Ghép tạng giữa lằn ranh luật pháp

Thứ Hai, 01/05/2023, 16:45

700 triệu đồng cho một ca ghép thận, 1,2 - 1,5 tỷ đồng cho một ca ghép gan. Trong đó, người bán thận được trả số tiền từ 250-300 triệu đồng, đối tượng cầm đầu hưởng lợi từ 50-200 triệu/ca ghép rồi chúng chia chác cho những người cùng môi giới và chi phí ăn ở, đi lại, xét nghiệm ban đầu... Đó là những con số gây rúng động dư luận được Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an công bố khi kết thúc 2 chuyên án đấu tranh lớn nhất từ trước đến nay liên quan đến “Mua bán bộ phận cơ thể người”.

Triệt phá vụ bán gan đầu tiên ở Việt Nam

Chẳng phải ngẫu nhiên mà Trần Văn Hiệp (sinh năm 1971, ở phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội) lại lọt vào tầm ngắm của Phòng Phòng ngừa tội phạm mua bán người (Phòng 5), Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an. Bởi qua trinh sát nắm tình hình địa bàn, các cán bộ Phòng 5 đã phát hiện thông tin Hiệp có hành vi mua - bán bộ phận cơ thể người. Kế hoạch xác minh đối tượng được gấp rút thực hiện. Sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, tổ công tác phát hiện Hiệp đang tìm kiếm những người môi giới để mua - bán bộ phận cơ thể người. Đặc biệt, đây là trường hợp bán gan đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.

Thiếu tá Hoàng Minh Cường, cán bộ Phòng 5 kể lại rằng Hiệp thường xuyên la cà tại các quán nước chè ngoài cổng các bệnh viện để chào mời người mua gan. Đồng thời, Hiệp vào các nhóm Facebook như: “Hội tư vấn, hiến và ghép thận Việt Nam”, “Hội những người ghép thận”... để đăng bài viết với nội dung thông tin về nhóm máu, độ tuổi, mức bồi dưỡng như: “Cần gấp hiến gan nhóm máu O, bồi dưỡng 700 đến 800 triệu đồng”, “Hiến thận nhóm A-B-O nhận 600 triệu đồng bồi dưỡng thêm”,...

Ghép tạng giữa lằn ranh luật pháp -0
Ban chuyên án họp bàn đấu tranh với các đối tượng trong đường dây mua bán bộ phận cơ thể người.

Không chỉ thế, Hiệp còn tìm đọc những bài viết của những người cần mua - bán gan, thận rồi nhắn tin trao đổi số điện thoại và đi khám, xét nghiệm tại các bệnh viện như Bệnh viện 108, Bệnh viện Việt - Đức, Bệnh viện Bạch Mai. Sau khi người ghép có kết quả thì sẽ đọ chéo với nhau, hợp 2/3 các chỉ số như nhóm máu, độ tuổi, HLA... thì sẽ đăng ký làm thủ tục ghép. Có trường hợp bệnh nhân từ phía Nam đi xe khách ra các bến xe tại Hà Nội, Hiệp sẽ đến tận nơi đón rồi tìm nhà nghỉ cho họ gần bệnh viện để thuận tiện cho việc khám, xét nghiệm. 1,2 tỷ đồng là giá mà Hiệp đưa ra và người mua gan đành phải chấp nhận để kéo dài sự sống. Trong đó có cả tiền viện phí, tiền thuốc men, bồi dưỡng. Người bán gan trực tiếp chỉ được nhận 450 triệu đồng.

Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, tổ công tác của Phòng 5 báo cáo lãnh đạo Phòng, lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự thành lập ban chuyên án do Đại tá Tô Cao Lanh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự làm trưởng ban chuyên án. Đó là năm 2021, xác định thời điểm đã chín muồi, chuẩn bị phá án thì dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, có lúc ban chuyên án phải tạm ngừng “hoạt động” vì không thể di chuyển được. Tuy nhiên, để không bị gián đoạn, ban chuyên án đã sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để bám sát “di biến động” của Hiệp và phát hiện đối tượng giao dịch mua - bán gan của L.V.Q (sinh năm 1989) và mua - bán thận của V.M.C.

Ngay sau đó, ban chuyên án cử tổ công tác tiếp tục xác minh địa điểm bệnh viện các đối tượng tổ chức ghép gan, thận và ai sẽ là người mua. Quá trình điều tra, tổ công tác phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Giang tổ chức các mũi xác minh và lấy lời khai trực tiếp của những người liên quan, thấy “nổi” lên một đối tượng nữ là Trương Thị Khuyến (sinh năm 1966) trú tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Thời điểm đó, Khuyến đang sống như vợ chồng với người đàn ông tên N.V.B (người này từng đi bán thận tại Hà Nội). Khuyến chính là người đã giới thiệu L.V.Q và V.M.C bán gan và thận cho Hiệp.

