Đi tìm nguyên nhân những vụ thảm án
Những vụ thảm án kiểu đó xảy ra dồn dập, trái với hình dung thông thường về nguyên nhân gây án, mục đích gây án đã khiến dư luận thực sự lo ngại về sự "lên ngôi" của bạo lực, của lối hành xử hung hãn.
Lý giải dưới đây của các chuyên gia trong các lĩnh vực tâm lý học, tội phạm học, pháp luật về hiện tượng xã hội này hy vọng sẽ giúp chúng ta thêm những kỹ năng, biện pháp phòng ngừa để bớt đi những vụ thảm án đau lòng như đã xảy ra.
Tội phạm đang có sự chuyển hóa về nhân cách
Thượng tá Ngô Văn Đáp, Điều tra viên cao cấp Công an TP Hà Nội, Giảng viên thỉnh giảng Học viện Cảnh sát nhân dân:
Trong 20 năm làm cảnh sát điều tra (sau là cảnh sát hình sự) tại Hà Nội, tôi thấy số vụ "thảm sát" chỉ đếm chưa quá mười ngón tay. Riêng địa bàn TP Hà Nội chỉ xảy ra hai vụ, cách nhau đến 8 năm. Đó là vụ đối tượng Nguyễn Minh Châu giết 4 người trong gia đình tiệm vàng Kim Sinh vào tháng 7/1999; vụ Lê Ngọc Chung sát hại 5 người trong nhà chủ tiệm rửa xe ở số 888 phố Minh Khai (Hoàng Mai, Hà Nội) vào tháng 5/2007.
Hai vụ thảm án xảy ra tại TP Hà Nội đều có động cơ gây án ban đầu là cướp tài sản. Các đối tượng có sự chuẩn bị trước, sau khi bị phát hiện thì chuyển sang giết người để bịt đầu mối. Còn ở các vụ án xảy ra tại Nghệ An và Yên Bái vừa qua, động cơ gây án của hung thủ Vi Văn Mằn và Đặng Văn Hùng chỉ là bột phát.
Hung thủ Đặng Văn Hùng trong vụ thảm sát ở Yên Bái (ảnh trái); Hung thủ Vi Văn Hải trong vụ thảm sát ở Nghệ An. |
Có một điểm cũng rất đáng chú ý là trước kia, khi giữa đối tượng và bị hại xảy ra mâu thuẫn, thường đối tượng chỉ ra tay với người có mâu thuẫn trực tiếp với mình, rồi bỏ trốn. Còn những người khác như anh chị em, bố mẹ… của bị hại, đối tượng hiếm khi ra tay. Bên cạnh đó, dường như tội phạm hiện nay cũng đang có sự "chuyển hóa" về nhân cách. Nếu như trước kia khi phạm tội, kẻ gây tội ác cảm thấy rất ăn năn, hối lỗi, run sợ, lương tâm bị cắn rứt đến ăn không ngon, ngủ không yên. Họ thực sự thấy rằng việc làm tổn thương người khác, vi phạm pháp luật là xấu xa, xâm phạm giá trị sống mà họ cho là đúng. Nhưng gần đây, đa số kẻ phạm tội lại hiếm khi tỏ ra ăn năn.
Luật sư Giang Hồng Thanh - Trưởng Văn phòng LS Giang Thanh:
Các vụ thảm án ở Yên Bái, Nghệ An đều có nguyên nhân vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong đời sống thường nhật dẫn đến hành động tước đoạt sinh mạng của người khác. Vấn đề đáng nói ở đây là những hành động này được thực hiện một cách cực kỳ quyết liệt, truy cùng giết tận, không có chút mảy may run sợ, khiến nhiều người ngỡ ngàng, không thể tìm ra lời lý giải cho những hành động đó.
Trong sự hình dung của nhiều người, việc xâm phạm tính mạng của người khác thường diễn ra trong các cuộc ẩu đả, thanh toán giang hồ, do hận thù cao độ, tích tụ dồn nén lâu dài. Vậy mà nay chỉ cần không hài lòng trong chuyện tình cảm, hoặc tranh chấp cãi cọ, hay va chạm giao thông là các đối tượng có thể ra tay một cách tàn ác, không chỉ với bản thân người có mâu thuẫn trực tiếp với mình mà còn với cả những người thân thích của người đó. Gần đây, việc xuất hiện liên tiếp các vụ án tại Nghệ An, Bình Dương, Yên Bái đã khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ và hoang mang.
Đâu là nguyên nhân?
Phó giáo sư - tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn:
Có thể nói những vụ án vừa qua đều liên quan đến cái ác. Cái ác trong tâm đã chi phối hành vi của con người một cách quá nặng nề.
