Đường dây mua bán giấy tờ giả ở Đồng Nai được khám phá như thế nào?

Thứ Ba, 13/06/2023, 11:53

Sau hơn 4 tháng liên tục theo dõi, trong các ngày 29 và 30/5/2023, Đội Cảnh sát kinh tế phối hợp với các đội nghiệp vụ thuộc Công an TP Biên Hòa tỉnh Đồng Nai đã triệt phá thành công đường dây làm giả giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội và giấy khám sức khỏe cho người xin việc làm, thi giấy phép lái xe… để trục lợi.

Qua khám xét khẩn cấp tại 6 phòng khám tư nhân và nhà riêng của hai đối tượng trong nhóm cầm đầu là Lê Thị Huệ và Hoàng Trọng Đại, Cơ quan chức năng thu giữ hàng trăm giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, giấy khám sức khỏe đã được ký khống có đóng dấu đỏ cùng nhiều loại giấy tờ, tài liệu liên quan…

bh 4.jpg -0
Thu giữ nhiều loại tang vật tại các phòng khám đa khoa.

Lần theo đường dây mua bán giấy tờ khống

Trung tá Nguyễn Thanh Cao - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cho biết, cuối tháng 1/2023, qua các biện pháp nghiệp vụ, thu thập từ nhiều nguồn tin, các trinh sát của đơn vị đã phát hiện dấu hiệu về một đường dây chuyên làm giả giấy khám sức khỏe và giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội mang bán kiếm lời nên đã báo cáo Ban chỉ huy Công an TP Biên Hòa lập kế hoạch điều tra. Hơn một tháng trời ròng rã, rà soát từng khu vực dân cư, từng phòng trọ, trinh sát đã tiếp cận một số công nhân làm việc tại các khu công nghiệp trong tỉnh và khu vực lân cận, nhưng những người này tìm cách né tránh hoặc không nói gì vì sợ mất việc làm và thực chất họ cũng không biết đó là giấy tờ giả.

Để tránh gây ảnh hưởng đến đời sống vốn đã khó khăn của gia đình những người này, các trinh sát đã ngồi lại bàn bạc rồi thống nhất phương án lần theo dấu vết để lại từ những loại giấy tờ giả thu được và chỉ mất hơn một tuần đã xác định được 6 phòng khám đa khoa tư nhân đóng trên địa bàn là nơi “sản xuất” những loại giấy giả này. Nhận thấy tính chất vụ việc rất nghiêm trọng, Ban giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo cho Công an TP Biên Hòa xác lập chuyên án đấu tranh.

Nơi “sản xuất” những loại giấy tờ giả đã được xác định, nhưng để đấu tranh, triệt phá thì phải chứng minh hành vi mua bán, xác minh các đối tượng có liên quan, ai là chủ mưu, môi giới, giá bán mỗi giấy bao nhiêu?… Với quyết tâm phải nhanh chóng làm rõ hoạt động phạm tội của đường dây này, các trinh sát chia thành nhiều tổ công tác tiếp tục tỏa đi các nơi để xác minh đầu dây mối nhợ có liên quan; sàng lọc, phân loại đối với các đối tượng từng có tiền án, tiền sự về tội làm giấy tờ giả.

Đường dây mua bán giấy tờ giả ở Đồng Nai được khám phá như thế nào? -0
Hoàng Trọng Đại ký biên bản phạm pháp quả tang.

Đến cuối tháng 4/2023, Ban chuyên án xác định được hai đối tượng Lê Thị Huệ (sinh năm 1980) và Hoàng Trọng Đại (sinh năm 1987), cùng ngụ phường Trảng Dài, TP Biên Hòa là trung gian móc nối giữa người cần làm giấy tờ giả và các phòng khám đa khoa Long Bình Tân, Tân Long, Hiền Phước, Tam Đức, Mỹ Đức. Tiếp tục xác minh, trinh sát còn xác định được một số trưởng phòng khám đa khoa đã cấu kết với nhân viên cấp dưới để thực hiện các công đoạn ghi khống nội dung bệnh án và ký tên, đóng dấu nhưng để trống phần ghi tên người bệnh theo yêu cầu của Huệ, Đại.

