. HĐXX nhận định lời khai của bị cáo Lan và luật sư bào chữa cho rằng bà Lan chỉ nắm 15%, còn lại là của cổ đông nước ngoài và nhờ bạn bè đứng tên là không có căn cứ, không có cơ sở chấp nhận.

Lợi dụng vai trò là cổ đông lớn, quyền lực, nắm giữ trên thực tế số lượng cổ phần gần tuyệt đối của Ngân hàng SCB, Trương Mỹ Lan đã truyền đạt ý chí cho các bị cáo là lãnh đạo chủ chốt của Ngân hàng SCB thực hiện việc rút tiền nhằm chiếm đoạt số tiền lớn của ngân hàng để sử dụng vào mục đích cá nhân.

Các bị cáo Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch SCB, đang trốn truy nã), Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch SCB giai đoạn sau), Võ Tấn Hoàng Văn (cựu tổng giám đốc), Trương Khánh Hoàn (cựu quyền Tổng giám đốc), Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng giám đốc SCB), tiếp nhận ý chí của bà Trương Mỹ Lan, bỏ qua các quy định pháp luật, giúp sức tích cực để Trương Mỹ Lan rút tiền của Ngân hàng SCB, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn.

Các bị cáo bất chấp quy định của pháp luật, thậm chí giải ngân trước, hợp thức hóa hồ sơ sau. Bị cáo Trương Mỹ Lan trở thành người có quyền quyết định cao nhất tại SCB, đủ dấu hiệu về mặt chủ thể có chức vụ, quyền hạn của tội Tham ô tài sản. HĐXX khẳng định lời bào chữa của luật sư cho rằng bị cáo Lan không có vai trò gì tại SCB là không có căn cứ, không được tòa chấp nhận. Vì vậy, có đủ cơ sở xác định bị cáo Lan phạm vào các tội danh như cáo trạng truy tố.

Theo HĐXX, hậu quả do bị cáo Lan và đồng phạm gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại đặc biệt lớn với SCB, đẩy nhà băng vào tình trạng mất thanh khoản, gây hoang mang cho khách hàng, người dân. Hành vi của 86 bị cáo mang tính có tổ chức, trong đó Trương Mỹ Lan là chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo hành vi phạm tội.

h1.jpg -0
Bị cáo Trương Mỹ Lan nghe tòa tuyên án.

Từ những nhận định trên, HĐXX tuyên án tử hình bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) về tội tham ô tài sản, 20 năm tù tội đưa hối lộ và 20 năm tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt tử hình đối với Trương Mỹ Lan.

Nghe xong bản án, bà Lan buông thõng người xuống, đầu bà nghiêng sang một bên, ánh mắt thất thần đầy vẻ lo lắng. Đây là kết quả không hề bất ngờ với những gì mà bà Lan đã gây ra, điều này đã được dự đoán trước và bà Lan có lẽ cũng xác định được bản án nghiêm khắc nhất dành cho mình. Tuy nhiên, đứng trước cái chết, bà Lan không tránh khỏi tâm trạng hoảng loạn và sợ hãi.  

Kiên quyết với tội phạm tham nhũng

Với bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước, HĐXX nhận định bị cáo Nhàn biết rõ bà Trương Mỹ Lan nắm chi phối gần tuyệt đối tại SCB, toàn quyền chỉ đạo hoạt động SCB. Lợi dụng vị trí trưởng đoàn thanh tra, bà Nhàn đã thông qua Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng giám đốc SCB hai lần gặp gỡ bà Lan và trao đổi về kết luận thanh tra. Từ đây, bà Nhàn nhận 5,2 triệu USD từ bà Lan thông qua Văn, để rồi chủ trì xây dựng kết quả thanh tra theo hướng không đề nghị đưa SCB vào dạng kiểm soát đặc biệt, không kiến nghị chuyển Cơ quan điều tra các sai phạm của nhà băng.

Các bị cáo khác trong đoàn thanh tra có nhận quà, tiền từ SCB nhưng không biết việc bà Nhàn gặp Văn để thỏa thuận với bà Lan về việc ban hành kết quả thanh tra, không biết cựu Cục trưởng chỉ đạo ký báo cáo thanh tra theo hướng làm giảm nhẹ đi sai phạm tại SCB. Do đó, các bị cáo trong đoàn thanh tra không bị truy tố cùng tội danh với bà Nhàn. Theo HĐXX, việc ban hành kết luận thanh tra là phương thức để thỏa thuận với bà Lan nhằm nhận hối lộ 5,2 triệu USD.

h2.jpg -0
Bị cáo Nguyễn Văn Hưng thẫn thờ khi nhận bản án 11 năm tù.

Về các lần nhận tiền của bà Nhàn, lần đầu tiên là sau khi thanh tra đợt 1, hai lần nhận tiếp rơi vào lúc lấy ý kiến xây dựng dự thảo kết luận thanh tra và lần cuối vào lúc ban hành kết luận cuối cùng của thanh tra. Xâu chuỗi toàn bộ hành vi, HĐXX nhận thấy việc bị cáo Nhàn gặp bà Lan, chỉ đạo đoàn thanh tra bỏ qua sai phạm của SCB, thực hiện không đúng chức năng nhiệm vụ quy định. Là trưởng đoàn thanh tra, đáng lẽ bị cáo phải báo cáo người ra quyết định thanh tra chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, nhưng lại đề xuất bưng bít sai phạm để nhận tiền SCB.