Hung thủ Vũ Văn Tiến và Nguyễn Hải Dương trong vụ thảm sát ở Bình Dương. |
Nhưng đau xót hơn khi hành vi ác ấy không chỉ dừng lại với một người mà có thể ra tay tàn độc với nhiều người. Đó là tâm lý trả thù quá dã man... Hơn thế nữa, cũng dễ thấy việc nóng giận nên ra tay tàn sát, có thể có kế hoạch khá bài bản thực hiện một đôi lần... Tất cả minh chứng cho sự rối trí khi thiếu định hướng hoặc là sự bơ vơ trong việc lựa chọn giá trị cuộc sống hay hướng đi của chính mình dẫn đến việc người ta trở nên quá ác.
Có thể nói chính các bạn trẻ là người dễ đẩy mình vào ngõ cụt của cuộc sống. Vì sự non trong kinh nghiệm sống, sự vội vã, sự mỏng manh của bản lĩnh và cả kỹ năng sống. Họ chưa quen với thất bại cũng như quá cuồng vọng về cuộc sống... Điều đó phản ánh một thực tế thiếu kỹ năng quản lý cảm xúc bản thân, thiếu sự khôn ngoan khi ứng xử.
Việc đa số người trẻ đều không tiền án, tiền sự nhưng ra tay tàn ác cho thấy việc hành động này xuất phát từ tâm lý bất ổn, từ sự thiếu cân bằng và sự chới với trong cuộc sống với những mục tiêu chưa đạt được. Thay vì phải định hướng lại, thay vì sống tốt hơn, thay vì kiên trì để giải quyết vấn đề, hướng đến mục tiêu thì chính cách sống vội vàng, đầy hận thù choáng tâm trí dẫn đến hành vi quá nhẫn tâm.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Thị Thanh Hương, Viện Tâm lý học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam:
Môi trường sống, bao gồm môi trường gia đình và môi trường xã hội ở bất cứ nơi nào, trong bất cứ giai đoạn phát triển nào của xã hội cũng vô cùng phức tạp, luôn bao hàm cả những giá trị, những hiện tượng trái chiều nhau, tích cực và tiêu cực, nhất là trong bối cảnh có hệ thống mạng thông tin phát triển với nhiều tính năng tiện ích bao trùm mọi mặt đời sống cư dân toàn cầu, truyền tải nhiều hệ giá trị sống khác nhau.
Trong quá trình phát triển và trưởng thành, mỗi cá nhân tiếp nhận những giá trị nào lại tùy thuộc vào sự nhìn nhận, đánh giá, suy xét của chính họ.
Đằng sau những hành vi không phù hợp chuẩn mực xã hội là hệ giá trị mà cá nhân trong sự suy xét của riêng mình đã gán cho chúng những ý nghĩa lệch lạc hoặc những vai trò thái quá trong quan hệ với những giá trị sống khác. Đó là hệ quả của quá trình cá nhân tiếp thu những giá trị từ cuộc sống xã hội và tạo nên giá trị sống của riêng mình. Giáo dục của gia đình chỉ là một yếu tố có ảnh hưởng đến quá trình hình thành các giá trị sống của cá nhân - một quá trình mà cá nhân là chủ thể quyết định việc lựa chọn các cách thức hành động khác nhau để đạt được những giá trị mà người đó mong muốn. Nếu không có những giá trị sống lệch lạc bên trong đó thì dù tình huống bên ngoài hay hoàn cảnh sống có như thế nào chăng nữa cũng không thể trở thành nguyên nhân thúc đẩy cá nhân thực hiện hành vi phạm pháp.
Trong những năm 60 của thế kỷ trước, nhà tâm lý học Albert Bandura đã đưa ra lý thuyết học tập xã hội với minh chứng rằng một trong những hình thức học tập phổ biến của con người là học tập nhờ quan sát các hành động "mẫu". So với trước đây, có rất nhiều mô hình mẫu trong môi trường xã hội ở nước ta những năm gần đây, đặc biệt là những mẫu hình hành động tiêu cực nhưng không được kiểm soát.
Việc thường xuyên tiếp cận những thông tin về các mẫu hình hành động đó, đặc biệt là chứng kiến bằng hình ảnh những trải nghiệm vô cảm của các nhân vật có liên quan trước đau đớn của người khác không chỉ làm cho thanh, thiếu niên dễ dàng bắt chước, mà nghiêm trọng hơn còn khiến cho họ trở nên quen thuộc, chai sạn với những hành động phi nhân tính, cảm thấy bình thường như bao hành động khác và vì thế dễ dàng thực hiện chúng trong những tình huống đời thực của chính họ. Tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn khi họ còn thiếu kỹ năng suy xét các mối quan hệ, giá trị xã hội, thiếu kỹ năng kiểm soát bản thân.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa:
Trước hết, đó là do truyền thống giáo dục. Như chúng ta biết, đó hầu hết là những thanh niên ở miền núi hoặc là do gia đình không có điều kiện ăn học, nuôi dưỡng chu đáo từ thuở còn thơ ấu. Các cháu không được trang bị những kỹ năng về đạo đức, lối sống, cách hành xử... ngay cả chuyện học hành cũng dang dở, bố mẹ bận lo từng bữa ăn không quan tâm được những chuyển biến tâm lý của con cái, khiến các em, các cháu dễ bị đi theo cái xấu, nhiễm những thứ văn hóa đồi bại, mất nhân tính từ các phim ảnh bạo lực, các trò chơi điện tử... Cộng với thói đua đòi, ăn chơi, thích hưởng thụ chứ không thích lao động, khi có điều kiện thuận lợi, sẵn sàng gạt bỏ mọi nhân tính, mọi rào cản đạo đức để sa vào tội ác...
