Họ là những mắt lưới trời
Trong 3 năm (2021-2023) và hơn 4 tháng đầu năm 2024, Công an các đơn vị, địa phương ở Phú Yên đã truy bắt, vận động đầu thú và thanh loại 100 đối tượng truy nã; truy bắt 20 đối tượng do công an các địa phương khác trong nước ra quyết định truy nã...
Tầm nã 2 kẻ giết người
Theo hồ sơ truy nã, tối 14/8/2022, chỉ vì mâu thuẫn phát sinh trong khi đi đòi nợ giúp nên anh em Ngô Quyết Nhu (sinh năm 1997), Ngô Viết Tiến (sinh năm 1999) trú ở phường 3, TP Tuy Hòa (Phú Yên) cùng 6 đối tượng mang dao tự chế đến phường 9, TP Tuy Hòa để đánh “đối thủ” Nguyễn Thế Lợi. Khi nạn nhân vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên cấp cứu, anh em Nhu, Tiến cùng 2 đối tượng truy theo, dùng hung khí tấn công anh Lợi trên băng ca, rồi rượt đuổi đâm, chém 2 người bạn đã đưa anh Lợi đi cấp cứu, khiến họ bị thương tích nặng.
Dù nạn nhân thoát chết, nhưng từ kết quả điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 8 bị can về tội giết người. Ngoại trừ Nguyễn Đức Thật, Đỗ Văn Tường đã bị bắt tạm giam, 6 đối tượng còn lại là Ngô Quyết Nhu, Ngô Viết Tiến, Trần Cao Lai, Bùi Trọng Lưu, Nguyễn Khắc Thuần, Lê Đức Tiến đều lẩn trốn, nên bị truy nã đặc biệt trên toàn quốc. Sau đó, Thuần, Lai và Đức Tiến lần lượt đầu thú, Lưu bị truy bắt; riêng anh em Nhu, Tiến biệt vô âm tín.
Đại tá Võ Duy Tuấn - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên cho biết, nhiều mối quan hệ của Nhu, Tiến tại một số tỉnh, thành trong nước đã được rà soát, dò tìm từng manh mối, nhưng không phát hiện được dấu tích. Đến khi đấu tranh khai thác mở rộng đối tượng đầu thú vào cuối tháng 1/2024 mới phát hiện Nhu, Tiến đang ẩn mình dưới vỏ bọc nhân viên bảo vệ một casino ở huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri, Campuchia.
Dù vấp phải không ít khó khăn do nghi can đang ở nước ngoài, nhưng với quyết tâm truy bắt đối tượng, các trinh sát triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ xác minh, truy xét và được biết Nhu, Tiến dự tính về Việt Nam, nhưng không qua cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ (Gia Lai), mà theo đường nội địa Campuchia đến huyện Pechr Chenda, tỉnh Mondulkiri để qua cửa khẩu Đăk Peur, xã Thuận An, huyện Đăk Mil (Đắk Nông). Theo đó, một mũi trinh sát được lệnh ngược lên Tây Nguyên phối hợp Bộ đội biên phòng, Công an tỉnh Đắk Nông “đón lõng” đối tượng. Thế nhưng, đến giờ chót phát sinh tình huống bất ngờ, 2 kẻ trốn nã được một casino khác tuyển dụng làm bảo vệ nên ở lại Ratanakiri.
Với sự hỗ trợ tích cực của cảnh sát tỉnh Ratanakiri, chiều tối 15/3, các trinh sát đã phát hiện, bắt giữ Nhu, Tiến đang ẩn mình tại một căn phòng trên tầng 5 khách sạn Mitltapheap trong khu casino ở huyện Oyadav. Khi kiểm tra thủ tục hành chính, cảnh sát tỉnh Ratanakiri phát hiện 2 đối tượng đã nhập cảnh trái phép vào Campuchia theo đường tiểu ngạch, rồi mua giấy thông hành giả mạo để đi lại, nên Tòa án tỉnh Ratanakiri ra lệnh tạm giam Nhu, Tiến để điều tra và xử lý theo pháp luật quốc gia sở tại.
Sa lưới sau vài chục năm trốn nã
Nói về các cuộc tầm nã đối tượng lẩn trốn thâm niên, Thượng tá Trần Thanh Tâm - Trưởng Phòng CSHS Công an tỉnh Phú Yên chia sẻ, gian nan nhất là hành trình truy bắt Hoàng Lê Thành (sinh năm 1964) trú ở xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) trốn nã hơn 24 năm. Hồi ấy, tàu cá PY-9027 BTS của Hợp tác xã nghề cá Trung Hòa, xã Hòa Hiệp Trung, huyện Tuy Hòa (Phú Yên) có tổng trị giá hơn 150 lượng vàng và là tài sản tập thể. Trong một đêm neo bờ giữa tháng 9/1999, tàu cá này cùng người trông giữ đã biến mất.
