Giải mã “quyền lực” thâu tóm gói thầu của Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Thứ Tư, 16/11/2022, 21:00

“Madam Nhàn”, Nguyễn Thị Thanh Nhàn hay Nhàn AIC là cái tên “bảo chứng” cho năng lực trúng thầu các gói thầu liên quan đến cung cấp thiết bị dạy học, trang thiết bị y tế ở nhiều bệnh viện. Nhàn AIC nổi tiếng trong giới khi đã “chấm” gói thầu nào, dù cách thức đấu thầu ra sao thì công ty của Nhàn luôn thắng thầu.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, nhận hối lộ...” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) và các đơn vị liên quan. Từ đây mới có câu trả lời chính thức vì sao Nguyễn Thị Thanh Nhàn có quyền lực thâu tóm các gói thầu như vậy.

Có “công xin vốn” nên xin… trúng thầu

Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được thành lập từ năm 1902. Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định giao Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai làm chủ đầu tư dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh  Đồng Nai, quy mô 700 giường giai đoạn 1, phát triển lên 1.400 giường trong tương lai. Sau nhiều lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư của dự án lên đến 2.076 tỉ đồng, trong đó chi phí thiết bị là 1.009 tỉ đồng. Dự án khởi công tháng 12/2008, hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 4/2015.

Giải mã “quyền lực” thâu tóm gói thầu của Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn -0
Giải mã “quyền lực” thâu tóm gói thầu của Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn -1
Cơ quan tố tụng khám xét trụ sở AIC.

AIC là doanh nghiệp được cổ phần hóa từ Trung tâm Xuất khẩu lao động Tralacen thuộc Công ty Xây dựng và Thương mại, sau chuyển thành Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại của Bộ Giao thông - Vận tải. AIC mở rộng lĩnh vực kinh doanh và trở thành một tập đoàn đa ngành hoạt động trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, công nghệ. Bà Nhàn là Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc của AIC.

Từ năm 2003, bà Nhàn đã tiếp cận và đặt mối quan hệ quen biết với ông Trần Đình Thành khi ông đang là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. Đến năm 2007, trước khi UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, thông qua ông Thành, bà Nhàn làm quen với lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở. Sau đó, bà Nhàn và Hoàng Thúy Nga (cấp dưới của Nhàn) nhiều lần gặp gỡ ông Thành, đề nghị tạo điều kiện để Công ty AIC tham gia đấu thầu và trúng các gói thầu mua sắm thiết bị tại dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai.

Năm 2010, khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai chuẩn bị thực hiện các thủ tục để bổ sung danh mục trang thiết bị y tế vào dự án, bà Bồ Ngọc Thu (Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai) báo cáo ông Thành về việc khó khăn trong nguồn vốn bố trí cho phần thiết bị bổ sung. Ông Thành điện thoại cho bà Nhàn đề nghị giúp Đồng Nai xin vốn Trung ương hỗ trợ cho dự án bệnh viện và được bà Nhàn đồng ý.

Trước khi UBND tỉnh ra quyết định bổ sung chi phí trang thiết bị y tế vào dự án (tháng 7/2010), ông Thành đã giới thiệu Công ty AIC với Phan Huy Anh Vũ (Giám đốc Bệnh viện Đồng Nai) và giao ông Vũ tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu các gói thầu bán thiết bị cho dự án. Theo lời của ông Thành, Công ty AIC là một công ty lớn, có uy tín, có nhiều mối quan hệ với các ban, ngành ở Trung ương, có công xin vốn cho tỉnh.

Giải mã “quyền lực” thâu tóm gói thầu của Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn -0
Các bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trần Đình Thành và Đinh Quốc Thái.

Can thiệp từ khâu làm giá đến quá trình đấu thầu

Đầu năm 2013, khi bệnh viện được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận cho thuê đơn vị tư vấn điều chỉnh danh mục cho phù hợp với tình hình thực tế, thông qua giới thiệu của bà Nhàn, ông Vũ đã chỉ định Công ty Mediconsult do Nguyễn Thị Dung làm Tổng Giám đốc ký hợp đồng thực hiện tư vấn điều chỉnh danh mục thiết bị y tế chuyên môn, lập hồ sơ mời thầu (HSMT) và đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT).

Tiếp đó, Hoàng Thị Nga chỉ đạo nhân viên Công ty AIC phối hợp với lãnh đạo, nhân viên Công ty Mediconsult làm việc với các phòng, ban của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để từ đó đề xuất các cấp phê duyệt điều chỉnh dự án. Các hạng mục thiết bị đều do phía Công ty AIC đề nghị, thu thập báo giá gửi cho Công ty Mediconsult làm căn cứ tư vấn cho Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai trình UBND tỉnh Đồng Nai điều chỉnh dự án. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ra quyết định điều chỉnh danh mục thiết bị y tế, quyết định phê duyệt các kế hoạch đấu thầu.

Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, bà Nhàn, bà Nga chỉ đạo nhân viên liên hệ các hãng, các đơn vị cung cấp để thu thập thông tin, giá sản phẩm đầu vào, lợi nhuận dự kiến, làm cơ sở cho bà Nhàn, bà Nga phê duyệt giá đầu ra, bán vào bệnh viện. Thông qua ông Vũ, bà Nga gặp ông Nguyễn Công Tiến, Tổng Giám đốc Công ty thẩm định giá Thế hệ mới để cung cấp các báo giá thẩm định theo giá định hướng của Công ty AIC.

