Giả mạo sàn thương mại điện tử để lừa đảo

Thứ Tư, 22/05/2024, 14:25

Đánh vào lòng tham của người tiêu dùng, hiện nay xuất hiện một số đối tượng giả danh các sàn thương mại điện tử nổi tiếng để đăng tải bán hàng giá rẻ, sau đó bán những sản phẩm kém chất lượng. Mặc dù cơ quan chức năng đã đưa ra cảnh báo nhưng vẫn còn nhiều người dân “sập bẫy” với chiêu trò “bình mới rượu cũ này”.

Đừng mất tiền vì ham giá rẻ

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Minh Quang (Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội), người từng bị ‘hớ” khi mua hàng online cho biết, do có nhu cầu mua sắm một số đồ điện tử của các thương hiệu nổi tiếng, anh đã lên mạng tìm hiểu. Sau khi vào một số fanpage, Facebook cá nhân thì anh nhận được tin nhắn qua Facebook của một người chào bán các sản phẩm điện tử của nhiều thương hiệu lớn.

Giả mạo sàn thương mại điện tử để lừa đảo -0
Cơ quan Công an đọc lệnh khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc của đối tượng Nguyễn Thị Tuyết Dâng.

“Họ gửi cho tôi đường link dẫn đến một trang thương mại điện tử và cho biết các sản phẩm trên gian hàng trực tuyến thường có mức giá cao hơn nhiều, nếu mua qua tin nhắn, chuyển khoản thì giá sẽ rẻ hơn. Sau khi xem qua ảnh, tôi thấy mẫu mã như thật nên đã đặt mua một đơn hàng có giá trị khá lớn. Tuy nhiên, khi nhận hàng, tôi phát hiện đó chỉ là hàng giả, kém chất lượng. Liên lạc lại với tài khoản bán hàng thì đã bị chặn liên lạc. Tôi nghĩ, nếu không có biện pháp ngăn chặn sẽ rất nhiều người bị lừa. Ví dụ như một chiếc điện thoại iPhone 15 Promax trên thị trường có giá khoảng hơn 30 triệu đồng, nhưng trên các sàn thương mại điện tử giả mạo, họ chỉ bán với giá hơn 10 triệu... họ quảng cáo chất lượng như nhau thì ai chả muốn mua”, anh Quang cho hay.

Cùng chung cảnh bị lừa, chị Lê Phương Linh (Kim Bảng, Hà Nam), một người chuyên kinh doanh mặt hàng mỹ phẩm trên mạng. Chị Linh thường xuyên tìm kiếm thông tin sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử để nhập hàng về bán. Tuy nhiên, qua tìm hiểu từ bạn bè, chị Linh cho hay, hiện hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử diễn ra rất nhiều và chủ yếu tập trung ở nhóm hàng mỹ phẩm, công nghệ bởi giá trị rất lớn.

Chị Linh cho biết: “Một số người mua bị lừa vì không am hiểu về sản phẩm, không có cơ sở kiểm chứng và ham giá rẻ rất dễ rơi vào bẫy. Ví dụ combo sản phẩm Vichy kem dưỡng ngừa lão hóa, thâm nám đốm nâu ngày đêm, chính hãng giá khoảng 1 triệu đồng nhưng trên shop online trôi nổi chỉ khoảng 300-400 nghìn đồng. Hay, combo 2 nước tẩy trang bí đao Cocon làm sạch và giảm dầu 500ml, giá chính hãng khoảng 500 nghìn đồng nhưng trên các trang bán hàng không có đăng ký, được chào giá 150 nghìn đồng. Điều khiến nhiều người bị lừa chính là việc quy định của các shop này là không cho kiểm đếm trước khi nhận hàng nên khi nhận sản phẩm về mới biết là mình bị lừa. Đặc biệt, các shop giả mạo thường không có bất kỳ thông tin gì của người bán, khi xảy ra lừa đảo thì người mua không biết kêu ai, chỉ biết ngậm đắng nuốt cay”.

Giả mạo sàn thương mại điện tử để lừa đảo -0
Các đối tượng lừa đảo còn làm giả văn bản của Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh để tạo sự tin tưởng.

Trường hợp của chị Nguyễn Thị Thu (Thanh Trì, Hà Nội) cũng khiến nhiều người hoang mang. Các đối tượng đã lập sàn thương mại điện tử Shopee giả, sau đó nhắn tin cho chị với nội dung: “Shopee xin chúc mừng tài khoản đã may mắn nhận được thẻ quà tặng tiền mặt giá trị 10.000 triệu đồng. Để nhận thưởng xin truy cập vào trang web www.mobilebanking-shopee.vn, chọn đồng ý để xác nhận tài khoản nhận tiền".

