Hành trình triệt phá đường dây mua bán người sang Campuchia

Thứ Năm, 04/05/2023, 10:00

Công an tỉnh Lâm Đồng vừa triệt phá đường dây mua bán người sang Campuchia, khởi tố, bắt tạm giam Phạm Xuân Thanh (SN 1984, trú tại phường 7, TP Đà Lạt) và Đới Quang Lưu (SN 1988, tại huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa). Đây là đường dây mua bán người thông qua việc lừa xuất khẩu lao động với thủ đoạn “việc nhẹ lương cao” rồi đẩy nạn nhân ra nước ngoài để bán. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng đang tiếp tục phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an và Công an TP Hà Nội mở rộng điều tra vụ án này.

Lời khai của những người tháo chạy từ sòng bạc

Tháng 8/2022, cả nước chấn động trước thông tin 42 người Việt Nam bất chấp hiểm nguy tính mạng, tháo chạy khỏi sòng bạc do người Trung Quốc làm chủ ở khu vực biên giới Campuchia - Việt Nam. Nhiều người liều mình nhảy xuống sông, vượt biên trở về Việt Nam. Cuộc tháo chạy khiến một người tử nạn do chết đuối dưới sông Bình Di (tỉnh An Giang, giáp tỉnh Kandal, Campuchia), một người khác bị bắt lại, 40 người may mắn thoát được sang bờ phía Việt Nam, được người dân địa phương và cán bộ Cửa khẩu biên phòng Long Bình (An Giang) ứng cứu, giúp đỡ, trong số này có anh Nguyễn Drong Hưng (SN 1993, trú xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng).

Làm việc với Cục Cảnh sát hình sự (CSHS) và Công an tỉnh An Giang, anh Hưng khai sang Campuchia bằng cách vượt biên trái phép dưới sự hỗ trợ của một số người. Từ lời khai ban đầu của anh Hưng, cơ quan chức năng xác định có dấu hiệu của hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép sang Campuchia và hành vi mua bán người.

Hành trình triệt phá đường dây mua bán người sang Campuchia -0
Hai đối tượng Đới Quang Lưu và Phạm Xuân Thanh tại cơ quan Công an.

Nhận được công văn ngày 26/8/2022 của Cục CSHS, Đại tá Trương Minh Đương, Giám đốc và Đại tá Đinh Xuân Huy, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Phòng CSHS lập chuyên án đấu tranh. Ban chuyên án do Thượng tá Đặng Văn Kiên, Trưởng Phòng CSHS làm trưởng ban, Thượng tá Hồ Hải Dương, Phó trưởng Phòng làm phó ban thường trực ban chuyên án. Từ lời khai của anh Hưng, Đội Phòng, chống tệ nạn xã hội và mua bán người, Phòng CSHS Công an tỉnh Lâm Đồng xác định, cùng thời điểm với anh Hưng còn có 3 người khác ở Lâm Đồng: Ka Sã Ha Tiến (SN 1986, trú thôn Chơ Ré, xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng), Kơ Sã Ha Nhiêm (SN 2001, trú thôn Đa Ra Hoa, xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương) và Bàn Văn Tâm (SN 1991, trú thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương), bị kẻ xấu đưa sang Campuchia bán cho khu “Tam Thái Tử” do người Trung Quốc làm chủ. Những người này đã chạy thoát khỏi sòng bạc ở Campuchia về Việt Nam qua đường mòn biên giới vào tháng 8/2022 khi chính quyền nước sở tại tăng cường truy quét, xử lý những băng nhóm tội phạm tại các casino.

