Hàng nghìn khối cát bị khai thác lậu trên vùng biển Cần Giờ như thế nào?
Một đường dây khai thác cát lậu lớn tại khu vực Cồn Ngựa thuộc vùng biển Cần Giờ (huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh) vừa bị Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) phát hiện, bắt giữ với tang vật thu giữ khi bắt quả tang là hơn 7.468 m3 cát. Để triệt phá đường dây này, Ban Chuyên án đã mất nhiều tháng triển khai trinh sát...
Lần theo dấu vết đường dây cát lậu
Cuối năm 2021, qua công tác nắm địa bàn, Thủy đoàn II thuộc Cục CSGT (Bộ Công an) đã phát hiện việc khai thác cát trái phép tại vùng biển Cần Giờ. Lãnh đạo Thủy đoàn II và Phòng 10 đã chỉ đạo trinh sát nắm thông tin, tài liệu về các đối tượng khai thác, mua bán cát trái phép.
Tiến hành xác minh vụ việc vi phạm rất phức tạp, có nhiều đối tượng tham gia, hoạt động tinh vi câu kết thành đường dây, có sự phân công cụ thể từng công đoạn, như: đối tượng tổ chức khai thác, quản lý, trực tiếp khai thác; đối tượng mua bán vận chuyển cát, cho thuê tàu… Chúng lập nhóm Zalo để tổ chức điều hành đi hút cát trái phép. Ban Chỉ huy Thủy đoàn II báo cáo, đề xuất lãnh đạo Cục CSGT chỉ đạo xác lập chuyên án để triệt phá tụ điểm tổ chức khai thác cát trái phép trên tuyến ven biển khu vực Cồn Ngựa huyện Cần Giờ, địa bàn giáp ranh giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang.
Ngày 10-12-2021, Cục trưởng Cục CSGT ký duyệt Ban Chuyên án và phân công Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng là Trưởng ban Chuyên án; Trung tá Tô Quang Minh, Thủy đoàn trưởng Thủy đoàn II là Phó ban Chuyên án. Trung tá Tô Quang Minh cho biết, quá trình trinh sát gặp rất nhiều khó khăn.
Ngoài việc bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thủy văn, thời tiết (cửa biển nơi có sóng to, gió, mưa lớn, bề mặt nước rộng, tầm nhìn ban đêm bị hạn chế...), còn có sự đeo bám của các đối tượng khai thác cát trái phép. Đối tượng thuê tàu đánh cá của ngư dân, bố trí người canh gác, cảnh giới gần khu vực khai thác, khi có dấu hiệu nghi ngờ lực lượng chức năng kiểm tra sẽ thông báo qua nhóm Zalo hoặc điện thoại, nhắn tin cho đồng bọn lẩn trốn. Khi sử dụng các phương tiện tàu dân sinh tiếp cận nắm tình hình, các đối tượng cho người lên dò hỏi thông tin xem đó có phải là lực lượng chức năng đi kiểm tra hay không? Việc bảo đảm an toàn thông tin, lực lượng tiếp cận rất quan trọng để không đánh động các đối tượng.
Sau thời gian dài trinh sát, Ban Chuyên án đã xác định nhóm đối tượng khai thác có từ 10 đến 12 phương tiện, hoạt động không theo thời gian cố định. Mỗi phương tiện khi khai thác cát trái phép xong sẽ di chuyển đến điểm neo đậu để bán sang mạn cho phương tiện khác hoặc trực tiếp bơm hút lên bến bãi trên bờ. Các phương tiện hút hoạt động tại các địa bàn trống trải, ven biển, giáp ranh giữa nhiều địa phương để dễ dàng quan sát, thay đổi cách thức vi phạm khi thấy lực lượng chức năng kiểm tra. Bọn chúng sử dụng phương tiện trọng tải, công suất lớn, trên phương tiện lắp nhiều thiết bị bơm hút công suất cao, có thể vừa di chuyển vừa thực hiện hút cát từ lòng biển vào khoang tàu. Việc thả hoặc rút vòi hút từ lòng biển lên phương tiện diễn ra rất nhanh do có lắp đặt hệ thống tời công suất lớn. Để đấu tranh, làm rõ hành vi khai thác cát trái phép, đòi hỏi phải bắt quả tang hành vi khai thác.
Đầu tháng 5-2022, nhận thấy thời cơ đấu tranh, triệt phá đường dây, bắt giữ các đối tượng đã đến, Ban Chuyên án đề xuất đồng chí Trưởng ban Chuyên án trực tiếp chỉ đạo thực hiện phá án.
Phá án…
23h45’ ngày 5-5-2022, dưới sự chỉ đạo của Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục CSGT, Trưởng ban Chuyên án, Trung tá Tô Quang Minh trực tiếp chỉ đạo Thủy đoàn II cùng Phòng 10 (Cục CSGT), Trung đoàn CSCĐ Đông Nam TP Hồ Chí Minh (Bộ Tư lệnh CSCĐ), các lực lượng nghiệp vụ của Bộ Công an phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh, chia thành nhiều tổ công tác đồng loạt tấn công, bắt giữ 16 phương tiện thủy (12 phương tiện có lắp thiết bị bơm hút cát, 3 phương tiện vận chuyển, 1 phà bơm) với 64 đối tượng đang khai thác, mua bán, vận chuyển cát, sỏi trái phép trên tuyến ven biển Cồn Ngựa, giáp ranh giữa các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang. Đồng thời, tổ chức một mũi kiểm tra bãi cát Ngọc Thảo (xã Long An, huyện Cần Giuộc, Long An).