Sau khi chị Thu nhập vào đường link trang web trên, chị tiếp tục được cung cấp thông tin đăng nhập tài khoản ngân hàng trực tuyến bao gồm cả mã OTP. “Lúc này, các đối tượng sẽ đăng nhập trực tiếp trên trang web chính thức của hệ thống ngân hàng nhằm chiếm quyền sử dụng tài khoản và lấy tiền của tôi. Cũng may là tài khoản của tôi khi ấy chỉ còn vài triệu đồng, khi thấy báo giao dịch, tôi đã điện cho nhân viên ngân hàng để khóa tài khoản”, chị Thu kể lại.

Chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký

Trước tình trạng này, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, hiện nay, có tình trạng nhiều đối tượng lập tài khoản người bán với thông tin giả trên sàn thương mại điện tử, sau đó giả mạo các cửa hàng, công ty kinh doanh trên thực tế để tạo lòng tin cho khách hàng.

Cùng đó, các đối tượng này sẽ đăng bán các sản phẩm có mức giá rẻ hơn giá niêm yết từ 3-4 lần, kèm thêm thông tin như "giảm giá sốc", "thanh lý xả kho". Đáng lưu ý, hầu hết những mặt hàng này đều có giá trị cao, nhỏ gọn, dễ có hàng giả, hàng nhái như đồ điện tử hay điện thoại di động. Hơn nữa, khi người mua đặt đơn hàng, các đối tượng sẽ được sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin cá nhân của người mua. Do vậy, chúng sẽ sử dụng các phương thức như Zalo, Facebook để chủ động liên lạc, dụ dỗ khách hàng mua các mã giảm giá (voucher) để giao dịch trực tuyến. Bên cạnh đó, nhiều shop đã sử dụng chiêu trò mua đơn để tạo lượt bán ảo cho sản phẩm nhằm “mồi” khách. Kèm theo đó là “đặt hàng” nhiều lượt đánh giá ảo với những lời khen ngợi nhằm dụ người tiêu dùng chốt đơn.

Nhằm hạn chế thực trạng trên, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khuyến cáo, người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công thương. Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin như: Thông tin về chủ sở hữu website (tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế...), thông tin về điều kiện giao dịch chung, các chính sách như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng.

Nếu mua hàng qua các mạng xã hội, người tiêu dùng khi mua hàng hóa cần tuân thủ các quy định (nghĩa vụ của người tiêu dùng) tại Điều 9, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, cụ thể: Kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng...

Ngoài ra, người tiêu dùng cần thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không đảm bảo an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Giả mạo sàn thương mại điện tử để lừa đảo -0
Để dẫn dụ “con mồi” các đối tượng thường xuyên nhắn tin tư vấn để lấy lòng tin.

Gần đây, cơ quan chức năng đã vào cuộc và bắt giữ nhiều trường hợp vi phạm. Đơn cử, vừa qua, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Ngãi liên tiếp nhận được tin báo của người dân về việc bị lừa đảo qua thủ đoạn giả mạo sàn thương mại điện tử, thương hiệu lớn, với số tiền thiệt hại hơn 6 tỷ đồng. Cụ thể, các đối tượng lừa đảo lập các tài khoản mạng xã hội giả mạo sàn thương mại điện tử, thương hiệu lớn như Điện Máy Xanh, Lazada, Shopee..., sau đó chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội để tìm kiếm nạn nhân với những nội dung hấp dẫn như: gửi tin nhắn để được tặng quà miễn phí, tuyển cộng tác viên đánh giá sản phẩm để kiếm tiền, làm việc online tại nhà... Để tạo niềm tin, nhóm lừa đảo trên mạng còn giả mạo công văn của cơ quan nhà nước cho tổ chức sự kiện tri ân khách hàng. Từ đó dẫn dụ nạn nhân gửi tin nhắn để nhận quà miễn phí.

Khi có người tham gia, các nhóm lừa đảo yêu cầu tải ứng dụng, đưa vào nhóm Telegram. Tại đây, có 4-5 người đóng vai thành viên nhóm, nhận nhiệm vụ từ trưởng nhóm để tạo đơn hàng, chuyển khoản thành công và gửi cho chủ nhóm, sau đó nhận tiền gốc, hoa hồng và rút được tiền về tài khoản của mình. Thông tin chuyển khoản với tên chủ tài khoản khiến nạn nhân rất khó nhận diện như: "Điện Máy Xanh", "ĐMX", "CTY TNHH TMCP DTPT DIEN MAY XANH"... Tất cả giao dịch đều được chụp màn hình điện thoại để tạo niềm tin về việc kiếm tiền online dễ dàng.

