Đừng để hối lại thì đã muộn!
Ngồi trong nhà tạm giữ, tạm giam Công an huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), Cao Văn Lý (sinh năm 1958, trú tại huyện Vĩnh Tường) vô cùng hối hận bởi chỉ một phút thiếu kiểm soát đã khiến bản thân vào vòng lao lý, ảnh hưởng đến gia đình, vợ con.
Hơn 60 tuổi – cái tuổi lẽ ra được sống trong vui vẻ, hạnh phúc bên gia đình nhưng ông ta lại uống rượu rồi lái xe, tông vào CSGT rồi bỏ chạy tới cùng. Hậu quả khiến cán bộ CSGT bị thương nặng, bản thân bị khởi tố, bắt giam, đến lúc này, ông ta mới thấm hiểu cái giá của sự coi thường pháp luật, của rượu bia làm thay đổi hành vi, nhận thức của mình.
Con đường dẫn đến… buồng tạm giam
Liên tiếp những ngày qua, trên nhiều địa phương trong cả nước đã xảy ra nhiều vụ chống đối CSGT. Nguyên nhân đều do đối tượng coi thường pháp luật, sử dụng rượu bia, trốn tránh, né chốt, bỏ chạy, một số khác manh động, coi thường pháp luật tìm mọi cách để chống đối lại lực lượng làm nhiệm vụ. Điển hình, vào hồi 20 giờ 58 phút, ngày 6/2, tổ công tác thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, trấn áp tội phạm do Thiếu tá Đào Văn Hùng, cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Lào Cai làm tổ trưởng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại Km 39+900, quốc lộ 4E, thuộc tổ 8, phường Nam Cường, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai thì phát hiện một xe mô tô, biển số 24P5- 2859 do một nam giới điều khiển, chở một người đi hướng phường Bình Minh đến phường Kim Tân có biểu hiện vi phạm pháp luật. Đồng chí Quách Văn Trường, Đội phó Đội CSGT đường bộ, thành viên tổ công tác ra tín hiệu dừng phương tiện để kiểm tra theo quy định.
Quá trình kiểm tra, người điều khiển không chấp hành hiệu lệnh dừng xe và tăng ga điều khiển xe đâm thẳng vào đồng chí Quách Văn Trường khiến đồng chí Trường bị hất văng, ngã xuống lòng đường.
Hậu quả, đồng chí Trường bị đa chấn thương, nứt hộp sọ và được đồng đội đưa đi cấp cứu, hiện đang cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội. Đối tượng điều khiển phương tiện được xác định là Kiều Tiến Tâm, sinh năm 1994, là người điều khiển phương tiện, người ngồi sau là Vũ Quang Vinh, sinh năm 1993, cả hai cùng trú tại thành phố Lào Cai. Kiểm tra bước đầu xác định đối tượng Tâm có nồng độ cồn trong hơi thở mức 0,303. Điều đáng nói, Tâm là cán bộ Công ty cấp nước tỉnh Lào Cai, được học hành tử tế, có việc làm ổn định nhưng vì sử dụng rượu bia, không kiểm soát được bản thân nên đã gây ra hành vi phạm tội.
Còn vụ việc của ông Cao Văn Lý như sau: Ngày 5/2, tổ CSGT Công an huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc gồm 5 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Phan Nhật Linh, Phó Đội trưởng Đội CSGT-trật tự làm tổ trưởng, cùng các đồng chí Lê Quốc Việt, Trương Đức Anh, Nguyễn Danh Nam và Phùng Văn Hoạt thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý chuyên đề nồng độ cồn tại đường đê tả sông Hồng thuộc địa phận thôn Hoàng Xá, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Tổ công tác dừng ôtô biển số 88A-288.45 do ông Lý điều khiển để đo nồng độ cồn. Khi đến gần tổ công tác, ông Lý điều khiển xe giảm tốc độ và đột ngột quay đầu xe để đi ngược chiều về hướng xã Tuân Chính. Lúc này, các đồng chí Linh, Nam, Hoạt chạy đến tiếp cận xe ô tô và yêu cầu lái xe quay đầu theo đúng chiều lưu thông, chấp hành yêu cầu kiểm soát của lực lượng chức năng.
