Đề nghị mức án 12 đến 14 năm tù đối với ông Tất Thành Cang
Chiều muộn ngày 6-1, phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Tất Thành Cang (SN 1971, cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 2015 - 2020) cùng 19 bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Tham ô tài sản” gây thiệt hại hơn 1.103 tỉ đồng đã đến phần các bị cáo nói lời sau cùng trước khi tòa tuyên án.
Quá trình xét xử, HĐXX TAND TP. Hồ Chí Minh đã làm rõ vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân trong vụ án. Vụ việc xảy ra tại Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn – SADECO (Công ty con của Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận – IPC).
Từ việc chỉ đạo… bằng miệng
Suốt phiên tòa, trong phần xét hỏi, HĐXX làm rõ mối quan hệ giữa các bị cáo, đặc biệt là mối quan hệ “tay ba” giữa Tất Thành Cang - Tề Trí Dũng – Nguyễn Văn Kim là những đại diện cho các đơn vị liên quan xoay quanh vấn đề chỉ đạo bán rẻ 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim do ông Nguyễn Văn Kim làm Chủ tịch HĐQT.
Bị cáo Tề Trí Dũng (SN 1981, cựu Tổng giám đốc IPC, Chủ tịch HĐQT SADECO) có vai trò chủ mưu xuyên suốt quá trình chuyển nhượng cổ phiếu trái quy định. Tuy nhiên, để tiến hành phát hành được 9 triệu cổ phiếu cho Công ty Nguyễn Kim, cổ đông chiến lược của SADECO phải có sự chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo, cơ quan chức năng có thẩm quyền. Lãnh đạo có thẩm quyền ở đây chính là bị cáo Tất Thành Cang và cơ quan chức năng là Văn phòng Thành ủy, do ông Cang phụ trách.
Bị cáo Tất Thành Cang đã bút phê “đồng ý” lên tờ trình (số 1148), chấp thuận chủ trương, phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược do nhóm đại diện vốn của Văn phòng Thành ủy TP Hồ Chí Minh tại SADECO đệ trình thông qua Văn phòng Thành ủy. Phạm Văn Thông, Phó chánh Văn phòng Thành ủy TP Hồ Chí Minh là người trình ký. Có được “cây đũa thần” là bút phê của cựu Phó bí thư Thường trực nên Tề Trí Dũng và các thành viên HĐQT, cán bộ SADECO đã “phù phép” số cổ phần cần chuyển nhượng để tăng vốn điều lệ, từ đó gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền lên đến cả ngàn tỉ đồng.
Về việc bán cổ phần, khi được đại diện Viện KSND hỏi nếu không có ý kiến của bị cáo Tất Thành Cang thì có dám ra nghị quyết phát hành 9 triệu cổ phần? Bị cáo Tề Trí Dũng trả lời chỉ thực hiện sau khi có ý kiến chấp thuận của UBND TP Hồ Chí Minh và Văn phòng Thành ủy. Nếu không có sự chấp thuận của hai cơ quan này, bị cáo không thể thực hiện việc chuyển nhượng 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim (Công ty Nguyễn Kim). Nếu biết việc làm này sai pháp luật, bị cáo đã không dám làm.
Ngoài ra bị cáo Tề Trí Dũng còn nhận được chỉ đạo… bằng miệng từ ông Tất Thành Cang. Tuy không nói cụ thể phải thế này thế kia, nhưng, theo Tề Trí Dũng, bằng “nhận thức” của mình, cựu Chủ tịch SADECO ngầm hiểu đó là “mệnh lệnh” nên đã thực hiện.