Tại thời điểm kiểm tra, các phương tiện đã khai thác trái phép khoảng 7.468 m3 cát. Ngay sau khi bắt giữ các đối tượng, Ban Chuyên án tập trung đấu tranh, làm rõ các hành vi vi phạm của các đối tượng ngay trong đêm. Trong đó tập trung đấu tranh, làm rõ hành vi khai thác cát trái phép trên các phương tiện có lắp thiết bị bơm hút. Bằng kinh nghiệm thực tế và tài liệu trinh sát, Trung tá Tô Quang Minh trực tiếp đấu tranh, buộc các đối tượng phải thừa nhận hành vi khai thác cát trái phép.
Hiện đủ căn cứ xác định nhóm đối tượng do Trương Văn Chinh (SN 1985, ngụ tỉnh Hải Dương) cầm đầu. Đêm 5-5, Chinh chỉ đạo 9 phương tiện khai thác trái phép tổng khối lượng 6.630m3 cát. Các đối tượng còn khai nhận, trước đó đã thực hiện 75 lượt khai thác cát trái phép với khối lượng trên 72.000 m3 cát, sau đó bán lại cho Võ Thanh Tâm (SN 1980, ngụ xã Phước Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An). Tâm chỉ đạo 7 tàu nhận cát sang mạn từ các phương tiện trên đem đi bán lại cho bãi cát Ngọc Thảo do Huỳnh Ngọc Thảo làm chủ bãi ở Ấp 1, xã Long An, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Tâm và Thảo khai nhận, từ 12-2 đến 5-5-2022 đã mua, bán 58 chuyến với tổng khối lượng cát là 53.980 m3 với số tiền 5,302 tỷ đồng. Đối tượng Cao Văn Huy (SN 1992, ngụ tỉnh Nam Định) chỉ đạo 2 phương tiện đã hút tổng khối lượng cát trái phép vào đêm 5-5, rạng sáng 6-5 là 572,84 m3. Đối tượng Trần Văn Hoản (SN 1993, ngụ tỉnh Nam Định) chỉ đạo 1 phương tiện hút cát trái phép, tổng khối lượng cát đã khai thác vào đêm ngày 5-5, rạng sáng 6-5 là 265,36 m3…
Theo Trung tá Tô Quang Minh, đây là vụ việc phức tạp, nghiêm trọng, với sự tham gia của nhiều đối tượng, có sự câu kết, móc nối giữa các đối tượng khai thác cát trái phép và đối tượng tiêu thụ cát khai thác trái phép. Hình thức hoạt động tinh vi, lợi dụng đêm tối, địa bàn giáp ranh, nơi có bề mặt nước rộng, trống trải để dễ dàng hoạt động và bỏ trốn khi lực lượng chức năng kiểm tra. Các đối tượng bố trí nhiều lực lượng cảnh giới cả trên mặt nước lẫn trên đất liền, sẵn sàng thông báo cho đồng bọn để tẩu tán tang vật hoặc lẩn trốn khi có lực lượng chức năng tiếp cận; một số phương tiện vừa di chuyển vừa thả “vòi bạch tuộc” xuống đáy biển để hút cát.
Khi lực lượng chức năng kiểm tra bắt giữ thì chối bỏ hành vi khai thác, chỉ thừa nhận hành vi vận chuyển cát không rõ nguồn gốc; một số đối tượng có biểu hiện manh động, sẵn sàng chống đối, chống trả, không hợp tác, không phối hợp với lực lượng chức năng; sẵn sàng nhấn chìm tàu hút và bơm cát nhằm tẩu tán tang vật, gây nguy hiểm đến tính mạng của CBCS tham gia bắt giữ; gây khó khăn cho quá trình đấu tranh, triệt phá. Các đối tượng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian dài (từ đầu tháng 2-2022 cho đến 5-5-2022), ảnh hưởng trực tiếp đến dòng hải lưu trên tuyến ven biển; gây mất TTATGT; làm thất thoát tài nguyên, thất thu thuế của Nhà nước. Ước tính mỗi đêm các đối tượng khai thác được số cát trị giá từ 1-1,5 tỷ đồng; gây dư luận xấu trong nhân dân.
Đây là Chuyên án điển hình được coi là lớn nhất từ trước đến nay và bài bản nhất trong đấu tranh, xử lý đối với hành vi khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi trái phép trên đường thủy nội địa của Cảnh sát đường thủy. Vụ việc được phát hiện, điều tra cơ bản, nắm tình hình, sau đó xác lập chuyên án trinh sát đấu tranh, kết thúc đấu tranh chuyên án đã bắt giữ được các đối tượng chủ mưu, cầm đầu.
Chuyên án đã làm rõ được đường dây, hành vi vi phạm của các đối tượng; bắt giữ các đối tượng khai thác cát trái phép; làm rõ được các hành vi mua bán, vận chuyển, tiêu thụ cát do khai thác trái phép.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ từ Ban Chuyên án, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam 3 đối tượng cầm đầu, gồm: Trương Văn Chinh (cầm đầu); Trương Văn Thắng (SN 1985, ngụ tỉnh Hải Dương) và Vũ Ngọc Đại (SN 1976, ngụ tỉnh Bình Phước) về hành vi “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”.