Ông Lý xuống xe và trình bày đang đi đến xã Vĩnh Thịnh nhưng bị nhầm đường. Tổ công tác yêu cầu ông Lý lùi xe đỗ sát mép đường để không cản trở giao thông. Tuy nhiên, sau khi lên xe, ông đã chốt cửa và tiếp tục điều khiển xe đi ngược chiều, tiến thẳng đến vị trí các đồng chí trong tổ công tác đang đứng. Do đồng chí Nam đứng ngay phía trước đầu xe nên phải bám trên nắp capo của xe ô tô để tránh va chạm gây thương tích. Sau đó, ông Lý điều khiển xe rẽ sang làn đường bên phải theo chiều lưu thông và bỏ chạy khoảng 2km đến địa phận thôn Quảng Cư, xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường thì đâm vào xe môtô biển số 88G1-187.00 do anh Nguyễn Công Dũng trú tại huyện Mê Linh, Hà Nội điều khiển đi cùng chiều làm anh Dũng và xe môtô trượt ngã trên đường.
Tuy nhiên, ông Lý không dừng lại mà tiếp tục điều khiển xe di chuyển khoảng 100m nữa thì đồng chí Nam bị hất văng từ capo xe rơi xuống đường, ông Lý thừa cơ bỏ chạy khỏi hiện trường. Vụ việc đã khiến đồng chí Nam và anh Dũng là người điều khiển xe môtô bị thương phải đi cấp cứu.
Ngay sau đó Công an huyện Vĩnh Tường đã tổ chức lực lượng tiến hành điều tra, xác minh, rà soát đối tượng, phương tiện vi phạm. Khoảng 15h cùng ngày, ông Lý đã điều khiển xe ô tô đến Công an huyện Vĩnh Tường trình diện và khai nhận hành vi vi phạm. Lực lượng chức năng đã đo nồng độ cồn đối với ông Lý, tại thời điểm ông đến làm việc là mức 0,312 mg/lít khí thở.
Cũng trong tháng 2/2023, vào ngày mồng 2, tổ công tác của Đội CSGT-trật tự, Công an thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình làm nhiệm vụ tại Km 142+90 quốc lộ 70 (phường Tân Hòa, thành phố Hòa Bình). Khoảng 11h, cảnh sát dừng ôtô biển số 28A-130.05 đi hướng thành phố Hòa Bình, xã Yên Mông để kiểm soát. Chiếc xe này sau đó không chấp hành mà quay đầu bỏ chạy.
CSGT sau đó tiếp tục ra hiệu lệnh dừng xe nhưng tài xế không chấp hành mà lao thẳng vào người Trung úy Ngô Văn Thịnh và Thượng úy Bùi Văn Thái. Hai cảnh sát sau đó đã kịp né tránh để không xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Chiếc ôtô chỉ dừng lại sau khi tông trúng môtô của lực lượng chức năng tại chốt kiểm tra. Lái xe là Đỗ Đình Tám, sinh năm 1957, ở Hòa Bình, đi cùng một phụ nữ tên N. Sau khi ôtô dừng lại, chị N. xuống xe còn nam tài xế tiếp tục ở trên phương tiện và dùng lời lẽ xúc phạm tổ công tác. Anh ta lao xuống khỏi ôtô, túm cổ áo và vật ngã Thượng úy Vũ Huy Thành khiến anh Thành bị rạn đốt xương ngón tay và tổn thương phần mềm, phải nhập viện điều trị. Tổ công tác đã khống chế Đỗ Đình Tám. Kết quả kiểm tra cho thấy ông Tám có nồng độ cồn ở mức 1,163 mg/lít khí thở. Mức vi phạm này gấp gần 3 lần mức xử lý kịch khung quy định tại Nghị định 100 (0,4 mg/lít khí thở). Ngay trong ngày 2/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hòa Bình đã khởi tố vụ án chống người thi hành công vụ và khởi tố bị can đối với Đỗ Đình Tám.
