Hành trình khám phá vụ cướp 2 triệu USD

Thứ Bảy, 29/03/2025, 10:09

Với thủ đoạn giả danh công an, nhóm đối tượng đe dọa nạn nhân nghi vấn liên quan đến số tiền bất minh để chiếm đoạt hơn 2 triệu USD ở huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Sau khi vụ án xảy ra, cơ quan điều tra đã xác lập chuyên án đấu tranh. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa Công an tỉnh Tây Ninh cùng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và công an nhiều tỉnh, thành phố khác đã nhanh chóng bắt giữ các đối tượng gây án, thu hồi toàn bộ tài sản.

Thú tội vì bị lật kèo

Sự việc bắt đầu lúc 17 giờ ngày 11/3/2025, Phạm Lý Phương (sinh năm 1991, ngụ ấp Thuận Tây, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) cùng bà P.T.M.L (sinh năm 1982, ở quận 3, thành phố Hồ Chí Minh) cùng đến trực ban hình sự Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh trình báo về việc bị cướp hơn 2 triệu USD. Khi nhận tin, lãnh đạo Phòng đã phân công các điều tra viên lấy lời khai của Phương và bà L. để tìm thủ phạm.

Hành trình khám phá vụ cướp 2 triệu USD -0
Đại tá Nguyễn Văn Trãi, Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh khen thưởng các đơn vị tham gia phá án.

Làm việc với điều tra viên, bà L. bức xúc tố cáo: “Phương đã cấu kết với đồng bọn giả danh công an, cướp 2.281.700 USD của tôi tại ấp Thuận Tây, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, vào ngày 10/3. Bởi lẽ, chỉ có Phương mới biết được thời gian, địa điểm cất giấu số tiền lớn này. Tôi có quen với bà L.T.H.O. (sinh năm 1957, mẹ ruột Phương) và phân công nhân viên mang tiền đến giao cho bà O. để mang giúp qua Campuchia cho bà H. (ngụ ở Campuchia) mượn làm ăn. Do vậy, Phương nghe ngóng và biết thông tin từ mẹ ruột”.

Khác với vẻ mặt hoảng hốt của bà L., Phạm Lý Phương khá bình thản khai nhận hành vi gây án của mình. Phương thừa nhận, do biết được quan hệ quen biết làm ăn chung của bà L., cụ thể, ngày 8/3, bà H. mượn bà L. số tiền 2.500.000 USD để kinh doanh. Khoảng 11 giờ ngày 10/3, sau khi chuẩn bị số tiền 2.281.700 USD, bà L. giao cho nhân viên của mình là L.T.Đ., (sinh năm 1990, ngụ huyện Gò Dầu) đem tiền từ thành phố Hồ Chí Minh về Tây Ninh giao cho bà O. theo yêu cầu của bà H. để đưa tiền sang Campuchia. 

Phương biết được việc mẹ mình nhận tiền USD để mang sang Campuchia cho bà H., nên đã liên hệ với các đồng bọn, gồm: Đào Xuân Lộc (sinh năm 1991, ngụ Đồng Nai), Nguyễn Tuấn Anh (sinh năm 1993, ngụ Ninh Bình), Nguyễn Anh Duy (sinh năm 1993, ngụ Bình Định). Khi đó, Phương cung cấp thông tin về địa điểm cất giữ tiền trong nhà mình và cùng lên kế hoạch thực hiện. Đáng lưu ý, trong cuộc trò chuyện với đồng bọn, Phương nhấn mạnh về quy luật sinh hoạt của nạn nhân, thời gian, địa điểm để chúng dàn cảnh cướp tài sản. Tiếp đó, bọn chúng liên hệ với Lê Nguyên Bình (sinh năm 1988, ngụ Gia Lai, nơi ở: thành phố Hồ Chí Minh) cùng gây án. 
Đúng theo kế hoạch, chiều 10/3, nhóm cướp giả danh công an điều khiển ô tô BKS: 95A-071.36 đến nhà bà O., yêu cầu nạn nhân xuất trình giấy tờ và giải trình về nguồn gốc số tiền trên. Đồng thời, bọn chúng yêu cầu nạn nhân đến trụ sở công an để lấy lời khai làm rõ vụ việc nghi vấn có dấu hiệu rửa tiền. Khi nạn nhân vào phòng thay đồ để chuẩn bị đi cùng, các đối tượng nhanh chóng lấy toàn bộ số tiền rồi tẩu thoát. Gây án xong, nhóm cướp “biến mất” cùng số tiền mà không chia cho Phương. 