Theo chỉ đạo của bà Nhàn, bà Nga, toàn bộ các báo giá làm căn cứ thẩm định giá đều nâng khống từ 1,3-2 lần so với giá đầu vào. Từ đó, căn cứ chứng thư thẩm định giá, ông Vũ đại diện chủ đầu tư ký phê duyệt dự toán các gói thầu theo giá đã được Công ty AIC thông đồng với đơn vị thẩm định giá nâng giá, sử dụng làm căn cứ lập và phê duyệt HSMT.

Quá trình tham gia đấu thầu, bà Nhàn chỉ đạo thuộc cấp điều chỉnh làm đẹp hồ sơ, đảm bảo Công ty AIC đủ năng lực tham gia đấu thầu theo quy định của HSMT. Đồng thời, bà Nhàn chỉ đạo cấp dưới mua HSMT, lập HSDT cho cả công ty “quân chính” và công ty “quân xanh”, nhờ nhân viên các công ty nộp HSDT cho đủ số lượng theo quy định. Thực tế chỉ các công ty được xác định trúng thầu như AIC, BMS, Thành An Hà Nội và TNT thì bộ phận lập hồ sơ đưa ủy quyền bán hàng, bảo hành của hãng vào hồ sơ để đảm bảo trúng thầu, còn các công ty làm “quân xanh” thì nhân viên Công ty AIC làm HSDT không có giấy ủy quyền của hãng, không có bảo hành để không đủ điều kiện trúng thầu.

Giải mã “quyền lực” thâu tóm gói thầu của Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn -0
Kho đồ hiệu trong trụ sở công ty AIC.

Kết quả, Công ty AIC và các công ty do AIC chỉ định tham gia 16 gói thầu và trúng toàn bộ 16 gói. Trong đó Công ty AIC đứng tên trúng thầu 12 gói thầu với tổng trị giá 477 tỉ đồng. Còn 4 gói thầu, để tránh việc Công ty AIC trúng tất cả các gói thầu tham gia, bà Nhàn chỉ đạo bà Nga liên hệ để nhân viên AIC lập hồ sơ cho Công ty Thành An Hà Nội trúng 2 gói thầu, BMS trúng 1 gói, TNT trúng 1 gói. Sau khi trúng thầu, được chủ đầu tư thanh toán, các công ty trên chuyển tiền lại cho Công ty AIC, toàn bộ hoạt động giao hàng, quản lý dự án đều do nhân viên của Công ty AIC thực hiện.

Dùng tiền để “điều khiển” cán bộ

Nguyễn Thị Thanh Nhàn nổi tiếng trong giới kinh doanh là người có “quan hệ rộng” và rất “chịu chơi”, “chịu chi”, phóng khoáng trong việc “quà cáp” trước khi giao dịch.

Khám xét trụ sở Công ty AIC, cơ quan tố tụng choáng ngợp vì hệ thống két sắt được trang bị dày đặc trong phòng làm việc của tất cả các phòng ban, trang bị cho tất cả nhân viên tại công ty. Bên cạnh đó, tại trụ sở công ty còn có một kho sản phẩm thuộc hàng xa xỉ phẩm chưa bóc tem được cất giữ. Đây là kho hàng để bà Nhàn đem quà đi biếu các mối quan hệ.

Giải mã “quyền lực” thâu tóm gói thầu của Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn -0
Dự án bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai.

Bà Nhàn thành lập Ban Thư ký tài chính do Nguyễn Thị Thu Phương (hiện đã xuất cảnh khỏi Việt Nam) làm Trưởng ban, có chức năng thực hiện việc thu chi đối ngoại theo chỉ đạo của Nhàn và đều có ghi chép sổ sách, cập nhật trên máy tính riêng của ban nhưng không hạch toán kế toán Công ty AIC.

Nguồn tiền Ban Thư ký tài chính có được là từ các công ty hợp tác chuyển về do ký các hợp đồng mua bán hàng hóa để nâng giá trị, sau đó rút tiền chuyển về nhập quỹ của ban. Tổng số tiền chuyển vào 5 tài khoản tại 3 ngân hàng của ban này lên đến hơn 495 tỉ đồng. Mọi thu chi của ban không hạch toán vào phần mềm kế toán của AIC. Số tiền mà bà Nhàn mang đi hối lộ quan chức đều lấy từ quỹ của ban này.

Chỉ riêng tại dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, bà Nhàn đã trực tiếp và chỉ đạo cấp dưới đưa hối lộ 44,8 tỉ đồng. Trong đó, hối lộ cho ông Thành 14,5 tỉ đồng, ông Đinh Quốc Thái (cựu Chủ tịch UBND tỉnh) 14,5 tỉ đồng và cựu Giám đốc Sở Y tế 14,8 tỉ đồng...

Việc đưa hối lộ của bà Nhàn diễn ra từ năm 2010 đến tận năm 2021. Những lần đưa và nhận hối lộ này đều diễn ra tại trụ sở Công ty AIC hoặc Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai, thậm chí ngay tại phòng của cựu bí thư, cựu chủ tịch. Các lần đưa hối lộ của Nhàn diễn ra trong các dịp lễ, tết của dân tộc với lí do Nhàn đưa ra rất “thấu tình đạt lý”: “Anh cứ yên tâm, đây là tiền riêng của cá nhân em biếu cho anh để chi tiêu...”. Thậm chí, nhiều quan chức khi đã nghỉ hưu vẫn được bà Nhàn tặng “quà”.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị VKSND Tối cao truy tố 36 bị can về 5 nhóm tội danh: Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị đề nghị truy tố về 2 tội danh: “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị can Trần Đình Thành, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai và Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai bị đề nghị truy tố về tội “Nhận hối lộ”.

Hiện, Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 7 bị can khác trong vụ án đang bỏ trốn. Dù vậy, cơ quan điều tra cho rằng vẫn có đủ cơ sở để đề nghị truy tố đối với các bị can.

Kim Sa
.
.