Cơ quan công an xác định, cả 4 người trên (gồm cả Nguyễn Drong Hưng), trước đó đều xuất cảnh sang Campuchia. Mở rộng điều tra, Phòng CSHS Công an tỉnh Lâm Đồng còn phát hiện thêm 4 thanh niên khác ở tỉnh Thanh Hóa cũng bị lừa bán sang Campuchia cho người Trung Quốc, gồm: Nguyễn Xuân Hùng (SN 2002), Lường Sỹ Thảo (SN 2002), Phạm Văn Tư (SN 1998), cùng trú xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương và một người tên Huấn (ở TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Những người bị lừa bán sang Campuchia đều làm việc cho các ông chủ người Trung Quốc, bị canh gác ngày đêm, công việc phần lớn liên quan tới hoạt động phi pháp. Những người không hoàn thành nhiệm vụ đều bị chửi mắng, bỏ đói, thậm chí bị đánh đập, chích điện...

Từ lời khai của các bị hại, Phòng CSHS Công an tỉnh Lâm Đồng đã xác định được đối tượng điều hành đường dây mua bán người sang Campuchia là Phạm Xuân Thanh (SN 1984, trú tại phường 7, TP Đà Lạt) và Đới Quang Lưu (SN 1988, trú tại huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) cùng một số người khác. Trong đó, Phạm Xuân Thanh là kẻ chủ mưu, cầm đầu, trực tiếp bán các nạn nhân cho những doanh nghiệp do người Trung Quốc làm chủ tại Campuchia, thu về từ việc bán người khoảng 2.000-3.000 USD/nạn nhân.

Tuy nhiên, để xác định được hai đối tượng này, ban chuyên án đã gặp rất nhiều khó khăn, nhiều lúc tưởng chừng đi vào ngõ cụt do hầu hết các bị hại không khai báo hoặc khai báo nhỏ giọt, có ý bao che cho Đới Quang Lưu. Bởi lẽ, 3 trong 4 nạn nhân ở Lâm Đồng, khi vượt biên trái phép từ Campuchia về nước, bị lực lượng chức năng bắt giữ và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, chính Lưu đã chuyển tiền cho những người này để nộp phạt. Được Đới Quang Lưu cho tiền, hứa hẹn nên sau khi về nước, hầu hết những người này vẫn tự nguyện làm “đệ tử” cho Lưu.

Lộ diện kẻ cầm đầu

Để lần tìm ra các bị hại và thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến đối tượng Phạm Xuân Thanh và Đới Quang Lưu, các trinh sát đã đi lại nhiều lần các nơi như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Phú Quốc... Cuối cùng, kẻ cầm đầu đường dây buôn bán người này là Phạm Xuân Thanh đã dần lộ diện.

Theo kết quả điều tra, tháng 2/2022, khi ấy dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, Phạm Xuân Thanh bị thất nghiệp. Thấy thông tin tuyển dụng đầu bếp cho một casino ở Campuchia với mức lương 700 USD/tháng đăng tải trên nhóm “Hội người Việt tại Campuchia”, Thanh đã đến cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) làm thủ tục xuất cảnh sang Campuchia để tìm việc làm. Đúng như thông tin tuyển dụng, Thanh vào làm việc cho một casino lớn nằm ở khu vực trung tâm thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia). Đây là tòa nhà nhiều tầng, xung quanh có tường rào, nhiều chốt canh gác... Làm việc được thời gian ngắn, Thanh nhờ người phiên dịch xin ông chủ chuyển sang làm ở bộ phận chăm sóc khách hàng.

Hành trình triệt phá đường dây mua bán người sang Campuchia -0
Hai đối tượng Phạm Xuân Thanh và Đới Quang Lưu.

Thời điểm này, casino đang thiếu nhân viên nên chủ casino đề cập với Thanh vấn đề mở một đội riêng để làm việc cho casino. Hai bên giao kèo khi đưa một người vào casino làm việc thì chủ sẽ trả cho Thanh từ 2.000-3.000 USD/người.

Đầu tháng 3/2022, Phạm Xuân Thanh liên lạc với Nguyễn Thanh Quang (trú TP Đà Lạt) nói mình đang làm việc cho một sòng bạc ở Campuchia, đề cập tới vấn đề mở đội làm riêng, đồng thời nhờ Quang tìm những người đang thất nghiệp, biết đánh máy tính, lương 700 USD/tháng, chưa tính “hoa hồng” và thưởng. Hợp đồng lần đầu được ký 6 tháng, sau 6 tháng lương thưởng cao hơn. Nếu trong thời gian làm việc hủy hợp đồng thì bồi thường.