Hành trình khám phá vụ cướp 2 triệu USD -0
Đối tượng Phạm Lý Phương cầm đầu nhóm cướp.

Đại tá Nguyễn Văn Trãi, Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh nhớ lại: “Nhận thấy đây là vụ án phức tạp, đặc biệt nguy hiểm, tài sản thiệt hại rất lớn, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh đã báo cáo Ban Giám đốc Công an tỉnh và Cục Cảnh sát hình sự để xin ý kiến chỉ đạo xử lý, giải quyết một số tình huống cấp bách, phức tạp khi xảy ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm trật tự xã hội. Ngay sau đó, tôi đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự khẩn trương xác lập chuyên án đấu tranh, phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ khác của Công an tỉnh tổ chức khám nghiệm hiện trường, xác minh, củng cố tài liệu chứng cứ để xử lý theo quy định pháp luật”.

Đồng thời, nhiều tổ trinh sát khác sàng lọc các đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự về các tội xâm phạm sở hữu như, cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản; các đối tượng nghi vấn trên địa bàn và có biểu hiện bất minh về thời gian trước, trong và sau khi gây án. Từ các tài liệu, chứng cứ thu thập được, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh xác định, lời khai của Phương khá trùng khớp với các kết quả xác minh, điều tra vụ án. Đến ngày 15/3, các tổ trinh sát đã bắt giữ được Lê Nguyên Bình tại khách sạn Grand Hotel (địa chỉ C63-LK ô số 45, khu đô thị mới Lê Trọng Tấn, phường Dương Nội, quận Hà Đông, TP Hà Nội) và thu giữ 1.959.800 USD. Đây là tang vật của vụ án do đồng bọn sắp xếp cho Bình ra Hà Nội để nhận tiền nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Hành trình khám phá vụ cướp 2 triệu USD -0
Đối tượng Lê Nguyên Bình cùng tang vật tại khách sạn.

Đại tá Nguyễn Văn Trãi cho biết thêm, qua điều tra, đến ngày 17/3, Cơ quan CSĐT ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Cướp tài sản” và “Che giấu tội phạm”. Đến ngày 20/3, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tây Ninh đã ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Lý Phương về tội “Cướp tài sản” và khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Lê Nguyên Bình về tội “Che giấu tội phạm”. Tiếp đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tây Ninh đã ra quyết định khởi tố bị can, ra quyết định truy nã toàn quốc đặc biệt nguy hiểm đối với Đào Xuân Lộc, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Anh Duy về tội “Cướp tài sản”.

3 kẻ trốn truy nã đặc biệt nguy hiểm

Tuy khá vất vả sau hành trình cùng đồng đội vây bắt thành công 3 đối tượng bị truy nã toàn quốc nguy hiểm tại tỉnh Gia Lai, nhưng Thượng tá Lê Vinh Tùng, Phó trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự đã sẻ chia ngay quá trình bắt giữ các đối tượng.

Anh kể lại: Trước đó, Cục Cảnh sát hình sự nhận tin về vụ cướp tài sản ở Tây Ninh. Ngay sau khi nhận được báo cáo, Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã giao Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự chỉ đạo Phòng Trọng án chủ trì, phối hợp cùng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh tập trung lực lượng truy xét, không để đối tượng trốn ra nước ngoài và tiếp tục gây án hoặc tẩu tán tài sản của nạn nhân.
Qua điều tra ban đầu, Cơ quan công an xác định, các nghi phạm trên có tiền án, tiền sự, manh động liều lĩnh, từng sống ở Campuchia và có kinh nghiệm đối phó với cơ quan chức năng. Sau khi xác định hướng di chuyển của nhóm đối tượng, các trinh sát, điều tra viên dày dạn kinh nghiệm Cục Cảnh sát hình sự đã khẩn trương phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an lần theo dấu vết của nhóm đối tượng.

