Hành trình bắt đối tượng lừa đảo 8 tỷ đồng từ một đường link
Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa phá thành công nhiều vụ án, chuyên án, bắt giữ các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet. Trong đó, có vụ bắt đối tượng lừa đảo tới 8 tỷ đồng từ một đường link.
Bỗng dưng mất tiền
Trong đơn trình báo gửi đến Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm (PCTP) sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, bà H cho biết, ngày 8-3-2021, điện thoại của bà nhận được một tin nhắn từ số điện thoại 0397.1577.XXX với dòng thông báo: “WESTERN UNION TB VCB: 0161371170XXX + 23.000.000” kèm nội dung ghi “Tiền ủng hộ”. Tiếp đó, bà H nhận được một tin nhắn khác kèm đường link với nhiều ký tự dài.
Chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra thì bà H tiếp tục nhận được cuộc gọi từ số điện thoại trên. Ở đầu dây bên kia, chủ thuê bao số điện thoại thông báo vừa chuyển cho bà H số tiền 23 triệu đồng qua tài khoản và yêu cầu bà H kích vào đường link đã gửi trong tin nhắn để nhận tiền.
Do trước đó thường làm từ thiện và thường nhận được sử ủng hộ của nhiều người, vì thế bà nghĩ lần này có người chuyển tiền ủng hộ các hoàn cảnh khó khăn như mọi khi, bà H không nghi ngờ và làm theo. Tuy nhiên, sau khi kích vào đường link mà đối tượng cung cấp, chỉ ít phút sau, tài khoản ngân hàng của bà H liên tục bị trừ tiền. Tổng số tiền mà bà H bị đối tượng chiếm đoạt lên đến 537 triệu đồng.
Thiếu tá Trần Ngọc Tuấn, Đội trưởng thuộc Phòng An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao cho biết, sau khi thực hiện hành vi lừa đảo bà H, để tránh bị theo dõi, đối tượng đã tiêu hủy toàn bộ sim, điện thoại, tài khoản, nội dung tin nhắn và thay đổi nơi ở. Từ một số dấu vết để lại, Ban chuyên án xác định khu vực đối tượng gây án tại nhà nghỉ T.L có địa chỉ ở thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị). Một tổ công tác được cử lên đường ra Quảng Trị để xác minh. Thời điểm này, do dịch COVID-19 nên nhà nghỉ đóng cửa, công tác xác minh lại đi vào bế tắc. Ban chuyên án tiếp tục triển khai trinh sát thì phát hiện gần nhà nghỉ T.L có một quán Internet và có một nhóm đối tượng thường hay lui tới. Tại đây, bằng biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát thu thập được đường link được sử dụng để lừa bị hại. Từ đây, manh mối dần được hé mở. Ban chuyên án xác định danh tính đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo bà H chính là Lê Thanh Phụng (SN 2003, trú tại phường 3, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị). Tuy nhiên lúc này đối tượng đã rời địa phương vào tỉnh Gia Lai lẩn trốn.
Ban chuyên án tiếp tục cử một tổ trinh sát vào Tây Nguyên truy bắt đối tượng Phụng. Sau nhiều ngày bám địa bàn truy tìm dấu vết, được sự giúp đỡ của các đơn vị nghiệp vụ và công an địa phương, đến cuối tháng 9-2021, Ban chuyên án đã bắt giữ được đối tượng Lê Thanh Phụng và di lý đối tượng về Huế để điều tra làm rõ.
Chân dung kẻ lừa đảo
Thượng tá Mai Văn Toàn, Trưởng phòng An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao cho biết, dù tuổi đời còn trẻ nhưng Phụng có 2 tiền sự về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy và rất liều lĩnh. Để thực hiện hành vi lừa đảo, Phụng lập tài khoản Facebook ảo mang tên “Tommy Le” rồi tham gia vào các hội, nhóm đạo, đồng thời kết bạn với các linh mục, các sơ và từ đó làm quen với nhiều người trong những hội, nhóm này. Qua các cuộc trò chuyện trên mạng xã hội, Phụng tìm hiểu và chọn những người có điều kiện kinh tế khá giả, hoặc những người thường làm từ thiện, giúp đỡ các mảnh đời có hoàn cảnh khó khăn để giăng bẫy lừa đảo. Khi nhắm được “con mồi”, Phụng bắt đầu nhắn tin, gọi điện nói chuyện rồi ngỏ ý muốn chuyển tiền làm từ thiện.
Sau nhiều lần liên lạc và thấy nạn nhân tin tưởng, Phụng gửi tin nhắn thông báo đã chuyển tiền làm từ thiện, đồng thời gửi link đề nghị các nạn nhân đăng nhập, cung cấp các thông tin để nhận tiền. Lúc này, tất cả thông tin liên quan tài khoản ngân hàng của nạn nhân được gửi về tài khoản email do Phụng quản lý. Có được thông tin, Phụng sử dụng đăng nhập vào tài khoản ngân hàng để thực hiện lệnh chuyển tiền.
“Tuy nhiên, do hệ thống ngân hàng có bảo mật bằng Smart OTP trên điện thoại di động nên lệnh chuyển tiền không thực hiện được. Lúc này Phụng tiếp tục yêu cầu nạn nhân thực hiện hủy Smart OTP trên điện thoại để dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng”, Thượng tá Mai Văn Toàn cho hay.
Sau khi chiếm đoạt tiền của nạn nhân, Lê Thanh Phụng không trực tiếp chuyển toàn bộ tiền lừa đảo vào tài khoản ngân hàng cá nhân của mình mà Phụng hack tài khoản ngân hàng của người khác, rồi chia nhỏ số tiền này để chuyển vào tài khoản chiếm đoạt và phần còn lại chuyển vào các tài khoản game online nhằm đánh lạc hướng cơ quan điều tra.
Qua quá trình điều tra, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế bước đầu xác định, ngoài bà H, đối tượng Phụng đã lừa đảo chiếm đoạt của nhiều nạn nhân trên cả nước với tổng số tiền lừa đảo khoảng 8 tỷ đồng.
Theo Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ngày càng có nhiều người dân ưu tiên giao dịch, thanh toán bằng hình thức qua mạng Internet. Vì thế, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là thông qua mạng xã hội, lợi dụng sự cả tin và nhu cầu thanh toán tiền mua bán online để yêu cầu nạn nhân cung cấp hình ảnh thẻ ngân hàng, các thông tin về tài khoản ngân hàng thông qua đường link mà đối tượng cung cấp như tên tài khoản, mật khẩu, mã OTP nhằm đánh cắp tài khoản và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân.
Vì vậy người dân cần cảnh giác khi sử dụng mạng xã hội và cẩn trọng hơn khi thực hiện các giao dịch, chuyển tiền qua mạng Iinternet. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu, mã OTP, không nhấp vào các đường link do các đối tượng hoặc người mua hàng chuyển đến.