Xử lý nghiêm, không để đối tượng coi thường pháp luật
Qua các vụ án trên cho thấy, tình trạng sử dụng rượu bia tham gia giao thông đã gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, không chỉ gây ra các vụ tai nạn mà còn khiến lái xe mất kiểm soát, chống đối lực lượng làm nhiệm vụ. Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, ngay sau khi các vụ chống người thi hành công vụ xảy ra, lực lượng chức năng đã nhanh chóng điều tra, xử lý, khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối tượng để xử lý nghiêm trước pháp luật. Như vụ liên quan đối tượng Cao Văn Lý xảy ra ngày 5/2 thì ngày 7/2 đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Tại Hòa Bình, sau khi xảy ra vụ chống người thi hành công vụ ngày 2/2, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng chức năng thu thập đầy đủ chứng cứ điện tử để xử lý, chỉ sau 5ngày kể từ khi khởi tố, Cơ quan điều tra Công an TP Hoà Bình đã có kết luận điều tra theo thủ tục rút gọn chuyển viện kiểm sát nhân dân cùng cấp truy tố trước pháp luật.
Tại các Hội nghị về công tác của CSGT, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an thường xuyên nhấn mạnh, đối với các đối tượng cố tình chống đối, lăng mạ, lực lượng CSGT sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng củng cố hồ sơ cương quyết xử lý bằng pháp luật hành chính hoặc hình sự để dăn đe người tham gia giao thông phải thượng tôn pháp luật. Đồng thời, yêu cầu lực lượng CSGT phải bồi dưỡng thường xuyên kiến thức nghiệp vụ, quân sự vũ thuật, văn hóa ứng xử, ưu tiên trang bị cho lực lượng tuần tra kiểm soát đầy đủ vũ khí, công cụ hỗ trợ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thi hành công vụ.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chống đối CSGT được đánh giá là do công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong thời gian qua bị buông lỏng, chưa có chuyên đề giáo dục đạo đức cho lái xe nên lái xe không có ý thức chấp hành quy định, khi bị kiểm tra, kiểm soát thì manh động, chống đối, chửi bới, lăng mạ lực lượng làm nhiệm vụ.
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, công tác đào tạo lái xe hiện nay mới chỉ đào tạo cơ học về kỹ thuật mang tính máy móc thông thường chứ chưa chú trọng đào tạo kỹ năng lái xe, ý thức trách nhiệm cho học viên. Vì vậy, bên cạnh kỹ năng lái xe kém thì đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông cũng chưa đảm bảo dẫn đến nhiều trường hợp chống người thi hành công vụ.
“Theo quy định của nhiều nước trên thế giới, sau quá trình đào tạo, học viên phải có quá trình tập sự lái xe, nếu quá trình tập sự đảm bảo thì mới được cấp bằng chứ không phải cứ học xong, thi xong thì được cấp bằng ngay như ở Việt Nam. Vì vậy, ở nước ngoài, để lấy được giấy phép lái xe rất khó, rất nghiêm túc, bản thân lái xe rất có trách nhiệm khi đi ra đường và rất sợ vi phạm vì không chỉ bị phạt tiền mà sẽ bị tước giấy phép lái xe, việc thi lại giấy phép lái xe khó hơn rất nhiều” - Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa là quy định của pháp luật về xử lý hành vi chống lại người thi hành công vụ còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe dẫn đến đối tượng vi phạm nhờn luật, làm mất tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa.
Để làm giảm tình trạng người vi phạm chống đối CSGT, lãnh đạo Bộ Công an đã có nhiều ý kiến chỉ đạo lực lượng thi hành nhiệm vụ, ngoài việc bồi dưỡng thường xuyên kiến thức, trang bị thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thì phải đổi mới phương pháp tuần tra kiểm soát, khai thác sử dụng triệt để hệ thống xử phạt nguội, giảm bớt số lượng cán bộ, chiến sĩ trực tiếp ra đường tuần tra. Áp dụng kinh nghiệm của CSGT các nước tiên tiến, nhất là trong công tác tuần tra kiểm soát, áp dụng khoa học công nghệ 4.0 vào công tác tuần tra kiểm soát nhằm công khai minh bạch, rõ ràng và có sự giám sát thường xuyên của quần chúng nhân dân đối với công tác tuần tra xử lý vi phạm.
Đối với các trường hợp không hợp tác, không xuất trình giấy tờ, cự cãi với lực lượng làm nhiệm vụ, không chấp hành hiệu lệnh... CSGT đưa về đơn vị công an nơi gần nhất để tiếp tục điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.