Cùng với việc thu thập chứng cứ, các tổ trinh sát khác cũng đã thu thập được bản danh sách hàng trăm trường hợp người lao động trong các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh đã từng sử dụng giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội giả do nhóm của Huệ, Đại cung cấp và một số người sử dụng giấy khám sức khỏe giả để thi lấy giấy phép lái xe các loại. Đặc biệt, trinh sát còn phát hiện các trường hợp người bị bệnh nan y, người cụt cả hai tay vẫn được bác sỹ ký giấy chứng nhận đủ sức khỏe, đủ điều kiện để lái xe mô tô, ô tô… Ngoài ra, Huệ, Đại không thường xuyên lui tới các phòng khám đa khoa để gặp những đối tượng trong đường dây, mà thường liên lạc với nhau qua mạng xã hội để thông báo chủng loại, số lượng giấy tờ giả cần làm, xong thuê shipper vận chuyển đến địa chỉ đã định từ trước rồi thông qua trung gian chuyển đến người đặt mua.

Đường dây mua bán giấy tờ giả ở Đồng Nai được khám phá như thế nào? -0
Kiểm tra hệ thống lưu trữ giấy tờ, bệnh án tại Phòng khám đa khoa Tam Đức.

Đồng loạt ra quân

Qua phân tích kỹ lưỡng từng phương thức, thủ đoạn, quy luật hoạt động của các đối tượng, nhận thấy nếu ập vào thực hiện lệnh bắt và khám xét khẩn cấp chưa chắc đảm bảo yêu cầu nên Ban chuyên án đã điều động các tổ công tác thay phiên nhau bám theo đối tượng 24/24 giờ, xác định khi nào chúng mang theo các loại giấy tờ giả thì bắt quả tang. Phương án này đã phát huy hiệu quả cao khi vào chiều tối ngày 29/5/2023, một tổ công tác đã bắt quả tang Lê Thị Huệ và Hoàng Trọng Đại đang vận chuyển 63 giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, hàng chục giấy khám sức khỏe và một số loại giấy tờ khác về nhà ở phường Trảng Dài cất giấu trước khi giao lại cho những người đặt mua.

Để không cho các đối tượng có thời gian tẩu tán tang vật, sáng sớm ngày 30/5/2023, Công an TP Biên Hòa huy động lực lượng đồng loại thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp đối với các phòng khám đa khoa: Long Bình Tân, Tân Long, Hiền Phước, Tam Đức, Mỹ Đức và nơi ở của Huệ, Đại tại phường Trảng Dài, TP Biên Hòa. Qua khám xét, cơ quan chức năng thu giữ hàng chục CPU máy tính tại các phòng khám đa khoa có chứa dữ liệu liên quan đến hoạt động làm giả các loại giấy tờ cùng nhiều loại tài liệu khác có liên quan. Cũng tại thời điểm khám xét, Đại, Huệ đã giao nộp 127 toa thuốc và bảng kê chi tiết danh mục khám chữa bệnh tại nhà và hàng chục giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, giấy khám sức khỏe có ký tên đóng dấu của bác sỹ, nhưng chưa điền tên người khám (giấy khống).

Đường dây mua bán giấy tờ giả ở Đồng Nai được khám phá như thế nào? -0
Khám xét khẩn cấp nơi ở của Lê Thị Huệ

Sau khi bắt quả tang đối tượng và tiến hành khám xét khẩn cấp các địa điểm, Cơ quan điều tra còn huy động thêm nhân lực ở các Đội nghiệp vụ khác phối hợp cùng Đội Cảnh sát kinh tế, ban ngày tỏa xuống các địa bàn trực tiếp làm việc với những người có liên quan, sàng lọc để xác định những trưởng phòng khám, bác sỹ, nhóm nhân viên móc ngoặc với Huệ, Đại; sau đó đơn vị nghiên cứu hồ sơ. Sau 7 ngày làm việc, Công an TP Biên Hòa đã làm rõ nội dung trong nhiều bộ hồ sơ, giấy tờ giả, động viên nhiều người từng sử dụng các loại giấy tờ do Huệ, Đại cung cấp.

