Hạ màn vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền "khủng"

Thứ Hai, 18/04/2022, 21:14

Đây là vụ án kéo dài nhiều năm với nhiều đối tượng dùng những thủ đoạn tinh vi, lập hàng trăm hồ sơ vay vốn khống để chiếm đoạt số tiền “khủng”...

"Đại gia" ngành cá tra bất ngờ đi nước ngoài, nông dân khóc ròng

Cách đây gần 10 năm, người dân nuôi cá tra tỉnh An Giang và khu vực lân cận ký hợp đồng bán cá cho Công ty CP Việt An (trụ sở phường Mỹ Thới, TP Long Xuyên, An Giang) do Lưu Bách Thảo làm Tổng Giám đốc, với số lượng lớn để đơn vị này chế biến xuất khẩu sang Mỹ và các nước châu Âu.

Theo hợp đồng ký kết, sau khi nông dân giao cá, Công ty Việt An sẽ trả đủ tiền trong vòng 1 tháng. Thế nhưng, cuối tháng 4-2014, phía Công ty Việt An sau khi nhận đủ hàng đã bội tín, chiếm dụng hết số tiền bán cá của người dân.

Hạ màn vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền
Bị can Ngô Văn Thu tại thời điểm bị bắt giữ.

Một thời gian ngắn sau đó, đại diện Công ty Việt An bất ngờ thông báo với người nuôi cá là ông Lưu Bách Thảo đột ngột đi nước ngoài và lúc này công ty đang nợ 1.800 tỷ đồng (trong đó bao gồm nợ các đơn vị tín dụng và nợ người nuôi cá). Mặc dù người dân đã nhiều lần tìm đến Công ty Việt An nhưng vẫn chưa được hoàn trả số tiền nợ.Nhiều hộ nuôi phải bỏ nuôi, lâm cảnh điêu đứng. Các hộ nuôi cá tra bị Công ty Việt An nợ tiền cho biết, dù đã nhiều lần họp bàn cách giải quyết nhưng phía công ty vẫn chây ỳ, thanh toán nợ theo dạng nhỏ giọt, khiến hàng chục hộ nông dân vô cùng bức xúc.

Ông Cao Lương Tri (ngụ xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên) - một trong những hộ bán cá cho Công ty Việt An bức xúc: “Tôi có 8 hợp đồng giao hơn 3.000 tấn cá cho Anvifish nhưng chỉ 4 hợp đồng được trả tiền. Ông Lưu Bách Thảo bỏ trốn ra nước ngoài đã giật của tôi số tiền 37 tỷ đồng, khiến gia đình tôi lâm cảnh nợ nần bủa vây, không còn vốn để tái sản xuất”. Ông cho biết thêm, để có được số cá thương phẩm giao cho Công ty Việt An, gia đình ông đã phải vay 25 tỷ đồng từ việc thế chấp 10ha đất để phục vụ cho việc nuôi cá. Nay, không còn vốn tái nuôi cá, đồng thời ông Tri phải trả lãi ngân hàng hằng tháng lên đến hàng trăm triệu đồng.

Sau khi ông Lưu Bách Thảo trốn đi nước ngoài, tháng 11-2014, ông Ngô Văn Thu được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Công ty Việt An.

Hạ màn vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền
Nhà xưởng của Công ty Việt An.

Lập nhóm công ty gia đình làm giả hồ sơ vay vốn

100 hồ sơ vay vốn còn dư nợ tại Vietcombank An Giang của 3 công ty: Công ty Việt An, Công ty Bình Minh, Công ty Minh Giàu đều là chứng từ giả mạo, ghi doanh số mua bán cá tra, thức ăn thủy sản không có thật. Việc này, do Lưu Bách Thảo chỉ đạo nhóm công ty gia đình lập hồ sơ, chứng từ khống để sử dụng làm điều kiện vay vốn tại Vietcombank An Giang. Trong đó, có sự giúp sức của giám đốc, nhân viên Công ty Bách Phúc và Công ty Việt Hưng để lập hợp đồng, xuất hóa đơn, chính từ giả mạo, ghi doanh số không có thực... Quá trình thực hiện cho vay đối với các hồ sơ trên, cán bộ Vietcombank An Giang đã tin tưởng, không kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp của hồ sơ, chứng từ rút vốn trước khi giải ngân, hiện còn dư nợ hơn 600 tỷ đồng.

Kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh An Giang và giám định viên Bộ Tài chính thể hiện, nhiều chứng từ, phiếu thu, phiếu chi, phiếu nhập kho, phiếu xuất kho, phiếu nhập kho được lập không đúng quy định của Luật Kế toán. Có dấu hiệu tẩy xóa, sửa chữa, cắt ghép, không có chữ ký, dấu móc đầy đủ...

Ngô Văn Thu được xác định giữ vai trò chính cùng với Lưu Bách Thảo điều hành, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của Công ty Việt An, chi phối, ảnh hưởng hoạt động của các công ty trên và chỉ đạo nhân viên lập hồ sơ, chứng từ khống vay vốn. Riêng Thu đã trực tiếp ký 16 hợp đồng khống mua bán cá với các nhân viên công ty và các hộ dân, 2 hợp đồng mua bán cá với Công ty Bách Phúc, 1 hợp đồng mua bán cá với Công ty Việt Hưng, ký 48 giấy nhận nợ liên quan Phụ lục 8 và Phụ lục 9 Hợp đồng 245 còn dư nợ tại Vietcombank An Giang hơn 375 tỉ đồng.

Toàn bộ số tiền mà Vietcombank An Giang giải ngân, được Công ty Việt An đem trả nợ ngân hàng, nợ tiền mua cá tra của người dân và các khoản nợ khác theo chỉ đạo của Thảo và Thu. Việc giao nhận tiền mặt giữa các cá nhân và chi trả các khoản nợ không có chứng từ và không hạch toán vào sổ sách của công ty. Nhiều hộ dân nuôi cá tra, là chủ nợ của Công ty Việt An bức xúc, cùng là bán cá cho công ty bị giật tiền nhưng một số người có “mối quan hệ đặc biệt” nên được Công ty Việt An trả hết. Còn hàng chục hộ dân khác, được Công ty Việt An trả nhỏ giọt, khiến người nuôi cá trăm bề khổ...

Tháng 5-2017, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về cho vay  trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau thời gian điều tra, xác minh, đến tháng 6-2021, Lưu Bách Thảo, Ngô Văn Thu cùng các đồng phạm lần lượt bị khởi tố, bắt tạm giam.

Cuối tháng 3-2022, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang đã ban hành cáo trạng truy tố 11 bị can về tội “Lừa chiếm đoạt tài sản”. Các bị can gồm Lưu Bách Thảo, Ngô Văn Thu, Nguyễn Thanh Hùng (Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Bình Minh), Trương Minh Giàu (Giám đốc Công ty TNHH Minh Giàu), Nguyễn Viết Tuyên (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng An Giang) và Lưu Bá Phúc (Giám đốc Công ty TNHH Bách Phúc). Các bị can khác là kế toán các công ty gồm: Nguyễn Thị Huyền (nguyên kế toán trưởng Công ty Việt An), Nguyễn Thị Thu Hằng (nguyên kế toán trưởng Công ty Bách Phúc), Huỳnh Thị Minh Trâm (nguyên kế toán Công ty Bình Minh), Huỳnh Thị Thơ Đào (nguyên kế toán trưởng) và Tống Duy Khương (nguyên kế toán Công ty TNHH Việt Hưng An Giang).

Hạ màn vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền
Quyết định truy nã đối với bị can Lưu Bách Thảo.