Hành vi của bị cáo có mối quan hệ nhân quả giữa nhận tiền và ra kết quả thanh tra. Bị cáo nhận tiền diễn ra trong thời gian dài, nếu không muốn thì không thể 4 lần gặp Văn để nhận tiền, thậm chí cho mật khẩu nhà riêng. Tại tòa, bị cáo Nhàn nêu lý do nhận 5,2 triệu USD nhằm bảo vệ gia đình. Tuy nhiên, HĐXX thấy lời trình bày này không có căn cứ, không phù hợp tình tiết khách quan vụ án.

Bị cáo Nhàn nhận số tiền đặc biệt lớn, đây là tội phạm tham nhũng nguy hiểm nhất, ảnh hưởng đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước. Tại phiên tòa, bị cáo Nhàn chưa thành thật, thừa nhận nhận vi phạm tội, nên cần phải có mức án nghiêm khắc. Nhưng xét bị cáo đã nộp lại toàn bộ tiền nhận hối lộ nên cần giảm nhẹ một phần hình phạt.

H3-1713156231404.jpg
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn lặng người khi chịu mức án chung thân.

Về khoản tiền 5,2 triệu USD bị cáo Nhàn nhận hối lộ, tòa tuyên buộc bị cáo Nhàn nộp lại 5,2 triệu USD sung công quỹ nhà nước. Đồng thời, bị cáo Nhàn đã nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn nên áp dụng hình phạt bổ sung nộp phạt 100 triệu đồng. Nhận mức án chung thân, bị cáo Nhàn bơ phờ, đôi mắt hằn rõ nỗi buồn thăm thẳm. Hai tay bà Nhàn nắm chặt lại, như cố kìm giữ sự run rẩy, đau đớn xót xa đang gặm nhấm bên trong con người của bà.

Trong 16 bị cáo thuộc nhóm tội lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ, HĐXX đánh giá bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) là người ra quyết định thanh tra và là người chỉ đạo, giám sát nội dung hoạt động thanh tra của đoàn thanh tra tại SCB, tiếp nhận báo cáo và báo cáo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ về kết quả thanh tra.

"Bị cáo Hưng cũng là người nhận số tiền lớn nhất, nên cần phải có mức án cao nhất so với các bị cáo khác trong nhóm tội này”. Vì vậy, HĐXX tuyên 11 năm tù với cựu Phó chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước. Dù nhận mức án thấp hơn so với đề nghị trước đó của Viện kiểm sát là 14 - 15 năm tù. Bị cáo Nguyễn Văn Hưng cũng thẫn thờ, lấy tay ôm mặt tỏ vẻ đau khổ và buồn bã, rơi nước mắt.

Phiên tòa kết thúc, bị cáo Chu Lập Cơ, chồng bà Lan nhận 9 năm tù, Trương Huệ Vân, cháu ruột bà Lan nhận 17 năm tù và những bị cáo khác đều nhận mức án tương xứng với hành vi của mình gây ra.

Hơn một tháng xét xử “đại án” Vạn Thịnh Phát, có quá nhiều cung bậc cảm xúc tại công đường và cũng thật nhiều câu chuyện bên lề, ngoài trang cáo trạng. Dư âm đọng lại trong vụ án không chỉ là những xót xa, ân hận, bi kịch gia đình mà còn là bài học sâu sắc về danh dự con người và thượng tôn pháp luật. 

Về thiệt hại của Ngân hàng SCB, HĐXX xác định: 1.284 khoản vay khống là phương thức, thủ đoạn để Trương Mỹ Lan chiếm đoạt của SCB hơn 677.000 tỉ đồng, tính đến ngày 17/10/2022. Đồng thời, bản chất toàn bộ số tiền trên do Trương Mỹ Lan sử dụng, hoặc chỉ đạo sử dụng theo ý của bị cáo, nên Trương Mỹ Lan có nghĩa vụ bồi thường toàn bộ cho SCB. Tuy nhiên, HĐXX cũng xét thấy, đến ngày 1/4/2024, có một số khoản vay trong 1.284 khoản vay đã được tất toán, đồng thời Trương Mỹ Lan có nộp một số tiền khắc phục hậu quả nên bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ còn bồi thường hơn 673.800 tỉ đồng/1.243 khoản vay.

HĐXX tuyên chuyển 1.000 tỉ đồng bị cáo Nguyễn Cao Trí khắc phục cho Trương Mỹ Lan cho SCB; chuyển toàn bộ tiền các bị cáo khác tự nguyện khắc phục hậu quả cho SCB để đảm bảo nghĩa vụ của Trương Mỹ Lan trong vụ án. HĐXX tuyên tiếp tục kê biên các bất động sản liên quan đến Trương Mỹ Lan, bao gồm biệt thự cổ 112 Võ Văn Tần (Q.3) và tòa nhà 19 Nguyễn Huệ (Q.1, TP Hồ Chí Minh).

Ngọc Hoa
.
.