Giữa lúc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên vào cuộc xác minh, thì sáng 20/9/1999, Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định phát hiện tàu cá bên bãi biển TP Quy Nhơn, nhưng nhiều linh kiện, thiết bị hiện đại đã bị tháo mất. Sau cuộc điều tra, ngày 11/10/1999, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên khởi tố vụ án và bị can, đồng thời truy nã Hoàng Lê Thành về tội trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa theo Điều 132, Bộ luật Hình sự năm 1985. Hàng chục cuộc truy lùng đã được triển khai ráo riết nhưng bất thành, (trong đó có lần trinh sát cải trang “lâm tặc” luồn sâu rừng già ở tỉnh Ninh Thuận) khi nghe tin nghi can theo nhóm săn bắt thú rừng; có lần sắm vai ngư dân đến những làng chài ở Bà Rịa - Vũng Tàu để “xin việc”...
Một đêm giữa tháng 11/2023, trinh sát Phòng CSHS Công an tỉnh Phú Yên đã vây bắt Thành tại phường Mỹ Bình, TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận). Thành khai nhận sau khi trộm cắp tàu cá chạy ra Bình Định tháo lấy thiết bị, đưa lên tàu hỏa chuyển vào Ninh Thuận để bán. Trong hành trình lẩn trốn, gã đã trộm cắp giấy tờ của nhiều người nhằm tạo vỏ bọc.
Một cuộc tầm nã khác không kém phần kịch tính do Thượng tá Nguyễn Duy Toàn, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên chỉ huy vào cuối tháng 1/2024. Đó là cuộc truy bắt Cao Quốc Thông, thường gọi Nguyễn Văn Đấu (SN 1986), trú ở xã An Thạnh, huyện Bến Lức (Long An), bị truy nã đặc biệt nguy hiểm về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức theo Điều 341, Bộ luật Hình sự.
Khởi đầu vào giữa tháng 7/2022, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên vào huyện Bến Lức (Long An) truy xét hành tung nhóm làm giả giấy tờ, rao chào câu khách qua Facebook, Zalo “Thiên Kim”. Sau khi bắt khẩn cấp Phạm Minh Hiền (sinh năm 2001) trú ở xã Bình Thành, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) và Nguyễn Văn Phong (sinh năm 1976) trú ở xã Long Can, huyện Cần Đước (Long An), tổ công tác khám xét khẩn cấp nơi ở của 2 đối tượng, thu giữ hơn 110 con dấu của cơ quan, tổ chức cùng hàng chục công cụ, thiết bị sản xuất giấy tờ giả, phôi văn bằng, chứng chỉ và nhiều tài liệu giả chưa giao cho khách hàng...
Hiền và Phong là đồng phạm, còn kẻ cầm đầu là Cao Quốc Thông, bị khởi tố, truy nã từ giữa tháng 3/2023, nhưng 10 tháng ròng rã truy lùng qua các tỉnh miền Tây Nam bộ không phát hiện dấu tích nghi can. Nhiều biện pháp nghiệp vụ đã được triển khai nhưng Thông liên tục thay đổi nơi tạm trú, có lúc trinh sát đến nơi này thì gã đã “chuồn” nơi khác. Đến giữa tháng 1/2024, tổ công tác truy vết xuyên suốt một tuần lễ ở TP Hồ Chí Minh tại nhiều doanh nghiệp cung cấp mực in chuyên dụng, đã phát hiện nam shipper thường giao hàng cho người khách giấu mặt có số điện thoại trùng với số Thông từng sử dụng riêng trước kia, nên trinh sát bí mật truy bám và đã bắt giữ Thông khi đang lẩn trốn tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh. Khám xét nơi ở đối tượng này, tổ công tác thu giữ hàng trăm tài liệu giả, công cụ, phương tiện sản xuất giấy tờ giả, mà trong thời gian trốn nã Thông tiếp tục phạm tội.
Tiếp đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên tìm ra manh mối đối tượng Đặng Văn Thuê (sinh năm 1954), trú ở đường Hữu Nghị, huyện Thủ Đức (nay là TP Thủ Đức), TP Hồ Chí Minh. Trinh sát đã tác động người thân đưa đối tượng này ra đầu thú sau 34 năm trốn nã về tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông, vận tải theo Điều 186, Bộ luật Hình sự năm 1985.