Tề Trí Dũng đã khẳng định với HĐXX rằng từng gặp bị cáo Tất Thành Cang 2 lần trước khi chuyển nhượng cổ phần cho Nguyễn Kim. “Bị cáo Tất Thành Cang chủ động gọi cho bị cáo và có hỏi bị cáo rằng SADECO hoạt động như thế nào, nhưng không chỉ đạo việc chuyển nhượng. Sau cuộc gặp đó khoảng 2 tuần, bên Nguyễn Kim có gọi điện cho bị cáo hỏi đã gặp anh Cang sao không xúc tiến gặp trực tiếp. Tiếp đó, anh Cang gọi bị cáo tới nhà ăn cơm (lúc đó khoảng 21 giờ). Tại đây bị cáo có gặp đại diện của Nguyễn Kim. Anh Cang có đề nghị bị cáo tạo điều kiện cho Công ty Nguyễn Kim tham gia vốn hợp tác để có thể phát triển. Theo nhận thức của bị cáo thì câu nói đó là anh Cang đã đồng thuận”, bị cáo Tề Trí Dũng trả lời câu hỏi của đại diện VKS.
Nhưng bị cáo Tất Thành Cang phủ nhận lời khai của bị cáo Tề Trí Dũng. Bị cáo Tất Thành Cang khẳng định chưa bao giờ gọi Dũng tới nhà riêng để báo cáo về SADECO. Đồng thời khẳng định không có bất kỳ mối quan hệ nào với ông Nguyễn Văn Kim (Chủ tịch HĐQT Công ty Nguyễn Kim). Giữa bị cáo, Tề Trí Dũng với ông Nguyễn Văn Kim chưa bao giờ có cuộc gặp mặt.
Trở lại với Tề Trí Dũng, bị cáo này suốt thời gian trình các Sở, Ngành để tham mưu việc phát hành cổ phần, IPC đã giải trình rất nhiều nội dung cho các cơ quan chuyên môn, nhưng không thấy văn bản nào của UBND thành phố nói việc phát hành là sai. Tuy nhiên, Dũng cũng đã thừa nhận vì tin tưởng cấp dưới tham mưu nên ký hợp đồng thuê Công ty cổ phần Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) không có chức năng thẩm định giá để thẩm định.
Còn việc ông Cang không nhận, không lẽ Tề Trí Dũng là người vu khống, “gắp lửa bỏ tay người”. Còn như ông Tề Trí Dũng thành thật khai báo thì cựu Phó Bí thư Thường trực là người quanh co, chối bỏ trách nhiệm...
Đến những sai phạm nghiêm trọng
Cựu Tổng giám đốc IPC trình bày, doanh nghiệp có xin ý kiến UBND TP Hồ Chí Minh xung quanh chủ trương giảm vốn Nhà nước từ 44% xuống 28%, nâng vốn điều lệ. Sau đó, UBND TP giao các sở, ngành liên quan xem xét nguyện vọng, phương án (phát hành cổ phiếu) doanh nghiệp đề đạt. Cơ quan quản lý yêu cầu mọi kế hoạch, giải pháp đều phải đảm bảo quyền lợi Nhà nước nhưng khi thực hiện, IPC không tổ chức họp lấy ý kiến về ấn định giá cổ phiếu, lựa chọn đối tác.
Theo quy định, khi tăng vốn và chuyển nhượng quyền mua cổ phần của IPC, vốn Văn phòng Thành ủy tại SADECO (vốn Nhà nước) thì phải đấu giá. Tuy nhiên, các cá nhân liên quan tại Thành ủy, Văn phòng Thành ủy, Công ty IPC và SADECO đồng ý bán 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần không thông qua thẩm định giá và đấu giá, gây thất thoát cho SADECO 1.103 tỉ đồng.
Ngoài hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, các bị cáo là các thành viên đại diện vốn Nhà nước trong SADECO gồm: Tề Trí Dũng, Hồ Thị Thanh Phúc (Tổng giám đốc SADECO), Trần Công Thiện (Tổng giám đốc IPC, đại diện vốn IPC), Huỳnh Phước Long (Đại diện vốn Văn phòng Thành ủy TP Hồ Chí Minh) và Phạm Xuân Trung (Phó tổng giám đốc IPC, đại diện vốn IPC và Trần Đăng Linh (Phó tổng giám đốc IPC). Trong các cá nhân này, chỉ có Phúc là thành viên HĐQT chuyên trách, những người còn lại là thành viên HĐQT không chuyên trách còn bị truy tố tội “Tham ô tài sản”.