Làm gì để bớt đi những thảm án đau lòng?
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn:
Sự ham hố và tham lam dễ làm người ta ngã quị khi không đạt được và có nguy cơ mất trắng.
Sự toan tính dễ đẩy người ta đi đến cái ác trong ứng xử.
Sự tham lam, vội vã và thiếu kiên nhẫn, thiếu cố gắng đã đẩy họ rơi vào ngõ cụt trong suy nghĩ.
Sự bơ vơ và sự cô đơn tột độ đẩy một số bạn trẻ chới với sau thất bại và tàn nhẫn khi không nghĩ đến hậu quả, tương lai.
Sự bế tắc trong lối nghĩ vì thiếu kỹ năng quản lý cảm xúc, giải quyết vấn đề, giải quyết mâu thuẫn dẫn đến thực tế khi hành xử rất chủ quan, cảm tính…
Và nhiều lý do nữa đã minh chứng khi bế tắc với một thất bại, một điều không như ý, một sự mâu thuẫn, cái ác chiếm lĩnh cả tâm hồn và điều khiển hành vi các bạn trẻ trở thành nô lệ của nó.
Hãy làm chủ cuộc sống, nghĩ xa hơn, thích nghi và nhận ra mọi mâu thuẫn đều có thể giải quyết, suy nghĩ - tư duy tích cực về cuộc sống, có thể vấn đề sẽ được giải quyết thấu đáo và chừng mực. Luận điểm ấy sẽ khống chế được những cảm xúc bực bội hay thậm chí cảm xúc dấy lên về cái ác để ta còn làm chủ được cuộc đời ta.
Phó giáo sư tiến sĩ Lê Thị Thanh Hương, Viện Tâm lý học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam:
Hình thành kỹ năng suy xét các mối quan hệ, giá trị xã hội, kỹ năng tự kiểm soát của mỗi người là vô cùng quan trọng và là công cụ hữu hiệu trong xu thế phát triển của xã hội theo mô hình ngày càng mở cửa với nhiều mối quan hệ, nhiều kênh thông tin, nhiều hệ giá trị sống.
Một khi những kỹ năng này được hình thành thì mỗi cá nhân sẽ tự biết bảo vệ mình để có thể trở nên miễn dịch trước những mẫu hình hành vi phi nhân tính, để có thể tiếp nhận những giá trị sống có ích cho cá nhân và cộng đồng, tự biết kiềm chế bản thân trong những tình huống nhiều cám dỗ và tự biết dừng khi hành vi phi nhân tính có nguy cơ xuất hiện
Luật sư Giang Hồng Thanh - Trưởng văn phòng LS Giang Thanh:
Một trong những biện pháp có tính răn đe rất hiệu quả, đó chính là việc cơ quan chức năng nhanh chóng phá án, tìm ra thủ phạm. Các đối tượng có ý định phạm tội ở các vụ việc khác sẽ vì thế mà chùn bước.
Nhưng khi Cơ quan điều tra phá án, có nghĩa là vụ án đã xảy ra rồi. Mà điều chúng ta cần là những vụ án tương tự không xảy ra, hay chí ít cũng hạn chế những hành động man rợ như vậy.
Vậy chúng ta cần phải làm gì?
Nếu như hai vụ án ở Nghệ An, Yên Bái do những đối tượng có trình độ văn hóa, nhận thức xã hội, hiểu biết pháp luật rất thấp thực hiện, thì rõ ràng việc cải thiện môi trường sống của đồng bào dân tộc ít người ở miền núi, vùng sâu vùng xa, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, quan tâm tạo điều kiện thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao giải trí lành mạnh, sẽ giảm thiểu nguy cơ xuất hiện những hành động tiêu cực.
Còn ở những khu vực có điều kiện kinh tế, dân trí phát triển, có một điều dễ dàng nhận thấy là người ta chưa chú trọng đến công tác giáo dục pháp luật, xây dựng kỹ năng sống trong nhà trường mà lại thay vào đó là những tiết học, môn học thiếu tính thực tiễn (đôi khi chỉ cần kết thúc thời gian giảng dạy là người học sẽ lãng quên ngay lập tức).
Nếu mỗi người có một kiến thức nhất định về pháp luật, về cách hành xử phù hợp với chuẩn mực cuộc sống, tôi tin rằng, mặc dù chắc chắn xã hội không thể chấm dứt những hành động tội ác, nhưng sẽ không còn những vụ thảm sát vì nguyên nhân mâu thuẫn nhỏ nhặt mà nạn nhân là những người vô tội như vậy nữa.