Nguyễn Thanh Quang đem chuyện này nói với Đới Quang Lưu (thường trú xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, tạm trú đường Tô Vĩnh Diện, TP Đà Lạt). Đới Quang Lưu là đối tượng đã có 2 tiền án về tội trộm cắp tài sản và cố ý gây thương tích. Mãn hạn tù, Lưu làm nghề tự do, có hoạt động cho vay lãi nặng để mưu sinh.

Ở cùng phòng trọ với Lưu có Ka Sã Ha Tiến. Sau khi nghe Lưu nói, Tiến rủ bạn là Kơ Sã Ha Nhiêm, Bàn Văn Tâm và Nguyễn Drong Hưng đi sang Campuchia làm việc. Nghe tin Quang báo tìm được 4 người, Thanh báo lại cho quản lý casino biết và được hướng dẫn cách thức đưa họ sang Campuchia. Mọi chi phí làm giấy tờ, đi lại, ăn ở, Thanh nói Quang ứng ra cho mượn, sau Thanh sẽ trả lại.

Ngày 6/3/2022, Quang đưa Ka Sã Ha Tiến, Kơ Sã Ha Nhiêm, Bàn Văn Tâm và Nguyễn Drong Hưng rời Đà Lạt tới cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và xuất cảnh sang Cam[1]puchia. Tại đây, Phạm Xuân Thanh dùng ôtô cá nhân chở những người trên đưa đến thủ đô Phnôm Pênh rồi bán các nạn nhân cho công ty “Tam Thái Tử” do người Trung Quốc làm chủ. Công việc của những người này là sử dụng máy tính để dụ dỗ, lừa đảo người khác sa vào hoạt động cờ bạc, kiếm tiền về cho chủ. Ai làm không được việc sẽ bị người cai quản chửi mắng, bỏ đói, đánh đập... khiến tất cả đều lo sợ và nhận ra mình đã bị lừa bán vào casino do người Trung Quốc làm chủ. Lợi dụng lúc rạng sáng không có người theo dõi, Bàn Văn Tâm đã gọi điện báo cho Đới Quang Lưu và Nguyễn Thanh Quang biết Phạm Xuân Thanh đã bán họ cho người Trung Quốc, đồng thời điện thoại cho Thanh để hỏi rõ sự việc. Tuy nhiên, Thanh khẳng định mình có cổ phần trong công ty nên không có chuyện bán 4 người trên.

Do Bàn Văn Tâm không biết đánh máy tính nên ngày 25/3/2022, Tâm bị công ty “Tam Thái Tử” bán cho công ty khác tại Sihanoukville (Campuchia) với giá 3.000 USD. Sau đó, lần lượt Nhiêm và Hưng cũng bị bán cho các công ty khác vào cuối tháng 3/2022. Thời điểm này, Phạm Xuân Thanh tiếp tục nhờ Đới Quang Lưu tìm thêm người để đưa sang Campuchia. Thanh hứa hẹn sẽ trả cho Lưu 5 triệu đồng/người. Nảy lòng tham, Lưu điện thoại cho một người tên Bắc (ở Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) nhờ tìm người đưa sang Campuchia làm việc. Sau đó, Bắc giới thiệu cho Lưu 4 người: Nguyễn Xuân Hùng (SN 2002), Lường Sỹ Thảo (SN 2002), Phạm Văn Tư (SN 1998), cùng trú xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương và một người tên Huấn (ở TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa). 3 ngày sau, Lưu nhắn tin Zalo báo cho Thanh biết 4 người trên đã tập trung ở Đà Lạt, đồng thời gửi giấy tờ của họ để Thanh nhờ làm hộ chiếu. Ngày 31/3/2022, Thanh chuyển khoản cho Lưu 2 triệu đồng chi phí ăn ở, đi lại cho 4 bị hại. Đầu tháng 4/2022, Thanh đặt vé máy bay cho các anh Hùng, Tư, Thảo từ Đà Lạt ra Hà Nội để làm hộ chiếu, còn Huấn từ Đà Lạt xuống TP Hồ Chí Minh để sang Campuchia.