Nhóm lừa đảo giao "con mồi" chốt đơn hàng giá trị thấp, ngay lập tức nạn nhân nhận tiền gốc và hoa hồng. Khi nạn nhân thực hiện những giao dịch lớn vài chục đến cả trăm triệu thì tiền không về với nhiều lý do. Khi hết sạch tiền, nhóm lừa đảo cắt đứt liên lạc.

Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo khi nhận bất cứ cuộc gọi thông thường hoặc tin nhắn, cuộc gọi trên các nền tảng mạng xã hội thông báo may mắn được nhận quà tặng tri ân, trúng thưởng, cộng tác viên việc nhẹ lương cao... từ các thương hiệu, sàn thương mại điện tử lớn, người dân cần cảnh giác, hỏi rõ về công ty và điện thoại trực tiếp cho đường dây nóng, tổng đài chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp để liên hệ xác minh thông tin. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP, tải các ứng dụng lạ và làm theo yêu cầu của các đối tượng. Trường hợp nghi vấn lừa đảo cần báo ngay cho Cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn, hỗ trợ xử lý kịp thời.

Hay gần đây nhất, vào ngày 11/5, Phòng CSHS phối hợp với Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Cao Bằng và các đơn vị chức năng đã triệt phá nhóm đối tượng có hành vi lừa đảo trên không gian mạng với thủ đoạn giả danh sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee tại tỉnh Cao Bằng và tỉnh Thái Nguyên.

Cụ thể, khoảng tháng 3/2024, các trinh sát nắm được thông tin về một nhóm đối tượng do Nguyễn Thị Tuyết Dâng (SN 1990), trú tại tổ 11, phường Đề Thám, TP Cao Bằng là một trong những đối tượng trong đường dây thực hiện hành vi phạm tội. Thủ đoạn của các đối tượng là giả danh nhân viên sàn thương mại điện tử Shopee tri ân khách hàng để gọi điện mời khách hàng kết bạn Zalo và hướng dẫn thực hiện các giao dịch, sau đó lừa để chiếm đoạt tiền. Lực lượng chức năng xác định, đối tượng này điều hành hai nhóm lừa đảo, một nhóm tại tỉnh Cao Bằng và một nhóm tại tỉnh Thái Nguyên.

Sáng 11/5, Phòng CSHS, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Cao Bằng tiến hành giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Thị Tuyết Dâng, khám xét khẩn cấp chỗ ở và nơi làm việc của đối tượng thuê tại địa chỉ số 366, tổ 5, phường Đề Thám, TP Cao Bằng. Khi lực lượng chức năng tiến hành khám xét, phát hiện tại nhà của Dâng thuê có 12 đối tượng đang kết nối, gọi điện cho nhiều người để thực hiện hành vi phạm tội. Cơ quan điều tra đã thu giữ 17 máy tính xách tay cùng nhiều đồ vật tài liệu có liên quan.

Đồng thời, sáng cùng ngày, tổ công tác của Công an tỉnh Cao Bằng chủ trì phối hợp với các phòng chức năng thuộc Cục CSHS, Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên tiến hành bắt giữ 14 đối tượng tại địa chỉ số nhà 19B, ngõ 021, đường Chu Văn An, TP Thái Nguyên đang có hành vi giả danh sàn thương mại điện tử để gọi điện mời khách hàng tham gia các hoạt động giao dịch nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản tương tự như vụ việc tại Cao Bằng. Qua khám xét khẩn cấp ở Thái Nguyên, lực lượng chức năng đã thu giữ 17 máy tính xách tay cùng nhiều đồ vật, tài liệu có liên quan.

Tại Cơ quan CSĐT, ban đầu đối tượng Dâng khai nhận, trung bình một ngày các đối tượng gọi từ 1.500-2.000 cuộc điện thoại cho khách hàng tại nhiều địa bàn tỉnh, thành trên cả nước để tiếp cận người dân nhằm thực hiện hành vi lừa đảo. Bước đầu, Công an tỉnh Cao Bằng xác định các đối tượng có hành vi sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông để trục lợi và có dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bảo Phương
.
.