Làm rõ các hành vi, người tham gia

Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang đã xác định các cá nhân nguyên là ban giám đốc, lãnh đạo, cán bộ Phòng Khách hàng, Phòng Quản lý nợ của Vietcombank An Giang có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng trong tiếp nhận, thẩm định, duyệt ký các hợp đồng tín dụng nêu trên để các công ty chiếm đoạt tài sản chi vào mục đích khác dẫn đến không có khả năng hoàn trả, gây thất thoát tài sản của Nhà nước. Để xảy ra vụ án còn phải kể đến sự buông lỏng quản lý, không kiểm tra, vi phạm quy định, quy trình công tác của cán bộ, lãnh đạo Vietcombank An Giang đã tạo điều kiện cho các bị can chiếm đoạt số tiền lớn, không còn khả năng chi trả, gây thất thoát tài sản nhà nước. Cáo trạng còn nhận định một số cán bộ, nhân viên ngân hàng đã thiếu kiểm tra, thẩm định hồ sơ rút vốn sơ sài, có dấu hiệu lỏng lẻo để cho khách hàng sử dụng hồ sơ bản photo vay vốn rút tiền rồi chiếm đoạt; không đăng ký giao dịch bảo đảm tài sản thế chấp là sai trái.

Tuy nhiên, kết quả điều tra chưa đủ căn cứ xác định những người này vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra, xử lý sau.

Đối với các hợp đồng tín dụng được ký kết giữa Công ty Việt An, Công ty Bình Minh, Công ty Minh Giàu với Vietcombank An Giang, kết luận giám định của giám định viên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định, Vietcombank An Giang thực hiện đúng quy định của pháp luật trong khâu xét duyệt cho vay, thực hiện đúng quy định về nhận tiền và kiểm tra các căn cứ phát tiền vay. Tuy nhiên, việc nhận và kiểm tra các căn cứ phát tiền vay của Công ty Việt An và Công ty Minh Giàu chưa tuân thủ đầy đủ tác nghiệp so với quy định nội bộ của Vietcombank. Đó là thông báo tác nghiệp đủ điều kiện rút vốn cho mỗi lần giải ngân không ghi nhận đầy đủ giấy tờ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay. Chưa thực hiện đầy đủ quy định nội bộ của Vietcombank trong việc “lập kế hoạch kiểm tra, giám sát tín dụng, trong đó xác định lịch kiểm tra, phương thức kiểm tra và văn bản, giấy tờ cần thiết lập hoặc sao chụp theo quy định”. Trách nhiệm này thuộc về cán bộ, lãnh đạo Phòng Khách hàng và Phòng Quản lý nợ.

Hạ màn vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền
Các đối tượng bị bắt giữ, truy tố.

Đối với cán bộ ngân hàng, trong quá trình tác nghiệp cho vay đối với 3 công ty nói trên, tại thời điểm kiểm tra hồ sơ không phát hiện hồ sơ lập khống, hồ sơ giả mạo. Tuy nhiên, trong quá trình tác nghiệp cũng có sai sót trong soạn thảo hợp đồng cho vay theo hạn mức không đúng theo mẫu. Việc cho khách hàng rút vốn trước, nợ chứng từ vay vốn bổ sung sau là không đúng theo quy định.

Liên quan đến sai phạm trên, năm 2015, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Vietcombank Việt Nam, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang, Đảng ủy Khối doanh nghiệp đã ra quyết định xử lý kỷ luật với các hình thức: Cách chức; cảnh cáo; kéo dài thời hạn nâng lương đối với các ông/bà: Nguyễn Văn Lập - nguyên Giám đốc, Trương Thị Thanh Xuân - nguyên Phó Giám đốc, Liệt Lâm - nguyên Trưởng phòng, Quách Bảo Nguyên - nguyên Phó phòng và Bùi Hữu Quốc - cán bộ Phòng Khách hàng thuộc Vietcombank An Giang. Còn Nguyễn Hữu Tính - nguyên Giám đốc phụ trách Phòng Khách hàng, Nguyễn Tấn Triều - nguyên Phó trưởng Phòng Khách hàng và Võ Đan Vân - cán bộ Phòng Khách hàng chưa bị xử lý. Riêng bị can Lưu Bách Thảo đã bỏ trốn, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang đã ra quyết định truy nã đối với Thảo.

Trần Lĩnh
.
.