Tề Trí Dũng và các đồng phạm khác lợi dụng thẩm quyền quản lý nguồn tiền thù lao khen thưởng của Công ty SADECO, thay vì chuyển số tiền thưởng đều phải nộp về đơn vị cử đại diện là IPC và Văn phòng Thành ủy, các bị cáo đã thực hiện nhiều hành vi gian dối nhằm mục đích chiếm hưởng hơn 4,6 tỉ đồng. Tề Trí Dũng thừa nhận bản thân đã được nhận 1,7 tỉ đồng nhưng Dũng nghĩ đó là tiền… thù lao khen thưởng. Toàn bộ số tiền chiếm hưởng Dũng không sử dụng tiền này để chi xài cá nhân mà đem đi làm… từ thiện?! Sau khi cơ quan điều tra vào làm việc, thấy nói tiền này là nhận sai nên bị cáo đã trả lại tiền cho SADECO thông qua Phúc.
Với hành vi sai phạm của mình, các bị cáo đã bị đại diện VKSND TP Hồ Chí Minh, giữ quyền công tố đề nghị HĐXX tuyên phạt: Tất Thành Cang 12-14 năm tù về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát, lãng phí”; Tề Trí Dũng 20-22 năm tù, Hồ Thị Thanh Phúc 19-21 năm tù về 2 tội “Tham ô tài sản” và “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát, lãng phí”…. Các bị cáo khác cũng bị đề nghị tuyên phạt từ 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 15 năm tù về các tội danh trên.
VKS nhận định bị cáo Tất Thành Cang với vai trò là Phó Bí thư thường trực Thành ủy, người có chức vụ cao nhất trong vụ án, biết và buộc phải biết việc phát hành vốn của SADECO phải theo quy định về quản lý vốn Nhà nước, trước khi chuyển nhượng phải thông qua thẩm định giá, bán đấu giá... Tuy nhiên, bị cáo đã bút phê “đồng ý” để phát hành 9 triệu cổ phần cho Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Nguyễn Kim không qua đấu giá... Chính bút phê này đã tạo điều kiện cho SADECO bán cổ phần giá rẻ, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền đặc biệt lớn.
VKS khẳng định cáo trạng truy tố bị cáo Tất Thành Cang là đúng người, đúng tội. Theo đại diện VKS, có vai trò quan trọng nhất đáng ra bị cáo Tất Thành Cang phải nhận thức rõ hành vi sai phạm của mình là nguyên nhân xuyên suốt dẫn đến hậu quả trong vụ án, nhưng bị cáo lại khai báo quanh co, không thừa nhận hành vi sai phạm, nên cần phải có mức án để răn đe.
Ngoài ra, Tề Trí Dũng và Hồ Thị Thanh Phúc, cựu tổng giám đốc SADECO cùng các thành viên HĐQT đã lợi dụng quyền hạn, nhiệm vụ được giao, duyệt chi nhiều khoản tiền từ quỹ thù lao khen thưởng của công ty trái quy định rồi chiếm hưởng hơn 4,6 tỉ đồng. Khi bị thanh tra, bị cáo đã chỉ đạo cấp dưới tiêu hủy chứng từ.
Đại diện VKS nhận định bị cáo Dũng là người giữ vai trò chủ đạo, xuyên suốt các hành vi sai phạm tại SADECO. Quá trình xét xử, bị cáo Dũng thành khẩn khai báo, thừa nhận toàn bộ hành vi và đồng ý tội danh bị truy tố, ăn năn hối cải. Số tiền tham ô không sử dụng chi tiêu cá nhân mà chi thăm hỏi, từ thiện (có giấy xác nhận) và đã tự nguyện khắc phục toàn bộ số tiền chiếm hưởng, gia đình có nhiều cống hiến…
Còn về việc bị cáo Tất Thành Cang phủ nhận có mối quan hệ với Công ty Nguyễn Kim, phủ nhận lời khai của bị cáo Tề Trí Dũng, rằng: “Bị cáo Cang gọi bị cáo Dũng đến nhà dùng cơm thân mật, truyền đạt ý kiến cho Công ty Nguyễn Kim tham gia vào SADECO”. VKS đánh giá lời khai của bị cáo Dũng là có căn cứ. Bởi, xuyên suốt thời gian chuyển nhượng, chỉ có duy nhất Công ty Nguyễn Kim được tiếp xúc, làm việc và cuối cùng là ký hợp đồng trót lọt với giá thấp, mà không có bất kỳ một đơn vị nào được tiếp cận. Lời khai của bị cáo Dũng nhất quán từ giai đoạn điều tra đến lời khai nhận tại tòa, phù hợp với quá trình, diễn biến của hành vi phạm tội, cho thấy bị cáo Cang là người định hướng, lựa chọn Công ty Nguyễn Kim để Tề Trí Dũng cùng các bị cáo khác thực hiện chuyển nhượng cổ phần.
