Đừng để “cả giận, mất khôn”

Chủ Nhật, 26/09/2021, 10:48

Giãn cách xã hội là thời gian khiến nhiều người stress nhất. Trẻ em, người già chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường. Các bậc phụ huynh người đi làm luân phiên người thất nghiệp ở nhà. Gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng.

Thêm việc mấy tháng liền không ra khỏi nhà khiến cả trẻ con, người lớn dễ gây những hành động ức chế cho nhau. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc bạo hành trẻ em, bạo lực gia đình gia tăng trong thời kỳ giãn cách.

2.jpg -0
Tiến sĩ Vũ Thu Hương.

Những câu chuyện đau lòng

Câu chuyện bé gái 6 tuổi ở Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội tử vong vì bị bố bạo hành ngay trước giờ học online khiến nhiều người không khỏi xót xa. Nạn nhân là cháu Lê H.A., sống cùng gia đình tại ngõ 323 Xuân Đỉnh, phường Xuân Đỉnh. Bước đầu, người bố thừa nhận vào buổi trưa ngày 16-9-2021 có dạy con học. Do cháu tiếp thu chậm nên trong cơn nóng giận đã dùng đũa, thanh tre, cán chổi đánh con nhiều lần vào chân, tay, mông và một phần lưng cháu trong thời gian học và sau khi kết thúc.

Buổi chiều, cháu ăn hết hộp cháo thì có biểu hiện nóng người nên mẹ cháu cho cháu đi tắm, gội đầu. Thấy cháu bị sốt nên tiếp tục cho uống 1 viên thuốc panadol. Sau đó cháu được bố bế và nôn vào vai. Thấy vậy, bố mẹ cháu đưa cháu bằng xe máy đến bệnh viện Nam Thăng Long cấp cứu và được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương bằng xe cấp cứu. Mặc dù đã được các y bác sỹ sơ cứu trên xe cứu thương nhưng cháu đã tử vong trước khi vào viện...

1.jpg -0
Ngôi nhà nơi cháu A. tử vong.

Việc bé A. tử vong nguyên nhân gián tiếp do bố bạo hành khiến người dân khu vực ngõ 323 Xuân Đỉnh bàng hoàng. Theo một người dân trong ngõ thì gia đình anh C. trước kia mở công ty riêng, mới chuyển về phường Xuân Đỉnh kinh doanh nước khoáng 2 năm nay. Anh C. tính tình điềm đạm, yêu thương vợ con, đặc biệt trong kinh doanh rất thành công. Họ có hai người con, sau bé A. là một em trai mới hơn 2 tuổi. Trước thời gian giãn cách, hàng xóm vẫn thấy anh C. chở con đi ăn sáng rồi đi học. Bé A. ngoan ngoãn, lễ phép, gặp ai cũng chào hỏi.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư Hà Nội, hành vi của người bố sử dụng vũ lực đánh con, dù là để dạy dỗ là không đúng, xâm phạm đến quyền được bảo vệ về tính mạng, sức khỏe của trẻ em được pháp luật bảo vệ.

Pháp luật buộc công dân phải nhận thức được việc sử dụng vũ lực quá mức cần thiết khi tác động vào cơ thể cháu bé sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng. Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả và kết luận giám định nguyên nhân chết và các cơ chế hình thành thương tích của cháu để có thể xử lý người cha tương ứng theo nhóm tội phạm liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người.

Nguyên nhân gây ra cái chết cho cháu bé vẫn phải chờ kết quả điều tra của cơ quan Công an, nhưng câu chuyện đau lòng này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em gia tăng trong giai đoạn giãn cách.

Cuối tháng 6-2021, đoạn clip ghi lại cảnh cháu bé 12 tháng tuổi ở phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình bị một phụ nữ giữ chân, tay và nhét giẻ vào mồm, được chia sẻ trên mạng xã hội gây bức xúc trong dư luận.

Hay mới đây nhất, vào tháng 8-2021, tại phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, một bé trai 5 tuổi không mặc quần áo liên tục bị một nam thanh niên đấm đá, quăng quật rồi giẫm đạp lên người. Dù em bé khóc lóc van xin nhưng nam thanh niên vẫn không dừng tay. Sau khi Công an vào cuộc, nam thanh niên này đã nhanh chóng bị bắt và xác định chính là chồng “hờ” của mẹ bé, về sống với hai mẹ con hơn một năm nay.

Bạo hành trẻ em gia tăng mùa giãn cách

Thực tế cho thấy, bên cạnh những ảnh hưởng nặng nề về kinh tế, đại dịch COVID-19 còn tác động mạnh tới mối quan hệ trong mỗi gia đình. Tình trạng mất việc làm, kinh tế khó khăn hoặc các vấn đề ứng xử giữa cha, mẹ và con cái đều có thể dẫn tới bạo lực gia đình.

3.jpg -0
Luật sư Nguyễn Anh Thơm.

Chị Đặng Thị Gấm (Nghĩa Tân, Hà Nội) chia sẻ, hơn hai tháng giãn cách ở nhà, chị quát mắng con nhiều hơn. Tâm lý lúc nào cũng buồn bực vì không được đi làm, thu nhập giảm. Chồng chị thất nghiệp cả năm nay ở nhà vợ nuôi. Hai đứa con một đứa 13 tuổi, một đứa 5 tuổi nhưng cãi nhau suốt ngày. “Cứ thằng anh học online thì thằng em vào phá. Anh thì không nhường, mà em thì không chịu, nói nhẹ không được là mẹ lấy roi. Cũng bao lần tự nhủ phải nhẹ nhàng, không được đánh mắng con nhưng bực mình không chịu được,  thế là cho mỗi đứa một trận luôn”, chị Gấm cho biết.