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, các con còn nhỏ và nợ số tiền 70 triệu đồng nên khoảng tháng 1/2021, L.V.Q đồng ý bán tạng. L.V.Q được giới thiệu gặp người môi giới là Khuyến. Sau đó, Khuyến tiếp tục giới thiệu L.V.Q gặp Hiệp và được đối tượng chào mời bán gan với giá 450 triệu đồng. L.V.Q lo sợ sức khỏe bị giảm sút. Nhưng, Hiệp thì khẳng định chắc như đinh đóng cột là gan sau khi bán một phần sẽ khôi phục bình thường, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Sau ca ghép gan thành công cho anh N.T.P, quê ở tỉnh Hưng Yên, hiện sức khỏe của L.V.Q yếu đi trông thấy do bản thân bị bệnh xơ gan F4 và viêm gan C...

Tương tự, V.M.C cũng chấp nhận bán 1 quả thận với giá 250 triệu đồng để trả số nợ do làm ăn thua lỗ. Người mua thận là chị H.T.H, quê ở tỉnh Quảng Ninh. Không dừng lại ở đó, đối tượng Hiệp còn môi giới bán thận của N.M.T, quê ở tỉnh Thái Nguyên cho người mua là P.Đ.N. Ngày 3/8/2022, Hiệp dẫn 3 người phụ nữ đến khu vực đường Giải Phóng (Hà Nội) thì tổ công tác bắt quả tang đối tượng này đang cầm hồ sơ của 3 phụ nữ để đi xét nghiệm. Tại Cơ quan công an, những người này khai nhận đi cùng với Hiệp để xét nghiệm thận... Đến nay, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, tạm giam bị can Trần Văn Hiệp và Trương Thị Khuyến về hành vi “mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người” theo Điều 154 Bộ luật Hình sự và chuyển hồ sơ vụ án đến Công an TP Hà Nội tiếp tục điều tra mở rộng.

Ghép tạng giữa lằn ranh luật pháp -0
Cơ quan chức năng đọc lệnh khám xét nhà bị can Nguyễn Phương Hồng trong vụ án do Đường Khắc Nghĩa, Nông Văn Thức cầm đầu.

Những hồ sơ “ma” đội lốt “hiến thận”

Ngày 23/11/2022, Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp nhận đơn của một số người dân tố Đường Khắc Nghĩa (sinh năm 1987, trú tại Hưng Hà, Thái Bình) và Nông Văn Thức (sinh năm 1990, trú tại huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) có hành vi môi giới mua - bán bộ phận cơ thể người.

Ngay sau đó, lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự đã giao cho Phòng 5 điều tra, làm rõ hành vi của đối tượng Đường Khắc Nghĩa. Nghĩa cấu kết với Lê Văn Tứ (sinh năm 1991, trú tại tỉnh Phú Thọ) và một số đối tượng có liên quan tiếp cận những người có nhu cầu ghép thận tại các bệnh viện. Đồng thời, qua mạng xã hội tìm những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cần tiền trang trải cuộc sống để dụ dỗ họ bán thận. Nhận của người ghép thận số tiền từ 700-900 triệu đồng tùy từng trường hợp cụ thể, trả cho người bán thận từ 350-450 triệu đồng, Nghĩa và các đối tượng đã môi giới thành công việc mua - bán thận đối với cặp ghép thận.

Ngày 24 và 25/11/2022, căn cứ kết quả kiểm tra, xác minh, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thi hành lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, quyết định tạm giữ đối với Đường Khắc Nghĩa, Nông Văn Thức về hành vi: Mua bán bộ phận cơ thể người. Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 2/12/2022, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Mua bán bộ phận cơ thể người”; khởi tố bị can, tạm giam Đường Khắc Nghĩa và Nông Văn Thức về tội danh trên theo quy định tại khoản 2, Điều 154, Bộ luật Hình sự để tiến hành điều tra.