Với hàng loạt tang chứng, vật chứng không thể chối cãi, tại cơ quan Công an, Lê Thị Huệ khai nhận, cuối năm 2021, trong lúc được một người bạn dắt đi mua giấy khám sức khỏe để hoàn tất thủ tục xin việc làm cho người thân thì phát hiện có một số người cũng lùng sục tìm cách mua các loại giấy tờ giống như mình. Nhận thấy đây là cơ hội kiếm tiền, Huệ tìm cách làm quen với một nhân viên phòng khám rồi thường xuyên mua quà tặng để lấy lòng. Khi đã tạo được niềm tin, Huệ đề cập đến chuyện mua bán giấy chứng nhận sức khỏe và được nhân viên này đồng ý. Huệ lập tức lân la đến các khu nhà trọ nơi có đông công nhân thuê ở giới thiệu và hứa nếu người thân muốn có tấm giấy khám sức khỏe như ý chỉ cần chi số tiền vừa phải.

Thời gian đầu, Huệ chỉ mua bán giấy khám sức khỏe, nhưng vài tháng sau, nhận thấy có đông công nhân do tăng ca nhiều, muốn nghỉ ngơi vài ngày để lấy lại năng lượng, nhưng quy định của các công ty thì bắt buộc phải đi khám bệnh, lấy giấy về sẽ được cho nghỉ, được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội nên không thể đáp ứng được. Bắt lấy cơ hội, Huệ quay về bàn bạc với các phòng khám đa khoa và tất cả đều thống nhất ngoài thu tiền phí theo quy định, mỗi giấy chứng nhận hưởng bảo hiểm xã hội phía phòng khám thu chênh lệch 35.000 đồng/ngày, nếu trường hợp nghỉ 5-6 ngày thì giảm giá xuống 25.000  đồng/ ngày/ giấy (từ 125.000 đồng đến 150.000đ cho 5-6 ngày nghỉ); đối với giấy khám sức khỏe cũng thu 30.000/giấy. Riêng Huệ, Đại thu chênh lệch từ người đặt mua từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/ giấy.

Đường dây mua bán giấy tờ giả ở Đồng Nai được khám phá như thế nào? -0
Tống đạt quyết định khám xét đối với Phòng khám đa khoa Tân Long

Sau vài tháng “nhận kèo” trực tiếp qua điện thoại, thấy số lượng người đặt mua giấy tờ giả tăng vùn vụt, Huệ, Đại và những trưởng phòng, bác sỹ, nhân viên biến chất của các phòng khám đa khoa bàn nhau lập nhóm trên zalo để tiện quảng bá, thu hút “khách hàng”. Theo đó,  Huệ, Đại tìm cách làm quen với một số nhóm công nhân và mời họ kết nối zalo để giới thiệu “dịch vụ” của mình với lời hứa chỉ cần chụp ảnh thẻ bảo hiểm xã hội nhắn cùng số ngày nghỉ, tên công ty đang làm việc lên trang zalo buổi sáng thì chiều có ngay giấy cần thiết và khi nào giao giấy mới nhận tiền.

Những công nhân này do không có thời gian, lại ít hiểu biết về pháp luật nên tin “dịch vụ” của Huệ, Đại là chính thống, từ đó mỗi khi cần bất cứ loại giấy tờ nào đều vào trang này đặt làm giúp, bất kể phải trả số tiền chênh lệch bên ngoài. Cũng theo lời khai của Huệ, mỗi tháng cô ta làm từ 300 đến 3.000 bộ giấy tờ giả, riêng Đại khai đã làm khoảng 6.000 bộ giấy tờ giả, thời gian còn lại đi làm các công việc theo chỉ đạo của Huệ.

Thượng tá Ninh Văn Đẳng - Phó Trưởng Công an TP Biên Hòa cho biết, đến nay đã làm rõ hành vi phạm tội  của 19 đối tượng, trong đó có 4 giám đốc các phòng khám đa khoa, 2 bác sỹ, 11 nhân viên và 2 người môi giới. Từ lúc phát hiện, thu thập chứng cứ và triệt phá chuyên án, tuy phải triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ để thu thập thông tin, chứng cứ từ nhiều nguồn, vận động nhiều nhân chứng đứng ra tố giác tội phạm và xác định phương thức, thủ đoạn cũng như nhóm đối tượng cầm đầu, nhưng tập thể CBCS trong đơn vị luôn cố gắng, có khi phải làm việc liên tục trong nhiều ngày đêm để sớm phá án.

Ngoài việc kịp thời ngăn chặn băng nhóm cấu kết để trục lợi, gây thất thoát nghiêm trọng cho quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm y tế, thành công của chuyên án cũng là lời cảnh báo, răn đe đối với những mầm mống đang có ý đồ trục lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Đức Cương
.
.