Cũng trong tình trạng nhiều lần bức xúc khi dạy con học, anh Nguyễn Minh Phương (phường Mễ Trì) cho hay: “Cậu con trai lớn năm nay vào học lớp 2 nhưng giờ học cháu cũng không tập trung học. Cô dặn bài tập về nhà nhiều khi không nhớ. Mẹ cũng mải dạy online một phòng khác. Tôi vừa phải làm việc cơ quan, vừa ngồi kèm con học. Có bố ngồi cạnh mà con cũng có chịu yên chân yên tay khi học online đâu. Lúc đứng lên ngồi xuống, lúc nhảy nhót, múa may. Nhiều lúc bực, nhắc không được lại phải dùng roi. Mình cũng mải việc của mình mà vẫn phải kèm con học. Chưa kể, ở nhà hai anh em nó chành chọe đánh nhau suốt ngày. Bố nóng tính, thế là mỗi đứa lại vài cái roi”.

4.jpg -0
Bé trai 5 tuổi bị người tình của mẹ bạo hành ở Bình Dương (ảnh cắt từ clip).

Còn chị Nguyễn Minh Nguyệt (Cầu Giấy, Hà Nội) thì không ngày nào là không phải quát con. Con bé mới 3 tuổi nhưng từ khi nghỉ mẫu giáo ở nhà vì dịch, suốt ngày đòi đồ chơi, đồ ăn, rồi đòi xem điện thoại, tivi, tranh giành với chị cho đến lúc nào được thì mới thôi. Vài lần đầu chị còn nịnh nó, nhưng vẫn không ăn thua, vậy là con bé ngày nào cũng bị ăn roi vì cái tội ăn vạ, đòi gì cũng đòi bằng được. Nhà lúc nào cũng như cái chợ vỡ. Mẹ hết quát chị rồi quát em vì hai đứa không chịu nhường nhau. Con bé lớn năm nay học lớp 5 nhưng từ khi nghỉ dịch ở nhà không học nổi với con bé, vì cứ học là bị quấy phá, mà chị cũng chẳng biết cho con bé tránh đi đâu để con chị học khi đang giãn cách thế này. Sức học của con chị giảm sút hẳn vì thiếu tập trung.

“Không biết bao giờ bọn trẻ con đi học lại chứ ở nhà thế này cả mẹ cả con bị stress nặng. Bọn trẻ con ngủ muộn dạy muộn, ăn uống không ra giấc, lịch sinh hoạt cả nhà cũng đảo lộn. Mình thì vừa làm việc ở nhà, vừa trông chúng nó học, vừa cơm nước, mệt mỏi, ngủ ít nên dễ cáu gắt. Nhiều lúc biết mình sai khi đánh mắng con vô lý nhưng lúc bực lên,  không thể kiểm soát được hành động của mình”, chị Nguyệt cho biết.

Biết là thời kì giãn cách, nhà nào cũng gặp khó khăn về mọi mặt, tâm lý cả người lớn và trẻ con bị ảnh hưởng, nhưng các bậc làm cha làm mẹ hãy tự nhắc nhở, kiềm chế bản thân, đặt mình vào hoàn cảnh của các con để hiểu con hơn nữa, tránh những tình trạng đau lòng, đáng tiếc xảy ra. Khi ấy, có hối hận thì mọi thứ cũng đã quá muộn màng.

Theo chuyên gia tâm lý giáo dục, Tiến sĩ Vũ Thu Hương: “Việc học hành của trẻ là cả một quãng thời gian dài trong ít nhất 12 năm chứ không phải là câu chuyện xảy ra trong một ngày. Việc các con chưa hiểu hoặc học chưa tốt có thể đến từ nhiều nguyên nhân và những nguyên nhân đó sẽ được giải quyết dần dần theo thời gian. Mỗi một năm học sẽ có các mục tiêu học tập khác nhau. Đôi khi, áp lực thành tích không muốn con mình thua kém những đứa trẻ cùng lứa cũng là nguyên nhân cho những vụ bạo hành.

Ngoài ra, trong thời gian giãn cách xã hội, phần lớn các gia đình đều bị ảnh hưởng kinh tế. Những nỗi lo như vậy diễn ra thường trực và không biết đến tương lai, cộng với sự căng thẳng về tình hình dịch bệnh đã khiến cho các cha mẹ bị giảm sút khả năng kiên nhẫn. Áp lực phải dạy học thay cho các cô giáo, đặc biệt là với học sinh lớp 1 khiến họ đôi khi như biến thành người khác, hung hãn, bất chấp.

Tôi nghĩ các ông bố bà mẹ không bao giờ muốn con mình đau. Nhưng khi họ mất kiểm soát, họ giống như những người uống chất kích thích không thể điều tiết được hành vi và nhận diện mức độ nguy hiểm. Thông thường lúc đó, họ cần phải cách ly với xã hội chứ không nói đến chuyện phải dạy trẻ con học. Thực ra, để có thể làm việc với trẻ mà không nóng giận, bắt buộc họ phải hiểu bọn trẻ nghĩ gì, cảm gì. Nhưng ở Việt Nam, chúng ta quen suy nghĩ và hành động áp đặt, mặc định người khác phải sống và hành động như mình mong muốn. Chính vì vậy, những vụ bạo hành mới xảy đến từ cả phía giáo viên và phụ huynh”.

Trâm Anh
.
.