Ngày 8/4/2022, theo sự sắp xếp của Thanh, các anh Hùng, Tư và Thảo ra Hà Nội làm hộ chiếu, sau đó được người tên Việt Anh đưa đến TP Hồ Chí Minh rồi đi qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài sang Campuchia. Tới nước sở tại, Thanh lập tức bán họ cho công ty “Tam Thái Tử”.

Ngày 9/4/2022, Thanh chuyển khoản cho Lưu 26 triệu đồng tiền công giới thiệu 4 người. Trong những người mà Thanh bán cho casino do người Trung Quốc quản lý hoặc làm chủ, có người bị cưỡng bức lao động, người bị đánh đập, chích điện... đã gọi điện cho Thanh để xin cứu giúp nhưng không được Thanh giúp đỡ.

Giữa tháng 4/2022, do bị nhiều người phát hiện việc mình bán người lao động ở Campuchia, Thanh đã cắt liên lạc với Lưu, Quang cùng các bị hại.

Theo Phòng CSHS Công an tỉnh Lâm Đồng, đối tượng Đới Quang Lưu rất ma mãnh. Sau khi các bị hại vượt biên trở về, Lưu nhanh chóng tiếp cận, mua chuộc họ, thống nhất lời khai: Lưu không có hành vi bán họ sang Campuchia mà chỉ giúp họ đi xuất khẩu lao động theo nhu cầu, Phạm Xuân Thanh mới là người đã bán họ cho các công ty cưỡng bức người lao động ở Campuchia. Do đó, phần lớn bị hại không khai ra vai trò, hành vi của Lưu. Chỉ đến khi các trinh sát Phòng CSHS Công an tỉnh Lâm Đồng tìm thấy Phạm Văn Tư, lời khai của nạn nhân này đã hé lộ hành vi phạm tội của Đới Quang Lưu và đối tượng Việt Anh (thường trú Hà Nội).

Việt Anh là đối tượng đã trực tiếp đưa 4 bị hại từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh, sau đó đưa đến cửa khẩu Mộc Bài để những người này sang Campuchia. Củng cố nhiều tài liệu, chứng cứ khác, Phòng CSHS Công an Lâm Đồng đã đấu tranh, làm rõ hành vi, vai trò của Đới Quang Lưu và bắt giữ đối tượng. Đồng thời, phối hợp với Công an TP Hà Nội điều tra, làm rõ hành vi của Việt Anh. Đối tượng này cũng đã bị Công an TP Hà Nội bắt tạm giam.

Thời điểm Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng xác định Phạm Xuân Thanh là kẻ chủ mưu thì đối tượng này đang lẩn trốn ở Campuchia nên chưa thể thực hiện lệnh bắt. Lúc 10h30 ngày 19/4 vừa qua, nguồn tin trinh sát xác định, Thanh sẽ từ Phú Quốc về TP Hồ Chí Minh trên chuyến bay lúc 18h40 cùng ngày. Được sự hỗ trợ của Cục CSHS phía Nam, ban chuyên án lập tức di chuyển từ Đà Lạt xuống TP Hồ Chí Minh đón lõng, bắt giữ đối tượng này ngay khi máy bay vừa hạ cánh.

Sau khi bán 8 người lao động ở Campuchia, Phạm Xuân Thanh thu về gần 200 triệu đồng. Đới Quang Lưu được Thanh trả gần 30 triệu đồng. Bị hại của Phạm Xuân Thanh và Việt Anh có thể còn nhiều người khác. Do đó, Công an tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Cục CSHS, Công an TP Hà Nội tiếp tục mở rộng điều tra vụ án.

Khắc Lịch
.
.