Quá trình điều tra mở rộng vụ án, Cơ quan công an xác định đối tượng Thàng Văn Thân (sinh năm 1993, trú tại tỉnh Lào Cai) và Lê Văn Tứ (sinh năm 1991, trú tại tỉnh Phú Thọ) có dấu hiệu liên quan đến vụ “Mua bán bộ phận cơ thể người” do bị can Nông Văn Thức môi giới, dẫn dắt anh T.V.V, quê ở tỉnh Thái Nguyên bán thận cho anh L.G.K, trú tại TP Hà Nội. Bên cạnh đó, Thàng Văn Thân còn cùng với Nguyễn Phương Hồng (sinh năm 1985, trú tại tỉnh Thái Nguyên) có hành vi tìm kiếm, môi giới, dẫn dắt anh N.T.H (trú tại TP Hà Nội) bán gan cho anh N.V.H (trú tại TP Hồ Chí Minh).

Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được có trong hồ sơ vụ án, ngày 10/2/2023, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, tạm giam đối với Thàng Văn Thân, Lê Văn Tứ, Nguyễn Thị Phương Hồng về hành vi: Mua bán bộ phận cơ thể người (thận, gan). Riêng bị can Phương Hồng được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú (do nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi).

Ghép tạng giữa lằn ranh luật pháp -0
Những trường hợp bán thận, gan bị tổn hại sức khỏe.

Căn cứ lời khai của các đối tượng và tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan công an xác định, trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2022, Đường Khắc Nghĩa đã thực hiện tới 3 vụ mua - bán bộ phận cơ thể người. Đơn cử, chị T.T.M có chồng là anh P.V.S (quê ở tỉnh Hà Nam) bị suy thận giai đoạn cuối. Những mong chồng được sống, chị tất tả tìm người bán thận để cứu chồng. Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, chị gặp Đường Khắc Nghĩa đang tìm cách môi giới mua - bán thận. Nghĩa giới thiệu bản thân có thể tìm được người bán thận, nên chị M đã nhờ Nghĩa tìm hộ. Sau đó, Nghĩa đăng bài trên Facebook có nội dung “Cần người hiến thận gấp, hậu tạ cao”, kèm số điện thoại. Ngay sau khi đăng bài, anh B.V.T (quê ở tỉnh Hòa Bình) đã gọi điện thoại để thỏa thuận, chốt giá bán 1 quả thận là 380 triệu đồng. Sau đó, Nghĩa đưa anh T. đi khám, xét nghiệm. Cuộc mua bán được phù phép trở thành “hồ sơ hiến thận”.

Cơ quan công an làm rõ, trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 9/2022, Nông Văn Thức cùng đồng phạm đã thực hiện 3 vụ mua - bán bộ phận cơ thể người (thận, gan). Trong đó, đáng chú ý là bị can Nguyễn Phương Hồng đã từng bán thận vào năm 2016 và nhận thấy lợi nhuận từ việc này nên đã tìm kiếm những người có nhu cầu mua - bán bộ phận cơ thể người (thận, gan) tại bệnh viện để môi giới. Trong quá trình thực hiện, Hồng quen biết đối tượng tên T (ở Bắc Giang) và đối tượng tên H (người miền Nam, chưa rõ nhân thân, lai lịch) là những đối tượng chuyên môi giới mua - bán bộ phận cơ thể người. Hồng thỏa thuận với T và H tìm những người có nhu cầu bán thận, gan; còn Hồng tìm những người có nhu cầu cần ghép thận, gan để dẫn dắt, môi giới.

Đến nay, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, tạm giam 5 bị can gồm: Đường Khắc Nghĩa, Nông Văn Thức, Thàng Văn Thân, Lê Văn Tứ, Nguyễn Thị Phương Hồng về hành vi “Mua bán bộ phận cơ thể người” theo Điều 154 Bộ luật Hình sự và chuyển hồ sơ vụ án đến Công an TP Hà Nội tiếp tục điều tra mở rộng. Liên quan đến bác sĩ tham gia vào đường dây này, cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ.

Theo Đại tá Đoàn Thế Vinh, Trưởng Phòng phòng ngừa tội phạm mua bán người, Cục Cảnh sát hình sự, việc hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác được coi là quyền của công dân. Đây được xem là hành động đẹp, có ý nghĩa nhân văn và đầy tính nhân đạo, thể hiện tình tương thân tương ái trong đời sống cộng đồng. Tuy nhiên, việc này chỉ được cho là hợp pháp, nhân đạo khi tuân thủ theo các nguyên tắc, quy định tại Điều 4 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 là: Hoàn toàn tự nguyện từ người hiến và người được ghép; hoàn toàn vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh (cứu sống người bệnh); phục vụ nghiên cứu khoa học, giảng dạy; tuyệt đối không vì mục đích thương mại, trục lợi. Việc hiến và ghép giữa người cho và người nhận được pháp luật quy định giữ bí mật trừ khi họ tự nguyện cung cấp, chia sẻ thông tin...

Minh Hiền - Huyền Châm
.
.