Qua xác minh ban đầu, các trinh sát xác định, 3 đối tượng trên đi tàu Thống Nhất SE6 lúc 15h ngày 11/3 và xuống ga Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa vào ngày 12/3. Để truy xét bắt giữ, ngăn chặn các đối tượng trốn ra nước ngoài, Cục Cảnh sát hình sự đã ra thông báo và đề nghị công an các đơn vị, địa phương phối hợp, hỗ trợ. Cụ thể, tập trung lực lượng Công an tỉnh, thành phố rà soát danh sách lưu trú khách sạn, nhà nghỉ... để phát hiện các đối tượng; đồng thời, thông báo cho các đồn biên phòng và công an sân bay, cửa khẩu ngăn chặn các đối tượng khi xuất cảnh hoặc đi chuyển bằng đường hàng không. 

Thượng tá Lê Vinh Tùng cho biết thêm: Những ngày sau đó, các trinh sát, điều tra viên Cục Cảnh sát hình sự phối hợp cùng Công an tỉnh Tây Ninh, công an các tỉnh, thành phố như: Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội, Quảng Ninh và Gia Lai tập trung lực lượng truy xét các đối tượng. Quá trình truy bắt, nhóm tội phạm di chuyển bằng nhiều phương tiện, hướng ra Bắc nhằm mục đích tẩu tán tài sản; sau đó, di chuyển bằng nhiều phương tiện ngược về miền Trung nhằm mục đích trốn sang Lào hoặc Campuchia.

Hành trình khám phá vụ cướp 2 triệu USD -0
Các đối tượng Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Anh Duy, Đào Xuân Lộc và thời điểm mua vé lên tàu để lẩn trốn.

Các tổ công tác Cục Cảnh sát hình sự còn phối hợp cùng công an các tỉnh biên giới và bộ đội biên phòng phong tỏa các tuyến biên giới, đường mòn, lối mở, không để nghi phạm tẩu thoát. Sau khi hết đường trốn chạy, buộc chúng phải chạy ngược lên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên để lẩn trốn. Đến 12h ngày 24/3, Cục Cảnh sát hình sự đã phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Gia Lai bắt giữ Lò Việt Chung (sinh năm 1993, ngụ Đồng Nai) cùng các đối tượng trên lẩn trốn tại một lán trại thuộc thôn Nông Trường, xã Ia Glai, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, thu giữ toàn bộ tang vật là vật chứng của vụ án và 3 ô tô là phương tiện nhóm này dùng để trốn chạy.

Tại thời điểm bị bắt, các đối tượng còn ráo hoảnh cho rằng mình bị bắt nhầm. Chỉ khi các điều tra viên, trinh sát đưa ra các lập luận sắc bén về đặc điểm nhận dạng, dấu vết để lại hiện trường, cùng lời khai của đồng bọn thì chúng mới chịu cúi đầu nhận tội, bước đầu thừa nhận cùng Phạm Lý Phương và Lê Nguyên Bình gây án. Lò Việt Chung chưa kịp tìm đường để cả nhóm vượt biên ra nước ngoài thì bị bắt giữ.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh và Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, sau 13 ngày tập trung lực lượng, phương tiện đấu tranh, đến ngày 24/3, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh, Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ công an các tỉnh, thành phố khác đã bắt giữ toàn bộ nhóm cướp, thu giữ 2.259.800 USD, 3 xe ô tô và nhiều đồ vật liên quan.

Thưởng “nóng” 2 tập thể tham gia phá án 

Ngày 25/3, Công an tỉnh Tây Ninh tổ chức trao thưởng đột xuất cho Phòng Cảnh sát hình sự và Phòng Kỹ thuật nghiệp Công an tỉnh vì có thành tích xuất sắc đấu tranh thành công chuyên án, bắt giữ nhóm đối tượng gây ra vụ cướp hơn 2,2 triệu USD. Đại tá Nguyễn Văn Trãi, Giám đốc Công an tỉnh ghi nhận, biểu dương chiến công của ban chuyên án đã nhanh chóng điều tra, làm rõ, bắt giữ các đối tượng trong vụ án và thu hồi được nhiều tài sản. Đại tá Nguyễn Văn Trãi đánh giá, qua vụ án đã cho thấy sự lớn mạnh của lực lượng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa lực lượng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh với các cục nghiệp vụ của Bộ Công an và công an các tỉnh, thành phố...

Đức Mừng
.
.