Khi được nói lời sau cùng, bị cáo Tất Thành Cang “chiếm sóng” quá lâu để “giãi bày” nên hai lần bị HĐXX ngắt lời, yêu cầu không nhắc lại những nội dung đã trình bày trong quá trình xét xử. Tuy nhiên, ông Cang đề nghị “để bị cáo được nói hết mọi điều trong lòng trước khi bị tước đi quyền công dân”.
Bị cáo Tất Thành Cang ngậm ngùi cho rằng, đây là đau xót nhất cuộc đời, điều không ai mong muốn bao giờ… Dù vậy, bị cáo Tất Thành Cang vẫn chối không thừa nhận có liên quan đến Công ty Nguyễn Kim, đồng thời cũng không biết Nguyễn Kim là đối tác chiến lược và không liên quan tới việc phát hành cổ phần dẫn đến thiệt hại cho dù có thừa nhận là người cho chủ trương.
Ngày đầu tiên ra tòa với đôi dép tổ ong cùng bộ dạng gầy rộc, mái tóc bạc nửa đầu, rồi trong suốt quá trình xét xử, đến khi được nói lời sau cùng, ông Tất Thanh Cang mới “lờ mờ” nhận ra và thừa nhận vai trò của mình trong vụ án, dù chỉ là người cho chủ trương. Có lẽ, ông biết và thừa biết với vai trò và vị trí của mình một tiếng nói hay một bút phê của ông nó có “trọng lượng” như thế nào. Chỉ cần bút phê “đồng ý” của ông trong vụ việc cụ thể này khiến hàng loạt người vướng vòng lao lý cùng những thiệt hại không chỉ là tiền mà chính là niềm tin của người dân như đại diện VKS nhận định. Để khi ông và các đồng phạm đứng trước tòa hình sự mới thấy đau xót thì đã quá muộn.
Còn bị cáo Tề Trí Dũng thì cho rằng, gần 3 năm tạm giam, bị cáo rất ăn năn, hối hận. Bị cáo nhận thức rất rõ vai trò, trách nhiệm, hậu quả mình gây ra. Dù mức án ra sao bị cáo cũng cố gắng cải tạo tốt để sớm trở về chăm sóc gia đình. Kính mong HĐXX đánh giá thấu đáo mọi vấn đề, ghi nhận tình tiết giảm nhẹ khi lượng hình.
Với bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc, sau khi nghe bị cáo Tề Trí Dũng trình bày với HĐXX về gia cảnh của mình, khi được nói lời cuối cùng, Phúc nghẹn ngào nói không thành lời. Trong nước mắt, Hồ Thị Thanh Phúc xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm làm lại cuộc đời.
Quá trình luận tội, đại diện VKS nhận định thời gian qua, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung liên tục xét xử các vụ án xâm phạm tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí mà những người thực hiện hành vi phạm tội là lãnh đạo chủ chốt. Hành vi sai phạm này đã gây thất thoát hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng… VKS nhấn mạnh việc đưa vụ án ông Cang và đồng phạm ra xét xử là cần thiết, “không có vùng cấm”. Hy vọng rằng, đây là bài học cho tất cả những ai lợi dụng chức vụ quyền hạn khi “bút phê”.