Tiếp xúc phóng viên Chuyên đề An ninh thế giới, Thượng tá Lê Minh Hải, Phó trưởng Công an TP Tuy Hòa (Phú Yên) điểm lại hành trình ngược xuôi hơn 1.400 km trong chuyến đi cuối cùng bắt giữ Nguyễn Văn Cường (sinh năm 1974, trú ở thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh, TP Nha Trang) sau gần 29 năm trốn nã. Ngày 10/10/1994, Cường bị Công an huyện Tuy Hòa (trước đây) khởi tố bị can, truy nã về tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 198, Bộ luật Hình sự năm 1985.
Chỉ 4 ngày sau đối tượng này bị bắt, nhưng mới “nhập kho” 10 ngày Cường đã đào tẩu, nên ngày 24/10/1994 Cường bị truy nã toàn quốc về tội trốn khỏi nơi giam giữ theo Điều 245, Bộ luật Hình sự năm 1985. Nhiều cuộc truy lùng đã triển khai nhưng bóng dáng đối tượng vẫn bặt vô âm tín. Đến đầu tháng 1/2005, thị trấn Phú Lâm chuyển giao TP Tuy Hòa và thành lập phường Phú Lâm, nên hồ sơ truy nã Nguyễn Văn Cường chuyển giao Công an TP Tuy Hòa tiếp tục truy bắt.
Dù thông tin truy nã mờ nhạt, các mối quan hệ đối tượng không còn, thậm chí người thân đồn đoán Cường đã chết hoặc ra nước ngoài, nên việc xác minh như mò kim đáy bể. Dẫu vậy, các trinh sát vẫn nỗ lực rà soát từng manh mối, tra cứu nhiều thông tin trên cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, đầu tháng 9/2023, trinh sát phát hiện nghi can đang mưu sinh tại TP Hồ Chí Minh với vỏ bọc là Trần Thanh Liêm (sinh năm 1970), trú ở xã An Bình, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp).
Khi nghe các trinh sát nói đúng họ tên, gốc gác, Cường biết không thể chối cãi nên khai nhận xuyên suốt hành trình lẩn trốn, gã không liên lạc gia đình và người thân, thường xuyên thay đổi họ tên, nơi tạm trú qua nhiều tỉnh, thành phía Nam. Bằng thủ đoạn mạo danh Trần Thanh Liêm, kẻ trốn nã đã đăng ký cư trú tại địa chỉ nêu trên và được cấp giấy tờ tùy thân. Cường tưởng đã an thân nhờ vỏ bọc hợp pháp, nào ngờ đã sa lưới sau 29 năm trốn nã.
Trước đó 1 tháng, Đội CSHS Công an TP Tuy Hòa cũng đã dò tìm, bắt giữ Đặng Văn Minh (sinh năm 1969) trú ở xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh (Phú Yên) là đối tượng trốn nã hơn 30 năm. Hồi đó Minh vừa bị TAND huyện Tuy Hòa trước đây xử phạt 6 tháng tù về tội trộm cắp tài sản, nhưng đã tìm cách “chuồn” khỏi nhà tạm giữ, nên bị Công an huyện Tuy Hòa khởi tố, truy nã về tội trốn khỏi nơi giam giữ từ ngày 15/7/1993. Sau nhiều năm truy lùng bất thành, đến giữa tháng 8/2023, các trinh sát phát hiện Minh đang sinh sống cùng người vợ hờ tại phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang (Khánh Hòa) dưới vỏ bọc Đặng Minh Đức, nên đã vây bắt trước sự ngỡ ngàng của nhiều người dân đang nhầm tưởng gã đàn ông này là công dân tốt.
Theo Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên, trong 3 năm (2021-2023) và hơn 4 tháng đầu năm 2024, Công an các đơn vị, địa phương ở Phú Yên đã truy bắt, vận động đầu thú và thanh loại 100 đối tượng truy nã; truy bắt 20 đối tượng do công an các địa phương khác trong nước ra quyết định truy nã.
Đến ngày 10/5/2024, toàn tỉnh Phú Yên còn 26 đối tượng truy nã đang được công an các đơn vị địa phương tích cực triển khai các biện pháp truy bắt. Người xưa có câu “Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó thoát” quả đúng như thế và những người lính hình sự được ví như những mắt lưới trời.